Chức phận của người làm báo

07:00 | 21/06/2013

542 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nghề cao quý, được xã hội tôn vinh, nể trọng - những lời nhận xét ấy vừa động viên, khuyến khích, vừa khiến cho những người làm nghề luôn phải nhớ đến chức phận của mình.

Văn Hùng (NLM số 232)

Những năm qua, cùng với sự phát triển không ngừng, thậm chí rất nhanh của nhiều loại hình báo chí, nhất là báo chí điện tử, với đa dạng các phương thức giao tiếp, trao đổi thông tin trên facebook, blog, blogger, con người, xã hội hàng ngày, hàng giờ được thụ hưởng một khối lượng thông tin khổng lồ. Thế giới phẳng trở thành khái niệm khá quen thuộc với mỗi người. Điều ấy hàm chứa một thông điệp giản dị - không thể giấu được thông tin cho dù con người rất giỏi bảo mật thông tin bằng công nghệ tinh xảo của mình. Nhưng cũng chính người trong số họ lại tìm ra cách để đánh cắp những thông tin ấy. Vì thế, chủ động thông tin, tạo được tần xuất thông tin hợp lý, vượt trước về thông tin thường tạo ra lợi thế để người tiếp nhận thông tin có được sự tin cậy có cơ sở luôn là mong muốn của bất cứ cơ quan báo chí nào.

Chức phận của báo chí là thu thập thông tin, khai thác, xử lý, chuyển tải thông tin đến xã hội, bạn đọc. Để hoàn thành trách nhiệm cao cả ấy, với những thông tin của mình, báo chí góp phần quan trọng định hướng nhận thức, dư luận bạn đọc về những vấn đề, vụ việc cụ thể của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội đất nước và quốc tế. Sức mạnh thông tin có được chính là nhờ hội đủ các yếu tố (có người gọi là tính): chân thực, khách quan, lan tỏa, đấu tranh, xây dựng, phản biện, dự báo…

Phóng viên Báo Năng lượng Mới tác nghiệp tại Mường Nhé, tỉnh Điện Biên

Báo chí vừa tạo dư luận vừa định hướng dư luận. Bạn đọc vẫn thường truyền miệng nhau câu: Báo họ mới đăng mà! Hàm ý của câu nói ấy là sự tin cậy, chứ không mấy khi nghi ngờ, thiếu lòng tin. Cùng một sự kiện, vấn đề xảy ra trong đời sống xã hội hằng giờ, hằng ngày, nếu không chủ động thông tin rất có thể báo chí rơi vào tình trạng “lép vế” với báo “không chính thống”, nhất là trước những thông tin trên các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử không thuộc diện chịu quản lý về nội dung bởi các cơ quan quản lý Nhà nước. Việc tiếp cận, thụ hưởng thông tin từ nhiều kênh khác nhau cũng đặt ra một vấn đề rất tế nhị, bạn đọc thường đặt câu hỏi: kênh thông tin nào tin cậy hơn, thông tin trước hay sau? Đương nhiên, nếu thông tin chậm, nhất là báo nào không có thông tin thì sẽ khó phát huy ảnh hưởng của mình.

Trong những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của các phương tiện thông tin, yếu tố cạnh tranh thông tin càng trở nên quan trọng. Bấy lâu nay, quan niệm của người làm báo cho rằng, chất lượng, sức mạnh thông tin nằm ở chỗ chủ thể thông tin là ai, là cơ quan báo chí nào đăng, phát. Nhận xét ấy có lý nhưng chưa đủ. Quan điểm của bạn đọc đã có sự chuyển dịch theo lứa tuổi, học vấn, cương vị xã hội. Đã từng có nhận xét: thông tin nào đến trước, tần xuất cao, kéo dài, hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu nghe nhìn, nội dung thông tin cùng cách lý giải chân tình thường dễ chấp nhận và thuyết phục được độc giả. Thực tế ấy cũng là thách thức không nhỏ đối với những người làm báo.

Báo chí là quyền lực thứ mấy? dường như đã được xác định, có lẽ không phải bàn, nhưng để giữ được thứ bậc ấy, cần một thái độ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm chính trị cao, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, tác phong chuyên nghiệp. Không phải vô cớ mà đã có khá nhiều bài phản biện, góp ý với thái độ khác nhau trong báo giới về chuyện nghề, không chỉ là đạo đức nghề nghiệp một cách giáo điều, lên gân, kinh viện mà báo chí đã bày tỏ chính kiến rõ ràng, không khoan nhượng, né tránh. Chẳng hạn, thông qua những ví dụ cụ thể, trực diện, nêu hiện tượng, khuynh hướng “lá cải hóa” báo chí, thông tin chỉ hướng đến thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả; chú tâm khai thác mặt tiêu cực “đánh hội đồng”… vô hình trung hạ thấp nhân cách nhà báo, làm giảm uy tín “quyền lực” của những người làm báo.

Năm qua, câu chuyện nội bộ làng báo bỗng dưng trở thành diễn đàn trao đổi sôi nổi trong thời gian khá dài, gây sự chú ý đặc biệt của dư luận xã hội, chỉ đến khi có người phân xử mới tạm ngưng. Cái được đương nhiên nhiều hơn. Cũng là sự thức tỉnh nghề - trước hết là đánh thức trái tim và trách nhiệm nghề nghiệp của báo giới trong thời hội nhập thông tin và thế giới phẳng, sau là lời nhắn nhủ đến các nhà quản lý, cơ quan chủ quản báo chí về trách nhiệm của họ trước mặt hạn chế, tiêu cực của báo chí.

Nghề cao quý, được xã hội tôn vinh, nể trọng - những lời nhận xét ấy vừa động viên, khuyến khích, vừa khiến cho những người làm nghề luôn phải nhớ đến chức phận của mình; trong đó, phục vụ xã hội, bạn đọc, phụng sự đất nước, nhân dân luôn là lý tưởng cao cả mà người làm báo hướng tới, răn mình mỗi khi suy nghĩ, đặt bút để hình thành tác phẩm báo chí.

Đất nước ta sau hàng thập kỷ triển khai công cuộc đổi mới, dẫu đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng còn vô vàn bộn bề khó khăn. Báo chí có những đóng góp không nhỏ cho sự chuyển mình của dân tộc. Những người làm báo, với chức phận của mình phải suy nghĩ cho thấu, cho kỹ để không biến quyền lực thành độc quyền; không tự mãn với những gì mình đã có, để khiêm tốn học tập vươn tới những thành công mới, đóng góp xứng đáng hơn cho sự phát triển nhanh, bền vững của dân tộc, đất nước.

V.H

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc