Có cần cấm không?

06:50 | 14/03/2014

1,699 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không quản được thì cấm. Đó là điệp khúc lâu nay trong việc ban hành các chính sách, quy định. Nhưng việc ban hành thì cứ ban hành, còn thực hiện thế nào thì không có hồi âm. Chính vì thế, bao nhiêu quy định mới nghe có vẻ rất thiết thực nhưng thực tế thì tất cả lại đi vào quên lãng.

Năng lượng Mới số 303

Mới đây, Bộ Nội vụ công bố dự thảo Chỉ thị về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu và của công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. Theo đó, nghiêm cấm công chức, viên chức uống bia, rượu trong giờ hành chính, kể cả giờ nghỉ trưa và ngày trực; không đi uống cà phê, la cà quán xá, chơi điện tử, xem video trong giờ làm việc; không đi sớm về muộn.

Các trường hợp là người đứng đầu, công chức, viên chức khi vi phạm kỷ luật lao động, lề lối làm việc...phải được làm rõ nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm cụ thể để xử lý kỷ luật nghiêm minh.

Đầu năm ngoái, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói có 30% “công chức cắp ô”. Nghĩa là có thể thải loại 30% số công chức hiện có trong bộ máy công quyền mà không ảnh hưởng gì đến công việc. Nhưng đến cuối năm, Bộ nội vụ lại đưa ra con số chỉ có 1% công chức làm việc không hiệu quả. Hai số liệu này cách xa nhau một trời một vực. Nay Bộ Nội vụ đưa ra dự thảo nghiêm cấm công chức, viên chức uống bia rượu trong giờ hành chính; không đi uống cà phê, la cà quán xá, chơi điện tử, xem video… thì lại có điều đáng phải bàn. Bởi nếu chỉ có 1% công chức làm việc không hiệu quả, la cà quán xá và chơi game thì ở phạm vi mỗi cơ quan, công sở có thế quản lý và chấn chỉnh được, làm gì phải ra chỉ thị cấm!

Vấn đề tiếp theo là nếu chỉ thị nói trên được ban hành thì ai sẽ là người có trách nhiệm theo dõi và xử lý những công chức vi phạm. Bởi 99% công chức bận rộn với công việc chuyên môn rồi, thời gian đâu đi theo dõi 1% công chức vi phạm(?)

 Năm 2013, ở một số địa phương đã tiến hành biện pháp thử nghiệm, giám sát công chức bỏ nhiệm sở, la cà hàng quán, đi muộn về sớm nhưng cũng chỉ rộ lên một đợt rồi lại đâu vào đấy cả. Tỉnh Quảng Trị thực hiện chủ trương ghi hình những cán bộ vi phạm để phát lên sóng Đài Phát thanh truyền hình tỉnh. Lần đầu tiên, đoàn kiểm tra đã khiến nhiều cán bộ, công chức cũng sợ khi hình ảnh của một số vị lãnh đạo cấp sở, huyện vi phạm giờ giấc hành chính bị đưa lên tivi. Mặc dù có những ý kiến bàn tán trái chiều nhưng đó là chỉ thị của đồng chí chủ tịch UBND tỉnh nên không ai phản đối được. Ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nói: “Ai cũng hưởng lương như nhau mà người làm người chơi là không được. Đối với các công chức, viên chức vi phạm, lần đầu có thể chỉ nhắc nhở, nhưng nếu tái phạm sẽ không được bình xét thi đua, khen thưởng trong năm, riêng đối với trường hợp vi phạm có hệ thống, tỉnh sẽ có biện pháp xử lý nặng hơn...”. Biện pháp đó của Quảng Trị đã chấn chỉnh được tác phong làm việc của cán bộ

Cũng năm 2013, ông Lương Ngọc Bính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cùng Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Sơn và một số cán bộ thanh tra đã mục kích tại một số quán cà phê trên địa bàn TP. Đồng Hới. Sau khoảng một giờ, đoàn đã bắt quả tang hàng chục cán bộ, công chức đang ngồi tán gẫu ở quán cà phê. Những cán bộ công chức này sau đó đã được lập danh sách gửi về các cơ quan, đơn vị quản lý nhắc nhở.

Lại phải xem xét cách xử lý của hai tỉnh trên đây. Phát động kiểu chiến dịch thì chỉ thực hiện thí điểm một vài đợt, có hiệu quả rõ rệt. Nhưng lấy đâu lực lượng và thời gian để duy trì việc theo dõi, giám sát như vậy. Nếu kiểm tra theo cách ấy, chắc chắn sẽ không thể giải quyết được tận gốc mà chỉ khiến những cán bộ thiếu ý thức nghĩ ra những biện pháp đối phó tinh vi. Khi ở cơ quan, công sở, chắc gì họ đã chịu làm việc. Như vậy là, không ngồi quán cà phê vô tích sự thì nay họ ngồi trong cơ quan vô tích sự. Bởi theo phân tích về 30% công chức cắp ô, họ không biết làm gì ngoài việc tán gẫu, đọc báo, chơi games. Tệ hại hơn là nếu trong số công chức ấy, những người thuộc ê kíp “con ông, cháu cha”, họ trở thành cò mồi chạy chọt, thu lợi bất chính thì vốn đã thành tiền lệ lâu nay.

“Nhàn cư vi bất thiện”, điều đó được chứng minh rất rõ khi năm nào cũng bắt được hàng loạt cán bộ, công chức nhà nước đánh bạc. Có những canh bạc mà số tiền thu được rất lớn. Công việc ở công sở thì ùn tắc nhưng công chức thì vô tư đi lễ chùa, nhậu nhẹt kéo dài suốt ngày đến đêm thâu.  Nó chứng tỏ tinh thần kỷ luật của công chức, viên chức rất kém, ý thức trách nhiệm và tính tự giác với công việc rất tồi.

Chắc chắn sẽ không cấm được cán bộ, công chức, viên chức uống rượu hay chơi game. Họ có đủ lý do để giải thích cho hành vi của mình và cũng chẳng ai đủ sức để kiểm soát hết hành vi của nhiều người trong một công sở. Bởi những người ngồi trước máy tính, ai biết được họ đang làm gì. Nếu họ không chơi game thì đọc báo, xem phim, lên facebook chat với bạn bè. Tất cả đều là ăn cắp giờ hành chính để làm việc riêng.

Đưa ra những quy định cấm này chỉ là hình thức. Mà biết nó là hình thức nhưng vẫn cứ ban hành thì lại là điều đáng trách. Đã có bao nhiêu văn bản quy định, cấm cái nọ, ngăn chặn cái kia nhưng có thực hiện được đâu. Vấn đề ở đây cần thấy rõ là cán bộ, công chức, viên chức của nước ta đang quá thừa, người nhiều mà việc ít. Chỉ có người nhiều việc ít mới rỗi rãi để uống rượu, cà phê và chơi game. 30% “cán bộ vác ô” là một sự thật hiển nhiên mà dự thảo nêu trên của Bộ Nội vụ là nhằm đối phó với số công bộc đó.

Ai đã từng đi thăm những nước văn minh thì rõ, công chức làm việc tất bật suốt thời gian hành chính, lấy đâu ra thời gian để ngồi tán dóc, chơi game. Rồi ngay ở những doanh nghiệp tư nhân hay công ty nước ngoài hoạt động tại nước ta, công nhân viên làm việc quần quật từ sáng đến tối, đến nghỉ ăn trưa hoặc giữa ca cũng phải tính chuẩn xác đến từng phút. Ai lơ là một chút đã bị đuổi việc hoặc trừ lương ngay. Tinh thần làm việc như vậy thì việc gì phải ra những quy định cấm.

Như vậy có thế thấy rằng, muốn chấn chỉnh tác phong làm việc, ngăn chặn công chức bỏ giờ la cà hàng quán… thì có 2 việc cần thiết nhất phải làm. Một là người đứng đầu các cơ quan, công sở phải gương mẫu, thường xuyên giáo dục ý thức tự giác cho nhân viên cấp dưới thuộc quyền về ý thức kỷ luật lao động. Hai là biện pháp cứng rắn hơn, đuổi ngay 30% công chức, viên chức vác ô đi thì chất lượng hành chính công nâng lên và chắc chắn rằng, không có ai uống rượu hay chơi game trong giờ làm việc nữa.

Như vậy thì chẳng phải bận tâm đến việc soạn thảo và ban hành những quy định cấm làm gì để mang tiếng hình thức mà vẫn không mang lại hiệu quả gì.

Bùi Đức