Cắt giảm giấy phép con – Điều kiện kinh doanh: Điển hình “trên nóng dưới lạnh”
![]() |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nói về việc cắt giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh. |
Tốn 14.300 tỷ đồng chỉ phát hiện 0,06% số lô hàng vi phạm
Việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK có những chuyển biến, nhưng sự ì ách còn rất lớn, nhất là liên quan đến quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tổ công tác của Thủ tướng vừa kiểm tra 4 bộ (Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Giao thông vận tải; Thông tin và Truyền thông) về cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh, đồng thời công bố công khai các bộ đã làm tốt và những bộ còn chưa đạt chỉ tiêu.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng- Tổ trường Tổ công tác của Thủ tướng, các nghị quyết của Chính phủ đã yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh và 50% các thủ tục, mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành. Nhưng đến nay, trong tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh, mới cắt được 1.517 điều kiện; trong 9.926 dòng hàng mới cắt giảm được 1.700 dòng hàng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Bộ Giao thông vận tải là đơn vị đầu tiên có các phương án về cắt giảm các điều kiện kinh doanh với cam kết cắt giảm 56% điều kiện, nhưng đã hơn 4 tháng vẫn chưa xong.
Đối với công tác kiểm tra chuyên ngành, Tổ công tác của Thủ tướng đánh giá, các bộ, ngành đã giảm cơ bản danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành chồng chéo.
Tuy nhiên, chi phí phải bỏ ra thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong khi tỷ lệ phát hiện vi phạm chưa tương xứng.
Năm 2017, các doanh nghiệp mất đến 30 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng cho kiểm tra chuyên ngành với trên 100.000 mặt hàng phải kiểm tra, nhưng cơ quan quản lý chỉ phát hiện 0,06% số lô hàng có vi phạm, một tỷ lệ rất thấp…
Bên cạnh ghi nhận một số bộ vượt chỉ tiêu được Chính phủ giao trong đơn giản hóa, cắt giảm các dòng hàng phải kiểm tra, Tổ công tác của Thủ tướng cũng chỉ rõ có những bộ còn rất nhiều dòng hàng chưa cắt giảm, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và y tế.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nêu rõ những tồn tại trong công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK là nhiều cơ quan chưa áp dụng quản lý rủi ro. Đơn cử như đã có quy định nếu 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu thì lần thứ 4 không phải kiểm tra, nhưng thực tế cơ quan quản lý vẫn kiểm tra.
Mặt khác, theo kết quả mới nhất trong năm 2018 tỷ lệ lô hàng vi phạm cũng mới phát hiện 0,06%, tức là không khác gì năm 2017, không có tiến bộ. “Điều này chứng tỏ dư địa cải cách còn rất lớn, doanh nghiệp của chúng ta cũng có ý thức tuân thủ quy định rất tốt”- Tổ trưởng Tổ công tác nhận xét.
Dân vẫn nghi ngại 'trảm' giấy phép con
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, sáng nay, 17-10, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động-Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Y tế và Tư pháp.
Nội dung kiểm tra là việc chậm ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng vừa qua các Bộ đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện, thủ tục. Với tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh, Chính phủ đặt mục tiêu phải cắt giảm ít nhất 50%, nhưng đến nay mới cắt được 1.517 điều kiện. Trong kiểm tra chuyên ngành có 9.926 dòng hàng, cần cắt giảm ít nhất 50%, nhưng đến nay mới cắt giảm được 1.700 dòng hàng.
“Tinh thần chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quyết liệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đều yêu cầu đạo các cơ quan Chính phủ cải cách phải đi vào thực chất. Nhưng người dân vẫn nghi ngại chưa thực chất, thể hiện ở chỗ chậm tiến độ, so với thời hạn ngày 15-8 thì đến nay đã quá hai tháng nhưng vẫn chưa hoàn thành việc cắt giảm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Do đó, Thủ tướng chỉ đạo ngày 30-10 là hạn cuối cùng để hoàn thành việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện kinh doanh.
Tổ công tác ghi nhận, nhìn chung các bộ đã thực hiện rất nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng. Một số điển hình như Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 15 thay thế Nghị định 38, tạo thay đổi rất lớn trong kiểm tra an tòa thực phẩm; Bộ Công Thương tiên phong cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, ban hành các nghị định về kinh doanh gas, gạo được các doanh nghiệp đánh giá rất cao.
Cùng với đó là các cải cách của thuế, hải quan; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng quản lý rủi ro... trong kiểm tra chuyên ngành. Ngân hàng Thế giới đánh giá trong năm 2017, chúng ta đã tiết kiệm 200 triệu USD cho doanh nghiệp khi làm thủ tục thông quan với 11 triệu hồ sơ xuất nhập khẩu, trung bình mỗi lô hàng tiết kiệm được 19 USD nhờ cắt giảm thủ tục.
Tuy nhiên, vẫn còn Bộ chưa quyết liệt, hoặc chưa quyết liệt, nên chưa đạt mục tiêu cắt giảm 50%.
“Vấn đề là lãnh đạo Bộ có quan tâm không và quan trọng nữa là các cục, vụ có quyết tâm không? Có nơi làm rất tốt, nhưng có nơi làm chưa thực chất, vẫn cắt giảm cơ học, giảm điều kiện này thì đưa ra quy định trong thông tư khác. Hoặc tuy có từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhưng tỷ lệ kiểm tra còn rất nhiều. Tỷ lệ thủ tục kết nối trên cơ chế một cửa vẫn thấp, chưa nói đến những trục trặc”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, cả xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào những cải cách của Chính phủ. Ông đề nghị cải cách liên tục và thường xuyên và không dừng lại ở đây, sang năm, sang năm nữa vẫn phải tiếp tục thực hiện việc này.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho biết thêm: “Sau ngày 30/10, khi các nghị định cắt giảm các điều kiện, thủ tục đã được ban hành xong, chúng tôi sẽ đánh giá kỹ, công bố để công luận biết và Chính phủ có cơ sở để tiếp tục cải cách. Tổ công tác của Thủ tướng cũng cần có đánh giá đầy đủ về mức độ cải cách lần này”.
Tùng Phong (TH)
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025
-
Thị trường vàng tăng "nóng", Phó Thủ tướng chỉ đạo khẩn
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 18/4: Mỹ tiếp tục trừng phạt ngành dầu mỏ Iran
-
Kỳ vọng và lo ngại của ngành dầu khí Mỹ dưới thời ông Trump
-
Tin tức kinh tế ngày 17/4: Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trở lại vị trí số 1