Thuế thu nhập cá nhân 11 tháng vượt dự toán cả năm hơn 10.000 tỷ đồng
Thu thuế thu nhập cá nhân tăng mạnh
Theo Tổng cục Thuế, 11 tháng đầu năm 2024, số thu từ thuế thu nhập cá nhân không chỉ vượt kế hoạch mà còn ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ so với các năm trước.
So sánh với năm 2015, khi số thu thuế này đạt khoảng 56.723 tỷ đồng, con số hiện nay đã tăng gần gấp 3 lần, phản ánh rõ rệt sự gia tăng thu nhập và khả năng đóng góp của người dân. Năm 2023, thuế thu nhập cá nhân chiếm tới 9% tổng ngân sách nhà nước, tăng đáng kể so với tỷ trọng 5,33% vào năm 2011. Đây là sắc thuế lớn thứ ba, sau thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cùng với thuế thu nhập cá nhân, các khoản thu khác cũng ghi nhận sự khả quan: Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 103% dự toán; Thu phí và lệ phí đạt 108,6%; Thu từ hoạt động xổ số đạt 108,2%; Thu từ tiền cho thuê đất, thuê mặt nước đạt tới 171%...
Tổng thu ngân sách nhà nước 11 tháng qua đạt 1.553.504 tỷ đồng, tương ứng 104,5% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 1.501.020 tỷ đồng, và thu từ dầu thô đạt 52.483 tỷ đồng. Điều này cho thấy khả năng vượt dự toán không chỉ từ thuế thu nhập cá nhân mà còn từ nhiều nguồn thu khác, minh chứng cho sự hiệu quả của ngành thuế trong quản lý và điều hành.
Nhu cầu cải cách chính sách thuế
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Tài chính nhận định rằng chính sách thuế hiện hành vẫn cần sửa đổi để phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội đang thay đổi nhanh chóng, đồng thời giảm áp lực cho người nộp thuế.
Một số đề xuất cải cách chính sách đang được lấy ý kiến như điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Sau 4 năm áp dụng, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại không còn phù hợp với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh nhằm bảo đảm mức giảm trừ phản ánh đúng thực tế cuộc sống của người dân.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, việc bổ sung các khoản giảm trừ mới để giảm bớt gánh nặng thuế cho người lao động. Học tập kinh nghiệm từ các quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Việt Nam có thể cân nhắc cho phép giảm trừ chi phí y tế, giáo dục, hoặc lãi vay mua nhà trả góp trước khi tính thuế.
Việc cải tiến biểu thuế lũy tiến cũng là điểm quan trọng trong lần cải cách chính sách thuế này. Bởi vì, biểu thuế lũy tiến hiện nay gồm 7 bậc, gây phức tạp và áp lực cho người nộp thuế. Bộ Tài chính đang xem xét rút ngắn số bậc, đồng thời nới rộng khoảng cách thu nhập giữa các bậc, nhằm đơn giản hóa và tạo sự công bằng hơn trong hệ thống thuế.
Trong đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam hiện hành đã quy định mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, tương đương với 132 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, cho rằng mức giảm trừ này đang ở mức quá thấp.
Ông Thịnh chỉ ra rằng, nếu so sánh với một số quốc gia có nền kinh tế phát triển như Singapore, nơi người dân có thu nhập từ 40.000 - 60.000 USD/năm, chỉ cần khoảng 20.000 USD để có thể sống tốt, thì mức thu nhập bình quân của Việt Nam lại chưa đủ đáp ứng nhu cầu và mức sống thực tế của người dân. Với mức giảm trừ gia cảnh hiện tại, người nộp thuế sống tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM sẽ gặp khó khăn trong việc trang trải các chi phí sinh hoạt hàng ngày, bao gồm thuê nhà, ăn uống, học hành và khám chữa bệnh.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, “mức giảm trừ gia cảnh đang quá thấp, cần phải tăng thêm”. Ông đề xuất mức giảm trừ nên dao động từ 16 - 18 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và từ 5 - 7 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc. Theo quan điểm của ông, việc điều chỉnh này sẽ giúp người dân có khả năng sống tốt hơn trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao.
Dù đạt được kết quả tích cực, ngành thuế vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Tăng trưởng kinh tế không đồng đều giữa các địa phương khiến nguồn thu thuế bị phân hóa. Đến cuối tháng 11, có 42 địa phương đạt trên 94% dự toán, nhưng cũng có 21 địa phương chưa đạt mức này. Điều này đòi hỏi chính sách thuế phải linh hoạt hơn để khắc phục bất cập.
Ngoài ra, khi nền kinh tế phát triển, nhu cầu cải cách thuế không chỉ dừng lại ở việc tăng nguồn thu mà còn phải hướng đến xây dựng một hệ thống thuế công bằng, minh bạch và bền vững.
Số thu thuế thu nhập cá nhân vượt kế hoạch cả năm hơn 10.000 tỷ đồng không chỉ là dấu ấn tích cực của ngành thuế mà còn thể hiện sự đóng góp ngày càng lớn của người dân vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để bảo đảm tính bền vững, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách chính sách thuế, đặc biệt là Luật Thuế thu nhập cá nhân, nhằm giảm gánh nặng cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đình Khương
-
Tin tức kinh tế ngày 9/12: Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trong 11 tháng tăng hơn 50%
-
Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí
-
Bài 5: Cần xây dựng tổng thể “chính sách thuế xanh” để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh
-
Chính sách thuế với đồ uống có cồn: Cần đảm bảo lợi ích và thực tế
-
Tin tức kinh tế ngày 12/7: Thép Trung Quốc tiếp tục ồ ạt vào Việt Nam
-
Ngân hàng nào phát hành trái phiếu "khủng" nhất năm 2024?
-
Báo chí đóng góp 615.488 tin bài về ngành Tài chính trong năm 2024
-
Giá vàng hôm nay (7/1): Thị trường trong nước và thế giới trái chiều
-
Giá vàng hôm nay (6/1): Giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Giá vàng hôm nay (4/1): Thị trường thế giới quay đầu giảm