Vẫn chuyện giấy phép con
Bất hợp lý từ giấy phép con
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra vào ngày 3-8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc xem xét giảm mức phí, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, một số thành viên Chính phủ cho rằng, báo cáo của Bộ Tài chính chưa nêu được bức tranh tổng thể về chi phí của DN mà cần phải kể đến việc cấp giấy phép con.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện có tổng số 5.719 điều kiện kinh doanh (giấy phép con). Từ hiện trạng đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát toàn bộ các lĩnh vực khác, ngoài các lĩnh vực mà Bộ Tài chính đã chuẩn bị. Từ đó, giảm cả chi phí chính thức và phi chính thức.
![]() |
Trước thực trạng trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Các kết quả mà Bộ Tài chính báo cáo là thiết thực với DN. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chi phí ở mức cao như: chi phí vốn, chi phí bảo hiểm xã hội, chi phí vận tải, logistic... Các chi phí trong đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế, hải quan... tuy có giảm nhưng giảm rất chậm.
Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tới chi phí cấp giấy phép con với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. “Giấy phép kinh doanh rất nhiều, người ta kêu nhiều lắm, cần rà lại. Đây cũng là khâu phát sinh nhiều vấn đề phức tạp… Phải loại bỏ điều kiện kinh doanh mang tính áp đặt không hợp lý” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thực hiện Nghị quyết 19, năm 2015 của Chính phủ, 3.299 điều kiện kinh doanh đã được Bộ KH&ĐT đề xuất xóa bỏ. Năm 2016, Bộ lại kiến nghị giảm số lượng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện từ 267 xuống còn 243 ngành, nghề. Đến thời điểm này, đã có 4.500 điều kiện kinh doanh được bãi bỏ. |
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại toàn bộ thủ tục liên quan đến giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, tiếp cận đất đai, tiếp cận thông tin, chi phí phát sinh để làm các thủ tục. Cần nhiều biện pháp, đặc biệt là công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính để người làm thủ tục và cán bộ giải quyết thủ tục không gặp trực tiếp, tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu và các cơ quan, đơn vị được giao đối với những chi phí không chính thức.
Nút thắt khó tháo gỡ
Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với nguyên đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh về giấy phép con. Ông Vinh cho rằng, Chính phủ đang có nhiều cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện giúp đỡ để các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ có thể phát triển sản xuất. DN phát triển đồng nghĩa với việc đóng góp thuế đầy đủ, thu hút và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
Khẳng định Nhà nước có kêu gọi và mong muốn các DN phát triển, song ông Vinh không thể phủ nhận với các chính sách như hiện nay, vẫn còn tồn tại những “nút thắt” chưa thể tháo gỡ. DN đang phải gánh hàng loạt các chi phí, đặc biệt là việc cấp giấy phép con. Các thủ tục hành chính hiện nay rất phức tạp, muốn có đầy đủ giấy tờ kịp thời DN buộc phải chạy chọt đủ các cửa. Trên thực tế, giấy phép con còn mang tính chất xin - cho. Việc phát sinh những giấy tờ thủ tục rườm rà gây phiền hà, vừa mất thời gian, vừa tốn tiền cho danh nghiệp. Đó là chi phí không cần thiết và rất vô lý. Cần phải triệt để xóa bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, cắt bỏ các giấy phép con vì luật không quy định cần phải có.
Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề giấy phép con được nhắc đến, song dù nói nhiều lần, sự việc vẫn tiếp diễn và chưa có hướng giải quyết triệt để. Đề xuất giải pháp, ông Trần Ngọc Vinh cho rằng: “Trước hết cần phải có những biện pháp rà soát lại các quy định của pháp luật xem cái gì còn chồng chéo, khiến phát sinh giấy phép con. Tiếp đến Chính phủ nên ban hành quyết định nhằm xóa bỏ những điều kiện kinh doanh vô lý càng sớm càng tốt. Ở một khía cạnh khác, con số gần 6.000 điều kiện kinh doanh như hiện nay còn là sự tồn tại của vấn đề lợi ích nhóm. Cần phải có biện pháp khắc phục nhanh chóng và hiệu quả hơn nữa. Nếu chỉ nói mãi rồi để đấy, không xử lý được sẽ làm mất lòng tin của các DN, mất niềm tin đối với nhân dân”.
Báo cáo về Điều kiện Kinh doanh 2017 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương mới công bố cho thấy, 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư 2014 mới chỉ là ngành nghề “mẹ”, còn tại các lĩnh vực “mẹ” lại sản sinh ra hàng trăm điều kiện kinh doanh “con”, “cháu”. Trong đó, 3 lĩnh vực có tình trạng điều kiện kinh doanh chồng lấn, xếp tầng lên nhau gây nhức nhối nhất là: lĩnh vực tài chính có 20 ngành nghề kinh doanh “mẹ” và 60 điều kiện kinh doanh “con”, “cháu”; xây dựng có 17 điều kiện kinh doanh “mẹ”, 26 điều kiện kinh doanh “con”, “cháu”; lĩnh vực giao thông vận tải, điều kiện kinh doanh “mẹ” có hơn 30 nhưng điều kiện kinh doanh “con cháu” lên đến hơn 600.
Ngành nghề kinh doanh có điều kiện chưa phù hợp Theo Báo cáo rà soát điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam do VCCI thực hiện vào tháng 6-2017 vừa qua, 16 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được VCCI đánh giá là chưa phù hợp: Hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại; Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; Sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LPG); Xuất khẩu gạo; Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; Kinh doanh dịch vụ logistics; Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô; Kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển; Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng; Sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe gắn máy; Kinh doanh dịch vụ sản xuất, phát hành và phổ biến phim; Kinh doanh dịch vụ lữ hành; Kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu; Kinh doanh dịch vụ giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chứng; Kinh doanh dịch vụ in, trừ in bao bì. |
Đinh Hương - Xuân Hinh
-
Công bố kết quả PAR Index 2024: Hải Phòng dẫn đầu cả nước, toàn quốc duy trì đà tăng
-
Bộ Công Thương đứng đầu về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp năm 2024
-
Bàn giải pháp phát triển thành phố thông minh, quản trị, điều hành linh hoạt trên dữ liệu
-
Hà Nội xếp thứ 3 về Chỉ số cải cách hành chính
-
Thủ tướng: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cắt bỏ tất cả các thủ tục không cần thiết
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025