Chén - bát; mũ - nón

14:21 | 04/06/2016

|
Bạn đọc: Xin ông cho biết nguyên nhân nào đã đưa đến sự khác nhau về việc dùng từ giữa miền Nam và miền Bắc, chẳng hạn miền Nam gọi mũ thành nón, gọi bát thành chén, v.v…Lê Tiên Long (Hà Nội)

Học giả An Chi: Suy cho cùng và về căn bản thì tiếng Việt là một ngôn ngữ thống nhất từ Đàng Ngoài đến Đàng Trong, từ Bắc vào Nam. Trước kia, khi những người lưu dân từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong sinh cơ lập nghiệp thì họ đem theo tiếng nói mà tổ tiên của mình đã nói ở Đàng Ngoài. Cứ lấy hai cặp từ “mũ - nón” và “chén - bát” làm mẫu để phân tích thì ta cũng có thể thấy được vấn đề.

Việt Nam tự điển của Khai trí tiến đức (1931), lấy tiếng miền Bắc làm nền tảng, đã ghi nhận cả “mũ” lẫn “nón”. “Mũ” được giảng là “đồ đội trên đầu là bằng dạ, bằng sợi hay bằng tóc”, với 5 mục phụ là các danh ngữ “mũ bình-thiên”, “mũ cánh chuồn”, “mũ đông-pha”, “mũ mấn” và “mũ ni”. “Nón” thì được quyển từ điển này giảng là “đồ đội trên đầu thường làm bằng lá để che mưa nắng”, với 14 mục phụ là các danh ngữ “nón ba tầm”, “nón cời”, “nón chân tượng”, “nón chóp”, “nón dấu”, “nón dứa”, “nón Gò-găng”, “nón gõ”, “nón lá”, “nón lông”, “nón Nghệ”, “nón ngựa”, “nón tu lờ”, “nón thúng”. Nói cho vui thì tỷ số giữa “nón” với “mũ” là 14-5; chứng tỏ “nón” không phải là không thông dụng ở miền Bắc thời xưa. Ca dao có những câu như:

- Trời mưa thì mặc trời mưa,

Tôi không có nón trời chừa tôi ra.

- Hỏi cô nón thúng quai thao

Chồng cô đi thú biết bao giờ về

Còn anh lính thú thì:

- Ngang lưng thì thắt bao vàng

Đầu đội nón dấu vai mang súng dài…

Những câu trên đây chắc chắn không phải là đặc sản của Đàng Trong và cứ như trên thì hiển nhiên người Bắc cũng xài “nón” và “nón” là cái vật dụng mà người lưu dân Đàng Trong đã đem từ Đàng Ngoài vào miền Nam.

Với cặp “chén - bát” cũng vậy. “Chén” đã ra đời ở Đàng Ngoài nên cũng là do dân miền Nam đem từ miền Bắc vào thôi. Nguyễn Trãi (1380-1442) đã xài “chén” trong Quốc âm thi tập:

Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén

Ngày vắng xem hoa bợ cây

(Ngôn chí, bài 13, câu 3)

hoặc

Ngon mùi đạo phiến hoàng quyển

Rửa lòng sầu chén tử hà

(Tự thuật, bài 114, câu 6)

Lúc bấy giờ, làm gì đã có Đàng Trong với miền Nam! Đây là nói chuyện xa xưa còn trở lại với thời nay thì cũng đâu có phải là dân miền Nam không xài “bát” (mà họ đã thay bằng “chén” một cách gần như “đều trời”, dĩ nhiên là trời miền Nam). Trong Nam, các tu sĩ của Phật giáo Nam tông thường đi khất thực với chiếc “bình bát” để đựng thức ăn. “Bình bát” chẳng qua là “bình đựng giống hình cái bát”. “Bình bát” hiển nhiên là đặc sản của miền Nam. Còn ngoài Bắc thì có câu “tay chén tay đũa”. “Chén” ở đây dĩ nhiên không phải là cái chung nhỏ dùng để uống rượu, mà chính là cái bát. Tay này bưng chén (= bát) còn tay kia thì cầm đũa để gắp thức ăn và và cơm chứ cái chén (= chung) rượu thì đi chung với đôi đũa sao được? Ta còn có thể thấy đến giữa thế kỷ XVII, ở Đàng Ngoài, danh từ “chén” vẫn còn mang nghĩa “bát”. Bằng chứng là, tại mục “chén”, Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum của A. de Rhodes (Roma, 1651) có ghi nhận cía thí dụ “một chén thuốc” với nghĩa là một liều thuốc nước. Thuốc ở đây là thuốc Bắc, “sắc x chén còn y chén” (x và y chỉ số lượng) để uống cho nên đây phải là cái bát chứ không thể là cái chung nhỏ xíu để uống rượu được.

Vậy sự khác nhau mà bạn đã nêu do đâu mà ra? Chúng tôi cho rằng có hai nguyên nhân chính: một là tình trạng giao thông bị trở ngại, nhất là trong thời kỳ Nam Bắc phân tranh kéo dài hơn một thế kỷ; hai là chính sách của nhà Nguyễn nhằm làm cho người Đàng Trong khác với người Đàng Ngoài về nhiều mặt sinh hoạt. Với tốc độ “nhanh như chớp” của lĩnh vực giao thông cũng như truyền thông thời @ thì ta khó mà tưởng tượng được sự gian nan khôn tả của người lưu dân từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong để sinh cơ lập nghiệp cách đây 5 thế kỷ. Những khó khăn khó hình dung nổi đó là một trở ngại lớn cho sự giao lưu văn hoá, ngôn ngữ giữa hai Đàng, nhất là trong hơn 100 năm Nam Bắc phân tranh. Vì vậy cho nên, nói về mặt ngôn ngữ, người Đàng Trong đem theo cái gì thì cứ giữ như thế mà xài, không cần mà nhất là cũng khó có thể biết người Đàng Ngoài có thay đổi nó hay không, hoặc thay đổi như thế nào. Họ đã đem theo cái “chén” mà cả họ và người Đàng Ngoài đều dùng theo nghĩa “bol” của tiếng Pháp và “bowl” của tiếng Anh. Nhưng khi người Đàng Ngoài đã thay tên của cái “chén” bằng từ “bát” trong sinh hoạt bình thường, trong những bữa ăn hằng ngày, chẳng hạn thì họ vẫn giữ cái tên “chén”, mặc dù không phải là họ đã tuyệt đối không biết đến từ “bát”. Đã thế, họ lại còn chịu áp lực nặng nề của chính sách mà các đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong thực hiện nhằm làm cho người Đàng Trong khác với người Đàng Ngoài về nhiều mặt sinh hoạt, đặc biệt là trong đời Nguyễn Phúc Khoát.  Lê Văn Hảo đã ghi nhận: 

“Đóng góp nhiều nhất cho văn hóa Phú Xuân có lẽ là Nguyễn Phúc Khoát (trị vì 1738-1765), còn gọi là Võ Vương, cho đúc ấn Quốc Vương (1744), tiến hành thay đổi phong hóa và trang phục Đàng Trong cho khác với Đàng Ngoài (cấm phụ nữ không được mặc váy yếm, phải thay bằng quần dài, áo dài, v.v…)” (Việt Nam Văn Hiến Ngàn Năm - 9. Thời Tiền Nguyễn (1558-1777)  hay hai thế kỷ hình thành và bước đầu hưng khởi của văn hóa Phú Xuân). Điều này cũng đã được Hãn Nguyên ghi nhận trong bài “Hà Tiên, chìa khóa Nam tiến của dân tộc Việt Nam xuống đồng bằng sông Cửu Long” (Tập san Sử - Địa số 19-20, 1970, tr. 259-283).

Chúng tôi chưa tìm thấy một tài liệu nào nói đến chủ trương cụ thể của các chúa Nguyễn quy định việc dùng từ khác nhau giữa hai Đàng kiểu như hai cặp từ “chén - bát” và “mũ - nón” nhưng chúng tôi nghĩ rằng phải có một sự chỉ đạo thì mới có hiện tượng có thể xem như “đối ứng” không những ở hai cặp bạn đã nêu, mà còn ở nhiều cặp khác tương tự.

Hai nguyên nhân mà chúng tôi đưa ra là để giải thích sự khác nhau giữa hai từ theo kiểu “đối ứng” trong từng cặp như trên chứ sự khác nhau về từ ngữ giữa miền Bắc và miền Nam còn chịu sự chi phối của nhiều nhân tố khác nhau liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần giữa hai miền mà chúng tôi chưa có đủ điều kiện để tổng hợp.

Đây, lấy từ bài “Tiếng Nam, tiếng Bắc đang xích lại gần nhau” của PGS.TS Phạm Văn Tình (Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội):

1. Tương đương với từ trước của miền Nam là từ sau của Miền Bắc: dơ bẩn, đau ốm, lời lãi, bao bọc, mai mối, hư hỏng, dư thừa, kêu gọi, sợ hãi, hình ảnh, la mắng, bồng bế, hăm dọa

2. Tương đương với từ trước của miền Bắc là từ sau của miền Nam: thóc lúa, giẫm đạp, đón rước (trong phương ngữ Bắc Bộ, rước mang nghĩa trang trọng), lừa gạt, sắc bén, lau chùi, thứ hạng, chăn mền, chậm trễ, tìm kiếm, vâng dạ, đùa giỡn, thuê mướn, mau lẹ, hung dữ, trêu chọc.

A.C

Năng lượng Mới số 528