Chuyển hóa trẻ đặc biệt

06:48 | 14/09/2021

146 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong cả mùa thu, trường Hoa Xuyến Chi vừa ổn định tổ chức tại nơi mới được chuyển đến là Khu du lịch Vườn Đào, vừa tiến hành sửa sang, chuyển đổi chức năng một số hạng mục trong cơ sở vật chất.
Chuyển hóa trẻ đặc biệt
Chuyển hóa trẻ đặc biệt

Khu du lịch này nằm ở vùng ngoại ô, cách trung tâm Hà Nội chừng non bốn chục cây số, gần dòng sông Nhuệ. Xung quanh là cánh đồng lúa trải rộng nên khá yên tĩnh. Khu ao nuôi cá được xây tường bao mới với rào thép cao để tránh học trò tự kỷ nhảy xuống nước.

Đường chạy dành cho các học trò tự kỷ luyện tập đi xe đạp một bánh được thiết kế từ khu vườn đào ra tới sát cổng chính, được chặn hai đầu với hàng cối đá cổ. Hai bên đường là những cây đào cổ được gia chủ thửa từ vùng cao về, và chăm sóc cẩn thận. Xung quanh ao cá là hàng cây si thả rễ mơ hồ. Rặng cây long não chạy nối nhau bao kín khuôn viên toàn khu một màu xanh mát hấp dẫn. Những dãy nhà gạch, cột gỗ tròn, ngói âm dương kín đáo náu mình dưới tán cây um tùm. Quang cảnh trong khu thật thanh bình, có thể làm dịu tâm trí bất cứ ai vừa đặt chân tới đây.

Thầy Tuệ Tâm rất hài lòng khi trường Hoa Xuyến Chi được chuyển về khu du lịch rợp bóng cây xanh này. Thầy nói với các giảng viên, phụ huynh học sinh rằng, sự mát mẻ yên tĩnh với không khí trong lành nơi đây rất có lợi cho sức khỏe tâm thần của trẻ tự kỷ. Trong một không gian rộng rãi, được hòa cùng thiên nhiên, các em sẽ cảm thấy dễ chịu, bớt đi phản ứng phá phách. Với trẻ tự kỷ, để các em phát triển thuận lợi, thì cần nhất là được sống trong cộng đồng với các em cùng hoàn cảnh, cần một phương pháp giáo dục đặc thù, và môi trường thiên nhiên xanh tươi, rộng rãi để các em được hoạt động ngoài trời nhiều nhất có thể.

Thầy Tuệ Tâm quyết định chọn một ngôi nhà gạch nhỏ ven ao cá làm văn phòng làm việc và chỗ ngủ nghỉ của thầy. Thầy cũng cho mắc võng dưới hai gốc si già để nằm nghỉ trưa và suy nghĩ. Nơi đây quả thực là chỗ thư giãn và gợi cho thầy nhiều cảm hứng, nảy sinh nhiều ý tưởng. Từ hôm trường chuyển về đây, thầy đã mời nhiều bạn hữu, cùng các giáo sư tâm lý, các chuyên gia giáo dục về trường tham quan. Ai nấy đều ủng hộ xu hướng “bỏ phố về quê” nên cho rằng thầy Tuệ Tâm và các trò thật may mắn khi tìm được một nơi an lành, thanh mát như thế này để sống và làm việc. Nơi đô thị chật hẹp, tù túng, thiếu không gian và cây xanh, cùng tiếng ồn và ô nhiễm bụi, khói, không có lợi cho sức khỏe tâm thần của trẻ tự kỷ. Quả thực, nhìn các trò tự kỷ từng đôi trong bộ đồng phục màu cam, dắt nhau đạp xe một bánh dập dìu giữa hai hàng đào lá xanh mát, hoặc cùng nhau tập và chơi đùa trên thảm cỏ, ai cũng tin rằng các em đang được sống trong một ngôi nhà cổ tích.

Trường tiếp nhận thêm một số trò tự kỷ từ các tỉnh chuyển tới. Bên cạnh đó, kể từ khi chuyển về vùng ngoại ô, thầy Tuệ Tâm tiếp nhận thêm những trẻ đặc biệt. Đó là những trẻ lớn, trong độ tuổi thanh niên, thuộc hai dạng: một là càn quấy phá phách hư hỏng, hai là bị trầm cảm ở mức độ khác nhau. Với những thanh niên thuộc nhóm đặc biệt này, nhà trường, gia đình đều đã bó tay. Có em từng trốn từ trường giáo dưỡng ra, trộm cắp tinh vi khiến bố mẹ đau đầu nhức óc liên miên, có em trầm cảm từng tự tử bất thành nhưng luôn tìm cách đi đến cái chết khiến bố mẹ gần như tuyệt vọng…

Với những thanh niên thuộc dạng đặc biệt này, việc quản lý các em không chỉ khó, mà còn nguy hiểm. Bởi các em đã lớn, lại có ý thức, nên có thể bày mưu kế tinh vi để đánh lừa bố mẹ và thầy cô giáo, các huấn luyện viên trực tiếp phụ trách mình. Bất kể lúc nào, các em cũng có thể hành hung người quản lý mình để bỏ trốn. Chính thầy Tuệ Tâm một lần bị tấn công bởi một thanh niên bất trị được cha mẹ đưa đến trường Hoa Xuyến Chi nhưng bỏ trốn. Khi thầy vừa bước ra khỏi xe thì thình lình một kẻ lao đến dùng thanh sắt đập vào người thầy. Cũng may thầy phản ứng nhanh, né người nên thanh sắt chỉ sượt qua vai phải. Hai huấn luyện viên đi cùng thầy đã kịp thời chặn kẻ tấn công để bảo vệ thầy.

Sau tai nạn hụt ấy, một người bạn học của thầy Tuệ Tâm đã thắc mắc: “Tại sao ông đang đi dạy kỹ năng sống, thu bộn tiền mà mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, thì lại vơ vào lũ trẻ tự kỷ giời hành, và lũ thanh niên càn quấy giời đánh thánh vật ấy hả?”. Thầy Tuệ Tâm chỉ đáp: “Xã hội coi chúng là rác người, là đồ bỏ đi, là lỗi tạo hóa. Nếu tôi không dang tay đón chúng, tạo một thế giới phù hợp để chúng có một cuộc đời tử tế và xứng đáng, thì ai sẽ làm?”. Người bạn học đành lắc đầu nói: “Lão này bị nghiệp quật rồi!”. Thầy Tuệ Tâm chỉ mỉm cười tinh quái mà chẳng nói thêm. Hầu hết người ta không tin vào triết lý “Biến rác thành vàng” của thầy. Họ cho thầy là đồ điên, thần kinh. Thầy ở lâu với lũ trẻ thần kinh, rồi lây bệnh của chúng nó.

Buổi chiều hôm ấy, thầy Tuệ Tâm đón tiếp ba vị khách. Đó là cặp vợ chồng ở độ tuổi năm mươi và một chàng trai ở độ tuổi ngoài hai mươi. Ông Kiên và bà Hòa dẫn Toàn, con trai họ đến gặp thầy Tuệ Tâm, với hy vọng mong manh rằng thầy có thể giúp thay đổi cậu con trai dường như hết thuốc chữa của họ. Toàn hai mươi tư tuổi, từng là sinh viên Nhạc viện Hà Nội, nhưng đã bỏ học hoàn toàn hai năm qua vì bị trầm cảm.

Những “thành tích” ngoại hạng của Toàn được mẹ chép ra cả một cuốn sổ dày. Từ thời học phổ thông, cậu đã mười tám lần bỏ nhà đi hoang, không biết bao nhiêu lần trèo tường, phá cửa, nhảy lầu để trốn khỏi nơi điều trị bệnh tâm thần, hoặc các trung tâm giáo dục đặc biệt. Cậu cũng từng nằm viện nhiều lần do cố tình lao vào các phương tiện trên đường để tự vẫn. Sau khi con trai cứ khăng khăng nó là một thiên tài âm nhạc cỡ Mozart, vợ chồng Kiên, Hòa đã chạy chọt cho con vào học Nhạc viện. Cứ tưởng được vào đúng môi trường cậu muốn, thì cậu sẽ học hành tử tế. Nhưng Toàn lại coi thường giáo viên, không chịu được bạn học nên cứ đi học bữa đực bữa cái và không thể vượt qua năm học thứ nhất.

Bây giờ thì Toàn ngồi trước mặt thầy Tuệ Tâm. Đó là một thanh niên cao lớn, chừng gần mét tám, bờ vai rộng như cố thu lại trong tấm áo phông màu khói. Mái tóc dày rơi xuống che kín cả lông mày. Đôi mắt xếch luôn nhìn xuống và nước da tai tái. Thầy Tuệ Tâm chẳng cần bàn bạc hay mời ba người khách uống nước xã giao như thường lệ, thầy đứng lên, nắm chắc vai Toàn.

- Khá lắm, nhìn cậu là tôi biết chơi được. Đi với tôi mười lăm phút, tôi muốn cho cậu xem một công trình đặc biệt. Sau đó tôi muốn xin ý kiến của cậu.

Toàn ngồi thì lì ra, không muốn đứng lên, không muốn đi. Cả ông Kiên và bà Hòa cùng đứng lên như muốn hợp sức bẩy cậu con trai dậy theo lời mời của thầy Tuệ Tâm.

Thầy Tuệ Tâm hất cằm ra hiệu cho Trung trợ lý:

- Ông, bà cứ ngồi đây trò chuyện với trợ lý của tôi.

Nói rồi thầy đấm mạnh vào vai Toàn:

- Đi!

Toàn chúi người trước cú đấm bất ngờ, hơi quá tay của thầy Tuệ Tâm. Một chút ngạc nhiên khiến cậu ta ngước mắt lên nhìn thầy một tích tắc rồi lại nhanh chóng cụp mắt xuống đất. Nhưng cậu ta đã chịu đi theo thầy Tuệ Tâm.

Sau khi thầy Tuệ Tâm dẫn Toàn đi khuất sau rặng cây đào, hướng về phía khu huấn luyện trẻ tự kỷ, thì Trung hạ giọng, nói với ông Kiên và bà Hòa:

- Hai bác uống nước đi, năm phút nữa cháu dẫn hai bác theo lối khác đi ra cổng. Hai bác cần về quê ngay lập tức và không được nghe điện thoại của Toàn gọi trong hôm nay.

- Cháu ơi, liệu Toàn nó có chịu ở đây không? Liệu thầy có giữ được nó không? - Bà Hòa run run nói - Thằng con bác trông hiền thế thôi nhưng nó cục tính lắm. Bác rất sợ…

Bác đã đưa Toàn đến đây rồi thì hãy tin là thầy và các huấn luyện viên ở đây sẽ giúp được cậu ấy.Thầy Tuệ Tâm dẫn Toàn vào phòng học lớn, nơi có các trò tự kỷ mới nhập học đang được huấn luyện. Thầy bảo Toàn hãy quan sát thật kỹ toàn bộ mọi người, mọi hoạt động trong phòng. Có em đang bám tay vào song vịn, cố thăng bằng trên xe đạp một bánh; có em đang tập đứng lên, được một huấn luyện viên nắm cả hai tay trợ giúp; có em thì nằm lăn ra đất giãy giụa, khóc thét; có em lại cởi truồng chạy vòng quanh phòng, tay phất phơ cái quần; có em mặt ngơ ngẩn, mắt đờ đẫn, miệng không khép được, dãi dớt lòng thòng trên cằm, ngực áo; có em tụt quần toan bậy xuống sàn và bị một huấn luyện viên quất vào mông… Cả một đám hỗn độn nhốn nháo inh tai nhức óc.

- Toàn nhìn chúng một lượt, rồi lại cụp mắt nhìn xuống chân. Thầy Tuệ Tâm nâng cằm Toàn lên, ép cậu ta nhìn thẳng vào mắt mình:

Cậu đã nhìn thấy chúng nó. Tội nghiệp, bố mẹ chúng nó sẵn sàng bán cả linh hồn, để làm sao chúng nó được bình thường như cậu, biết đi đứng, nói cười, đến bữa biết ăn, biết ỉa đái đúng chỗ… Vậy mà chúng nó sống. Còn cậu lại muốn chết ư?

- Toàn im lặng, không trả lời. Cậu ta quay người toan bỏ đi, thì thầy Tuệ Tâm ngăn cậu lại.

Đừng đi, và đừng chết trước khi cậu trả nghĩa được cho cuộc đời này. Hãy trở lại phòng vừa rồi, giúp một em nhỏ, bất cứ em nào, để em ấy có thể có được một chức năng bình thường như của cậu thôi. Biết đứng lên, biết đi lại chẳng hạn. Hàng ngày cậu đứng lên, đi trăm bước, ngàn bước và không hề suy nghĩ gì, không cảm thấy biết ơn vì mình có thể đứng lên, đi lại được ư? Hãy nghĩ đi. Và hãy thử làm một đứa trẻ tự kỷ trong năm phút thôi, để xem cậu làm gì với cuộc đời mình?

Nói rồi thầy Tuệ Tâm đẩy Toàn trở lại phòng học. Thầy vẫy Duyên, một nữ giáo viên mảnh mai có đôi mắt nâu trong veo tới gần, giao cho cô hướng dẫn Toàn cách chăm sóc một em nhỏ tự kỷ chưa biết đi đứng, rồi thầy rời khỏi phòng học.

Duyên là một nữ giáo viên trẻ, nhưng khá khéo léo và tâm lý. Cô cứ vừa xa, vừa gần để bám sát Toàn, để gắng trò chuyện với cậu vài câu, nhưng cậu ta chẳng thèm hé răng, chẳng nhìn cô lấy một thoáng. Cậu ta chỉ nhìn trân trân xuống sàn nhà và nhấc hay tay bé tự kỷ cho bé đứng lên, ngồi xuống một cách vô hồn. Duyên lúc đứng gần Toàn, khi lại giả vờ đi ra chỗ khác trong phòng, nhưng vẫn luôn phải căng mắt canh chừng không để cậu ta lẻn ra khỏi phòng, hoặc tìm cách nhảy xuống hồ nước tự tử.

Ngày dần trôi, bóng tối trùm xuống rất nhanh, năm khu nhà và đường chạy thắp sáng rực rỡ, nhưng xung quanh là vườn cây và hồ nước rộng như một công viên lại phủ bóng tối âm thầm. Các giáo viên và huấn luyện viên đang đi gom những bé tự kỷ còn trốn sau các bóng cây đưa vào phòng tắm rửa.

Duyên lại gần Toàn, bảo cậu ta đi vào khu nhà dành cho nam để vệ sinh trước giờ ăn tối. Toàn không nhìn cô, lặng lẽ bảo:

- Nói thầy Tuệ Tâm mở cổng cho tôi về.

- Cậu về đâu? Để làm gì? Cậu có muốn làm người không? – Duyên thốt hỏi, tự ngạc nhiên với chính mình.

Toàn không đáp, quay người bỏ đi. Duyên để ý thấy cậu ta mang một cây đàn ghi ta tới gốc si, ngồi xuống, búng trên những dây đàn. Càng lúc Toàn càng cúi sát xuống cần đàn, tóc mái rũ xuống dây, tiếng ghi ta rời rã trong chiều tàn nghe hoang hoải, cô đơn muốn chết. Nước mắt Duyên vòng quanh, Duyên không biết do tiếng đàn buông lơi khi trời sập tối, hay chạnh lòng nghĩ tới một người mẹ tuyệt vọng ở đâu đó quanh đây. Tại sao thầy Tuệ Tâm lại giao cho cô chăm nom Toàn trong những ngày đầu khó khăn này? Cô phải làm gì với Toàn? Cô muốn dập tắt tiếng đàn chết chóc kia, để nó đừng tuôn luồng khí hoang hoải vô phương này vào màn đêm, khiến đêm dày đặc và đe dọa, khiến màu đêm phình lên như muốn nuốt chửng cả năm khu nhà.

Trung thình lình đập tay vào vai Duyên.

- Duyên vào ăn tối đi.

- Nhưng còn Toàn? - cô băn khoăn - Nó vẫn chơi đàn ngoài kia.

- Để nó cho tôi - Trung nói - Ban đêm, em không kiểm soát nổi nó đâu.

Duyên trở vào phòng ăn chung trong một dãy nhà. Tiếng tụi trẻ đọc kinh ăn cơm, tiếng bát đũa va vào nhau lách cách, tiếng những cô giáo rủ rỉ dỗ con ăn, tiếng các thầy nghiêm khắc nẹt con… cứ sượt qua tai cô. Cô như bị ám bởi tiếng đàn của Toàn, tiếng đàn kỳ lạ cô chưa bao giờ nghe, nó như ám mùi chết chóc khiến cô lạnh sống lưng. Nó như từ hố đen luồn lên, lặng lẽ len lỏi vào từng chân tơ kẽ tóc, hút mọi sinh lực sống. Cô, Trung, thầy Tuệ Tâm, người mẹ nào còn loanh quanh đâu đây, có thể làm được gì để lôi Toàn lên từ hố đen chết chóc?

Ăn tối xong, Duyên cùng các cô giáo cho các em đến phòng văn nghệ tập hát và đọc thơ. Nhưng lòng cô bồn chồn, cô lén ra khỏi phòng văn nghệ, đi ra sân, băng qua đường chạy, tìm đến gần cây long não, cô không biết điều gì dẫn dắt mình. Bỗng một bóng đen túm tóc cô, giật ngược trở lại. Cô đau điếng, hét toáng lên:

- Buông tôi ra!

- Đi! - Bóng đen phía sau nói, thúc cô đi về phía cổng. Cô đã biết nó là ai.

- Toàn, đau quá! Buông tóc tôi ra, tôi mới đi được - Duyên nài nỉ.

- Đi - Toàn nói tiếp, không buông.

Duyên gắng bước đi chệnh choạng trong bóng tối, đầu ngật ra phía sau tránh căng tóc, vừa cố gắng nghĩ có nên hét lên kêu cứu không.

“Bịch, bịch” – Duyên chỉ nghe hai tiếng động gọn, rồi đầu cô được thả lỏng, cô vội quay ngoắt người, thấy bóng thầy Tuệ Tâm áp sát Toàn.

Không biết bằng cách nào mà thầy Tuệ Tâm đã khóa tay Toàn nhanh đến thế. Toàn trợn mắt lên nhìn Duyên. Đó là lần đầu tiên cậu ấy nhìn thẳng và cô sẽ nhớ đến chết. Đó là ánh mắt của con thú bị dồn tới đường cùng, ánh mắt kẻ giết người, ánh mắt tuyệt vọng và thù hận… Dồn hết sức bình sinh, cậu ta phá tung khóa tay. Biết làm sao được, thầy Tuệ Tâm đã gần bảy mươi tuổi rồi, sức thầy sao lại được với trai tráng tuổi đôi mươi. Duyên liều lĩnh chen vào giữa thầy và Toàn. Nhưng thầy Tuệ Tâm nhanh chóng gạt cô gái ra.

Toàn - Thầy gầm lên, tiếng gầm của sư tử - Mày có muốn sống không, hay mày muốn chết!

Toàn đang đà lao lên liều chết, bỗng khựng lại. Duyên ngạc nhiên nhìn về phía thầy Tuệ Tâm, thầy đứng tấn, bắp tay gồng lên, đôi mắt tròn nhỏ long lên như mắt rồng, tóc thầy cũng như dựng đứng lên. Duyên gai người, có cảm giác nghe thấy tiếng gầm của loài mãnh thú.

- Mày là thằng đàn ông, là thằng đực, mà mày suốt ngày chui vào xó tối, mày chỉ nghĩ lung tung rối loạn mà không hành động, mày càng chết dấp con ạ. Tại sao tao phải giữ mày ở đây? Để mày được vận động. Vận động suốt ngày. Mày bảo mày thiền ư? Mày thì hiểu gì về thiền? Phải thiền động con ạ. Có vận động, thì mày mới có cơ bắp. Mày phải mạnh mẽ nhất, trước khi làm bất cứ điều gì. Hiểu chưa con? Mày phải ở đây, học lại từ đầu cách làm người, rồi sau đó ra đời muốn làm gì cũng được.

Duyên không biết Toàn có thấm những lời thầy Tuệ Tâm nói hay không, nhưng cậu ta đứng đó, nhìn thầy trân trân. Nỗi sợ xuyên thấu tim Duyên. Có thể Toàn sẽ lao vào giết thầy, hoặc thầy sẽ giết chết cậu ta. Sự sống mong manh trong một tích tắc, khi con người dồn nhau tới đỉnh điểm của cảm xúc!

Cũng chính lúc đó, Trung và một cậu trai khác lao tới, trong tay mỗi người lăm lăm một thanh sắt nặng. Nhưng họ chưa kịp áp sát, thì Toàn đã buông xuôi, đôi mắt ánh đêm chết chóc của cậu ta cụp xuống.

Thầy Phan thu hai thanh sắt, bảo cậu trai kia:

- Trung ở lại với Toàn, hai đứa nói chuyện với nhau đi, còn Thắng với Duyên tránh ra, về làm việc của mình.

Duyên bước theo thầy Tuệ Tâm và Thắng về phía đường chạy. Lúc ngoái đầu nhìn lại, cô bàng hoàng khi thấy Trung đứng trước mặt Toàn, hai tay nắm vai cậu ta, như giữ cho Toàn đứng vững, mắt nhìn thẳng vào mặt cậu bạn, tin tưởng. Toàn cứ đứng bất động như vậy một lúc, rồi từ từ ngẩng mặt lên.

Duyên quay đi khi cảm giác hai luồng mắt chạm nhau. Họ đồng cảnh, đồng cảm. Có thể Trung sẽ là cái chốt để Toàn bám lấy.

Trung khoác vai Toàn, dẫn về phía dãy cối đá phía cuối đường chạy. Họ ngồi xuống hai cối đá cạnh nhau. Im lặng một lát, rồi Trung thủ thỉ kể, như tiếng con dế ri rỉ trong hang đất.

Hồi học cấp hai, Trung từng là một đứa trẻ đầu gấu trong trường làng. Thừa năng lượng, người lúc nào cũng hực lên, Trung bỏ học chơi games, phá phách trong trường, đánh nhau, xung đột với các bạn trong lớp. Lên lớp tám, Trung đã tập hợp tới 500 anh em lớp tám lên đánh nhau với lớp chín, náo loạn toàn trường, tiếng xấu lan tới tận huyện, tận tỉnh. Trầy trật vào được cấp ba, thì Trung vẫn không chịu học, tối thức chơi games, khi lên lớp nếu tỉnh ngủ thì đọc sách, hoặc tranh biện với giáo viên.

Với “thành tích bất hảo” dày đặc như thế, trong mắt thầy cô, bạn bè, người thân, Trung là kẻ bỏ đi, gây hại cho xã hội. Ở nhà, Trung bị người lớn mắng: “Bất tài vô dụng thế, sau này làm gì được cho đời?”, ra đường, Trung bị chửi đểu: “Thằng phá hoại này sao mày không chết đi cho rảnh?” Những đòn roi, chửi bới, hình phạt càng làm Trung bức xúc và muốn trả thù mọi người, trả thù đời. Trung càng phá dữ, nhưng càng phá, Trung không những không giải tỏa được bức xúc, mà thấy chán nản hơn. Cảm giác lúc ấy như bị treo đá vào cổ, đẩy xuống vực.

- Toàn có bao giờ bị cảm giác ấy không? – Trung ngừng kể, đột ngột hỏi Toàn.

- Cũng na ná như thế - Toàn trả lời sau một hồi im lặng - Vậy tại sao cậu tới nơi này?

- Bởi thầy Tuệ Tâm nhìn ra giá trị của tớ, trong khi mọi người chửi mắng và căm ghét tớ. Thầy cho rằng, tớ không chỉ là người hoàn hảo theo cách của riêng tớ, mà tớ còn có thể giúp ích cho bao người khác. Vậy nên tớ ở đây, để giúp các em nhỏ tự kỷ. Các em ấy rất cần tớ. Tớ đã tìm ra mình là ai, ở chính nơi này.

Toàn im lặng một khắc, rồi cậu ta dè dặt chạm tay mình vào tay Trung. Trung quay mặt lại, giơ một nắm đấm ra trước Toàn. Toàn cũng giơ nắm đấm ra, đấm mạnh, dứt khoát vào tay Trung.

Lòng tràn ngập cảm xúc, Trung chợt hiểu, suốt những năm tháng quấy phá của anh ở ngoài kia, không sánh được với một thời khắc sinh tử anh vừa trải qua ở đây, khi bài học sống làm người ngấm sâu nhất, khi thầy can đảm căng mình ra, đánh cược mạng sống của mình để cứu Toàn. Trung tin rằng thầy đã cứu được Toàn, cứu được một nhân cách, cũng như thầy đã thay đổi anh, trao cho anh một sứ mệnh.

10 cách dạy trẻ tự bảo vệ bản thân10 cách dạy trẻ tự bảo vệ bản thân
Dạy trẻ không thể bằng bạo lực!Dạy trẻ không thể bằng bạo lực!
Món quà đặc biệt của cô giáo dạy trẻ khiếm khuyết ở Sài GònMón quà đặc biệt của cô giáo dạy trẻ khiếm khuyết ở Sài Gòn

Kiều Bích Hậu

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.