“Chương trình phổ thông đang nặng vì không biết cách xếp gọn”

08:56 | 03/10/2018

274 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
PGS Nguyễn Xuân Thành chỉ ra hai nguyên nhân khiến chương trình của Việt Nam nặng, dù khối lượng kiến thức tương đương các nước.

Áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội, mỗi môn học sẽ có một số sách giáo khoa. Sở dĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đứng ra chủ trì biên soạn một bộ sách để tránh tình huống nhiều môn sẽ không có sách khi các đơn vị khác không đầu tư, PGS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Giáo dục trung học, giải thích.

Cuối tuần qua, PGS Thành đã có buổi trao đổi với báo chí về chương trình học hiện nay cũng như những thay đổi sắp tới.

Chương trình đang nặng vì "không biết sắp xếp"

"Chương trình giáo dục phổ thông nước ta nặng so với thế giới, nhiều người nói như vậy nhưng nặng thế nào, nặng vì cái gì thì ít người thấu đáo. Nếu bóc tách từ lõi tất cả môn học, từ tự nhiên và xã hội, ở các lớp rồi liệt kê, so sánh giữa ta và Tây, mình không hơn họ bao nhiêu", ông Thành nói.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm nghiên cứu phương pháp dạy học, ông Thành chỉ ra hai nguyên nhân khiến chương trình của Việt Nam nặng, dù khối lượng kiến thức tương đương với các nước.

chuong trinh pho thong dang nang vi khong biet cach xep gon
Học sinh THPT tại TP HCM tranh thủ ôn bài trước giờ khai giảng.

Thứ nhất, cách sắp xếp chương trình hiện hành còn cồng kềnh khi cùng một môn học, từ lớp nhỏ đến lớp lớn, từ cấp này đến cấp kia có sự trùng lặp kiến thức. Chẳng hạn ở lớp 9 đã dạy mạch điện thì lớp 11 tiếp tục, chỉ bổ sung chút kiến thức mới. Ở lớp 6-7 học cơ nhiệt điện quang thì lớp 8-9 và 11-12 lại học tiếp.

Nội dung các môn học khác nhau cũng có sự trùng lặp. Chẳng hạn, phần điện phân có trong cả môn Lý, Hóa, Công nghệ. "Ta và Tây có chung hành lý như nhau, nhưng họ biết sắp xếp thì cho gọn vào một cái valy, còn ta thì đóng vào một thùng carton", ông Thành ví von.

Thứ hai, phương pháp dạy học cũng đang làm cho chương trình thêm nặng. Bản chất việc cắt 45 phút mỗi tiết với nội dung học tập rất chi tiết đã tạo cho cả giáo viên và người học áp lực. Bởi mỗi tiết học đền có bốn nội dung đặt vấn đề, học kiến thức mới, luyện tập, rồi vận dụng. Trung bình giáo viên có 10 phút một hoạt động, nội dung nào cũng vội vàng dẫn đến hiệu quả không cao.

Sắp tới, khi ghép một chủ đề môn học vào 3-4 tiết thì cùng với lượng kiến thức đó, giáo viên thực hiện bốn bước trên nhưng chỉ làm một lần trọn vẹn và không lặp lại. Việc học tích hợp, liên môn cũng giúp tránh sự trùng lặp kiến thức chung giữa các môn, tăng cường tính ứng dụng.

Ông Thành cũng chỉ ra hiện tượng "giáo viên chen ngang giữa học sinh và sách giáo khoa" và cho rằng cách làm theo thói quen này đang khiến việc học thêm nặng. Bởi sách giáo khoa vốn được viết để người học có thể tự đọc và hiểu, giáo viên phải là người mở rộng kiến thức đó chứ không nên diễn giải lại.

"Giáo viên soạn bài, giảng bài bám sát sách giáo khoa. Thay vì nói cho học sinh biết mang vải đi may áo thế nào thì giáo viên đang trình bày lại con tằm ăn dâu nhả tơ rồi mang đi dệt vải ra sao. Khi thầy dạy thì trò lại chép vào vở, vô hình trung làm tăng tải cho học sinh gấp đôi", ông Thành nói.

Do đó, chương trình mới sẽ tăng cường cho học sinh tự đọc sách giáo khoa để tiếp nhận kiến thức, dành nhiều thời gian trên lớp để báo cáo và thảo luận.

Cuốn sách là bình chứa kiến thức

Nói về chương trình mới sắp tới, ông Thành nêu ví dụ, cùng bài học về sự phát triển của thực vật, từ hạt nảy mầm, phát triển thành cây, ra hoa kết trái, nhưng các sách sẽ có cách viết khác nhau. Cụ thể, người viết sách có thể lựa chọn cây gì để phục vụ cho bài học đó là tùy đặc thù của địa phương.

Khác với trước đây, người viết đưa vào sách cây gì thì học sinh phải học cây nấy, dù có thể các em chưa gặp nó ở ngoài. Nay, một địa phương mạnh về nghề trồng dâu nuôi tằm thì hoàn toàn có thể đưa cây này vào bài học đó, vừa gần gũi, vừa thiết thực với các em.

"Cuốn sách giáo khoa lúc này đóng vai trò bình chứa nguyên liệu, nguyên liệu là kiến thức, là chuẩn chương trình. Học sinh phải biết sử dụng kiến thức làm điều gì đó, phát triển phẩm chất, năng lực", ông Thành nói.

Cũng chính đặc điểm trên, muốn chọn bộ sách giáo khoa nào, các địa phương sẽ dựa trên sự phù hợp với đặc thù và không có chuyện cả nể. Thông tư hướng dẫn chọn sách giáo khoa đang được biên soạn cũng hướng tới ưu tiên nhu cầu người học và tôn trọng ý kiến của giáo viên.

chuong trinh pho thong dang nang vi khong biet cach xep gon
Một lớp học theo chương trình trường học mới VNEN tại Lâm Đồng.

Cũng theo chương trình mới, việc giao quyền tự chủ sắp xếp chương trình dạy học cho các trường được tiếp tục, như cách Bộ đã làm từ năm 2013. Cụ thể, chương trình sẽ không bó buộc theo từng tiết, gây áp lực cho giáo viên mà sẽ giao khoán theo chủ đề môn học và số tiết cho phép phục vụ chủ đề đó.

"Chẳng hạn cùng là bài học về cấu tạo con cá, trước đây được phân bổ thành ba tiết, tiết 1 học về đầu, tiết 2 học mình, tiết 3 học đuôi, tới tiết nào là phải xong tiết đó nếu không muốn cháy giáo án. Nay chỉ phân phối ba tiết, giáo viên chủ động giáo án, miễn sao hoàn thành xong con cá", ông Thành nêu ví dụ.

Tương tự với môn Vật lý, thay vì dạy đòn bẩy, ròng rọc, mặt phẳng nghiêng ở ba tiết khác nhau thì sắp tới sẽ "khoán" cho giáo viên số tiết nhất định để hoàn thành nhóm nội dung này, tránh sự rời rạc.

Giáo viên phải biết giao nhiệm vụ cho học trò

Hiện nhiều người người than phiền Việt Nam có quá nhiều phương pháp dạy học, liên tục đổi mới. Ông Thành giãi bày, dù là tên gọi gì, từ bàn tay nặn bột, trường học mới, lớp học đảo ngược đều là hình thức bên ngoài, thể hiện phương pháp học tập tích cực. Tất cả đều có bốn bước: đặt vấn đề, học kiến thức mới, luyện tập, vận dụng.

Tuy nhiên, giáo viên nếu vào bài không kỹ, không đúng cách thì học sinh không biết học và vận dụng kiến thức ra sao. Giáo viên sắp tới phải biết cách giao nhiệm vụ cho học sinh, biết quan sát và giúp các em vượt qua khó khăn để báo cáo, nhận xét và đánh giá kiến thức thu nhặt được.

Ông Thành kể hai ví dụ. Trong một lần dự giờ, cô giáo đặt câu hỏi: "Đem hơ cái băng trên ngọn lửa đèn cồn, các em hãy dự đoán xem hiện tượng gì xảy ra? Học sinh không làm gì suốt 5 phút, khi hỏi ra mới biết nhiều em không hiểu dự đoán là gì?. Tôi hỏi lại, em thử đoán xem, nếu hơ băng trên ngọn đèn này thì nó như thế nào, các em mới hiểu", ông kể.

Chuyện thứ hai, một giáo viên giao nhiệm vụ cho lớp học: "Hôm nay chúng ta học bài về đức tính cần kiệm, mời các em nghe bài hát sau đây là phát biểu cảm tưởng về bài hát". Nhưng khi bắt đầu bật nhạc thì học trò không chú ý, em vừa nghe vừa nghịch, cười giỡn, nói chuyện với bạn.

Khi nghe xong, các em phát biểu chung chung rằng "bài hát rất hay", "bài hát rất ý nghĩa", nhưng hay và ý nghĩa thế nào thì không ai giải thích được. Theo ông Thành, cũng cách làm đấy nhưng nếu giáo viên yêu cầu học sinh chuẩn bị sẵn vở bút, nghe bài hát và viết vào vở các từ thể hiện đức tính cần kiệm sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

"Việc đổi mới phương pháp dạy học ban đầu cũng sẽ nhiều bỡ ngỡ, va vấp, giống như mới tập xe thì sẽ có ve quẹt, té ngã nhưng nếu bị va quẹt rồi dừng lại thì mãi mãi không bao giờ biết chạy xe", ông Thành nói.

Theo VnExpress

chuong trinh pho thong dang nang vi khong biet cach xep gon Sắp công bố khung chương trình giáo dục phổ thông mới
chuong trinh pho thong dang nang vi khong biet cach xep gon Thực hiện chương trình GDPT mới là bỏ cách dạy “thầy đọc, trò chép”
chuong trinh pho thong dang nang vi khong biet cach xep gon Chương trình phổ thông mới không phải là “ván đã đóng thuyền”
chuong trinh pho thong dang nang vi khong biet cach xep gon Tiếp tục hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông mới