Chuyện về tảng đá in đầu người và bàn tay ở di tích Thành nhà Hồ

10:48 | 19/02/2021

346 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hàng trăm năm qua, tảng đá in hình đầu người và bàn tay ở Thành nhà Hồ liên quan đến huyền tích lịch sử nàng Bình Khương tuẫn tiết kêu oan cho chồng vẫn khiến nhiều người tò mò.

Tảng đá in hình đầu người và bàn tay

Đền thờ nàng Bình Khương nằm ở phía đông thành nhà Hồ, thuộc làng Đông Môn, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).

Chuyện về tảng đá in đầu người và bàn tay ở di tích Thành nhà Hồ - 1
Thành nhà Hồ - di sản văn hóa thế giới.

Huyền tích kể rằng, cuối thế kỷ 14, việc dời đô vô cùng gấp gáp bởi giặc Minh đang lăm le vượt qua ải Bắc. Những ngọn hỏa hiệu vùng biên ải Cao Bằng, Lạng Sơn mấy lần đã báo khói, báo cháy khiến vua quan nhà Trần lo sợ. Năm 1397, để nhanh chóng dời đô từ Thăng Long về đất An Tôn, Hồ Quý Ly đã gấp rút sai quân lính ngày đêm đào thành, đắp lũy.

Nàng Bình Khương là vợ của Trần Công Sỹ (Cống Sinh), là một vị quan được Hồ Quý Ly giao cho giám sát và đốc thúc quân lính xây dựng đoạn thành phía Đông.

Tiến độ xây thành đang gấp rút từng ngày, thế nhưng đoạn thành phía Đông do Trần Công Sỹ phụ trách cứ xây gần xong lại sập, không ai rõ nguyên nhân do đâu. Nghi ngờ Trần Công Sỹ làm phản, cố ý làm chậm tiến độ xây thành, Hồ Quý Ly tức giận đã cho người chôn ông ngay vào tường thành để làm gương và răn đe quân lính.

Chuyện về tảng đá in đầu người và bàn tay ở di tích Thành nhà Hồ - 2
Tảng đá in hình đầu người và bàn tay gắn với huyền tích nàng Bình Khương đập đầu tuẫn tiến kêu oan cho chồng.

Ở quê nhà, nghe tin chồng bị chôn sống, nàng Bình Khương đã chạy đến kêu oan cho chồng, nhưng nỗi oan trời xanh không thấu. Để giữ tiết thủy chung nghĩa vợ chồng, nàng đã đập đầu vào tảng đá xanh nơi chồng bị chôn vùi để tuẫn tiết.

Kỳ lạ thay, tảng đá nàng Bình Khương đập đầu in rõ hình vầng trán và hai bàn tay của nàng như nỗi oan ức nghìn thu của chàng Cống Sinh truyền lại đến hôm nay.

Chuyện về tảng đá in đầu người và bàn tay ở di tích Thành nhà Hồ - 3
Tảng đá in hình đầu người và bàn tay được đặt tại đền thờ nàng Bình Khương.

Câu chuyện kỳ lạ

Cảm thương trước người phụ nữ tiết nghĩa, người dân địa phương đã lập đền thờ nàng ngay sát bức tường phía cửa đông thành An Tôn- nơi nàng vật vã khóc than chồng. Phiến đá in dấu đầu người và hai bàn tay được đưa vào đền thờ.

500 năm sau, đến đời vua Đồng Khánh (nhà Nguyễn), câu chuyện về tảng đá in dấu tay và đầu nàng Bình Khương vẫn khiến người dân tò mò nên khách xa gần hiếu kỳ tìm đến xem rất đông. Viên hào lý trong làng Đông Môn lo ngại tiếng đồn ngày càng vang xa sẽ gây phiền phức nên đã thuê thợ về đục cả phiến đá đem chôn xuống lòng đất. Nhưng đục xong, nhóm thợ mắc bệnh lạ rồi qua đời.

Chuyện về tảng đá in đầu người và bàn tay ở di tích Thành nhà Hồ - 4
Đền thờ nàng Bình Khương nằm ở phía đông Thành Nhà Hồ.

Bấy giờ, Tri phủ Đoàn Thước nghe tin, sai lính tìm bằng được và đào phiến đá đó lên, lắp đúng vào chỗ cũ và khắc dòng chữ "Trần triều Cống Sinh - Bình Khương nương, phu nhân tri thạch" (tạm dịch Tảng đá nàng Bình Khương - Phu nhân của Trần triều Cống Sinh). Tri phủ lại dựng thêm một phiến đá ở chân thành, nơi xưa kia Cống Sinh bị chôn lấp, trên đó cũng khắc một dòng chữ "Trần triều Cống Sinh - Bình Khương phu quân chi biếm" (có nghĩa nơi chôn lấp chồng nàng Bình Khương, là Cống Sinh triều Trần).

Năm 1903, tổng đốc Vương Duy Trinh đã làm sớ tâu lên nhà vua ban sắc phong cho nàng Bình Khương 4 chữ: "Tiết liệu khả phong". Đền thờ nàng Bình Khương nằm ở phía Đông Thành nhà Hồ. Sau đền là mộ chồng nàng- Trần Công Sỹ. Bên phải đền có một cái ao nhỏ mà điều kì lạ là dù nắng to hay hạn hán thế nào, ao cũng không bao giờ cạn nước. Xung quanh đền thờ quanh năm rợp bóng cây xanh tươi mát.

Bà Vũ Thị Lựu, người trông coi đền nàng Bình Khương chia sẻ: "Chuyện nàng Bình Khương đập đầu vào đá kêu oan cho chồng có từ xa xưa, được người dân trong vùng lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nếu tới thành nhà Hồ, hỏi về nàng Bình Khương thì đứa trẻ mới lớn cũng có thể kể lại vanh vách sự tích này".

Công trình Thành nhà Hồ được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa chính trị xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ. Ngày 27/6/2011, Thành nhà Hồ chính thức được Tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Theo Dân trí