Chớ coi nhẹ việc đặt tên tác phẩm

20:05 | 23/01/2012

3,267 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tên tác phẩm cũng như tên người. Khi chưa biết mặt, chỉ nghe tên, ta đã ít nhiều bị ấn tượng. Tên hay, độc đáo sẽ khiến ta dễ hình dung hay về con người đó, cảm thấy như bị hấp dẫn. Ngược lại, ta sẽ có thể không muốn gặp bởi không hào hứng.

Tên tác phẩm rất quan trọng với sáng tác của nghệ sĩ

Đặc biệt đối với phụ nữ, ví dụ những cô gái nào đó mang tên của đàn ông như: Chiến, Thắng, Thọ, Quang, Cường, Hùng, Dũng… v.v hoặc không được hay như Côn, Quốc, Quất, Cung, Kết… v.v rõ ràng là khiến ta không thích thú như mọi tên nữ tính khác, tuy có thể đã phổ biến (Hằng, Nga, Hương, Ngọc, Tuyết, Hoa, Quỳnh, Lan, Mai …v.v). Từng có nhiều cô gái lớn lên có nhan sắc “chim sa cá lặn”, đã rất phiền lòng bởi những cái tên cha mẹ đặt lúc lọt lòng cho “dễ nuôi” (Hĩm,Cún, Rô, Riếc, Thúng, Nong, Nia…v.v) và họ đã phải đổi tên.

Vậy thì tên tác phẩm cũng thế. Nhưng không phải người sáng tác nào cũng dụng công tìm tên phù hợp, gợi cảm, giàu biểu hiện cho tác phẩm của mình. Không ít tác giả nổi tiếng luôn coi nhẹ việc này. Và cũng không hiếm tác phẩm hay, có giá trị đã được mang những tên dễ dãi, không tương xứng. Nhạc sĩ Hoàng Vân là ví dụ tiêu biểu. Ông là một nhạc sĩ lớn, có sự nghiệp sáng tác đáng nể ở cả hai lĩnh vực thanh nhạc và khí nhạc, in đậm dấu ấn trong đời sống âm nhạc Việt Nam suốt nửa sau thế kỷ 20. Nếu ông công phu tìm tòi sáng tạo toàn bộ tác phẩm bao nhiêu thì lại đại khái cho việc đặt tên bấy nhiêu. Cứ viết về ngành nghề, lĩnh vực nào là ông đặt luôn “bài ca…” (Bài ca giao thông vận tải, Bài ca trên nhịp cầu thương nghiệp, Bài ca người giáo viên nhân dân, Bài ca bên tay lái, Bài ca pháo kích, Bài ca người thợ mỏ…). “Quảng Bình quê ta ơi!” là một bài hát bất hủ, càng nghe càng cảm động. Đó là một tài sản tinh thần vô giá của người dân xứ sở này, không dễ có sự thay thế. Nhưng ông đã đặt tên ca khúc bằng một lời gọi. Nghe quen sẽ chẳng thấy gì, nhưng thử hình dung: Cứ viết về đâu là lại gọi tên nơi ấy lên rồi dùng làm nhan đề, ví dụ: “Hà Đông ơi! Sơn Tây ơi! Bắc Ninh ơi! Phú Thọ ơi!”… thì sao đây?

Rất nhiều người làm thơ có lẽ do… bí nên đã đặt tên cho sáng tác của mình là “Không đề”. Có những tập thơ chưa tới 100 bài mà có tới trên 10 bài mang cái tên như trên. Đúng là “Không đề” chẳng có nghĩa gì ngoài bài thơ không có tên. Điều này đã diễn ra nhan nhản khắp nơi, trở nên nhàm. Hầu như người làm thơ nào cũng ít nhất có một bài “Không đề”. Đáng tiếc là tên này rất nhiều khi được đặt cho những bài thơ hay, có giá trị mà hoàn toàn có thể mang tên khác đích đáng. Có tác giả lại còn có từ “Không đề 1” đến “Không đề 10” trong một tập thơ mỏng tang. Khó chấp nhận một lý do nào ngoài sự lười biếng của người sáng tác.

Nói đến Võ Huy Tâm – một nhà văn quen biết của ngành than, người ta nhắc ngay đến 2 tác phẩm văn xuôi là Vùng mỏNhững người thợ mỏ, đều nói về đời sống người thợ mỏ ở vùng Quảng Ninh, nhưng cuốn thứ nhất đề cập đến họ thời kháng chiến chống Pháp, còn cuốn thứ 2 thời hòa bình (sau năm 1954). Đã có Vùng mỏ rồi thì cuốn sau không nên mang tên Những người thợ mỏ nữa mà cần nghĩ một tên khác, bởi vì dẫu là Vùng mỏ thì thực chất cũng là Những người thợ mỏ mà thôi (vì không lẽ cuốn trước lại chỉ nói về thiên nhiên, không gian, miền quê mỏ mà không nói đến con người?)

Đều có những giá trị nhất định, tuy có thể ở những mức độ khác nhau tạo nên diện mạo nền văn học kháng chiến (thời kỳ 1946-1954) nhưng Đất nước đứng lên có cái tên gây ấn tượng tiểu thuyết hơn là Con trâu. Tên sau có vẻ phù hợp với một truyện ngắn hơn là Tiểu thuyết. Cũng như vậy, ở giai đoạn hòa bình sau đó, Vỡ bờ gợi hơn là Cái sân gạch. Chu Lai là một cây bút văn xuôi quen biết với nhiều sáng tác có giá trị về chiến tranh. Nhưng Cuộc đời dài lắm có phần “thật thà”! Tiểu thuyết này hoàn toàn có thể mang tên khác tương xứng hơn.

Trong lĩnh vực điện ảnh, sự tùy tiện trong việc đặt tên tác phẩm cũng diễn ra, có khi khá… ngây ngô. Cách đây mấy năm, tôi xem được một bộ phim truyền hình có tên Tình yêu có bao giờ sai. Tình yêu không có truyện đúng, sai mà là kẻ đang yêu có những xử sự đúng sai mà thôi. (Đó là chưa nói về những phương diện diễn đạt, phải thay chữ bằng chữ không) .Gần đây, có bộ phim truyền hình Vị giáo sư “tinh tướng”. Mặc dù từ tinh tướng đã được để trong ngoặc kép, nhưng người xem vẫn thấy không ổn. Đây là bộ phim theo phong cách nghiêm túc-chứ không phải hài hước. Nhân vật chính là một vị giáo sư rất đáng kính trọng về tài năng và nhân cách. Có lẽ bởi ông cứ rứt khoát xin về hưu trước tuổi mà mọi người cho ông là…tinh tướng. Từ này là tiếng lóng ngoài xã hội, thuộc loại ngôn ngữ kẻ chợ. Dùng cho một nhân vật như vị giáo sư rất thâm thúy, đôn hậu, trong phim quả là kỳ khôi – dẫu đó là ý nghĩ của kẻ khác về ông, cùng lắm chỉ có thể nói là vị giáo sư… “hâm”. Thành thử cái tên này đã làm tầm thường bộ phim đi đáng kể.

Có lần tôi xem một vở kịch nói có tên Không thể và có thể. Vở kịch không đến nỗi nào, có cái để xem. Tác giả đặt được ra đôi điều đáng để khán giả suy nghĩ. Nhưng cái tên “kín” quá và có vẻ như tên một bài báo.

Thường thì khi đặt tên cho tác phẩm, người sáng tác hay theo mấy khuynh hướng sau. Một là khái quát chủ đề toàn bộ tác phẩm – Kiểu này phổ biến hơn cả (Đất nước đứng lên, Vỡ bờ, Sóng gầm, Gió lộng, Tiếng sóng…v.v). Hai là lấy tên nhân vật chính, trung tâm làm tên tác phẩm – Kiểu này cũng rất phổ biến (Chí Phèo, Chị Tư Hậu, Tố Tâm, Lan và Điệp, Kiều…). Có khi lấy bối cảnh thời gian hoặc không gian (Gió đầu mùa, Mùa gió trướng, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Trên vĩ tuyến 17 …v.v) Dẫu rơi vào khuynh hướng nào thì tên tác phẩm cần giàu sức gợi mở, kích thích được tối đa nhất khả năng tưởng tượng của người thưởng thức. Những tác phẩm nổi tiếng của văn học thế giới từ cổ tới kim đều có những cái tên rất gợi cảm, ấn tượng, rất ít thấy những trường hợp bất ổn. Đó là chưa kể không phải người dịch nào cũng chuyển được hết nghĩa của từ gốc nước ngoài sang tiếng Việt.

Tất nhiên, giá trị, sức thuyết phục của tác phẩm nghệ thuật là ở nội dung. Vấn đề tuy nhỏ nhưng thiết nghĩ người sáng tác cũng nên để tâm, bởi khi nghe tên tác phẩm, tâm lý tự nhiên của bất cứ người thưởng thức nào cũng dễ chú ý hoặc ngược lại là thờ ờ, không thích đón nhận. Chắc chẳng tác giả nào lại muốn công chúng của mình ở vào trường hợp sau.

Nguyễn Đình San