NSND Lan Hương: Bỏ lại phía sau mọi được mất

11:50 | 08/11/2013

2,335 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thành danh từ sớm với “Em bé Hà Nội”, NSND Lan Hương chọn sân khấu kịch làm điểm dừng chân trong cuộc đời nghệ thuật của mình. Vất vả nhiều năm để giữ Đoàn kịch Hình thể của Nhà hát Tuổi trẻ do chị xây dựng, Lan Hương bảo, chị đã đánh mất đi một người thầy chị từng rất tin yêu. Hóa ra, cuộc bể dâu nào, ngay cả khi thắng cuộc vẫn còn lại nỗi đau được - mất. Nhưng cuộc sống là phải lựa chọn. Cuộc trò chuyện với PetroTimes của NSND Lan Hương cuối cùng lại quay về với những chiêm nghiệm của một người làm nghề suốt 40 năm qua, nơi mà được mất đã luôn tồn tại.

Thời “mạt” của sân khấu kịch

PV: Trong liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ, chị  dựng lại  “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” theo lối kịch hình thể. Tại sao chị có sự lựa chọn này?

NSND Lan Hương: Vở diễn này, ở góc độ tư tưởng hiện đang phản ánh đúng bản chất xã hội hiện tại. Chưa kể, lời thoại viết cách đây mấy chục năm vẫn còn mang được hơi thở của cuộc sống hiện tại. Ở Nhà hát Tuổi trẻ, tôi đang phụ trách Đoàn kịch Hình thể, vì thế tôi chọn dựng lại “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” theo cách này.

Năm 2002 học đạo diễn về tôi được anh Lê Hùng giao phụ trách Đoàn kịch Hình thể. Cũng đã hơn 10 năm kể từ khi đoàn kịch ra đời, gọi là thể nghiệm thì thời gian cũng đủ rồi. Tôi đã khoác lên một chiếc vỏ mới cho chiếc bình cũ mà thôi. Nhưng tôi vui vì công chúng có một món ăn mới, họ có thể thử nếu thích hoặc không.

PV: Chị hài lòng với vở diễn đến mức độ nào? Và chị buồn ra sao khi “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” không nhận được giải thưởng cao nhất nào?

NSND Lan Hương: Trong các vở dựng ở vai trò đạo diễn, có ba vở tôi rất hài lòng đó là “Tâm linh Việt”, “Kiều” và “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Tôi cũng đánh giá cao người đóng vai chính là anh hàng thịt của diễn viên đoàn mình, nhưng ngay cả cậu ấy cũng không đạt giải Vàng.  Tôi nhận ra sự thật cay đắng, là sân khấu kịch của chúng tôi đã đến thời “mạt” rồi. Nhiều năm nay chúng tôi phải cay đắng mà nhận thấy rằng, thôi thì tồn tại được lúc nào hay lúc ấy. Nhưng tôi lại thấy những điều anh Vũ (nhà viết kịch Lưu Quang Vũ) sao quá giỏi, những điều anh tiên đoán nhiều năm trước, nay đã thành sự thật rồi.

PV: Một người làm nghề không còn hy vọng về nghề nữa. Chị nghĩ sự thật đáng buồn này, lỗi do đâu?

NSND Lan Hương: Một thời sân khấu toàn những gương mặt đẹp, tài năng hội tụ. Còn bây giờ sân khấu người trẻ vẫn có đấy, mà chưa có gương mặt nào thực sự nổi trội. Nếu đẹp nữa thì họ chuyển sang nghề người mẫu, đóng phim chứ không chọn sân khấu kịch. Tất nhiên, vẫn có những trái tim đau đáu với nghề, nhưng ngay cả cơ hội để họ phát triển cũng không còn nhiều nữa. Khán giả của kịch ngày nay không còn nhiều, vở diễn dựng xong, khi ra công diễn, khán giả tuy đông đấy, nhưng vé bán được quá ít, phần nhiều là khách mời.

Tôi nghĩ, lỗi một phần là do tư tưởng cào bằng trong nghệ thuật tồn tại nhiều năm ở sân khấu phía Bắc, mà Nhà hát Tuổi trẻ, một đơn vị có đủ sức ảnh hưởng đến sân khấu toàn miền Bắc cũng có lỗi ít nhiều. Một thời chúng tôi hân hoan khi giám đốc nhà hát mong muốn ai ai cũng có thể trở thành nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), chúng tôi nhìn việc nhường nhau các giải thưởng ở những hội diễn sân khấu để người này, người kia cũng đủ chỉ tiêu làm hồ sơ đề nghị NSƯT là tấm lòng của giám đốc nhà hát. Nhưng sự việc cứ lặp lại mãi khiến tất cả chúng tôi giật mình. Ồ, hóa ra trong nghệ thuật cũng có chuyện cào bằng giữa các tài năng. Và tôi nghĩ, một phần sân khấu đã sống ngắc ngoải chính vì tư tưởng cào bằng, vì không cần nỗ lực cũng được ghi nhận.

Ngay cả chuyện giải thưởng trong Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ mới đây thôi, sự yêu ghét, tình cảm cá nhân đã chi phối rất nhiều trong chuyện giải thưởng.  Ở Hà Nội này, chuyện một nhà phê bình sân khấu có tiếng có thể lớn tiếng, tôi không cho anh giải vì anh không nghe lời ai đó là một chuyện bình thường. Đấy, thời “mạt” của sân khấu là như vậy.

PV: Chị cũng về sân khấu lâu rồi. Chị nghĩ dấu ấn của mình là ở đâu?

NSND Lan Hương: 12 năm qua tôi đã xây dựng Đoàn kịch Hình thể với rất nhiều vở diễn đã được dựng và công diễn, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả. Điều quan trọng nhất ở thể loại ấy đã định hình, mang đến một hình thức giải trí mới cho công chúng. Tôi hài lòng vì được làm công việc mình yêu thích. Còn thành công luôn là một đỉnh núi phía trước mà ta chưa bước tới. Nghệ thuật chẳng bao giờ hoàn hảo và trọn vẹn đòi hỏi người nghệ sĩ vẫn phải theo đuổi đến cùng. Tôi chỉ dám nhận mình có dấu ấn trên cái khung nào đó.

NSND Lan Hương trong phim "Thái sư Trần Thủ Độ"

PV: Chị là một trong số ít những nghệ sĩ có được với điện ảnh vai diễn để đời, ở sân khấu lại tạo nên một thể loại mới. Vậy cho đến giờ điều khiến chị hài lòng nhất là gì?

NSND Lan Hương: Tôi hài lòng vì luôn được làm công việc mình yêu thích. Còn thành công hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đặc biệt là trong nghệ thuật. Thế nên, những nghệ sĩ như chúng tôi luôn phải vận động, nỗ lực, theo đuổi cả đời niềm đam mê của chính mình.

PV: Thưa chị, nhắc lại chuyện NSND Lê Hùng, sau vụ sáp nhập nhà hát bất thành năm 2012 với sự lên tiếng quyết liệt từ chị, giờ nghĩ lại, chị thấy thế nào?

NSND Lan Hương: Khi tôi đi học đạo diễn những năm 2000, tôi từng chia sẻ những tâm sự nghề với anh ấy rất thật. Ngay cả vở diễn “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” tôi cũng nói với anh ấy và anh Trọng Khôi, em sẽ dựng lại vở này. Về Nhà hát, anh Hùng cho thành lập Đoàn kịch Hình thể. Thế mà khi muốn sáp nhập hai nhà hát, anh Hùng lại bảo tôi hủy đoàn kịch mình gây dựng suốt 10 năm. Chuyện của tôi chỉ là một phần nhỏ trong chuỗi câu chuyện buồn thành lập Nhà hát Kịch quốc gia.

Tôi biết anh Lê Hùng từ rất sớm, khi tôi 15 tuổi thì anh ấy 25 tuổi, anh vừa đi học ở Nga về. Ngày ấy chúng tôi cùng yêu nghệ thuật, và tất cả mọi việc đều đơn giản. Anh Hùng biết tôi học múa, anh dựng vở nào cũng có múa để tôi được thể hiện. Sau này, anh ấy cũng rất cổ vũ tôi trong loại hình kịch thể nghiệm này. Trong lòng tôi, anh ấy vẫn mãi là một người thầy, cho dù mối quan hệ đã có phần nào khác xưa. Tôi rất buồn.

PV: Được biết chị là người theo tín ngưỡng từ lâu. Những điều chị ngộ ra được trong tín ngưỡng của riêng mình có giúp chị được nhiều khi “hành nghề”?

NSND Lan Hương: Từ rất lâu rồi, tôi và chồng (NSUT Tất Bình) đã thống nhất với nhau, sống sao cho vui thôi chứ đừng ham hố gì nhiều nữa. Chuyện đấu tranh giữ lại Đoàn kịch Hình thể cho anh em tôi cũng không làm vì mình. Những chuyện phiền lòng tôi luôn lên tiếng, vì bản thân mình là một người thấy bất bình không thể làm ngơ.

Sống làm người, có nhiều chuyện mình muốn bỏ qua nhưng không được. Nên tôi chỉ tâm niệm mình không được làm điều gì xấu.

Được mất luôn song hành

PV: Chị cũng thấy, cuộc đời khó hoàn hảo. Vậy chị có mất nhiều không, để có tất cả những thành công đáng mơ ước của bao người?

NSND Lan Hương: Nếu cứ đi với điện ảnh, biết đâu tôi có được nhiều “Em bé Hà Nội” hơn. Nhưng tôi không tiếc vì tôi biết lựa chọn cái này sẽ không có được cái kia. Cuộc sống dạy tôi phải biết hài lòng. Ngay cả việc để giữ được Đoàn kịch Hình thể tôi cũng đành đánh mất một người thầy

Hay đơn giản, trong cuộc nhập và tách Nhà hát Kịch Trung ương với Nhà hát Tuổi trẻ, khi anh Lê Hùng về hưu, phải điều anh Vinh và anh Tú sang nhà hát Kịch Trung Ương là sự mất mát lớn. Nhiều khi sự mất mát ấy nó rất khó đoán định. Tôi kể chuyện này, khi anh Tú đã sang Nhà hát kịch Trung ương, lúc gặp tôi, anh ấy bảo: “Hương ơi, tôi không dám về nhà hát vì tôi nhìn thấy cổng nhà hát, nhìn thấy cô là tôi muốn khóc. Tôi nhớ”. Vậy rõ ràng trong cái được của mình sẽ  vẫn có những cái sai chứ. Mặc dù anh Vinh sang bên kia tốt cho đoàn bên ấy, tốt cho cả anh ấy nữa, nhưng trong tình cảm sâu thẳm thì sự gắn bó mấy chục năm làm sao có thể quên.

Thành ra, nói là tôi đã mất gì, tôi nghĩ là nhiều lắm. Nhưng kể ra để làm gì, tiếc nuối để làm gì nếu mình luôn hiểu, được, mất là những điều luôn song hành trong cuộc đời.

PV: Chồng chị có tham gia nhiều vào công việc của chị không? Anh ấy có ý kiến thế nào về sự quyết liệt của chị?

NSND Lan Hương: Anh ấy tạo cho tôi một không gian vừa đủ để có thể làm những gì mình mong muốn. Có thể góp ý, trao đổi khi tôi đặt vấn đề, nhưng bình thường anh ấy không tham gia sâu. Cũng như công việc của anh ấy, nếu có thể trợ giúp gì thì tôi sẽ làm, còn không thì im lặng. Cùng là nghệ sĩ, điều quan trọng nhất là biết dành cho nhau không gian đủ để tự do sáng tạo.

Tôi vẫn hay đùa anh ấy, anh cứ để em tự do đi, em chỉ làm việc thôi. Anh ấy cũng không mấy khi can thiệp nếu tôi phải đi diễn xa và ngược lại tôi cũng vậy. Chúng tôi không can thiệp vào chuyên môn của nhau.

PV: Về chuyên môn không can thiệp, vậy anh ấy làm thế nào để giữ “người đàn bà đẹp” là chị ?

NSND Lan Hương: Không giữ chính là đã giữ. Thả tự do cho nhau chính là cách tốt nhất để giữ nhau. Bố mẹ tôi đều làm khoa học, có lẽ thế nên tôi được cầm chừng từ trong quá trình nuôi dưỡng. 15 tuổi đã đi làm nghệ thuật, cũng yêu say đắm rồi cưới bằng được người mình yêu đấy chứ, thế mà vẫn bỏ đấy. Khi tôi yêu và lấy anh Bình phải trải qua bao sóng gió, thế mà giờ vẫn ở bên nhau. Thật ra, anh Bình biết rõ tôi là người thế nào, cho dù vợ cũng biết hút thuốc, uống rượu, ăn mặc sexy. Phải biết rõ nhau mới có thể tin và bỏ qua những điều không đáng. Còn đã là vợ chồng, không tránh được những va chạm. Nhưng bây giờ những thứ đó đã qua rồi. Chúng tôi bên nhau là để chia sẻ, bù đắp. Tôi luôn tự hào anh ấy là người rất chiều chuộng vợ.

PV: Chồng chị, NSƯT Tất Bình cũng đã nghỉ hưu còn chị vẫn làm nghề. Làm thế nào để dung hòa giữa một cái tôi bận rộn và một cái tôi “nhàn tênh”?

NSND Lan Hương: Ôi, anh Bình còn làm việc nhiều hơn tôi đấy, dù anh ấy đã về hưu. Anh ấy là người không thể ngồi yên được ba ngày. Hiện tại anh ấy vẫn nhận phim và làm phim. 

Anh ấy làm phim bây giờ không phải vì tiền, vì làm phim truyền hình có được là bao. Anh ấy làm vì muốn được làm việc thôi. Chúng tôi sống với nhau 25 năm có lẻ rồi, anh ấy biết tôi có sở thích đi chùa nên cứ có dịp đến vùng nào có chùa chiền đẹp là nhắn vợ đi.

Vui nhất là hai chúng tôi thống nhất được với nhau một điểm: Bây giờ mình chẳng cần gì nhiều nữa nên phải sống thế nào để vui chứ không phải kiếm tiền bạc và danh vọng bằng mọi giá. Phải sống để giữ đức cho con.

NSND Lan Hương với các vai diễn sân khấu

PV: Xa nhau thế, làm sao để giữ được sự quan tâm đến nhau?

NSND Lan Hương: Cứ nửa tháng anh ấy lại ra Hà Nội. Còn tôi khi nào rỗi rãi lại vào với anh ấy. Tôi cũng mới đi TP Hồ Chí Minh về. Vào đến nơi, anh ấy cho tôi một chiếc xe bảo muốn đi đâu thì đi. Lúc nào anh ấy cũng thoải mái với vợ như vậy.

Khi anh ấy ở nhà, lúc nào nhà cửa cũng rộn rã đông vui vì các con tụ tập nấu nướng. Nếu chán, các con lại mời chúng tôi đi du lịch. Con Tất Bình biết tôi thích đi chùa, đi du lịch nên cứ bảo, nếu bà thích thì nói với bọn con. Được cái các con đều thành đạt, không đứa nào phải dựa vào ba mẹ.

Tôi luôn nghĩ gia đình mình có được như vậy là do ông trời thương. Vì tôi có độc nhất một đứa con thì nó ở xa nên ông trời cho mình một người chồng luôn thương yêu vợ. Có khi ông chồng thương mình nên chẳng nỡ làm gì cả.

PV: Thế bình thường trong nhà chị ai là người vào bếp: chị hay bà giúp việc?

NSND Lan Hương: Ồ, không phải tôi và cũng không phải bà giúp việc mà là ông xã, anh Tất Bình. Anh ấy đi làm thì thôi nhưng rảnh rỗi ở nhà là rất thích đi chợ và nấu cơm. Anh ấy có sở thích đặc biệt là “buôn chuyện” với các bà ngoài chợ, nên khi anh ấy ở nhà là nhất định sẽ có 1 ngày 2 lần đi chợ, 3 ngày là có 6 lần chứ không chịu đi 1 lần cho cả ngày đâu. Đi chợ về, anh ấy vào bếp và nấu ăn cực kỳ ngon.

PV: Thật ngạc nhiên và cũng thật là “ngược” với các phạm trù giá trị trong một gia đình truyền thống nhỉ?

NSND Lan Hương: Nhà tôi còn nhiều thứ ngược lắm, không chỉ là chuyện ai vào bếp. Ngoài việc thích đi chợ và nấu ăn ra anh Bình giao toàn bộ việc nhà cho vợ. Trong nhà tất cả mọi thứ đều mang tên tôi chứ không phải anh Bình, vì tôi đi sắm hết. Từ việc sửa nhà đến việc mua bộ sofa mới, chiếc xe máy mới hay thậm chí cả ôtô cũng đứng tên tôi nốt. Duy có cái nhà là mang tên chung của hai vợ chồng. (cười lớn). Anh ấy coi tất cả mọi việc ấy là việc nhà cả và tùy ý vợ. Khi tôi muốn mua món đồ nào mới, tôi chỉ bảo: “Anh ơi em mua cái này nhé”.

PV: Xin cảm ơn NSND Lan Hương!

Sinh năm 1962 tại Hà Nội, NSND Lan Hương đã sớm thành danh với điện ảnh trong vai diễn “Em bé Hà Nội” khi 10 tuổi, một bộ phim nổi tiếng của đạo diễn NSND Hải Ninh. Sau này chị còn tham gia một phim của đạo diễn này và cũng gây được tiếng vang lớn đó là “Mối tình đầu”.

17 tuổi Lan Hương đã về làm việc tại Nhà hát Tuổi trẻ, 18 tuổi chị lấy chồng là một nghệ sĩ múa từng có một đời vợ, cùng làm việc trong nhà hát và có với nhau một con gái. Nhưng chẳng bao lâu hai người chia tay. Sau này, chị lấy NSƯT Tất Bình, một đạo diễn phim, cũng đã có một đời vợ. Hai người không có con chung nhưng họ vẫn sống hạnh phúc bên nhau 25 năm qua.

Khoảng năm 2000, NS Lan Hương đi học đạo diễn sân khấu. Chị về nhà hát và được đạo diễn Lê Hùng khi ấy là Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ giao thành lập Đoàn kịch Hình thể. Đến nay, sau 10 năm Đoàn kịch Hình thể của NS Lan Hương đã có nhiều vở được công diễn và nhận được sự đón nhận của một bộ phận khán giả.


Linh Chi (thực hiện)