Cần lắm nét truyền thống trong kiến trúc Việt

07:45 | 09/12/2011

1,075 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Kiến trúc xanh đã trở thành xu hướng cho kiến trúc thế giới hiện đại. Để tìm hiểu thêm về mô hình kiến trúc này, PV Petrotimes đã có cuộc trao đổi với KTS Ngô Doãn Đức, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

>> Kiến trúc xanh – Kiến trúc bền vững

PV: Xin ông nhận xét về tình hình kiến trúc Việt Nam hiện nay?

KTS Ngô Doãn Đức: Trong 1 thời gian ngắn, diện tích sàn được tăng lên đáng kể, tính đến thời điểm này, có trên 700 đô thị, đâu đâu cũng có công trường. Điều này giải quyết vấn đề nơi ở cho người dân cũng như cơ ngơi của các đô thị. Trong khi đó, chính quyền không kiểm soát được do không tương thích với chính sách, kế hoạch. Hiện nay quy hoạch thường chạy sau việc xây dựng, để phạt, để điều chỉnh. Người dân – đặc biệt là những người có điều kiện kinh tế – xây dựng thiếu quy hoạch, cứ thấy đẹp là bắt chước, những người quản lý như chúng tôi chỉ có thể kiềm chế, điều tiết. Bộ mặt đô thị hiện nay, nhà cửa thì đẹp nhưng phố lại xấu đi, trở nên lôm côm, lổng chổng. Đặc biệt, nước ta phải đối mặt với nguy cơ môi trường sống bị đe dọa. Những đô thị ngập nước, những ngôi nhà như cái hộp, điều hòa dùng “xả láng”, chúng ta thấy rất nhiều ở Hà Nội, ở TP HCM hay các thành phố lớn khác.

Điều mà chúng ta thường gọi là “boong-ke” môi trường sống, cũng chính do sự thiếu ý thức, hủy hoại môi trường sống. Tiện nghi sống có thể tăng, nhưng môi trường sống không còn được bảo vệ. Ai cũng chỉ chăm lo cho việc của mình, cơ ngơi của mình nhưng cái chung thì lại bỏ qua. Nhìn chung, kiến trúc Việt Nam đã có sự phát triển, tuy nhiên hình thức kiến trúc chưa tạo lập được nét riêng, chưa có nét đột phá trong bộ mặt kiến trúc chung. Định hướng của nhà nước về kiến trúc là hiện đại nhưng vẫn phải giữ được nét truyền thống, tuy nhiên thực tế vẫn chưa làm được điều này. Và nhìn với góc độ xã hội, góc độ môi trường, kiến trúc xanh là điều cần thiết cho tình hình hiện nay.

KTS Ngô Doãn Đức – Phó CT Hội KTS Việt Nam

PV: Ở những công trình vĩ mô, chúng ta có thể định hướng về kiến trúc xanh, nhưng đối với các công trình cá nhân của người dân thì họ vẫn chưa chú trọng đến việc bảo vệ môi trường. Chúng ta phải định hướng việc xây dựng của họ như thế nào?

KTS Ngô Doãn Đức: Thật ra người dân ở đâu trên trái đất này đều giống nhau, đó là nguyện vọng, tâm tư, đó là nhà cao cửa rộng. Nhưng vấn đề này thuộc về lĩnh vực nhà nước, quy hoạch đô thị phải theo hướng dẫn. Có thể nói, có một cơ may cho đất nước mình, đó là cảnh quan nông thôn rất đẹp. Tuy nhiên hiện nay, nông thôn cũng đang bị đô thị hóa, đó là nguy cơ cần cảnh báo; chúng ta không được đô thị hóa nông thôn. Hiện đại hóa nông thôn thì rất cần, như đưa đường sá, điện nước nhưng bối cảnh, kiến trúc xanh, bối cảnh mà ông cha ta xây dựng, như những ngôi nhà 3 gian, 5 gian ở đồng bằng Bắc bộ hay nhà sàn ở miền núi thì phải giữ gìn. Tuy vậy chúng ta cũng không nên dập khuôn mà cần chuyển tải nó sang một ngôn ngữ kiến trúc mới. Cần học tập mô hình kiến trúc truyền thống “trống, nửa kín nửa hở, kín” đối với vùng nhiệt đới. Cần chuyển tải được tinh thần của mô hình này, chứ không nên bắt chiếc hoàn toàn; cần tạo ra những không gian đệm, ví dụ như hiên nhà, đó có thể là chỗ trải chiếu ăn cơm, ngắm trăng, che mưa che nắng, vừa tạo bóng râm, điều hòa không khí.

PV: Kiến trúc xanh là xu hướng của nền kiến trúc hiện đại, được các quốc gia phát triển trên thế giới áp dụng từ lâu. Nhưng ở Việt Nam, chỉ vài năm trở lại đây, cụm từ “kiến trúc xanh” mới được nhắc tới. Điều này liệu có quá muộn?

KTS Ngô Doãn Đức: Không bao giờ là quá muộn, vì chúng ta đã muộn rồi. Bài học của thế giới đã có nhưng chúng ta cần phải cảnh giác, rút kinh nghiệm từ những bài học đó. Ví dụ tại những làng quê, yếu tố kiến trúc xanh đầy ắp, như ao, vườn; chúng ta cần hiện đại hóa (điện, đường, trường, trạm), nhưng không được đô thị hóa. Ở thành phố, có rất nhiều các biệt thự, nhưng cần phải chú ý về mật độ, tránh xây lô quá dày. Với những bài học của các nước phát triển, chúng ta cần phải học theo, nhưng phải có sự sàng lọc, không được bắt chước. Bởi các nước phát triển, họ đã có một nền tảng kinh tế vững mạnh và làm kiến trúc xanh như họ thì chúng ta phải có rất nhiều tiền. Do đó, chúng ta phải có sự kết hợp với các yếu tố truyền thống, để kiến trúc xanh nước ta thực sự mang tính chất dân tộc. Do vậy, hơn lúc nào hết chúng ta cần phải đưa nó vào lộ trình; và hội nghị này chính là bản lề để chúng ta tiếp cận kiến trúc xanh một cách tích cực nhất và làm tiêu chí cho việc xây dựng kiến trúc xanh cho Việt Nam.

PV: Ông có thể nêu ra một số công trình tiêu biểu ở Việt Nam đã áp dụng mô hình kiến trúc xanh?

KTS Ngô Doãn Đức: Hiện nay ở Việt Nam có một số công trình kiến trúc xanh sắp được xây dựng, nhưng công trình đã có mà phản ánh điều kiện tự nhiên tốt nhất, đảm bảo các tiêu chí đề ra như địa điểm, sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên, vật liệu xây dựng và đảm bảo nét văn hóa thì có công trình của KTS Võ Trọng Nghĩa. Mặc dù công trình không lớn (quán café 1131 – Bình Dương), nhưng nó đã có nét rất Việt, thông qua đó, người thiết kế đã đảm đương được sứ mệnh tuyên truyền về kiến trúc xanh, đó là việc dùng vật liệu rất dễ kiếm, cấu trúc không gian, sử dụng năng lượng tự nhiên (gió, mặt trời) cực kì hiệu quả. Công trình nhỏ nhưng lại phát đi thông điệp rất lớn.

PV: Theo ông, khoảng bao lâu năm nữa thì mô hình kiến trúc xanh sẽ được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam?

KTS Ngô Doãn Đức: Kiến trúc có sự phụ thuộc vào đầu tư, vào nhà quản lý và các KTS. Công trình bị chi phối rất mạnh bởi tam giác này. Vai trò của KTS chúng tôi là tác động tới các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý và các nhà đầu tư để quy hoạch kiến trúc đồng bộ. Ngày nay, chúng ta có lợi thế là nền kinh tế thị trường, các chủ đầu tư không chỉ là các cơ quan nhà nước, mà còn có cả khu vực tư nhân. Đây là một lợi thế nhằm thúc đẩy nhanh quá trình quy hoạch này ở Việt Nam. Nếu nhà nước ban hành các quy định ủng hộ, có sự vào cuộc của các nhà đầu tư và những KTS với các dự án kiến trúc xanh, thì tôi cho rằng lộ trình này sẽ nhanh hơn. Đó là điều cả bạn và tôi đều mong muốn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Vương Tâm