Cần làm rõ vai trò của các ngân hàng trong vụ cung cấp hợp đồng cho công ty luật đòi nợ

13:49 | 02/03/2023

974 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Luật sư Phạm Hữu Long cho rằng, Cơ quan điều tra cũng cần phải làm rõ vai trò và trách nhiệm của các ngân hàng, cá nhân (thuộc các tổ chức này) có liên quan trong vụ việc (nếu có). Nếu họ đã biết rõ hoặc có sự câu kết, thông đồng với các đối tượng trong việc sử dụng các biện pháp trái pháp luật, thì các cá nhân có liên quan thuộc các ngân hàng này đã có dấu hiệu đồng phạm trong hành vi cưỡng đoạt tài sản, cần phải được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Vừa qua, Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp với Bộ Công an, Công an TP HCM triệt phá nhóm đối tượng “núp bóng” Công ty Luật TNHH Pháp Việt đòi nợ thuê cho các ngân hàng và công ty tài chính.

Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố, bắt tạm giam 5 bị can và tạm giữ hình sự 10 nghi phạm (đều là người của Công ty luật TNHH Pháp Việt, trụ sở ở đường Lê Văn Huân, P.13, Q.Tân Bình, TP HCM) để điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản. Bước đầu, CQĐT xác định các bị can đã có hành vi "khủng bố" đòi nợ tại Trường tiểu học K. (P.1, TX.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) và đòi nợ theo kiểu "xã hội đen" ở nhiều địa phương khác như: Long An, Bình Dương, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP Cần Thơ, TP HCM...

Cần làm rõ vai trò của các ngân hàng trong vụ cung cấp hợp đồng cho công ty luật đòi nợ
Lực lượng chức năng khám xét Công ty luật TNHH Pháp Việt

Công an tỉnh Tiền Giang cũng cho biết, hành vi của Ban Giám đốc và nhân viên Công ty luật TNHH Pháp Việt đã cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản; và có dấu hiệu của tội khủng bố. Nhóm bị can và nghi phạm khai nhận Công ty luật TNHH Pháp Việt "núp bóng" công ty tư vấn luật, có quan hệ hợp tác với một số ngân hàng, công ty tài chính dưới danh nghĩa hợp đồng trợ giúp pháp lý, do Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng (cùng là phó giám đốc) cầm đầu.

Trung bình mỗi tháng công ty nhận từ các ngân hàng, công ty tài chính 141.000 đến 241.000 hợp đồng vay tiền của các khách hàng chưa trả được để phân chia cho các nhân viên công ty đòi nợ bằng hình thức đe dọa, khủng bố.

Công ty được các ngân hàng và công ty tài chính trả cho từ 25% đến 35% trên tổng số tiền thu được. Số tiền này, Ban Giám đốc công ty trả lương cho nhân viên và mua các công cụ, phương tiện phục vụ việc đe dọa, khủng bố khách hàng còn nợ tiền. Với lợi nhuận rất lớn từ hành vi cưỡng đoạt tài sản nêu trên nên số đối tượng này không từ một thủ đoạn nào để buộc nạn nhân phải trả tiền.

Ngoài ra, chứng cứ còn thể hiện các bị can không có văn bằng chuyên ngành luật, mà chỉ thuê một người đủ điều kiện đứng tên làm đại diện pháp luật đăng ký pháp nhân công ty.

Như vậy, bước đầu cơ quan công an đã xác định, nhóm đối tượng này đã có hành vi cưỡng đoạt tài sản và đe dọa, khủng bố. Vậy, những đối tượng này sẽ bị xử lý thế nào? và các ngân hàng, công ty tài chính cung cấp hợp đồng vay tiền của các khách hàng cho các đối tượng trên có bị xử lý không?

Về vấn đề này, PV có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Hữu Long - Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

PV: Vừa qua, Công an Tiền Giang đã khởi tố nhóm đối tượng “ núp bóng” công ty luật đòi nợ cho các ngân hàng, công ty tài chính với hình thức đe dọa, khủng bố, mục đích là để đòi được tiền. Vậy, pháp luật cấm đòi nợ thuê?

Luật sư Long: Kể từ ngày 01/01/2021 kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê được bổ sung vào mục ngành, nghề cấm kinh doanh theo Điều 6 Luật đầu tư năm 2020, theo đó hiện nay việc đòi nợ thuê hoặc thuê dịch vụ đòi nợ thuê đều vi phạm điều cấm của pháp luật.

Hình thức một số tổ chức hành nghề luật sư (TCHNLS) thực hiện dịch vụ đòi nợ thuê, theo quy định Luật luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012, các tổ chức hành nghề luật sư (trong đó có các công ty luật) được phép cung cấp dịch vụ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, hoặc các vấn đề pháp lý khác liên quan đến quan hệ cho vay tài sản. Đó có thể là các dịch vụ tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng hoặc tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hình sự hoặc các hoạt động trợ giúp pháp lý, giúp cho khách hàng thực hiện các công việc khác theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, các hoạt động này phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, và đặc biệt là chỉ được “sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng” (Điều 5 Luật luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012).

Ngoài ra, khi cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng thì các tổ chức hành nghề luật sư và các luật sư không được thực hiện các hành vi trái pháp luật, không được “lợi dụng việc hành nghề luật sư, danh nghĩa luật sư để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân” (Khoản 1 Điều 9 Luật luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012).

“Việc Công ty Luật TNHH Pháp Việt sử dụng các nhân sự không phải là luật sư, không có chuyên môn pháp lý, để thực hiện hành vi đòi nợ theo kiểu “ xã hội đen”, có tính chất khủng bố tinh thần, cưỡng đoạt tài sản sẽ không thể coi là hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư. Thực chất đây là các đối tượng “núp bóng” luật sư, lợi dụng danh nghĩa tổ chức hành nghề luật sư và hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư để lách luật, thực hiện dịch vụ đòi nợ thuê trái pháp luật”.

PV: Với hành vi trên các đối tượng sẽ bị xử lý như thế nào?

Luật sư Long: Với việc đòi nợ bằng cách thức đe dọa, đe dọa giết vợ, con, người thân của người vay tiền, đưa quan tài, bình gas đến nhà họ để uy hiếp tinh thần, đe dọa cho nổ cơ quan của người vay tiền để buộc họ trả nợ, hành vi này của các đối tượng đã có dấu hiệu của “tội cưỡng đoạt tài sản” (Điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Nếu các đối tượng bị cơ quan điều tra kết luận phạm tội cưỡng đoạt tài sản với số tiền các đối tượng đã thu được là gần 1.000 tỷ đồng, phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

PV: Bước đầu cơ quan công an Tiền Giang cũng xác định nhóm đối tượng này có dấu hiệu tội khủng bố. Vậy, ở Việt Nam, tội khủng bố được quy định thế nào?

Luật sư Long: Tội khủng bố được quy định theo Điều 299 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định “Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.” Với mức độ nguy hiểm của hành vi khủng bố, điều luật còn quy định:

- Người nào phạm tội khủng bố trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi khủng bố hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

- Người chuẩn bị phạm tội khủng bố, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Người phạm tội khủng bố còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

PV: Các ngân hàng, công ty tài chính thuê nhóm đối tượng “núp bóng” công ty luật đòi nợ thuê có bị xử lý không? Căn cứ vào đâu, xử lý thế nào?

Luật sư Long: Vay nợ là quan hệ dân sự. Vì vậy nếu bên vay không trả nợ đúng hạn; thì bên cho vay có quyền khởi kiện đòi nợ dân sự ra tòa án dân sự giải quyết. Trường hợp tòa án ra bản án có hiệu lực pháp luật; nhưng bên vay vẫn không trả tiền thì bên cho vay có thể đề nghị cơ quan thi hành án dân sự kê biên; phát mại tài sản của người vay tiền để buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ…

Ngoài ra, bên cho vay cũng có thể tố cáo đến cơ quan điều tra nếu nhận thấy bên vay có dấu hiệu lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản; hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm; cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự để xử lý theo pháp luật. Khi đó, bên bị thiệt hại có quyền gửi đơn đề nghị cơ quan điều tra yêu cầu người đã chiếm đoạt tiền của mình phải khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại nếu có.

Liên quan đến Công ty Luật TNHH Pháp Việt đã hợp tác với một số tổ chức ngân hàng, công ty tài chính dưới danh nghĩa trợ giúp pháp lý để xử lý nợ xấu. Về vấn đề này, việc các ngân hàng hoặc công ty tài chính ký kết và thực hiện các hợp đồng dịch vụ pháp lý, để nhờ sự trợ giúp pháp lý của luật sư trong quá trong trình xử lý các khoản nợ là hoàn toàn hợp pháp, được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, các hoạt động này phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Các bên không được phép lợi dụng các dịch vụ pháp lý của luật sư để thực hiện các hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác.

Do đó, Cơ quan điều tra cũng cần phải làm rõ vai trò và trách nhiệm của các ngân hàng, công ty tài chính và các cá nhân (thuộc các tổ chức này) có liên quan trong vụ việc (nếu có). Nếu họ đã biết rõ hoặc có sự cấu kết, thông đồng với các đối tượng trong việc sử dụng các biện pháp trái pháp luật, có tính chất cưỡng đoạt tài sản để thu hồi nợ, thì các cá nhân có liên quan thuộc các ngân hàng và công ty tài chính này đã có dấu hiệu đồng phạm trong hành vi cưỡng đoạt tài sản với người đòi nợ thuê theo quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Nếu bị cơ quan điều tra kết luận có thông đồng, các đối tượng này cần phải được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Xin xảm ơn ông!

Huy Tùng