Chính quyền Ukraina bị “trên đe dưới búa”

13:50 | 18/07/2015

1,812 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chính quyền của Tổng thống Ukraina Poroshenko đang chịu sức ép từ nhiều phía. Nga và châu Âu thúc ép ông thực thi đầy đủ thỏa thuận Minsk, phong trào cánh hữu từng ủng hộ chính phủ đương nhiệm yêu cầu ông từ chức, trong khi tình hình miền đông Ukraina vẫn ngày càng xấu đi.

Lãnh đạo tổ chức dân tộc cực đoan Right Sector, Dmitry Yarosh, vừa lên tiếng yêu cầu Tổng thống Poroshenko từ chức

Ngày 17/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Nga và Ukraina nhằm trao đổi về tình hình ở miền Đông Ukraina.

Hồi tháng 2/2015, bốn nước này đã nhất trí về một gói các biện pháp được gọi là “Minsk 2" nhằm chấm dứt các cuộc xung đột quân sự tại quốc gia thuộc Liên Xô cũ này.

Thông báo ngày 17/7 của Văn phòng Tổng thống Pháp nêu rõ: “Động lực này cần được phải duy trì nhằm đảm bảo các biện pháp trong thỏa thuận Minsk có hiệu lực đầy đủ đến cuối năm nay. Các bước đi chính trị này phải đi cùng với việc tôn trọng nghiêm túc những cam kết do tất cả các bên đưa ra liên quan đến vấn đề an ninh".

Trước đó ngày 10/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande bất ngờ hối thúc Tổng thống Ukraina Poroshenko phải đảm bảo quyền tự quản cho vùng lãnh thổ đang đòi độc lập ở miền Đông nước này trong hiến pháp sửa đổi.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraina, Thủ tướng Angela Merkel​ và Tổng thống Pháp Francois Hollande​ đã yêu cầu ông tiếp tục "cải cách hiến pháp", đặc biệt nhấn mạnh đến việc đưa vào hiến pháp sửa đổi những quy định về quyền tự quản cho một số vùng ở hai tỉnh Donetsk​ và Lugansk.

Văn phòng của Tổng thống Pháp khẳng định ông Hollande và bà Merkel đều coi việc đưa quy chế đặc biệt của những khu vực nói trên vào hiến pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ngụ ý đến việc thực thi thực tế thỏa thuận Minsk tiến tới chấm dứt xung đột vũ trang kéo dài hơn một năm qua tại Ukraina.

Chưa hết, ngày 17/7, thủ lĩnh tổ chức cực đoan cánh hữu (Pravyi Sector) ở Ukraina, ông Dmitry Yarosh cho rằng cần thảo luận về khả năng cách chức Tổng thống Poroshenko.

Hãng tin Ria Novosti của Nga dẫn lời ông Yarosh nói: "Tôi thấy Tổng thống Ukraina không ở đúng cương vị của mình - không phải là tổng tư lệnh, cũng chẳng phải người lãnh đạo đất nước hiệu quả. Tôi sẽ nêu điều này tại đại hội của Pravyi Sector, và sẽ nhấn mạnh tới việc tổng thống từ chức, giải tán Verkhovna Rada (Quốc hội) và miễn nhiệm chính phủ​”.

Tổng thống Poroshenko đang đau đầu trước căng thẳng dâng cao giữa lực lượng an ninh và các nhóm vũ trang cánh hữu, từng đóng vai trò quan trọng trong việc lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych, tại miền tây nước này.

Kênh truyền hình Ukraina Today ngày 15/7 đưa tin 2 cảnh sát bị thương trong một loạt vụ đánh bom nhằm vào các đồn cảnh sát tại thành phố Lviv. Theo Bộ Nội vụ Ukraina, lối vào 2 đồn cảnh sát bị cài thuốc nổ và chốt an toàn của một quả lựu đạn đã được tìm thấy tại hiện trường. “Chúng tôi sẽ tiến hành điều tra theo các động cơ cụ thể là nhằm làm mất ổn định tình hình ở miền tây Ukraina, gây tâm lý hoang mang, hoảng sợ trong người dân”- Ukraina Today dẫn lời cảnh sát trưởng Dmytro Zaharia của Lviv tuyên bố.

Hiện chưa có nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm, nhưng mọi nghi vấn đổ dồn vào các tổ chức cực hữu ở đây. Vụ việc trên xảy ra chỉ 3 ngày sau khi cảnh sát và các tay súng thuộc tổ chức cánh hữu Right Sector đấu súng dữ dội tại thị trấn Mukacheve, cũng thuộc miền tây, khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và 13 người bị thương.

Right Sector và lực lượng an ninh thuộc Bộ Nội vụ Ukraina liên tục cáo buộc lẫn nhau nổ súng trước. Hiện Kiev đã phải điều thêm binh sĩ và xe thiết giáp đến Mukacheve giữa lúc căng thẳng đang dâng cao.

Tình hình trên buộc Tổng thống Poroshenko phải mở cuộc họp khẩn với các tướng lĩnh quân đội tại thủ đô Kiev nhằm tìm cách tháo gỡ căng thẳng. Tại cuộc họp, ông Poroshenko ra lệnh các cơ quan an ninh và cảnh sát giải giới mọi “nhóm vũ trang bất hợp pháp” vì cho rằng những nhóm này đe dọa gây bất ổn thêm cho Ukraina.

Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu căng thẳng sẽ sớm lắng dịu khi Right Sector khẳng định sẽ không từ bỏ vũ khí vì họ “không phải là nhóm vũ trang bất hợp pháp”. Hãng tin Sputnik dẫn lời đại diện của tổ chức này tuyên bố: “Right Sector là quân đoàn tình nguyện có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina”. Đáng chú ý, Right Sector là một trong nhiều nhóm vũ trang chống Nga xuất hiện trong đợt bất ổn dẫn tới lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych cách đây hơn một năm và mở đường cho cuộc bầu cử đưa ông Poroshenko lên cầm quyền.

Các nhóm này hiện đang cùng quân chính phủ chống lại phe nổi dậy tại miền đông Ukraina. Tuy nhiên, theo giới quan sát, những nhóm vũ trang cánh hữu, nhất là Right Sector, cũng đang khiến chính quyền lo ngại vì ngày càng tỏ ra cực đoan. Miền tây Ukraina lâu nay tương đối yên ổn và được xem là “bản doanh” của chính quyền Kiev. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho thấy chính phủ không thể kiểm soát hoạt động của các nhóm vũ trang tự phát tại đây.

Trong khi đó, tình hình tại miền đông Ukraina vẫn tiếp tục tệ hại. Chỉ trong ngày 15/7, ít nhất 8 binh sĩ thuộc quân chính phủ, 2 tay súng nổi dậy và 1 dân thường thiệt mạng trong khi 16 người bị thương trong đợt giao tranh mới bùng phát ở nhiều khu vực tại miền đông Ukraina. Hiện cả hai bên đều cáo buộc lẫn nhau nổ súng trước, vi phạm thỏa thuận Minsk 2.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới