Sân khấu kịch

Câu chuyện của thời cuộc

07:18 | 11/10/2019

25,397 lượt xem
|
(PetroTimes) - Sân khấu kịch cần nhiều hơn những người sống chết vì nghệ thuật như NSND Hồng Vân để duy trì và tỏa sáng.

Sau khoảng thời gian dài hoạt động kiểu cố gắng cầm cự, NSND Hồng Vân đã buộc phải đóng cửa sân khấu kịch Superbowl sau 14 năm hoạt động. Lý do là tiền thuê mặt bằng quá cao, khiến chị không thể trang trải nổi kinh phí. 3 năm qua, nữ nghệ sĩ và mọi người đã cố gắng chịu lỗ, gồng gánh để duy trì, nhưng nay không thể cứu vãn được nữa, đành đóng cửa Superbowl để dồn sức cho sân khấu Phú Nhuận.

Câu chuyện của thời cuộc
Một vở diễn tại sân khấu kịch Superbowl của NSND Hồng Vân

Thật buồn cho số phận một sân khấu kịch, nơi đây đã đào tạo ra được những khuôn mặt trẻ kế thừa như: Xuân Nghị, Lê Lộc, Lạc Hoàng Long, Đinh Mạnh Phúc, Tuấn Dũng... cùng những vở diễn giành huy chương như “Kỳ án 292” của Diệp Tiên, “Người đàn bà uống rượu” hay vệt kịch kinh dị đặc sắc của Lê Quốc Nam. Song với nhiều người, chuyện Superbowl đóng cửa không phải quá bất ngờ. Trước đó, Hồng Vân đã nhiều lần chia sẻ về sự khó khăn của Superbowl và từng muốn đóng cửa sân khấu này vào đầu năm trước.

Dĩ nhiên, tiền thuê mặt bằng cao chỉ là một lý do, còn cái chết của Superbowl hay của một số sân khấu kịch thời gian qua cùng sự “sống mòn” của nhiều sân khấu kịch hiện tại liên quan đến chuyện con người nhiều hơn. Người ở đây là cả người xem và người làm nghệ thuật.

Khoảng 5 năm trở lại đây, khi các gameshow, chương trình giải trí hấp dẫn trên truyền hình ồ ạt ra đời, cũng là lúc sân khấu kịch dần vắng khách. Có thể hiểu rằng, khán giả bây giờ có quá nhiều chương trình giải trí để lựa chọn, họ không cần ra khỏi nhà, không cần bỏ tiền mua vé, họ ngồi trước tivi và xem đủ các thể loại từ hài kịch đến ca nhạc hay khiêu vũ...

Tuy nhiên, không phải vì thế mà người yêu kịch không còn đến trực tiếp xem ở sân khấu nữa. Bởi sân khấu kịch có đặc trưng mà truyền hình hay rạp chiếu phim không thể thay thế được. Đó là chỉ có ở sân khấu kịch, khán giả mới được trực tiếp nhìn thấy nghệ sĩ mà họ yêu thích, được sống với cảm xúc của vở diễn... Cho nên, khán giả vẫn muốn được xem trực tiếp tại sân khấu, dù tần suất có thể ít hơn. Nhưng nhiều khán giả cho rằng, họ bị người làm sân khấu “bỏ rơi”.

Sân khấu kịch thì cũ kỹ, cơ sở hạ tầng lỗi thời, không được đầu tư mới, càng ngày càng thiếu kịch bản hay, thiếu đội ngũ tác giả, đạo diễn, diễn viên kịch tâm huyết, cứng tay nghề...

Đạo diễn Lê Quốc Nam, người gắn bó với các sân khấu kịch của NSND Hồng Vân nhiều năm qua, cho biết, nhuận bút cho biên kịch hiện nay khá thấp nên dần dần họ buộc phải rời sân khấu kịch hoặc hoạt động cầm chừng, lâu lâu họ viết một kịch bản mới, “lửa” tâm huyết nguội dần, cộng với khán giả ít đi, chủ sân khấu ít đầu tư làm kịch bản mới. Có lúc, mấy vở cũ cứ diễn đi diễn lại. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến nhiều tác giả bây giờ dần chuyển sang nghề khác, họ viết kịch bản phim, sản xuất phim... Và như thế, nguồn kịch bản mới cho sân khấu kịch ngày càng thiếu hụt.

Kịch bản mang tính quyết định đối với một vở kịch. Đạo diễn, diễn viên giỏi cũng cần có kịch bản hay mới có thể ra một vở diễn hay. Nhưng kịch bản hay thì không phải ai viết cũng được. Nhiều người viết kịch bản giỏi đã chán và phần lớn đã bỏ nghề.

Kế đến là chuyện diễn viên của sân khấu kịch. Một số diễn viên chia sẻ, cát-sê từ diễn kịch rất thấp, trung bình trên dưới 1 triệu đồng/suất, thấp hơn rất nhiều so với đi đóng phim. Trong khi đó, để diễn một vở kịch lại tiêu tốn rất nhiều thời gian của diễn viên, nhất là khâu tập luyện. Đã thế, không phải lúc nào diễn viên cũng có suất diễn, một tuần chỉ có 2-3 suất là cao.

Vì thế, từ khoảng 3-5 năm qua, có một sự dịch chuyển mạnh mẽ từ diễn viên kịch sang diễn viên phim, bởi phim truyền hình đang nở rộ, cần số lượng diễn viên rất lớn và thu nhập của người diễn viên phim cũng cao hơn so với diễn kịch. Cho nên, đa số diễn viên kịch trở thành diễn viên điện ảnh hoặc có thể là MC, ca sĩ. Có nghĩa là, vì yêu sân khấu kịch, họ tham gia và cố gắng gắn bó với nó chứ không còn là một nghề chính như trước nữa.

Nhiều sân khấu kịch dần rệu rã vì không có những diễn viên giỏi thuộc dạng cơ hữu, mà bây giờ, chuyện huy động họ vào một vở diễn không phải lúc nào cũng được, nếu không nói là rất khó. Bởi khi diễn viên đã theo đoàn làm phim thì không thể bỏ ngang quay về đóng kịch. Lúc đó, sân khấu tìm cách thay diễn viên bằng diễn viên khác. Khổ nỗi, một vở kịch, chỉ cần thay 1-2 diễn viên chính là xem như hết hay.

Sân khấu kịch thoái trào là câu chuyện của thời cuộc, khó có thể khác, song sân khấu kịch có chết hay không lại là câu chuyện của con người. Sân khấu kịch luôn cần những người đủ tâm và đủ tầm để duy trì và vực dậy nó khi những gameshow đã bắt đầu nhạt nhẽo và nhàm chán. Sân khấu kịch cần nhiều hơn những người sống chết vì sân khấu như NSND Hồng Vân

Trúc Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan