Cần một cái bắt tay

06:19 | 24/10/2013

785 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiệp hội Những người lao động sáng tạo Việt Nam mới được thành lập sau 21 năm vận động, xây dựng. Nhiều ý kiến cho rằng, sự ra đời của hiệp hội ngành nghề này sẽ giải quyết được bài toán khó về cộng hưởng sáng tạo. Báo điện tử PetroTimes đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Xuân Tư, Chủ tịch Hiệp hội về vấn đề này.

Nông dân thành kỹ sư, nhà khoa học bỏ viện nghiên cứu

PV: Thưa ông, có nhiều nông dân đã mày mò chế tạo ra những máy móc công cụ độc đáo. Trong khi đó, những nhà khoa học được đào tạo bài bản lại rời viện nghiên cứu ra đi rất nhiều, có người định cư hẳn ở nước ngoài. Đó có vẻ như là một nghịch lý. Theo ông, chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy?

Ông Trần Xuân Tư: Phải nói thực rằng, tình trạng này đã xảy ra nhiều năm qua và đến thời điểm này, khi kinh tế đất nước khó khăn thì diễn biến ấy càng rõ rệt hơn. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân mà nhiều nhà làm chính sách, nhiều cơ quan chuyên môn đã phân tích. Riêng tôi cho rằng, việc này là do người nông dân và nhà khoa học chưa thực sự “gặp” nhau.

Ông Trần Xuân Tư  (Ảnh: Hiền Anh)

PV: Ông có thể nói rõ hơn không?

Ông Trần Xuân Tư: Thế này nhé, nhà khoa học và những người lao động chân tay chưa thực sự gắn kết với nhau. Trên thực tế đang xảy ra tình trạng giáo sư, tiến sĩ ngày ngày vẫn cứ làm việc trong phòng thí nghiệm, xây dựng hết đề tài này đến đề tài khác mà quên đi mất người lao động đang thực sự cần gì. Người lao động chân tay thì đương nhiên phải làm công việc cơm áo của họ và chẳng có nhiều thời gian để chú ý tới việc gì khác nữa. Nhà khoa học thì có rất nhiều lý thuyết và ít thực tế lao động còn người lao động lại có rất nhiều kinh nghiệm nhưng thiếu kiến thức khoa học căn bản. Đáng lẽ ra họ phải bổ trợ cho nhau nhưng trên thực tế, họ lại như hai đường thẳng chạy song song và đang xa lạ với nhau. Để gắn kết họ với nhau là một bài toán khó mà chúng ta chưa giải quyết tốt.

Cứ thử tưởng tượng thành quả sáng tạo của hai lực lượng lao động này là cộng hưởng hình sin, nếu cùng biên độ thì sẽ tạo ra bước nhảy vọt. Nếu tách rời, mỗi người sẽ dao động theo một tần số riêng. Cộng hưởng sáng tạo chính là điều này.

PV: Hệ quả của điều này là gì, thưa ông?

Ông Trần Xuân Tư: Điều chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy là, đề tài nghiên cứu của nhà khoa học đầy rẫy lý thuyết cao siêu nhưng khả năng áp dụng thực tế là rất thấp. Trong khi đó, người lao động với nhu cầu thực sự của mình phải tự mày mò chế tạo ra phương tiện lao động cho mình. Đó là một sự lãng phí.

Tôi rất ấn tượng với hai nông dân Lê Văn Danh và Trần Quốc Hải ở Tây Ninh chế tạo máy bay với hầu hết thiết bị được mua ở chợ hoặc tự chế tạo thủ công trong chính xưởng cơ khí giản đơn của họ. Hay anh Phạm Xuân Quốc ở TP HCM đã dành cả 10 năm để tự chế chiếc máy bay trực thăng mini. Họ dồn cả tâm huyết và bằng tất cả sự đam mê của mình với kiến thức chủ yếu là tự học với mong muốn được đóng góp công sức của mình cho đất nước một cách vô tư và trong sáng. Có người đã bỏ tiền túi, thậm chí là nhiều tiền để mua trang thiết bị thực hành, trang bị nhà xưởng.

Kết quả cuối cùng là: những nhà sáng chế chân đất này đang lãng phí công sức, tâm huyết của mình khi máy bay, tàu ngầm của họ chẳng ai dám cấp phép bay cho họ bởi không thể đảm bảo an toàn về kỹ thuật cho phép. Nếu có một tổ chức đỡ đầu cho anh Hải, anh Danh và hỗ trợ họ về kinh phí, về kỹ thuật và những chuyện liên quan đến thủ tục khác thì thành quả lao động của họ sẽ được ghi nhận xứng đáng hơn.

Đang có một thực tế là, trong khi nhiều nông dân chế tạo, cải tiến ra nhiều loại máy móc, có tính ứng dụng cao, thì thành tựu của ngành nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông lâm nghiệp được coi là “yếu kém, khó chấp nhận”.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn từng khẳng định, khoa học nông lâm nghiệp nước ta có tỷ suất cống hiến đạt khoảng 30% giá trị gia tăng trong sản xuất. Trong khi, tỷ suất này ở Trung Quốc, như Quảng Tây là 40%, Quảng Đông 60%, Thượng Hải tới 70%; còn các nước tiên tiến là 80-90%. “Đây là sự yếu kém khó chấp nhận. Với đà phát triển này, nếu tỷ lệ cống hiến của khoa học nông lâm nghiệp chỉ tăng 1%/năm, phải 50 năm nữa, Việt Nam mới đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới.

Giải thưởng Kova ông Trần Xuân Tư được nhận năm 2006 (Ảnh: Hiền Anh)
 

PV: Có vẻ như Hiệp hội Những người lao động sáng tạo Việt Nam được thành lập ra và được giao nhiệm vụ này?

Ông Trần Xuân Tư: Đúng là như vậy. Việc phối kết hợp, cộng hưởng năng lực sáng tạo của các lực lượng lao động là một giải pháp mà tôi đã nghĩ đến từ hơn 20 năm trước. Khi tôi còn công tác ở Liên Xô cũ và chứng kiến quá trình sụp đổ của Liên Xô, tôi thấy có nét tương tự. Người ta mải miết đi tìm nguyên nhân, phân tích trên mọi góc độ. Khoa học kỹ thuật của Liên Xô phát triển vượt bậc với nhiều thành tựu xuất sắc nhưng chưa đồng bộ với việc giải quyết các nhu cầu thiết yếu cho người lao động.

Bài học về xây dựng, phát triển khoa học kỹ thuật đó là vô cùng quý giá và nó cần phải được áp dụng cho Việt Nam. Từ khi thai nghén ý tưởng, vận động thành lập hiệp hội đến nay đã là 21 năm. Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn về tài chính và sức khỏe trong quá trình này. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là hội sẽ là cơ quan gắn kết người lao động với nhà khoa học để cộng hưởng năng lực sáng tạo của hai lực lượng lao động này.

PV: Việc cộng hưởng sáng tạo như ông nói đã có ở nước ngoài chưa?

Ông Trần Xuân Tư: Ở nước ngoài, mô hình cộng hưởng sáng tạo đã có rồi nhưng phát triển ở mức độ khác nhau. Cách đây chừng 50 năm, ở Liên Xô cũ khi tôi còn đang học vô tuyến điện ở bên đó tôi biết rằng họ đã có riêng một chuyên ngành đào tạo về sáng tạo khoa học kỹ thuật. Nhưng lý luận này chỉ được áp dụng đặc thù cho các ngành khoa học kỹ thuật. Chúng tôi luôn kỳ vọng rằng, mô hình cộng hưởng sáng tạo ở Việt Nam sẽ là mô hình tổng hợp áp dụng trên tất cả các lĩnh vực khoa học chứ không riêng một ngành nào.

Lãng phí chất xám

PV: Hiện nay, có rất nhiều đề tài khoa học tại các viện nghiên cứu đã hoàn tất nhưng bị xếp vào ngăn kéo vì không thể áp dụng trong thực tế. Theo ông, nguyên nhân việc này là do đâu?

Ông Trần Xuân Tư: Đây là thực là tình trạng lãng phí chất xám. Thực tế này có nguyên nhân nhân từ nhiều phía chứ không phải từ phía nào và nguyên nhân xuất phát chủ yếu từ cơ chế ưu đãi của Nhà nước với những nhà khoa học chưa thỏa đáng. Sự quan tâm của Nhà nước với những đối tượng này chưa đáp ứng được cơ bản nhu cầu của họ.

Nhưng tôi cho rằng, về phía các nhà khoa học cũng cần suy nghĩ lại trước khi đòi hỏi Nhà nước điều này, điều kia thì họ cũng cần nhìn lại chính bản thân mình. Cụ Nguyễn Du nói rằng: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Một số nhà khoa học lý giải hành động bỏ viện nghiên cứu của mình một phần là do cơ chế của Nhà nước thì cũng oan cho Nhà nước quá.

Họ phải tự hỏi mình rằng, mình có đủ đam mê, đủ tài hay không. Nếu họ nửa vời, không đủ tài năng thì có chăng cũng chỉ làm gánh nặng cho Nhà nước mà thôi. Tôi biết có nhiều người mang danh nhà khoa học nhưng cả đời không đóng góp được công trình nghiên cứu nào ra hồn. Họ chỉ chú ý vẽ vời ra đề tài này nọ để lấy tiền của Nhà nước.

Nhà nước đương nhiên sẽ có những chính sách đặc biệt với những nhà khoa học có tài năng thực sự. Nhưng nếu họ bất tài và lại không đủ đam mê thì tốt nhất nên tìm một công việc khác phù hợp hơn với mình, đừng nên mang danh nhà khoa học để mong chờ sự đãi ngộ của Nhà nước.

Việc các đề tài khoa học tốn kém nhưng bị xếp vào ngăn kéo thì thực ra rất đơn giản: Họ quá thiếu thực tế và xa rời cuộc sống. Nhà khoa học hãy lăn vào thực tế đi để thỏa mãn câu hỏi của cả xã hội rằng: “Anh làm được cái gì và cái đó có được xã hội chấp nhận hay không?”. Nhà khoa học suy cho cùng phải có lý thuyết tốt, thực tế giỏi nhưng quan trong hơn cả là anh ta phải có sản phẩm được cả xã hội chứng nhận.

PV: Bản thân ông đã nhận thức việc này như thế nào?

Ông Trần Xuân Tư: Tôi đã nghiên cứu đề tài về trồng cây măng tre trên vùng ngập lũ. Trong vùng lũ, những cây nông nghiệp khác bị xóa hết khi nước ngập đến lưng chừng nóc nhà. Cây gì có thể sống được và cho thu lợi trong tình cảnh ấy? Người nông dân vùng lũ cần câu trả lời này và đáp án của nó chính là cứu cánh cho người nông dân. Nó vô cùng bức thiết.

Sau một thời gian, xuất phát từ thực tế, chúng tôi đã kết nối được người nông dân, nhà khoa học từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, những nhà quản lý chính sách để ra một sản phẩm hoàn hảo cho người nông dân trong vùng lũ.

Giả sử, mình tôi đơn phương nghiên cứu thì tôi đồ rằng, công trình của tôi rất khó áp dụng vì thiếu sự đồng thuận tạo điều kiện trồng đại trà tại nhiều vùng. Nếu người nông dân tự làm thì sẽ mất rất nhiều thời gian mày mò, thử nghiệm mà không phải ai cũng đủ thời gian và sự kiên trì. Tôi nối kết người nông dân với nhà khoa học và tôi đã thành công.

Nông dân Trần Quốc Hải ở Trà Vinh bên cạnh cỗ máy công nghiệp tự chế của mình

PV: Với tư cách là một nhà khoa học, ông có thích mô hình cộng hưởng sáng tạo mà ông đề ra hay không?

Ông Trần Xuân Tư: Đương nhiên là có rồi. Tôi nguyên là cán bộ khoa học kỹ thuật Lữ đoàn 216, Sư đoàn 365, Quân chủng Phòng không - Không quân. Sau khi tốt nghiệp Học viện Phòng không Ki-ép tôi về làm làm giảng viên ở Học viện Hậu cần.

Cũng do yêu thích, tôi tự đọc sách, nghiên cứu về công nghệ sinh học ứng dụng. Đề tài đầu tiên là nghiên cứu về trồng cây Điềm Trúc (gốc Đài Loan - Trung Quốc) vốn chỉ thích ứng ở trên các vùng đồi của Trung Quốc. Tôi nghiên cứu và áp dụng cộng nghệ của mình để đưa giống cây này trồng trên vùng bị ngập úng ở ven đê sông Hồng. Loại cây này giống như cây tre Việt Nam, ưu điểm là rễ cây bám sâu vào đất, cây cao hơn 10 mét, thân cây to như cây bương, dùng để làm hàng thủ công mỹ nghệ. Măng Điềm Trúc cho củ to, ngọt dùng làm rau ăn hằng ngày. Nhờ có công nghệ của tôi, loại cây này sống rất tốt trong môi trường nước ngập úng. Tiếp đó, tôi nghiên cứu tìm ra công nghệ trồng cây xoài Đài Loan trên vùng ngập nước. Giống cây xoài này phát triển rất tốt, rễ cây cũng bắt sâu vào đất, cây cho nhiều quả to. Đề tài thứ ba tôi tìm đến là cây ổi chịu nước và giúp chúng thích ứng với môi trường thường xuyên bị lũ lụt tràn về, cây to và cho sai quả. 

Tôi cùng các đồng nghiệp của mình thành lập Viện Công nghệ sinh học ứng dụng trực thuộc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng UIA (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam). Thời ấy, tôi phải đi thuê mượn đất để làm vườn thực nghiệm, trồng thử và nhân giống các loại cây trồng, cho làm thử ở một vài nơi bị ngập úng. Kết quả mang lại rất tốt, các loại giống cây đều chịu được môi trường sống trong nước, chất lượng quả thu được to, quả ngọt và thơm, các loại cây ăn quả này có thể góp phần xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai và tạo môi trường sinh thái bền vững. Đề tài của tôi đang được triển khai ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình…

PV: Với những đề tài này, nguồn kinh phí được lấy từ đâu?

Ông Trần Xuân Tư: Thú thực tôi thấy mình là người lội ngược dòng nước, tự bỏ tiền túi của mình ra để nghiên cứu. Tôi nghiên cứu nhân giống cây, trồng thử, mỗi một đề tài tôi phải bỏ ra thời gian vài năm để thử nghiệm, thực hành mới cho ra được kết quả. Nhưng tôi tự hào vì mình đã tìm ra công nghệ riêng, trồng được cây tre măng ngọt, quả xoài ngon, nay mang trồng thích hợp ở vùng hay bị lũ lụt, cho sản phẩm tốt, lại giữ được đất, chống được xói lở và ngăn được gió bão, tạo được cảnh quan môi trường thân thiện.

Tôi đã nghiên cứu thành công đề tài “Đất sạch cho rau an toàn”, trồng cây sai quả trên ban công nhà chung cư cao tầng. Ý tưởng của tôi là sẽ biến tất cả những ban công, cả mái nhà để trồng những cây ăn quả, vừa làm bóng mát, điều hòa môi trường sống và cung cấp quả ngọt cho bữa ăn gia đình.  Ông đã tạo ra những giống cây như: Xoài, khế để trồng ở ban công và khẳng định sẽ chuyển giao công nghệ, bảo hành sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng. Tôi đã đoạt giải thưởng KOVA năm 2006, cúp vàng Asean + 3 về đề tài Bảo vệ môi trường - 2009. Dự án “Công nghệ tre măng ngon Điềm Trúc” trồng trên vùng ngập lụt Bắc Bộ mang lại hiệu quả kinh tế cao, được Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đầu tư, mở rộng nghiên cứu ứng dụng…

Cả đời nghiên cứu khoa học tôi đúc kết được rằng, khoa học thời nào, lúc nào cũng cần gắn chặt với đời sống của người lao động và đó mới là khoa học thực thụ. Hãy lăn vào thực tế, nhìn theo cách nhìn của người người lao động, sống cùng cuộc sống của họ để cảm nhận và phát hiện những vấn đề cấp bách. Người lao động rất cần các nhà khoa học, một khi các nhà khoa học chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, quá trình sản xuất của người lao động đương nhiên sẽ không có hiệu quả cao. Hơn lúc nào hết, người lao động và nhà khoa học cần bắt tay nhau thật chặt.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Hiện nay, Việt Nam chưa có tổ chức chuyên trách hợp lực sự sáng tạo các tầng lớp trí thức và lực lượng lao động giàu kinh nghiệm thực tế, nên chưa tạo ra được “cộng hưởng sáng tạo chung”, giá trị sáng tạo của người lao động bị hạn chế, nhiều công trình khoa học sau khi nghiệm thu không được ứng dụng, gây lãng phí… Chính vì vậy, sự ra đời của hiệp hội là cần thiết để giải quyết các vấn đề trên.

Nhiệm vụ của Hiệp hội Những người lao động sáng tạo Việt Nam là tập hợp, đoàn kết hội viên là các tổ chức, cá nhân đã và đang lao động sáng tạo, có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ứng dụng vào lao động sản xuất thực tiễn. Hiệp hội tiến hành các hoạt động tư vấn, giám định, phản biện các vấn đề liên quan đến lao động sáng tạo; tôn trọng và bảo hộ bản quyền phát minh, sáng chế cho hội viên.

Hiệp hội Những người lao động sáng tạo Việt Nam (Vietnam Creativity Association) là tổ chức xã hội - nghề nghiệp được thành lập theo Quyết định số 761/QĐ-BNV ngày 20/6/2013 của Bộ Nội vụ và chịu sự quản lý Nhà nước, của Bộ Khoa học và Công nghệ.


Minh Tiến (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc