Câu chuyện cổ tức ở trường ĐH Hoa Sen

07:00 | 12/08/2014

1,439 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mâu thuẫn về quyền lợi tài chính, khác nhau quan điểm về việc chia cổ tức giữa các cổ đông trong hội đồng quản trị có lẽ là nguyên nhân chính gây nên bất ổn ở các trường cao đẳng, đại học tư thục ở nước ta hiện nay, trong đó có trường ĐH Hoa Sen.

>> ĐH Hoa Sen giữ vững triết lý giáo dục “phi lợi nhuận”

“Khi thành lập hội đồng cổ đông của Hoa Sen, chúng tôi được phép của UBND TP.HCM có 61% dành cho công nhân viên nhà trường và giảng viên – tức đội ngũ làm giáo dục. Còn lại được chia cho năm nhà đầu tư chiến lược, mới đến các cá nhân”, là chia sẻ của Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen Bùi Trân Phượng

Tuy nhiên, cơ cấu đó đã bị phá vỡ hoàn toàn sau quá trình trường Hoa Sen phát triển, cũng giống như các trường tư thục khác. Bởi, theo quy định, cổ phần sẽ được tự do chuyển nhượng sau ba năm. Đến nay, các cá nhân tổ chức chiếm 50% cổ phần trong ĐH Hoa Sen, trong đó công nhân viên chỉ chiếm 16,8%. “Công nhân viên cũng được tính trên tên đứng sổ, bởi chúng tôi phát hiện có những người, thậm chí là cán bộ cao cấp của trường, tiền vốn mang tên họ nhưng không phải của họ mà là của người ngoài”, bà Bùi Trân Phượng cho biết.

Nhiều người cho rằng, trong định hướng và chiến lược phát triển của đại ĐH Hoa Sen theo hướng phi lợi nhuận, và cam kết chia cổ tức như thế nào mà dẫn tới vấn đề đại hội cổ đông chọn mức cổ tức 30% và gây ra bất ổn như thời gian qua?

Bà Bùi Trân Phượng khẳng định, đứng về chiến lược thì trường ĐH Hoa Sen phát triển theo hướng phi lợi nhuận. Xin nói rõ lại, định hướng phi lợi nhuận có ở trường ĐH Hoa Sen từ ngày đầu thành lập trường (năm 1991). Chỉ từ khi trường CĐ bán công Hoa Sen được nâng cấp thành trường ĐH thì mới chịu sự chi phối của các quy định pháp luật về đại học tư, ứng vào thời điểm Hoa Sen làm hồ sơ nâng cấp từ trường CĐ bán công Hoa Sen lên ĐH bán công Hoa Sen. Chúng tôi còn giữ đề án đó. Cùng lúc này rơi vào thời điểm chủ trương của Chính phủ không tiếp tục giữ mô hình bán công ở bậc CĐ – ĐH nữa.

Việt Nam lúc thời điểm đó có 6 trường CĐ – ĐH bán công, trong đó TP.HCM có 5 trường. Cùng thời điểm này, có đề án của Bộ GD – ĐT đưa cho trường Hoa Sen, dự thảo đề án chuyển đổi mô hình từ CĐ – ĐH bán công sang tư thục (và đang chờ chữ ký của Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm để ban hành).

Trong quá trình trình đề án, về chủ trương, Bộ GD-ĐT nói rõ là ủng hộ Hoa Sen, nhưng về cơ chế, chủ trương là của Chính phủ, là không duy trì mô hình bán công nữa. Do vậy, CĐ bán công Hoa Sen nộp đề án nâng thành ĐH bán công Hoa Sen không được chấp nhận, mà Bộ yêu cầu nhà trường viết lại đề án thành ĐH tư thục Hoa Sen, mới được chấp nhận.

TS Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen (ảnh: T. Thanh)

Đồng thời, Bộ GD-ĐT có cung cấp cho trường dự thảo đề án chuyển đổi mô hình, nhà trường đã tham khảo và xây dựng đề án. Trong dự thảo đề án, có ý về “trần cổ tức”, quy định mức cổ tức với mức lãi cao nhất là bao nhiêu.

Khi Hoa Sen đại hội thành lập trường vào ngày 3/2/2007, dự thảo vẫn chưa được ký và sau đó là vĩnh viễn không được ký. Tuy nhiên, trong quy chế tổ chức hoạt động, ngay từ biên bản đầu tiên năm 2007 đã biểu quyết ĐH Hoa Sen là trường đại học tư thục, hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận, theo Nghị quyết của Chính phủ số 05/2005 (ngày 8/4/2005) về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động y tế, hoạt động văn hóa, giáo dục, thể thao…

Như vậy, hằng năm khi phân phối chênh lệch thu chi, trường ĐH Hoa Sen rất quan tâm đến việc khống chế cổ tức bằng tiền mặt ở mức thấp. “Lúc nào, chúng tôi cũng lo, không phải với lãi suất trái phiếu mà là lãi suất tiết kiệm cùng thời kỳ, để định vào mức thấp hơn lãi suất tiết kiệm. Vì dự thảo không được ký, chưa có điều khoản cụ thể nào để chúng tôi cụ thể hóa chuyện phi lợi nhuận của mình”, bà Bùi Trân Phượng chia sẻ.

Đến năm 2012, khi Luật Giáo dục Đại học được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, tiếp theo đó là Nghị định 141 có hiệu lực tháng 12/2013 thì diễn ra Đại hội cổ đông thường niên 2013. Trong đó có hai ý quan trọng, thay đổi điều kiện hoạt động của các trường hoạt động phi lợi nhuận một cách rõ ràng.

“Thực ra chúng tôi không thay đổi mà pháp luật thay đổi. Trong Nghị định 05, Nhà nước dùng cụm từ “phi lợi nhuận” chúng tôi phải dùng theo, mặc dù trong tài liệu nội bộ bấy giờ chúng tôi dùng cụm từ “không vì lợi nhuận” hay “không vì mục tiêu lợi nhuận”. Do văn bản pháp luật nên chúng tôi phải dùng cụm từ “phi lợi nhuận” trong quy chế tổ chức hoạt động của mình. Theo quan điểm của chúng tôi, đó chỉ là sự thay đổi về thuật ngữ, còn khái niệm thì đó cũng chỉ là một loại hình đào tạo mà thôi”, bà Bùi Trân Phượng khẳng định.

Vì vậy, Đại hội cổ đông năm 2013 là lần cuối được tranh luận và quyết định về mức cổ tức tự do không có trần (theo biểu quyết của Đại hội cổ đông). Sau đó phải áp dụng mức trần cổ tức theo Luật Giáo dục Đại học. Luật Giáo dục, đặc biệt là Nghị định 141 quy định rõ: nếu nhà trường xác định “không vì lợi nhuận” thì mức cổ tức cao nhất có thể trả chỉ có thể là bằng trái phiếu nhà nước.

Trước đây, trường ĐH Hoa Sen có sự “hài hòa lợi ích”, chênh lệch thu chi được phân bổ (theo nghị quyết của đại hội đồng cổ đông thường niên), HĐQT chuẩn bị và trình ra Hội đồng cổ đông, từ đó biểu quyết trên đa số, để phân phối chênh lệch thu chi sau thuế.

Chênh lệch đó mọi năm gồm cổ tức bằng tiền, quỹ khen thưởng, quỹ dự phòng tài chính, còn lại là để tái phát triển giáo dục (trên dưới 50% của chênh lệch thu - chi). Cổ phiếu thưởng không được mang về nhưng được tính tăng lên. Vì vậy tính ra, từ một cổ phần ban đầu, chỉ sau 6 năm đã nâng lên gấp sáu lần. Lợi nhuận nhà đầu tư cực lớn, mặc dù đồng tiền họ cầm về nhà có thể không nhiều.

Nhưng ở Đại hội cổ đông thường niên năm 2013 của ĐH Hoa Sen cổ tức được chia cao vọt vì mọi người biết rằng đây là lần cuối cùng có thể chia cổ tức bằng tiền mặt (từ sau đó trở đi việc chia cổ tức sẽ phải áp dụng Luật Giáo dục Đại học). Mặc dù theo đề nghị là 5% nhưng do đây là cơ hội cuối cùng nên nhiều cổ đông đòi chia cổ tức lên 20%, rồi 30%. Kể từ ĐH cổ đông thường niên 2013, trong nội bộ nhà trường dần dần chia thành hai nhóm cổ đông với yêu cầu mức chia cổ tức khác nhau, không thể hài hòa được.

Trong khi Nghị định 141 quy định, cổ tức không được trả cao hơn trái phiếu nhà nước; thứ hai là tài sản chung không phân chia – tức chênh lệch thu chi, tài sản phát sinh trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, những văn bản này có cần được cụ thể hóa hơn nữa để các trường dễ thực hiện. "Điều mà HĐQT và Ban kiểm soát trường ĐH Hoa Sen mong muốn là duy trì định hướng phi lợi nhuận như từ trước đến nay, càng ngày càng làm hoàn thiện hơn tương ứng với sự thay đổi của quy định pháp luật", bà Bùi Trân Phượng khẳng định.

Như vậy, nếu những quan niệm trong vấn đề chia cổ tức, giữa một bên là những nhà sáng lập, tập thể giảng viên, cán bộ công nhân viên nhà trường và một bên là các nhà đầu tư vào trường không được hài hòa thì những bất ổn ở các trường ĐH tư thục ở nước ta vẫn tiếp diễn.

Câu chuyện bất ổn ở trường tư sẽ không dừng lại ở trường ĐH Hùng Vương, ĐH Hoa Sen mà có thể còn ở nhiều trường CĐ, ĐH tư thục khác ở nước ta trong tương lai?!

Thiên Thanh