Chuyện bạt núi, khoan hầm mở rộng Thủy điện Hòa Bình

18:05 | 29/07/2024

13 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trên công trường Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng, hàng nghìn CBNV, người lao động đang trên đà tăng tốc để về đích trong tháng 6-7 năm 2025, kịp thời góp phần cung ứng điện cho khu vực miền Bắc thời gian tới.

Thủy điện Hòa Bình mở rộng: Công trình cấp đặc biệt trên dòng chính sông Đà

Theo Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương, mục tiêu của EVN khi đầu tư xây dựng NMTĐ Hòa Bình mở rộng là để tăng khả năng khai thác công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, nâng cao khả năng điều tần, độ an toàn, ổn định và hiệu quả vận hành hệ thống điện quốc gia. NMTĐ Hòa Bình mở rộng sẽ cung cấp thêm cho hệ thống điện quốc gia khoảng 500 triệu kWh/năm, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hằng năm vào mùa lũ của công trình NMTĐ Hòa Bình hiện hữu để phát điện; đồng thời, góp phần giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.

Công trình được xây dựng trên dòng chính sông Đà, chảy qua địa phận Thành phố Hòa Bình. Nhà máy mở rộng sử dụng chung các hạng mục hồ chứa, đập dâng, đập tràn với công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu. Phần xây dựng mới bao gồm các hạng mục: kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy.

Ông Bùi Phương Nam - Giám đốc Ban QLDA Điện 1 cho biết, xác định đây là công trình quy mô lớn, Ban đã phối hợp cùng các đơn vị nghiên cứu kỹ cách thức triển khai xây dựng, làm tốt các công việc chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật... Trong đó, vấn đề trọng tâm bước đầu là lựa chọn nhà thầu. Qua các vòng đánh giá của chủ đầu tư, liên danh nhà thầu tham gia thi công gồm Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty CP Xây dựng 47 và Công ty Cổ phần LILAMA 10 đã được lựa chọn.

Chuyện bạt núi, khoan hầm mở rộng Thủy điện Hòa Bình
Khu vực thi công cửa lấy nước dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng, tháng 6/2024

Đại tá Trần Ngọc Tuấn (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn), Giám đốc Ban điều hành Liên danh nhà thầu cho hay, các đơn vị tham gia liên danh đều đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện dự án điện; trong đó Trường Sơn, Lilama 10 đã trực tiếp tham gia c công trình lớn trên bậc thang sông Đà như: Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu. Từng nhà thầu trong Liên danh cam kết đảm bảo huy động đủ nhân lực, bố trí máy móc, thiết bị để đáp ứng tiến độ và chất lượng thi công công trình.

Thực tế, trong quá trình xây dựng, do đặc thù công trường có diện tích nhỏ, các nhà thầu gặp khó khăn nhất định trong việc phối hợp “dàn quân” để triển khai công việc. Tuy nhiên, xuyên suốt quá trình thi công, đại diện chủ đầu tư và các nhà thầu đã thường xuyên làm việc, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Bạt núi khoan hầm: Nhiệm vụ không dễ dàng

Sau ngày khởi công 10/1/2021, toàn công trường Dự án NMTĐ Hòa Bình đã khẩn trương bắt tay vào thi công. Khối lượng công việc bộn bề, Ban QLDA Điện 1 đã bố trí lãnh đạo Ban cùng lực lượng kỹ sư, chuyên gia có chuyên môn cao bám công trường 24/24.

Ông Đào Trọng Sáng - Phó Giám đốc Ban QLDA Điện 1 kiêm Giám đốc Ban điều hành Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng cho biết, các hạng mục của Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng đều thuộc hành lang an toàn và bảo vệ an ninh của NMTĐ Hòa Bình. Trong quá trình thi công, Ban QLDA Điện 1 đã đưa ra một số giải pháp về thiết kế để đảm bảo an toàn các công trình hiện hữu như: lựa chọn vị trí cửa lấy nước, nhà máy đảm bảo khối lượng đào nhỏ nhất, không tác động đến các công trình hiện hữu; bố trí tường bê tông - sét và hầm tiêu thoát nước đảm bảo giảm khả năng thẩm thấu sang phía Đông đồi Ông Tượng...

Dự án được xây dựng ngay trong khu vực thành phố, do đó, vấn đề an toàn khi nổ mìn thi công được EVN đặc biệt quan tâm. Để đào hố móng công trình, cần thực hiện nổ mìn với trên 2 triệu m3 đá. Ban QDLA Điện 1 đã yêu cầu nhà thầu thử nghiệm các vụ nổ với quy mô từ nhỏ đến lớn dần trong mức quy định, đánh giá ảnh hưởng, đưa ra các giải pháp để các bên thực hiện và giám sát. Nhờ triển khai cẩn trọng, nên công tác nổ mìn được thực hiện thành công, đảm bảo an ninh, an toàn.

Đối với những người tham gia thi công dự án, một trong những dấu ấn không thể quên là việc phải dừng thi công gần 1 năm do xảy ra sạt trượt. Do ảnh hưởng của bão số 7 và số 8 diễn ra trong tháng 10/2021, mưa kéo dài nhiều ngày kèm theo địa hình giữa hai khe tụ thủy làm đất bão hòa nước trong thời gian dài, làm xảy ra hiện tượng sạt trượt đất đá tại một số điểm gần hố móng công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Theo đánh giá của EVN, hiện tượng sạt trượt không ảnh hưởng đến an toàn đập chính của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và các công trình hiện hữu quan trọng xung quanh, không làm thiệt hại đến người, thiết bị thi công, nhưng có thể ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.

Chuyện bạt núi, khoan hầm mở rộng Thủy điện Hòa Bình
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, động viên lực lượng thi công tại công trường NMTĐ Hòa Bình mở rộng, tháng 2/2023

Ngay sau đó, các đoàn công tác của Chính phủ, các Bộ, ngành đã kiểm tra thực tế tại hiện trường, thống nhất chỉ đạo EVN và các bên liên quan xử lý khối sạt trượt đảm bảo an toàn cho các hạng mục và công trình xung quanh, thực hiện theo 3 giai đoạn. Tới tháng 9/2022, Bộ Công Thương đồng ý cho phép EVN thi công trở lại đối với Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Sau gần một năm tạm dừng, công trường trở lại nhịp xây dựng với không khí cấp bách, khẩn trương.

Ở giai đoạn thi công trở lại, một “chiến công” lớn đối với những người thực hiện dự án, đó là hoàn thành xây dựng hầm dẫn nước. Cho tới nay, hầm NMTĐ Hòa Bình mở rộng là hầm thủy điện xuyên núi có đường kính lớn nhất Việt Nam, lên tới gần 14 mét. Do địa chất đá khu vực thi công rất phức tạp, nên Ban QLDA Điện 1 và các nhà thầu đã triển khai đào hầm xuyên núi một cách tỉ mỉ, tuyệt đối tránh các tác động mạnh có thể gây ra những đứt gẫy, sạt lở. Phương án triển khai lót thép gia cố đường hầm tại những nơi có đứt gẫy được triển khai kịp thời, đồng thời, Ban QDLA Điện 1 giám sát kỹ chất lượng thi công. Với những nỗ lực lớn của chủ đầu tư và của các nhà thầu, tới tháng 6/2024, hạng mục hầm dẫn nước đã được hoàn thành, là cột mốc quan trọng để tiếp tục tiến tới các tiến độ mục tiêu khác.

Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường luôn được Ban QLDA Điện 1 chú trọng, yêu cầu các nhà thầu nghiêm túc thực hiện trong quá trình thi công. Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng được Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ gói thầu Tư vấn môi trường xã hội. Qua các đợt kiểm tra, giám sát hiện trường, tư vấn của AFD đã đánh giá công trường tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn khuyến cáo của nhà tài trợ và luật pháp Việt Nam, đã thực hiện đầy đủ biện pháp giảm thiểu các ảnh hưởng về môi trường đối với khu vực xung quanh.

Cũng do mặt bằng công trường nhỏ, việc bố trí nhân lực cần được tính toán tối ưu nhất. Hiện nay, gần 1.000 công nhân, người lao động tham gia thi công 3 ca mỗi ngày; lực lượng tư vấn giám sát của Ban QLDA Điện 1 cũng được bố trí làm việc ngay tại công trường, sẵn sàng nghiệm thu các công việc nhà thầu đề nghị vào bất cứ thời điểm nào, đảm bảo công việc thông suốt.

Dự án còn chặng đường gần 1 năm, với các hạng mục lớn cần hoàn thành như: tháo dỡ đê quây, công tác bê tông, lắp máy… Tuy nhiên, với đà thi công và các phương án thi công được tính toán kỹ lưỡng, các lực lượng tham gia thi công Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng đều đang nỗ lực để đưa dự án về đích đúng hẹn trong năm 2025, đảm bảo an toàn, chất lượng công trình.

Kiểm tra công trường NMTĐ Hòa Bình mở rộng tháng 2/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý an toàn và chất lượng công trình phải được đặt lên hàng đầu, đồng thời bảo đảm tiến độ bằng việc thi công 3 ca 4 kíp, bù đắp lăij thời gian xử lý sự cố, phấn đấu vượt tiến độ 6 tháng; bảo đảm môi trường sinh thái; bảo đảm an toàn lao động, các vấn đề xã hội và chăm lo đời sống công nhân. Các cơ quan, đơn vị và tỉnh Hòa Bình phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời, báo cáo cấp có thẩm quyền, nhất là trong xử lý những vấn đề phát sinh.

Những điểm đặc biệt của công trình Thủy điện Hòa Bình mở rộng:

- Quy mô công suất lớn nhất trong số các dự án thủy điện vừa và nhỏ, thuộc Quy hoạch Điện VIII (2 tổ máy, tổng công suất 480MW)

- Hầm dẫn nước thủy điện xuyên núi lớn nhất Việt Nam (đường kinh hầm gần 14m)

- Công trình thủy điện duy nhất hiện nay đang được xây dựng trong lòng thành phố

Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng:

- Tổng mức đầu tư: Hơn 9.220 tỷ đồng

- Đây là công trình xây dựng cấp đặc biệt, 2 tổ máy với tổng công suất thiết 480MW

- Chủ đầu tư: EVN

- Ban Quản lý dự án Điện 1 quản lý, điều hành dự án

- Khởi công: Tháng 1/2021

- Dự kiến phát điện 2 tổ máy: Tháng 6-7/2025

- Sau khi hoàn thành công trình mở rộng, sẽ nâng tổng công suất cụm NMTĐ Hòa Bình từ 1.900MW lên 2.400MW, tương đương Thủy điện Sơn La – NMTĐ lớn nhất Đông Nam Á

Hải Anh