Cần đồng bộ quy hoạch cảng biển với phát triển năng lượng

08:00 | 04/11/2020

397 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Với Nghị quyết 36 của Trung ương khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, cùng những phát triển mạnh mẽ của ngành năng lượng tái tạo, yêu cầu phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại là ngày càng cấp thiết. Tuy nhiên cho tới thời điểm này, cùng với dự thảo Quy hoạch điện 8 đang được lấy ý kiện rộng rãi, chúng ta vẫn thiếu đi những sự định hướng rõ ràng liên quan tới cảng biển nói chung.

Thực trạng và tương lai phát triển của hệ thống cảng biển Việt Nam

Quyết định số 202/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010 được xem là quyết định quan trọng tạo bước ngoặt đầu tiên trong phát triển ngành cảng biển Việt Nam. Đây là quy hoạch có quy mô toàn quốc, được thực hiện theo cách thức tổng thể và thống nhất với mục tiêu xây dựng và phát triển những cảng biển quy mô và hiện đại, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm thông qua toàn bộ lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu bằng đường biển theo yêu cầu tăng trưởng của nền kinh tế đất nước. Tới nay, sau hơn 2 thập kỷ thực hiện quy hoạch, hệ thống cảng biển Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế.

Cần đồng bộ quy hoạch cảng biển với phát triển năng lượng

Cho tới thời điểm này, chúng ta có 320 cảng chuyên dụng phân bổ dọc theo bờ biển, trong đó có 44 cảng biển lớn nằm ở Hải Phòng, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Về quy mô cảng biển, chiều dài bến cảng toàn hệ thống đã tăng 4,4 lần so với năm đầu tiên thực hiện quy hoạch. Năng lực bến cảng được quan tâm đầu tư, nâng cấp cải tạo để tiếp nhận các tàu có trọng tải ngày càng lớn. Hầu hết các cảng tổng hợp, đầu mối khu vực, bao gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghi Sơn, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An đã được đầu tư mới và cải tạo nâng cấp cho phép tiếp nhận tàu có trọng tải trên 30.000 DWT, phù hợp với xu thế phát triển của đội tàu biển thế giới. Tuy nhiên, nếu xét về cơ cấu, hệ thống của Việt Nam còn nhiều bất cập như thừa cảng nhỏ, thiếu cảng lớn, đầu tư chưa đúng trọng tâm, trọng điểm. Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi tỉnh ven biển có gần 10 cảng, nhưng cả nước chỉ có khoảng 10 cảng là có đủ điều kiện tiếp nhận tàu trọng tải cỡ trung bình của thế giới. Chất lượng cơ sở hạ tầng cảng của Việt Nam được xếp hạng thấp hơn so với các nước trong khu vực, như Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ.

Với những nỗ lực của Chính phủ trong việc tham gia các hiệp định thương mại tự do, khai thác vận tải biển được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số. Triển vọng phát triển của hệ thống cảng biển của Việt Nam được kỳ vọng sẽ có nhiều thay đổi tích cực khi triển khai một số FTA quan trọng như Việt Nam - Hàn Quốc, CPTPP và Việt Nam - EU (EVFTA). Bên cạnh đó khu vực ven biển cũng là khu vực đã được đầu tư phát triển dịch vụ du lịch. Như vậy, cần có sự tính toán nhằm cân đối lợi ích kinh tế giữa dịch vụ vận tải đường biển, du lịch và năng lượng. Các nhà hoạch định chính sách năng lượng cần tham khảo ý kiến của các ngành liên quan trong việc lựa chọn địa điểm cảng biển phục vụ cho nhà máy điện; Xác định rõ khu vực tiềm năng phát triển cảng năng lượng, hệ thống dịch vụ; Tối ưu hóa lợi ích kinh tế, cơ chế huy động nguồn lực và chia sẻ hạ tầng cảng giữa các dự án năng lượng nhằm tránh lãng phí của toàn xã hội.

Cần đồng bộ quy hoạch cảng biển với phát triển năng lượng
Phác thảo dự án Nhà máy điện khí hóa lỏng Bạc Liêu. Đồ họa: LNG Limited

Lồng ghép quy hoạch cảng năng lượng phục vụ cho phát triển LNG

Theo kết quả tính toán dự thảo các kịch bản PDP8 đến năm 2045, tỉ trọng phần công suất phát điện trong phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu từ thị trường quốc tế như LNG và than là khá đáng kể. Về nhiên liệu, Việt Nam đã nhập khẩu than cho các nhà máy điện từ cách đây vài năm và xu hướng này sẽ còn gia tăng trong những năm tới. Đồng thời, các dự án xây dựng nhà máy phát điện sử dụng khí hóa lỏng cũng bắt đầu được triển khai và dự báo nhu cầu nhập khẩu LNG cho ngành điện cũng sẽ tăng lên hàng tỉ m3 một năm. Do vậy, chúng ta rất cần một quy hoạch tổng thể, yêu cầu kỹ thuật và lộ trình phát triển của cơ sở hạ tầng cảng biển phục vụ cho nhu cầu nhập khẩu nhiên liệu này. Đây cũng là điều kiện để phát triển bền vững và an toàn hệ thống cung cấp đầu vào cho các nhà máy điện trong tương lai, giảm thiểu các rủi ro lên hoạt động kinh tế, môi trường và xã hội ở khu vực ven biển, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Theo kinh nghiệm quốc tế cũng như hiện trạng của Việt Nam hiện nay, thị trường khí cho nhiệt điện được vận hành thông qua vai trò tách biệt của đơn vị cung cấp khí, đơn vị vận chuyển và đơn vị tiêu thụ khí. Mô hình thị trường dạng này giúp phân định rõ ràng hơn vai trò, trách nhiệm và minh bạch hóa chi phí của các bên trong chuỗi vận hành của ngành này. Tuy nhiên, việc phát triển, vận hành các cảng nhập khẩu LNG là tương đối mới tại Việt Nam. Rất nhiều khuyến nghị đưa ra cho rằng xây dựng cũng như vận hành cảng LNG nên được thực hiện bởi một công ty con thuộc đơn vị vận chuyển khí, điều này sẽ giúp phân định rõ ràng hơn vai trò và chi phí cũng như tạo điều kiện để thu hút nguồn vốn xã hội vào các công trình này. Các đơn vị nhập khẩu và tiêu thụ khí hoàn toàn có thể chia sẻ cơ sở hạ tầng của cảng khí LNG, giúp giảm giá thành, tiết kiệm một lượng lớn tài nguyên mặt biển và đất liền.

Cần đồng bộ quy hoạch cảng biển với phát triển năng lượng
Hình ảnh 3D cảng và nhà máy điện khí

Cảng phục vụ phát triển điện gió ngoài khơi

Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển điện gió ngoài khơi lại có những đặc điểm tương đối khác biệt. Cảng phục vụ cho lĩnh vực này được chia làm 2 dạng: loại phục vụ cho giai đoạn lắp đặt và loại phục vụ cho việc vận hành bảo trì sau này. Thậm chí các kích cỡ tua bin và nền móng cho các trang trại điện gió xa bờ với kích thước lớn cũng cần có hệ thống cảng với những tiêu chí kỹ thuật nghặt nghèo hơn.

Cảng phục vụ cho giai đoạn lắp đặt cần chịu được tải trọng tối thiểu tương đương 100 động cơ điện gió có công suất 10 MW mỗi năm, tương ứng chịu tải 10 tấn/m2. Cảng loại này sẽ phục vụ các công việc lắp ráp các phân đoạn của cột tháp điện gió thành một cột hoàn chỉnh, lưu trữ các tổ hợp và lưu trữ các cánh quạt đơn. Hệ thống kho lưu trữ cần cung cấp các dịch vụ thích hợp để tiếp nhận tối thiểu 2 tàu lắp đặt vào cùng một thời điểm, mỗi tàu hiện nay có khả năng chứa đến 6 turbine hoàn chỉnh, điều này cũng có nghĩa là diện tích và tải trọng khu vực cạnh cầu tàu của cảng phải bố trí được các bộ phận của 12 turbine. Do đó cần một diện tích lớn cho hệ thống cảng để phục vụ cho việc lắp đặt hệ thống điện gió ngoài khơi xa bờ.

Với các yêu cầu tương đối khắt khe, hiện nay Việt Nam chỉ có khoảng 7 cảng có thể tiệm cận cung cấp dịch vụ cho lĩnh vực điện gió ngoài khơi này: đó là cảng nhà máy đóng tàu Huyndai, Vinashin (vịnh Vân Phong), cảng Vietsovpetro (Vũng Tàu), Tân Cảng - Cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh), Cảng Tiên Sa (TP. Đà Nẵng), Cảng Hạ lưu PTSC (Vũng Tàu), Tân Cảng - Cái Mép (Bà Rịa). Các cảng này chủ yếu phải nâng cấp khả năng chịu lực khu vực bờ cảng và khu vực kho hàng hoặc chiều sâu cũng như chiều rộng của khu vực cảng.

Theo những nghiên cứu đánh giá của chúng tôi, cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành năng lượng Việt Nam hiện nay thực tế còn yếu, cần rất nhiều nguồn lực và các chính sách để thúc đẩy.

Trước hết, về hạ tầng cho LNG. Hiện nay Việt Nam đang có khoảng 5 dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG, tập trung ở khu vực Nam Bộ và đồng bằng Sông Cửu Long, mỗi dự án này yêu cầu lại cần có một cảng nhập để cung cấp nhiên liệu. Với nhu cầu lớn về LNG trong tương lai, chúng ta rất cần 1 đơn vị đầu mối về nhập khẩu cũng như đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng cho loại nhiên liệu này. Một đơn vị đầu mối trước hết sẽ giúp chúng ta chủ động trong việc cân đối giá đầu vào với giá điện, đại diện đàm phán mua LNG sẽ có lợi hơn việc mỗi dự án tự “xử lý” khâu cung cấp nhiên liệu đầu vào. Đơn vị này cần có năng lực, kinh nghiệm liên quan đến mua bán và vận chuyển khí đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mặt hàng rất nhạy cảm này.

Về cảng biển, chúng ta đều thấy những công trình hiện tại đều chưa được tối ưu để phục vụ cho việc phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi, trong khi đây là lĩnh vực rất rộng mở trong tương lai. Vì việc nâng cấp hạ tầng cảng biển cần huy động nguồn lực rất lớn nên rất cần một định hướng hoặc chính sách rõ ràng để tập trung phát triển. Ví dụ, chúng ta có thể có cơ chế về thủ tục hay tài chính để định hướng một số cảng cụ thể ở từng vùng nâng cấp, cải tạo để có thể đảm nhận công tác xây dựng, lắp đặt các nhà máy điện gió. Một số cảng nhỏ hơn được nâng cấp để triển khai hạ tầng cho việc bảo trì các nhà máy đó.

Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta muốn triển khai thành công Quy hoạch điện VIII hay xa hơn là đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia, rất cần có sự trao đổi giữa các bộ ngành nhằm làm rõ hơn cách thức thực hiện, hay sự điều phối đủ mạnh để huy động các nguồn lực đang rất phân tán hiện nay.

(Bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc điều hành Sáng kiến Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam)