Cân nhắc việc tiếp tục duy trì HĐND cấp quận, huyện trở xuống

20:15 | 27/05/2013

630 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quốc hội dành nguyên ngày làm việc 27/5 để các đại biểu thảo luận ở tổ xung quanh nội dung quan trọng nhất của kỳ họp lần này – Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. PetroTimes ghi lại một số ý kiến của đại biểu bên hành lang thảo luận...

Tên nước không thể thay đổi

Về tên nước, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc tỏ ra quyết liệt khi đưa ra những đóng góp trực diện vào việc phải giữ nguyên tên nước, và không nên bàn luận quá nhiều về vấn đề này. “Không tính đến việc bè bạn quốc tế, hay phải thay con dấu, quốc huy, mà chỉ riêng việc chúng ta xác định thể chế chính trị do Đảng cộng sản, Nhà nước pháp quyền thì đương nhiên chính danh tên nước đã là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam rồi. Chúng ta không cần tìm cách diễn đạt, diễn giải khác về tên nước. Xã hội chủ nghĩa là một lý tưởng cao đẹp, chúng ta vừa phát triển nền kinh tế có định hướng, vừa đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo công bằng, văn minh, dân chủ và hạnh phúc toàn dân”.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (tỉnh Thái Bình).

Về Điều 4, trước hết, đa số đại biểu khẳng định, việc giữ Điều 4 quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết. Quy định này là kế thừa quy định tại Điều 4 của Hiến pháp hiện hành, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta. Dự thảo đã bổ sung quy định về bản chất của Đảng theo tinh thần mới của Cương lĩnh, đó là: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”. Chính do bản chất và nền tảng tư tưởng của Đảng như vậy nên nhân dân ta mới thừa nhận vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng và ghi nhận vào Hiến pháp - đạo luật cơ bản của Nhà nước.

Liên quan đến nhóm vấn đề nền kinh tế thị trường, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiếp tục đưa ra những phân tích hết sức thuyết phục. “Ở nền kinh tế xã hội chủ nghĩa có sở hữu lớn. Còn nền kinh tế tư bản, theo thị trường tự do, vai trò Nhà nước mờ nhạt đã xuất hiện những khuyết tật không thể khắc phục được. Ngay cả Mỹ, hay một số quốc gia ở trung tâm EU cũng từng đứng bên bờ đổ vỡ. Một nền kinh tế không có bình đẳng xã hội, phân hóa giàu nghèo quá rõ ràng thì khó có thể thuyết phục được quốc tế. Vấn đề là chúng ta lựa chọn mô hình chi tiết nào và tiến hành ra sao.”

Theo ông Lộc, chúng ta phải cổ vũ, khuyến khích mọi người làm kinh tế, tự do đầu tư kinh doanh. Nhà nước không chỉ bảo hộ cho doanh nhân quyền đó, mà Nhà nước còn phải khuyến khích doanh nhân đoàn kết vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại. Nền kinh tế chúng ta xây dựng đang thiếu chiến lược phát triển bền vững. Hiến pháp nên đưa cụm từ “phát triển bền vững” mang tính định hướng trực tiếp, mang tính tuyên ngôn để các thành phần trong nền kinh tế nhìn vào đó xây dựng chiến lược cho riêng mình.

Các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

HĐND thể hiện nguyện vọng, ý chí của nhân dân

Xung quanh vấn đề duy trì hay không duy trì mô hình HĐND cấp quận, huyện và thấp hơn, kết luận buổi thảo luận tại tổ sáng nay (27/5), đồng chí Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu QH tỉnh Bình Thuận Huỳnh Văn Tí cho rằng, rất cần thiết phải tiếp tục duy trì mô hình trên: “Đúng là trên thực tế, HĐND cấp quận, huyện và dưới nữa nhiều năm nay hoạt động không chất lượng, phần nào là hình thức. Ở tỉnh tôi cũng có thực trạng như vậy, thậm chí có người nói HĐND còn là “đồ trang trí” cho Ủy ban, là bảo lãnh cho các quyết định của Ủy ban. Những nhận xét này tuy là châm biếm nhưng cũng phần nào phản ánh đúng thực chất. HĐND hoạt động hình thức là có thật”.

Đại biểu Huỳnh Văn Tí (Bình Thuận).

Cũng theo đồng chí Trưởng đoàn Đại biểu QH tỉnh Bình Thuận, HĐND là nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng của người dân, bởi vậy nếu từ bỏ mô hình HĐND cấp quận, huyện và thấp hơn là đi ngược lại nguyện vọng chính đáng đó: “Vấn đề cốt lõi là phải tập trung củng cố chất lượng hoạt động của HĐND. Phải củng cố lại sinh hoạt của HĐND bằng cách tự mình dân chủ, tự mình dám đấu tranh, phê và tự phê. Phải làm thẳng thắn chứ không phải làm cho có lệ. Thẳng thắn đấu tranh chống những sai trái. Những chủ trương của ủy ban mà không đúng thì HĐND bác đi. Chỉ làm một lần như vậy là nhân dân tin tưởng ngay. Và quan trọng nhất, HĐND phải nghe được ý kiến chân chính, trung thực, thẳng thắn của nhân dân. Nghe rồi thì phải giải quyết, chứ không phải hứa rồi để đấy. Tôi rất ủng hộ đổi mới, tán thành việc phải củng cố lại tổ chức chính quyền các cấp cho gọn nhẹ, có hiệu lực. Nhưng đừng vì điều này mà lại bỏ HĐND. Dân tộc ta có ngày nay là nhờ sức mạnh nhân dân. Nhân dân phải có cơ quan đại diện đúng pháp luật là HĐND. Bỏ HĐND tức là tự mình chặt mất một tay, bỏ mất tiếng nói chân chính của nhân dân, vi phạm quyền lợi của nhân dân”.

Nhiều ý kiến khác cho rằng Quận ủy, Huyện ủy có quyền lãnh đạo toàn diện  đối với HĐND là sự lãnh đạo phương hướng, còn những vấn đề cụ thể để HĐND tự quyết chứ không nên can thiệp quá mức. Thực chất hay hình thức là do chúng ta cả, mà trước hết là do những người lãnh đạo chủ chốt. Cái gì đã là nguyên tắc, được ghi trong hiến pháp mà qua tổng kết lịch sử, thì không ai có quyền bác bỏ đi.

Liên quan đến nội dung của Quốc hội, Đại biểu Lê Đình Khanh (tỉnh Hải Dương) đề xuất Quốc hội cần cân nhắc sớm thành lập Ủy ban phòng, chống tham nhũng độc lập để thường xuyên giám sát các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. “Khi thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm của người đứng đầu như thế nào? Nguyên tắc đó là rất hay, nhưng khi xảy ra chuyện chưa thấy trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể ở đâu cả. Thành tích thì cá nhân hưởng, khuyết điểm thì tập thể chia, lâu nay chúng ta vẫn như vậy. Các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thường là “tư lệnh” ngành, chịu trách nhiệm rất lớn trước nhân dân, bởi vậy dễ xảy ra tham nhũng, tham ô nếu không bản lĩnh”.

Đại biểu Lê Đình Khanh (tỉnh Hải Dương).

Về nội dung sở hữu đất đai, đại biểu Lê Thị Công (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ: Thu hồi đất là vấn đề quan trọng, vừa liên quan đến quyền sở hữu toàn dân về đất đai, vừa liên quan đến quyền của người sử dụng đất. Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội quy định cơ chế thu hồi đất vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, không đặt vấn đề trưng mua vì tổ chức, cá nhân chỉ có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu. Tuy nhiên, để bảo đảm việc thu hồi đất không bị lạm dụng, đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc của việc thu hồi, bồi thường, đó là “Việc thu hồi đất phải có bồi thường, công khai, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp luật”; nội dung cụ thể về điều kiện và thể thức thu hồi, bồi thường sẽ được xác định trong luật.

“Về trường hợp thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội, đa số cử tri nhận thấy, đất đai là nguồn lực quan trọng cần được khai thác, sử dụng hiệu quả nhằm mục đích phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Vì vậy, việc thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, để tránh việc thu hồi đất tràn lan, Dự thảo quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Các trường hợp thu hồi đất do luật định. Việc thu hồi đất phải có bồi thường, công khai, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp luật” - đại biểu Lê Thị Công đưa ra những đóng góp hết sức xác đáng.

Trước hiện tượng kết hôn đồng giới đang dần được xã hội thừa nhận, nhiều ý kiến Đại biểu đề xuất Ban soạn thảo cần phải bổ sung nội dung “mọi người có quyền kết hôn theo qui định của pháp luật”.

T.L