Trái phiếu và nợ của doanh nghiệp

11:08 | 15/11/2022

1,540 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thời bao cấp ta đã có nhiều loại tem phiếu mua hàng như phiếu vải, phiếu thực phẩm, phiếu chất đốt, phiếu thuốc lá. Cách gọi như thế vừa rõ nghĩa, vừa theo trật tự từ tiếng Việt. Thế nhưng, ta không gọi “phiếu nợ” mà lại gọi là “trái phiếu”. Gọi như thế vừa không theo trật tự tiếng Việt, vừa mơ hồ vì ít người Việt hiểu “trái” nghĩa là nợ.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn quan trọng đối với doanh nghiệpThị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn quan trọng đối với doanh nghiệp
Bộ Tài chính khuyến nghị về thị trường trái phiếu doanh nghiệpBộ Tài chính khuyến nghị về thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Nói đến nợ doanh nghiệp thì nhiều người không hiểu hoạt động doanh nghiệp khi nghe tin tức doanh nghiệp này doanh nghiệp kia nợ nần thì hay dè bỉu làm ăn thế nào mà nợ nần vậy. Thậm chí ngay cả truyền thông không biết vô tình hay cố ý tập hợp những số nợ khủng càng khiến dư luận có cái nhìn tiêu cực với doanh nghiệp.

Thực tế, nếu doanh nghiệp nào mà không có khoản nợ phải trả trong báo cáo tài chính là doanh nghiệp ấy không hoạt động hoặc sắp thanh lý, đóng cửa. Nợ của doanh nghiệp ngoài khoản vay, nợ, còn đủ các khoản phải trả ở bất cứ thời điểm hoạt động nào như nợ tiền lương, nợ nhà cung cấp, nợ các khoản phải trả chưa đến hạn.

Trái phiếu và nợ của doanh nghiệp
(Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp cần vốn hoạt động thì các chủ sở hữu góp thêm vốn hoặc phát hành thêm cổ phiếu, tức là có thêm nhiều chủ sở hữu nữa. Doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thì ngân hàng là chủ nợ.

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thì người mua trái phiếu là trái chủ (chủ nợ). Ngân hàng vay của dân rồi cho doanh nghiệp vay, còn doanh nghiệp bán trái phiếu là vay trực tiếp dân.

Doanh nghiệp khi vay ngân hàng thì thường có thuyết minh sử dụng tiền vay để làm gì. Hai khoản tài sản ngắn hạn lớn nhất của doanh nghiệp là phải thu và tồn kho. Nếu vốn chủ sở hữu đã dùng đầu tư tài sản dài hạn hết rồi thì bắt buộc phải vay và nợ đối với các khoản tài sản ngắn hạn. Doanh nghiệp vẫn hay gọi đó là vay vốn lưu động.

Vay ngân hàng thì có khoản vay ngắn hạn và vay dài hạn. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thì thường là cho các khoản đầu tư dài hạn. Khoản vay dài hạn thường được ngân hàng giải ngân theo tiến độ đầu tư. Thế nhưng trái phiếu thì có rất nhiều trái chủ, các trái chủ cũng ít quan tâm doanh nghiệp sử dụng tiền như thế nào. Họ chỉ cần biết không có rủi ro là được.

Thông thường doanh nghiệp sử dụng các khoản vay dài hạn cho các hoạt động ngắn hạn lại ít rủi ro. Dùng các khoản vay ngắn hạn đầu tư dài hạn mới là nguy cơ mất cân đối dòng tiền và dễ lâm vào tình trạng phá sản.

Vì vậy, nhìn vào báo cáo tài chính nếu vốn hoạt động ròng (Net working capital) bằng giá trị tài sản ngắn hạn trừ đi nợ ngắn hạn mà âm là doanh nghiệp đang có nguy cơ mất khả năng thanh toán.

Doanh nghiệp thu tiền bán trái phiếu nhưng sau đó không thể tiếp tục phương án kinh doanh thì hoặc là mua lại trái phiếu hoặc sử dụng vốn cho các hoạt động khác. Nếu pháp luật có quy định nào bó buộc doanh nghiệp thì cần phải thay đổi. Bởi vì hoạt động kinh doanh luôn phải có những điều chỉnh chứ không thể cứng nhắc. Người mua trái phiếu cũng như mua cổ phiếu cũng đều phải chấp nhận quy luật kinh doanh có lãi có lỗ.

Trên thị trường chứng khoán, mua bán cổ phiếu là giữa các chủ sở hữu với nhau, còn mua bán trái phiếu là giữa các chủ nợ với nhau. Người mua trái phiếu vì lý do nào đó cần bán trái phiếu để thu tiền về làm việc khác, nhiều khi bán lỗ cũng là bình thường. Không hẳn là vì doanh nghiệp phát hành trái phiếu đang có vấn đề mà phải bán. Nhiều khi thị trường cổ phiếu, trái phiếu cứ sôi động còn doanh nghiệp vẫn cứ hoạt động bình thường, lỗ lãi chứng khoán chẳng liên quan gì đến lỗ lãi doanh nghiệp.

Tóm lại, trái phiếu doanh nghiệp chỉ là một kênh huy động vốn của doanh nghiệp. Hoạt động huy động vốn đa dạng là bình thường trong một nền kinh tế sôi động và lành mạnh.

Pháp luật cứ việc điều chỉnh và kiểm soát hoạt động này sao cho bảo vệ được cả người đầu tư và doanh nghiệp, nhưng không nên can thiệp vào hoạt động cụ thể của doanh nghiệp. Người ngoài cũng nên hiểu rõ bản chất nợ của doanh nghiệp. Những số liệu tập hợp tổng tài sản hoặc tổng nợ các doanh nghiệp của cả nền kinh tế chẳng nói lên điều gì khi các số liệu trùng nhau chẳng biết bao nhiêu lần.

Ngô Thái Bình