Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững

19:20 | 17/08/2023

141 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp các bon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu”, ngày 17/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững”.
Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết: Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do. Đến nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do. Đây cơ hội lớn cho xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc tham gia vào các FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đòi hỏi người dân và doanh nghiệp tự nâng cao năng lực, áp dụng công nghệ để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cao không chỉ đối với chất lượng sản phẩm, mà còn cả về mẫu mã và các tiêu chuẩn về môi trường.

Nhấn mạnh đến việc thiết lập kiến trúc dữ liệu nền tảng số của ngành nông nghiệp Việt Nam cũng như tăng cường sự phối hợp giữa địa phương với trung ương trong bảo vệ các hoạt động nông nghiệp xanh và bền vững, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, theo “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Đến nay, ngành đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp thực hiện chức năng tham mưu, tổ chức triển khai hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử trong Bộ NN&PTNT. Với sự nỗ lực, quyết tâm của các bên liên quan, sự phối hợp chặt chẽ của Bộ NN&PTNT với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các địa phương sẽ góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững
"Xanh hóa" ngành hàng thanh long tăng giá trị xuất khẩu (Ảnh minh họa)

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, doanh nghiệp khoa học công nghệ và đặc biệt là người nông dân. Chuyển đổi số chính là phương thức quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất.

Để nhiệm vụ chuyển đổi số được thực hiện một cách đồng bộ, thuận lợi, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cần phải nâng cao nhận thức của các địa phương, doanh nghiệp và nhất là người nông dân về vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp; nâng cấp và tiến tới xây dựng hạ tầng công nghệ số hiện đại và đồng bộ với chi phí cạnh tranh.

Cần đẩy nhanh xây dựng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp, nhất là dữ liệu đất đai, cây, con, vùng trồng, người trồng, số lượng sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp, số hóa văn bản điều hành của Bộ; Xây dựng và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu của ngành, xây dựng bản đồ số nông nghiệp trên nền tảng dữ liệu lớn đồng bộ để kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở; xây dựng phần mềm quản lý, giám sát, đánh giá, phân loại sản phẩm nông nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, môi trường, thời tiết… cung cấp cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân, doanh nghiệp số hóa các quy trình sản xuất, tiến tới tích hợp, minh bạch sản phẩm;

Cần nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Bên cạnh đó, cần xây dựng và hoàn thiện chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp phù hợp và kịp thời, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp đúng trọng tâm và hiệu quả.

Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững
Toàn cảnh hội nghị

Với mục đích thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo về công nghệ số góp phần thực hiện các cam kết giảm phát thải của Việt Nam khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Tại hội thảo các đại biểu đã chia sẻ về tầm nhìn chiến lược chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; khai thác các nền tảng kỹ thuật số để giám sát và theo dõi các bon trong lĩnh vực xuất khẩu các nông sản chủ lực. Đồng thời, thúc đẩy chuỗi cung ứng phát thải các-bon thấp, thân thiện môi trường cho các sản phẩm tiêu biểu như thanh long và tôm, cũng như triển khai các hệ thống kỹ thuật số để tăng cường quản lý sản xuất lúa, thiết lập kiến trúc dữ liệu nền tảng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đồng thời củng cố sự phối hợp giữa các đơn vị địa phương và Trung ương trong cuộc cách mạng kỹ thuật số để bảo vệ các hoạt động nông nghiệp xanh và bền vững. Trong đó, một số mô hình nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững được nhấn mạnh.

Theo ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết, UNDP và Bộ NN&PTNT đã phối hợp làm việc trong hai năm qua để thiết lập một hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử sáng tạo nhằm theo dõi lượng phát thải khí nhà kính trong hai mặt hàng nông sản xuất khẩu chính là thanh long và tôm. Ông bày tỏ hy vọng trong tương lai gần, Bộ NN&PTNT có thể đẩy mạnh ứng dụng hệ thống kỹ thuật số trong việc quản lý dấu chân carbon cho tất cả các ngành xuất khẩu chủ lực. Trong bối cảnh chuyển đổi xanh trong nông nghiệp, đây trở thành một công cụ thiết yếu để các nhà sản xuất và doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam theo dõi và quản lý mức độ phát thải CO2 của chuỗi cung ứng.

Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững
Ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Ông Patrick Haveman tin tưởng rằng nếu chúng ta thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng có hệ thống các giải pháp kỹ thuật số tiên tiến, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh hơn. Khi Việt Nam áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc dấu chân carbon cho tất cả các trang trại và vùng sản xuất, người tiêu dùng trong nước và quốc tế có thể quét mã QR một cách minh bạch để truy xuất nguồn gốc của sản phẩm và mức độ thực hành xanh hoặc thân thiện với môi trường được áp dụng trong quá trình sản xuất. Việc dán nhãn xanh như vậy sẽ làm cho hàng hóa của Việt Nam nổi bật về môi trường và lợi thế cạnh tranh “xanh”. Nhãn xanh là chứng nhận đại diện cho việc tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế về môi trường, thiên nhiên, bảo vệ hệ sinh thái và an toàn thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), Bộ NN&PTNT sẽ tập trung vào số hóa dữ liệu để phục vụ việc ứng dụng số hóa trong ngành NN&PTNT trong thời gian tới. Hiện nay, tỷ lệ nông dân Việt Nam sử dụng internet hằng ngày khá cao, đây là một trong những thuận lợi giúp nông dân ứng dụng số hóa vào trong sản xuất. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ giúp sản phẩm nông, lâm, thủy sản của nông dân đáp ứng được đòi hỏi của thị trường về tính minh bạch trong quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, chuyển đổi số còn giúp nông dân gia tăng giá trị, hiệu quả của sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

N.H

Tín dụng xanh cho ngành nông nghiệp sạch vẫn còn khiêm tốnTín dụng xanh cho ngành nông nghiệp sạch vẫn còn khiêm tốn
Đến năm 2030, phấn đấu thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020Đến năm 2030, phấn đấu thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020
FTA Việt Nam - Israel mở cánh cửa đầu tư công - nông nghiệp xanhFTA Việt Nam - Israel mở cánh cửa đầu tư công - nông nghiệp xanh