Mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân

Chính sách không theo kịp thực tế?

13:00 | 14/03/2020

629 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 28-2-2020, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng; người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng. Có ý kiến cho rằng, điều chỉnh mức GTGC lần này là để áp dụng cho tương lai, tức 5-7 năm tới. Trong khi đó, Bộ Tài chính dựa trên chênh lệch giữa chỉ số giá từ tháng 7-2013 đến cuối năm 2019 để đề xuất mức GTGC là chưa hợp lý, không theo kịp diễn biến thực tế.    

Hỗ trợ lớn cho mọi đối tượng nộp thuế

Bộ Tài chính cho biết, khoản 4, Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (Luật số 26/2012/QH13) quy định: “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.

chinh sach khong theo kip thuc te
Mức GTGC cần phải tăng tương ứng nếu không sẽ có thể khiến người dân nghèo hơn

Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12-2019 so với thời điểm 1-7-2013 là 123,2%, tăng 23,2%. Căn cứ quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Bộ Tài chính nhận định, cần thiết phải nghiên cứu điều chỉnh mức GTGC. Dự kiến sẽ nâng mức GTGC cho bản thân người nộp thuế lên trên 11 triệu đồng/tháng (1,232 x 9 triệu đồng = 11,088 triệu đồng), tương ứng mỗi người phụ thuộc hơn 4,4 triệu đồng/tháng (1,232 x 3,6 triệu đồng = 4,4352 triệu đồng).

Đánh giá về tác động của việc điều chỉnh mức GTGC của thuế TNCN, Bộ Tài chính cho biết, mức GTGC này sẽ hỗ trợ lớn cho mọi đối tượng nộp thuế; góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013. Số thuế TNCN phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng nộp thuế, trong đó mức giảm thuế của nhóm người nộp thuế ở bậc thuế thấp sẽ cao hơn so với những người nộp thuế ở bậc thuế cao.

Cũng theo Bộ Tài chính, với đề xuất nâng mức GTGC nêu trên thì số thuế TNCN thu trong 1 năm sẽ giảm khoảng 10.300 tỉ đồng (tương đương giảm khoảng 13% số thu ngân sách từ thuế TNCN năm 2019). Theo dữ liệu trên hệ thống tập trung của ngành thuế trong năm 2019, số lượng người nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công khoảng 6,89 triệu người với tổng số thu trên 79.219 tỉ đồng. Nếu áp dụng mức giảm trừ theo dự kiến là 11 triệu đồng/tháng cho bản thân người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc thì phần lớn số người nộp thuế ở bậc 1 sẽ chuyển sang diện không phải nộp thuế, những người nộp thuế ở các bậc thuế còn lại đều được giảm số thuế phải nộp, qua đó dự kiến giảm thu ngân sách xuống còn khoảng 68.921 tỉ đồng.

Trả lời báo chí mới đây về việc điều chỉnh mức GTGC theo biến động của CPI được các nước áp dụng ra sao và ở Việt Nam có phải là tiêu chí phù hợp nhất không, ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, thuế TNCN của các nước đều có quy định về mức GTGC. Việc điều chỉnh mức GTGC thường có sự khác biệt ở các nhóm nước.

Ở các nước phát triển, do thuế TNCN là một sắc thuế quan trọng, chiếm số thu lớn trong hệ thống thuế nên tần suất điều chỉnh thường xuyên mỗi năm một lần, cơ bản điều chỉnh tăng tương ứng theo chỉ số CPI hằng năm (Anh, Mỹ). Tuy nhiên, ở các nhóm nước đang phát triển, tần suất điều chỉnh ít thường xuyên hơn và thường duy trì ổn định trong một thời gian nhất định. Khác với nhiều nước phát triển, phần lớn các nước đang phát triển không quy định nguyên tắc điều chỉnh mức GTGC mà việc điều chỉnh thường được thực hiện thông qua việc sửa Luật Thuế TNCN (Trung Quốc, Indonesia, Malaysia...).

Đối với Việt Nam, mức GTGC quy định tại Luật Thuế TNCN được tính toán ổn định trong một khoảng thời gian và vẫn bảo đảm cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng, mức thu nhập và chi tiêu trung bình xã hội cho năm hiện tại cũng như một số năm về sau.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính): Mức GTGC mà Bộ Tài chính đề xuất là không phù hợp, chưa áp dụng đã lỗi thời. Bởi lẽ, khi CPI tăng 20% đã phải điều chỉnh mức GTGC, nhưng hiện CPI đã tăng hơn 23% mới điều chỉnh, không có lợi cho người tiêu dùng.

“Trước đây, khi Quốc hội bàn sửa Luật Thuế TNCN đã cân nhắc đến nhiều tiêu chí và cách tiếp cận khác nhau, nhưng cuối cùng phương án điều chỉnh mức GTGC theo biến động của giá cả là phù hợp nhất đối với nước ta và Quốc hội đã thống nhất lựa chọn tiêu chí này. Bởi vì, CPI là yếu tố tác động trực tiếp đến người dân cho nên tôi cho rằng, quy định như hiện hành là hoàn toàn phù hợp” - ông Trần Quang Chiểu khẳng định.

Còn nhiều điểm bất hợp lý

Những năm gần đây, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu hầu hết đều tăng cao. Giá điện, nước sinh hoạt được điều chỉnh tăng; giá xăng, giá dịch vụ y tế, giá thuốc chữa bệnh... cũng tăng; chi phí sinh hoạt hằng ngày đều tăng. Hơn nửa năm qua và cho đến thời điểm này, giá thịt lợn vẫn ở mức cao kéo theo nhiều thực phẩm khác tăng lên.

Trong bối cảnh như vậy, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng, mức GTGC mà Bộ Tài chính đề xuất là không phù hợp, chưa áp dụng đã lỗi thời. Bởi lẽ, khi CPI tăng 20% đã phải điều chỉnh mức GTGC, nhưng hiện CPI đã tăng hơn 23% mới điều chỉnh, không có lợi cho người tiêu dùng.

Theo ông Long, việc áp dụng cách tính GTGC như hiện nay sẽ khó tránh khỏi chuyện chính sách không theo kịp thực tế đời sống. Nguyên nhân là do ngoài yếu tố về CPI tăng thì nhu cầu trong đời sống sinh hoạt của người dân ngày càng tăng vì thu nhập tăng. Do đó, ngoài yếu tố giá cả, mức GTGC phải tính theo biến động của nhu cầu đời sống người dân, phải tăng tương ứng.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, con số CPI tăng trên 20% mới điều chỉnh mức GTGC là quá cao và nên giảm xuống. Vì nếu xảy ra trường hợp lạm phát chỉ tăng gần 20% trong nhiều năm thì người nộp thuế sẽ bị thiệt dài hạn trong suốt quãng thời gian này.

Trao đổi về việc làm sao để có được một mức thuế hợp lý cho người dân, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh, cần có quan điểm cải cách, thay đổi cơ bản Luật Thuế TNCN, trong đó, cải cách thuế suất, bậc thuế và GTGC để tính số tiền phải nộp hợp lý. Cụ thể, cần giảm 7 bậc xuống còn 4-5 bậc và giảm thuế suất bậc đầu tiên cũng như bậc cuối cùng. Nếu giảm thuế suất bậc 1 từ 5% hiện nay xuống còn 1-2% sẽ không còn quá quan trọng việc nâng mức GTGC. Ngoài ra, điều chỉnh như vậy có thể giữ ổn định Luật Thuế TNCN hàng chục năm, cho dù lạm phát lớn, nhưng vì mức độ biến động thấp nên sẽ không bị phản đối mạnh mẽ như những năm qua.

Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, sự bất hợp lý sẽ càng gia tăng khi Bộ Tài chính quên điều chỉnh ngưỡng chịu thuế đối với hộ kinh doanh. Theo quy định hiện hành, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ nộp các loại thuế, phí như lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế TNCN, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có), phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản (nếu có). Mức doanh thu 100 triệu đồng/năm đối với hộ kinh doanh là quá thấp, đã quá lỗi thời từ nhiều năm nay.

Mức GTGC được tiếp tục tăng lên trong thời gian tới mà chưa điều chỉnh ngưỡng chịu thuế cho hộ kinh doanh sẽ càng thấy rõ sự bất cập trong chính sách thuế. Do đó, cần điều chỉnh tăng ngưỡng chịu thuế của hộ kinh doanh.

Đức Minh