Có ai không gắn với doanh nghiệp?

11:19 | 23/11/2022

977 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cảm nhận về cuộc sống thuận lợi hay khó khăn của mọi cá nhân trong xã hội nói chung đều theo sức khỏe của nền kinh tế, kiểu như nước nổi thì bèo nổi. Đất nước chưa phát triển thì chỉ số tăng trưởng GDP là biểu hiện của thu nhập người dân tăng dần lên. Những nước đã phát triển cao thì chủ yếu giữ được mức GDP bình quân đầu người ở đỉnh cao hoặc tăng trưởng thấp.
Trái phiếu và nợ của doanh nghiệpTrái phiếu và nợ của doanh nghiệp
Nghịch lý dư luận nhìn nhận về bất động sảnNghịch lý dư luận nhìn nhận về bất động sản
Có ai không gắn với doanh nghiệp?
(Ảnh minh họa)

Cấu thành GDP là tiêu dùng của người dân, của chính phủ và của cả người nước khác (xuất khẩu). Chính phủ vay nợ về chi tiêu để xây dựng hạ tầng làm nền móng cho phát triển kinh tế cũng kéo theo việc làm tạo thu nhập của người dân để có chi tiêu.

Xuất khẩu được thì dù chỉ là hàng gia công thì ít nhất cũng có tiền lương để có chi tiêu trong nước.

Sản phẩm tiêu dùng của xã hội là hàng hóa và dịch vụ. Chủ thể làm ra hàng hóa và dịch vụ là các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, các tổ chức dịch vụ công. Bất cứ ai trong xã hội này có thu nhập thì thu nhập đều là khoản chi phí cấu thành giá thành hàng hóa và dịch vụ, trừ đó là thu nhập nhận được từ nước ngoài tài trợ.

Tiền lương hưu nhận được chẳng hạn là từ chi phí đóng BHXH trong quá khứ đã đi vào giá thành sản phẩm. Thu nhập của một bộ phận lớn từ ngân sách nhà nước là từ tiền thuế trong giá bán sản phẩm. Thu nhập tiền lương và nhuận bút của nhà báo chẳng hạn là một phần từ ngân sách, một phần từ các hoạt động quảng cáo hay các dịch vụ khác thì cũng đều đi vào giá thành của sản phẩm nào đó.

Nói như thế để thấy rằng gần như tất cả mọi người dân đều có cuộc sống gắn với hoạt động kinh tế của xã hội. Doanh nghiệp yếu kém thì bị đào thải là bình thường theo quy luật. Thế nhưng vì những lý do khách quan mà dẫn đến đổ vỡ của doanh nghiệp thì cũng chẳng khác gì cơ thể đang khỏe mạnh mà đổ bệnh do ngoại cảm. Mỗi một doanh nghiệp như một cơ thể riêng rẽ, nhưng tất cả các doanh nghiệp và những người kinh doanh lại như là những tế bào thống nhất trong một cơ thể kinh tế. Cơ thể kinh tế còn bao gồm tất cả những người dân tham gia trong các tế bào kinh doanh và tiêu dùng. Lý thuyết Đông y luận giải về cân bằng rất đúng khi chẩn bệnh của cơ thể cũng rất phù hợp với cơ thể kinh tế. Cơ thể kinh tế cũng luôn tự điều chỉnh để tự cân bằng theo các quy luật kinh tế nhưng cũng luôn có những trạng thái phá vỡ cân bằng của cơ thể và sinh bệnh.

Thế giới có cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Khi đó quy mô kinh tế của Việt Nam còn nhỏ bé, sự hội nhập kinh tế chưa sâu nên bị ảnh hưởng không lớn. Năm 2008 và 2013 xảy ra khủng hoảng nội tại của ta là chính. Mong muốn đẩy mạnh tăng trưởng bằng các công cụ tài chính tiền tệ cũng không phải là sai. Khi nền kinh tế chưa thể hấp thụ được thì cũng giống như cơ thể bị nhồi nhét thức ăn nhưng lại không đủ vận động tương xứng để tiêu thụ năng lượng và lớn lên. Khi xử lý mất cân bằng lại giống như giảm trọng lượng sốc bằng bắt cơ thể nhịn ăn. Kết quả là cơ thể giảm cân nhưng suy nhược, nhiều bộ phận trở nên yếu ớt và dễ bị tổn thương.

Năm nay khủng hoảng lại mang tính toàn cầu. Xuất khẩu của Việt Nam đóng góp khoảng 15% GDP. Hơn nữa rất nhiều sản phẩm trong nước cũng phụ thuộc đầu vào là hàng nhập khẩu. Vì vậy, Việt Nam không tránh khỏi những tác động từ môi trường toàn cầu. Ngoài bối cảnh chung toàn cầu, Việt Nam cũng có những vấn đề riêng của mình và chỉ bộc lộ khi gặp phải ngoại cảnh không thuận lợi.

Như đã phân tích ở trên, tất cả mọi người có thu nhập đều là chủ thể tạo ra một sản phẩm nào đó của xã hội trong quá khứ hay hiện tại. Tất cả mọi người có thu nhập và tiêu dùng đều là khách hàng của một sản phẩm nào đó được xã hội tạo ra. Mọi việc chê trách doanh nghiệp lúc này đều không có ý nghĩa. Doanh nghiệp vi phạm pháp luật hay lỗi lầm gì thì đâu vẫn còn đó. Một cái xe đạp bị đổ xuống có chạy vội ra dựng lên (như tâm lý vẫn thường thấy) thì cái xe ấy cũng đã đổ rồi. Vấn đề là làm sao giữ ổn định nền kinh tế, tránh đổ vỡ. Người có vai trò lái tàu hỏa không được phanh gấp dẫn đến dồn toa, trật bánh. Hành khách trên tàu thủy khi sóng to, gió lớn không được hoảng loạn, đổ dồn sang một bên có thể lật tàu. Hành khách đi máy bay khi gặp nhiễu động không khí được yêu cầu thắt dây an toàn không phải chỉ là tránh chấn thương mà mấy trăm con người không được buộc chặt vào ghế khi máy bay chao đảo dồn vào một cục làm mất cân bằng lật cả máy bay.

Ngay từ đầu năm, thị trường chứng khoán đã chịu một tác động khủng hoảng niềm tin. Chỉ là một trường hợp vi phạm bán chui cổ phiếu nhưng khiến thị trường bị ảnh hưởng tâm lý liên tục lao dốc. Khi thị trường xuống đáy nếu người ngoài muốn thâu tóm doanh nghiệp thì vô cùng thuận lợi. Nếu không thâu tóm thì ít nhất người Việt cũng mất tiền. Khi người Việt mất tiền thì như đã nói ở trên, một đồng tiền mất là mất một cơ hội tiêu tiền đóng góp GDP. Chỉ vài đợt sóng như vậy, thì trong nước có người giàu lên, có người nghèo đi, nhưng rất có thể cả nước nghèo đi một ít. Thị trường cổ phiếu đi xuống thì cơ hội tăng vốn của doanh nghiệp bằng phát hành cổ phiếu càng thêm khó khăn. Càng nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán thì tính minh bạch của hoạt động doanh nghiệp càng cao. Sự đánh giá tiêu cực về thị trường chứng khoán sẽ ảnh hưởng đến xu hướng này.

Gần đây tâm lý sợ mất tiền ở người nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp đã gây sức ép rất lớn cho các doanh nghiệp phát hành. Có thể có những doanh nghiệp có vấn đề nhưng không phải là tất cả. Khảo sát 20 doanh nghiệp bất động sản thì thấy huy động vốn bằng trái phiếu cũng chỉ chiếm khoảng 20% nợ phải trả của doanh nghiệp. Người nắm giữ trái phiếu có thể mất tiền nhưng rủi ro cũng không hơn gì số 80% nợ phải trả khác. Chưa kể khi thanh lý doanh nghiệp thì trái chủ vẫn được nhận lại tài sản trước các chủ sở hữu công ty là các cổ đông nắm cổ phiếu.

Đối với một số ngân hàng cũng vậy, nếu tất cả người gửi tiền đổ xô đi rút tiền ở một thời điểm thì ngân hàng đang khỏe cũng không đáp ứng được. Tâm lý lo lắng là dễ hiểu nhưng lo lắng mà chẳng giúp gì cho mình và cho người khác thì chỉ có hại. Trong khi đó với số đông người gửi tiền với số tiền chỉ trong giới hạn được trả của bảo hiểm tiền gửi thì việc gì phải lo lắng.

Cuối cùng điều muốn nói là khái niệm doanh nghiệp với tư cách là đại diện chung cho các chủ thể hoạt động kinh tế không bao giờ là “đối tượng” của xã hội. Khi một mảng hoạt động kinh tế nào đó có vấn đề thì cần phải tìm nguyên nhân để sửa chữa như cách Đông y chẩn trị và chữa bệnh chứ không phải là phẫu thuật cắt bỏ như Tây y (khi bắt buộc phải cắt bỏ thì cả cơ thể cũng bị tổn thương rồi).

Có thể có những doanh nghiệp có vấn đề thì cũng phải được xử lý theo pháp luật, chứ không phải theo cách “đấu tố”. Những doanh nghiệp ấy không vì thế mà đại diện cho tất cả các doanh nghiệp. Mọi sự đánh giá cực đoan không giúp gì cho hoạt động của doanh nghiệp.

Xét cho cùng mọi cá nhân trong xã hội đều liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp như đã nói ở trên. Ta chọn đứng ở đâu thì tùy nhận thức của ta.

Ngô Thái Bình