Cần xử lý nghiêm hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi

14:45 | 12/02/2020

283 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, đối với sự việc tại Công ty Thiên Y Việt, tùy theo tính chất mức độ, hành vi của đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả...

Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng, hành vi sản xuất nước rửa tay của Công ty Thiên Y Việt có dấu hiệu trục lợi trong hoàn cảnh cả xã hội đang phòng chống dịch nCov.

Hành vi của đối tượng đã xâm phạm các quy định của Nhà nước trong quản lý thị trường, xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng, quyền được bảo hộ về sở hữu trí tuệ, kinh doanh đúng đắn của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất.

can xu ly nghiem hanh vi loi dung dich benh de truc loi
Luật sư Nguyễn Anh Thơm.

Tùy theo tính chất mức độ, hành vi của đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự hoặc xử phạt hành chính theo Điều 10 Nghị định 185/2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng.

Đối với việc xử lý hình sự, Cơ quan điều tra cần xác định trị giá hàng hóa làm giả theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 30.000.000 đồng trở lên thì đối tượng có thể bị xử lý tương ứng theo quy định tại Điều 192 BLHS.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình kiểm tra cơ sở sản xuất của Công ty Thiên Y Việt (số 437, đường Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, TP Thái Bình). Tại đây, cảnh sát phát hiện lượng lớn nước xịt tay sạch khuẩn, nước rửa tay in các dãn nhãn hiệu: Rencide, Hand Sanitizer dạng nước và dạng gel, sản phẩm tinh dầu Thiên Y thần khớp, trà gan H’Mông, tinh chất thảo dược xoang H’Mông, tinh chất cao lá H’Mông, cao tầm gửi H’Mông...

Sau khi lập biên bản và niêm phong số lượng hàng hóa nói trên, cơ quan công an đã phối hợp với Sở Y tế Thái Bình lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm nước rửa tay.

Sở Y tế Thái Bình sau đó có Công văn trả lời việc sản xuất các sản phẩm nước rửa tay trên của Công ty Thiên Y Việt là không đúng quy định của pháp luật.

Lực lượng chức năng tỉnh Thái Bình đã đình chỉ hoạt động cơ sở sản xuất của Công ty Cổ phần dược phẩm Thiên Y Việt để điều tra về hành vi làm giả nước rửa tay.

Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Làm chết người;

h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

k) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

l) Buôn bán qua biên giới;

m) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

c) Làm chết 02 người trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b)135 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Xuân Hinh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc