Chuyện về “dị nhân” làng Phú Xá

06:26 | 22/10/2013

2,244 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Từ một tay “cầm số” khét tiếng, nổi tiếng chơi ngông đến người nông dân có hơn 3 vạn gốc đào bích, hàng trăm gốc đào cổ. Rất ít người nghĩ đến những điều gần như chẳng liên quan này lại “vận” vào cuộc đời một người đàn ông mệnh danh là “dị nhân” của làng Phú Xá, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.

>> Những quán trà “độc nhất vô nhị” Hà Thành

“Cụ già” tuổi 40

Lần đầu tiên gặp anh Nguyễn Hữu Hưng, chúng tôi khá sửng sốt trước con người nhỏ bé với cái lưng còng, nước da đen nhẻm với khuôn mặt ngang dọc nét chân chim và một chòm râu dài lưa thưa hơn một gang tay đang lóc cóc đạp chiếc xe cà tàng trên đường làng. Không thể tưởng tượng được Hưng “nhọ” một thời khét tiếng cả khu vực Yên Phụ, Nhật Tân, Phú Thượng nay lại “thay đổi” như biến thành một cụ già ở tuổi hơn 40.

Anh Nguyễn Hữu Hưng, "dị nhân" làng Phú Xá

Cách đây gần 15 năm, Hưng “nhọ” thuộc thành phần cộm cán trong những tay “làm số”. Mỗi ngày tiền vào, ra từ nhà Hưng “nhọ” đến cả tiền tỷ. Cùng với thời điểm cơn sốt đất cuối thế kỷ 20, lô đề trở thành thú tiêu tiền của người nông dân mới “phất lên” từ đất đai. Khi ấy Hưng “nhọ” đứng ra làm chủ số và phất lên nhanh chóng. Mỗi khi ra đường lúc nào Hưng cũng có hàng chục “đàn em” tiền hô hậu ủng. Những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng, một ngày đập phá cả trăm triệu đồng đối với Hưng nhọ chỉ là chuyện cơm bữa. Đặc biệt Hưng “nhọ” có một biệt tài đoán tuổi rượu và uống rượu không có đối thủ. Anh Hưng cho biết, kỷ niệm đáng nhớ nhất là hãng rượu “có thằng chống gậy” thách đố đoán tuổi rượu ở CLB H.L. Lần đó Hưng đoán trúng phóc cả 4 lần nên được CLB mời cả “phi đội” gần 20 người một chầu rượu miễn phí.

Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, Hưng “nhọ” trong một lần giải quyết “ân oán giang hồ” đã gặp nạn chính trên mảnh đất từng một thời làm mưa làm gió. Lần đó Hưng đứng ra dàn xếp một vụ tranh chấp đất đai trên khu vực Yên Phụ, thế nào mà khi trở về bị “úp sọt”. Toàn bộ tiền bạc, sổ sách đến chiếc mũ cối lòng vàng, đôi đúc tầu, chiếc đồng hồ SK đều bị lột sạch. Đến khi người đi đường thương tình đưa vào viện 108 thì trên người Hưng chỉ còn độc bộ quần áo. Các bác sĩ bảo Hưng chỉ có 10% khả năng tỉnh lại, 90% sẽ trở thành người thực vật. Hôn mê sâu đúng 3 ngày, Hưng đã tỉnh lại trong tình trạng mất 70% sức lao động.

Mất gần 1 năm Hưng “nhọ” mới có thể đi lại và lao động nhẹ được. Trong khi đó, đám “chiến hữu” một thời thấy Hưng thân tàn ma dại đã bỏ đi một mạch không trở lại. Từ một chàng trai khỏe mạnh, nước da đen bóng, đầy khỏe mạnh nhưng cũng không kém phần ngang tàng, ngổ ngáo. Nay Hưng “nhọ” chỉ còn chưa được 50kg, lọm khọm như một ông cụ khi mới chưa đầy 40 tuổi. Trở về tay trắng, thân mình gần như tàn phế nhưng được sự động viên, chăm sóc của vợ con và gia đình anh Hưng đã quyết chí làm lại từ đầu với nghề trồng đào cảnh của làng Phú Xá.

Tâm sự với chúng tôi, anh Hưng tự hào: “Chị nhà anh chịu thương chịu khó lắm mỗi ngày đồ đến cả chục thúng xôi bán khắp Hà Nội. Những ngày anh nằm liệt giường, một tay chị lo cho cả gia đình. 5 năm qua anh vẫn phải uống thuốc mới có thể cầm cự được đến bây giờ. Nghĩ lại thấy mình đã quá phí hoài thời gian, tuổi trẻ và làm khổ gia đình quá nhiều…”.

Khi gặp “hạn” mà không bị mất đi sinh mạng thì “vận” người có thể thay đổi. Cha ông thường ví von đời người như những vòng xoáy trôn ốc khi trải qua rồi gần như lại bắt đầu một khởi đầu mới. Những dấu ấn của một thời “oanh liệt” nay chỉ còn lại một anh Hưng khá “phong nhã”. Thay cho những trò ngông ngênh phá đời là chăm sóc cây cảnh, nghe nhạc bên những chiếc máy hát cổ và những chum rượu “rồ” do tự tay anh nấu, ủ vài chục năm.

Uống rượu “rồ” nghe nhạc cổ

Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc phục vụ biểu diễn được xây dựng từ năm 1901 và mất 10 năm mới hoàn thành. Ngày nay, Nhà hát Lớn được những người làm nghệ thuật coi như “ngôi đền” của những người làm nghệ thuật cổ điển. Sau một thời gian dài xuống cấp, Nhà hát Lớn đã được trùng tu lại toàn bộ trong thời gian 2 năm (1995-1997). Giai đoạn trùng tu toàn bộ nhà hát lớn, các trang thiết bị của nhà hát trong đó có 2 chiếc máy hát hiệu DENON được cho là dùng để phục vụ “hát nhép” trong thời gian hơn 30 năm tại Nhà hát đã bị hai người khá bí ẩn mua mất. Một trong hai người sưu tầm tư nhân chính là “dị nhân” Nguyễn Hữu Hưng.

Anh Nguyễn Hữu Hưng và chiếc máy hát nhép của Nhà hát Lớn Hà Nội

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố là công nhân cơ khí xuất sắc của ngành dệt Việt Nam những năm 70 của thế kỷ XX, anh Hưng được thừa hưởng sự lãng mạn, thích văn nghệ của ông cụ. Anh Hưng nhớ lại, thời đó cha anh còn cùng một người bạn tự chế ra chiếc máy phát điện chạy bằng dầu để tối tối mở nhạc mời bạn bè đến thưởng thức. Anh còn nhớ rõ những cuộn băng cối đầu đời như Chuyện tình Lan và Điệp, Thái Hậu Dương Vân Nga mà mỗi tối ông cụ mở cho cả xóm nghe. Khi lớn lên, đi làm kiếm được tiền trong cơn sốt đất đầu thập niên 90 anh Hưng đã cất công sưu tầm hàng ngàn cuộn băng cối và những đầu đĩa cổ, cả chục cặp loa Pioneer như 77A, 99A thuộc loại "đỉnh cao chất lượng" thời bấy giờ.

Anh Hưng cho biết, khi nghe Nhà hát Lớn Hà Nội muốn thanh lý cặp máy cối DENON của nhà hát từ thập niên 60, anh cùng một người anh họ đã lập tức đánh một chiếc xe tải lên đường rước về. Để mua được chiếc máy hát này, anh đã bỏ ra 80 triệu đồng khi ấy tương đương với giá một chiếc xe máy Dylan”. Anh Hưng tâm đắc, lần đầu tiên nghe nhạc phát ra từ chiếc máy hát anh đã biết rằng mình khó mà nghe được thêm một chiếc máy hát nào khác. Như để chứng minh cho lời nói của mình, anh Hưng mở chiếc tủ mica trong sân nhà bật cho tôi nghe một đoạn băng cối từ năm 1971 “Tơ Vàng 4, Thái Thanh - tiếng hát vượt thời gian”. 

Có đến hơn 20 năm có lẻ tôi mới được nghe lại tiếng hát của những ca sĩ được mệnh danh giọng ca vượt thời gian như Thái Thanh, Khánh Ly, Duy Khánh. Âm thanh mộc từ đôi loa gỗ phát ra không trong vắt như qua xử lý bằng amply điện tử nhưng lại khiến người nghe gai hết cả người. Những ca khúc tiền chiến về tình yêu của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn… như cuốn người nghe ngược dòng thời gian. Trong lúc đang lim dim nghe nhạc tôi lại được anh Hưng mời uống một chén rượu do anh tự cất và nấu có cái tên rất lạ “rượu rồ”. Đây cũng là một nét thể hiện tính cách cực “dị” một thời của Hưng “nhọ”.

Kho "rượu rồ" chỉ uống chứ không bán của Hưng "nhọ"

Tôi thắc mắc hỏi tại sao lại đặt cái tên “kinh dị” như vậy. Anh Hưng cười khoái chí rồi thủng thẳng giải thích: "Rượu của tôi vẫn là rượu nếp nương Hòa Bình được tôi tự tay chọn gạo, nấu rồi ủ trong kho gần 20 năm. Mới uống ai cũng thấy nhẹ nên dễ “mềm môi”, lạ một cái là rượu uống vào không say xỉn nôn ọe mà chỉ khiến người uống lâng lâng. Đặc biệt là đến độ nhất định thì lâm vào tình trạng “nói trước quên sau” hoặc nói năng câu nọ xiên vào câu kia như… phát rồ". Chính vì vậy, nhiều người làng từng được mời uống rượu này một lần xong là nhớ mãi. Chỉ những lúc hào hứng lắm thì người làng mới dám gọi anh Hưng mang rượu ra uống. Y như rằng sau đó cũng có người “phát rồ”, làm những chuyện buồn cười mà sau này nhắc đến là xấu hổ.  

Chuyện kho rượu của anh Hưng xuất phát từ một câu chuyện thời thơ ấu. Anh Hưng nhớ khi còn nhỏ thường phải đi bộ rất xa để mua rượu cho cha. Nhà anh ở làng Phú Xá nhưng chỉ có bà Bưởi người làng Thượng Thụy mới có rượu ngon. Một lần trời mưa to, đang trên đường mua rượu về nhà cho cha thì anh Hưng bị trượt chân ngã, đổ hết nửa chai rượu. Sợ cha mắng, anh Hưng phải xin nước mưa của hàng xóm đổ vào chai đem về. Vì chuyện này mà anh Hưng bị một trận đòn nhớ đời. Khi đã có tiền, anh Hưng không muốn để con, cháu mình phải khổ vì… đi mua rượu nên anh quyết tự chế rượu để uống.

Vào năm 1998, anh Hưng đã làm một trang trại trên Lạc Sơn – Hòa Bình, tự tay tuyển lúa nương và xây lò nấu rượu. Vốn có người bác ruột chuyên sản xuất men và nấu rượu ở Vụ Bản – Hòa Bình nên anh Hưng học nghề nấu rượu khá nhanh. Sau nhiều lần thất bại anh Hưng đã nấu được rượu ngon.

Chia sẻ bí quyết rượu rồ, anh Hưng cho biết: “Mỗi mẻ rượu tôi chỉ lấy nước “giữa” còn nước đầu, nước cuối và bã rượu tôi để lại tất cả cho người bác họ”. Khi nếm thấy rượu đã đủ độ, anh kỳ công sang tận Hưng Yên để đặt gần 100 chiếc chum sành, chuyển về bằng 2 xe tải để chứa rượu. Sau 5 năm tìm tòi, nấu thử anh đã có một kho rượu chất kín trong ngôi nhà gần 200m2. Rượu nấu được anh Hưng chỉ dành riêng cho gia đình, họ hàng uống vào những dịp lễ, tết, ma chay hiếu hỉ trở thành một “đặc sản” của làng Phú Xá.

Anh Nguyễn Hữu Hưng đã thực sự trải qua gần hết một cuộc đời với nghĩa đen là một “dị nhân”. Cuộc đời của anh đáng để những người trẻ soi vào và suy ngẫm về “luật nhân quả”, ý chí vươn lên để tìm ra đâu mới là ý nghĩa chân thực của đời người.

Thành Công