Báo động đội ngũ nhà giáo:

Cần xóa hệ trung cấp và cao đẳng sư phạm

07:00 | 11/12/2013

1,136 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quan điểm giáo viên bậc học thấp chỉ cần trình độ đào tạo thấp là điều cần phải thay đổi, bởi nhìn ra các nước, càng bậc học thấp, việc tuyển chọn, đào tạo giáo viên càng phải kỹ càng, bài bản.

>> BÁO ĐỘNG ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO: Lương thấp, 20% giáo viên chán nghề

Giáo viên mầm non cũng cần bằng ĐH

Cả nước hiện có trên 100 cơ sở đào tạo giáo viên trong tình trạng phân tán, thiếu tính liên thông và quy hoạch tổng thể. Vì thế nhóm nghiên cứu đề xuất cần khẩn trương quy hoạch lại mạng lưới đào tạo giáo viên thành một hệ thống cấp quốc gia. Mạng lưới này phải đảm bảo tính liên thông để tận dụng được nguồn lực của các cơ sở đào tạo. Với hệ thống đào tạo giáo viên này, cũng cần có quy chuẩn chung trong việc tuyển sinh, điều kiện đào tạo tối thiểu và chuẩn đầu ra đối với từng bậc học.

Trong Đề tài: “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” do Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm, các chuyên gia giáo dục đề xuất cần phải ngưng đào tạo bậc trung cấp và cao đẳng sư phạm ngay trong năm học 2014-2015, bởi giáo viên các cấp kể cả mầm non, tiểu học cần được đào tạo đại học.

Giáo viên mầm non cũng cần đào tạo chính quy như những cấp học khác.

Quan điểm giáo viên bậc học thấp chỉ cần trình độ đào tạo thấp là điều nhiều chuyên gia tham dự hội nghị cho rằng cần phải thay đổi. Bởi nhìn ra các nước, càng bậc học thấp, việc tuyển chọn, đào tạo giáo viên càng phải kỹ càng, bài bản.

Đồng tình với đề xuất này, TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng: “Tôi đồng ý với việc xóa bỏ hệ đào tạo trung cấp và cao đẳng sư phạm. Giáo viên các cấp phổ thông cần đào tạo ĐH, nhưng cần có sự phân biệt rõ ràng về mô hình, phương thức, nội dung đào tạo. Ví dụ như ở nước ngoài có những mô hình đào tạo ĐH 3 năm hoặc 4 năm. Phân biệt và có định hướng đào tạo rõ ràng sẽ cung cấp giáo viên ở những “đầu ra” khác nhau, phù hợp với yêu cầu của các bậc học phổ thông khác nhau”.

Nên yêu cầu sơ tuyển vào sư phạm

Nhóm nghiên cứu nhận định: “Chất lượng đầu vào các trường sư phạm mấy năm gần đây có xu hướng thấp dần”. Khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy từ năm 2005 trở lại đây không ít trường tuyển sinh vào các ngành sư phạm chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT, ngay Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nơi được coi là “máy cái” trong đào tạo giáo viên cũng có những ngành chỉ lấy điểm chuẩn là 15.

Từ thực tế đó, ông Vũ Trọng Rỹ (Viện Khoa học giáo dục VN), thay mặt nhóm nghiên cứu đề nghị: “Đã đến lúc cần chấm dứt việc đào tạo giáo viên hệ trung cấp. Để đảm bảo chất lượng đầu vào, các ngành sư phạm chỉ nên tuyển sinh những học sinh có học lực khá và có sơ tuyển. Việc sơ tuyển là nguyên tắc bắt buộc đối với giáo viên tiểu học và chuyên ngành năng khiếu”.

Nghiên cứu cũng cho thấy cấu trúc chương trình đào tạo hiện nay chưa coi trọng việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. Số lượng tín chỉ cho học phần thực hành, thực tập sư phạm là phần thiết yếu (bắt buộc) chiếm tỷ lệ rất thấp (khoảng 4,76%) trong tổng số tín chỉ toàn khóa.

Sinh viên sư phạm cần được sơ tuyển trước khi nhập học.

Chính từ thực tế này, bà Nguyễn Thị Bình đề nghị: “Cần tăng cường đầu tư cho các trường sư phạm để có được đội ngũ giáo viên có năng lực. Hệ thống các trường sư phạm phải là đội ngũ canh tân trong đổi mới giáo dục”.

GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng: “Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên phải là một quá trình liên tục. Trong đó đào tạo ban đầu phải là “cú hích” đủ mạnh để người thầy có được nền tảng ban đầu và sức bật để đi trên con đường học tập suốt đời. Đào tạo nghiệp vụ sư phạm ở các trường sư phạm lâu nay chỉ là việc “tráng men” thôi, sinh viên sư phạm trong suốt quá trình học được trang bị kiến thức chuyên môn là chủ yếu”.

Đây chính là bất cập khiến nhiều thế hệ giáo viên hiện nay thiếu kỹ năng sư phạm cần thiết, không có phương pháp dạy học tốt và trì trệ trong việc đổi mới phương pháp dạy học. GS Đinh Quang Báo đề nghị phải xây dựng một mô hình đào tạo tăng tỉ lệ đào tạo kỹ năng dạy học. Trong công tác bồi dưỡng giáo viên, việc bồi dưỡng kỹ năng dạy học trên cơ sở thực tiễn cũng là việc phải ưu tiên hàng đầu.

Nhóm nghiên cứu đưa ra hai mô hình: hoặc đào tạo kiến thức đại cương chuyên ngành xong mới đào tạo một năm nghiệp vụ sư phạm, hoặc đào tạo đồng thời cả kiến thức và nghiệp vụ sư phạm. Nhiều ý kiến đóng góp tại hội nghị cho rằng việc đào tạo giáo viên gắn liền với thực hành, với hoạt động dạy học ở trường phổ thông là hướng đi cần được áp dụng.

Giáo viên phải làm ngoài chuyên môn quá nhiều

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, các loại phụ cấp, chính sách phúc lợi cho giáo viên hiện nay vẫn còn bất cập, chưa kịp thời, trong khi áp lực đối với nhà giáo ngày càng lớn.

Ông Nguyễn Quang Kính nói: “Quy định công chức hiện nay làm việc 40 giờ/tuần, nhưng theo khảo sát của chúng tôi thì có những giáo viên phải làm tới 60 giờ/tuần. Làm như thế thì không thể đảm bảo chất lượng, không có thời gian tái tạo sức lao động.

Một bất cập lớn nữa là giáo viên phổ thông hiện nay phải làm quá nhiều việc ngoài chuyên môn, từ những bất hợp lý trong quy định về sổ sách, đến những hoạt động khác trong mỗi cơ sở giáo dục. Thời gian dành cho chuyên môn eo hẹp và áp lực công việc chung khiến giáo viên giảm tâm huyết với việc dạy học”.

Khánh An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.