Vinacomin:

Cân đối tài chính còn nhiều khó khăn

21:39 | 26/04/2013

568 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mặc dù có nhiều nỗ lực, doanh thu toàn tập đoàn quý I/2013 đạt 24 nghìn tỷ đồng, bằng 23% kế hoạch năm nhưng cân đối tài chính của Tập đoàn vẫn còn nhiều khó khăn.

 

Phó Tổng giám đốc Vinacomin Nguyễn Văn Biên chủ trì buổi họp báo (Ảnh M.K )

 

Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã công bố tình hình thực hiện quý I/2013 và kế hoạch sản xuất kinh doanh quý II/2013.

Báo cáo tình hình SXKD quý I, Phó tổng giám đốc Vinacomin Nguyễn Văn Biên cho biết: Ngay từ đầu năm, Tập đoàn đã bám sát tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp điều hành sản xuất - tiêu thụ, tiết giảm chi phí trong điều kiện còn nhiều khó khăn.  

Tổng sản lượng than nguyên khai sản xuất đạt 11,7 triệu tấn, bằng 25% kế hoạch; trong đó than tiêu thụ đạt 10,7 triệu tấn đạt 25% KH. Than bán cho hộ điện đạt 3,94 triệu tấn; hộ phân bón, hóa chất 355 ngàn tấn; hộ giấy đạt 33 ngàn tấn; hộ xi măng đạt 1,098 triệu tấn và các hộ khác đạt 1,22 triệu tấn.

Tồn kho than cuối quý I ước 6,4 triệu tấn, trong đó than sạch 4,9 triệu tấn; nguyên khai và bán thành phẩm 1,5 triệu tấn.

Ngoài ra, sản xuất khoáng sản đạt 164 tấn thiếc thỏi, 1.485 tấn kẽm thỏi, 11.361 tấn tinh quặng đồng, 2.300 tấn đồng tấm. Sản xuất điện và tiêu thụ 2.551 triệu kWh, bằng 30% kế hoạch năm. Sản xuất cung ứng vật liệu nổ đạt 27% kế hoạch.

“Doanh thu toàn tập đoàn quý I/2013 đạt 24 nghìn tỷ đồng, bằng 23% kế hoạch năm. Đây là nỗ lực rất lớn của toàn ngành, nhưng cân đối tài chính của Tập đoàn vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, quý I Vinacomin có lãi nhưng không đáng kể, tiền lương của công nhân mỏ cũng chỉ gần bằng mức năm 2012”, ông Biên cho hay.

Lý giải điều này ông Biên cho rằng thị trường tiêu thụ năm ngoái giảm sút, giá than xuất khẩu giảm mạnh, giá than cho điện bán dưới giá thành dẫn đến Tập đoàn phải điều chỉnh sản lượng, tiết giảm chi phí gồm giãn khấu hao, giảm tiền lương..v..v cho nên các nguồn lực, điều kiện gối đầu cho sản xuất năm nay rất khó khăn.  

Tình hình khai thác hầm lò ngày càng sâu, đầu tư nhiều hơn, áp lực mỏ ngày càng lớn nên nguy cơ mất an toàn cao hơn. Thực tế này làm cho giá thành sản xuất than tiếp tục tăng. Qúy I/2013 giá than cho điện hiện nay mới chỉ bằng 71 -73% giá thành kiểm toán năm 2011 và so với giá thành năm 2013 mới chỉ bằng 63 -66% dẫn đến Tập đoàn rất khó trong việc cân đối tài chính, thậm chí là khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu than những năm tới.

Theo kế hoạch, năm 2013, Vinacomin được giao là 43 triệu tấn than, hiện Tập đoàn đang điều hành ưu tiên sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu trong nước khoảng 28-28,5 triệu tấn, còn lại xuất khẩu. Tuy nhiên, do thị trường còn khó khăn, nếu giá than xuất khẩu không tăng được thì Tập đoàn sẽ xem xét chỉ xuất khẩu ở mức phù hợp, cắt giảm kế hoạch, có thể chỉ còn 41,5-43 triệu tấn.

Theo ông Biên, tình hình kinh tế khu vực chưa được cải thiện, nhu cầu chưa tăng trong khi Bối cảnh cạnh tranh than trên thị trường rất khốc liệt, Vinacomin xác định mục tiêu ổn định sản xuất mức độ hợp lý và hy vọng thị trường ấm lên sẽ tăng sản lượng. Dự đoán tình hình kinh tế quý II  nhiều khó khăn, thách thức, giá than thế giới vẫn ở mức thấp, nhiều chủng loại than có dấu hiệu giảm sút so với quý I, tiêu thụ khoáng sản khó khăn. Vì vậy, Vinacomin xác định tiếp tục “kiên cường” hơn nữa để vượt qua.

Thực tế, nhất là thị trường xuất khẩu dự kiến chỉ bán được khoảng 700 nghìn tấn, bằng 60% tháng trước. Than tiêu thụ trong nước tháng 4 ước đạt 2,4 triệu tấn. Dự kiến tháng 4 tiêu thụ tổng số 3,1 triệu tấn, bằng 80% của tháng 3/2013.

Để phấn đấu hoàn thành quý II, đảm bảo cân đối tài chính, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị quyết liệt tiết giảm chi phí, thực hiện tái cơ cấu theo Đề án được Chính phủ phê duyệt. Góp phần nâng cao hiệu quả doanh nghiệp, giữ ổn định thu nhập cho người lao động, góp phàn đảm bảo ASXH. Bám sát tình hình thị trường để có kế hoạch điều hành phù hợp hàng tháng để ổn định SXKD.

Phó tổng giám đốc Vinacomin Nguyễn Văn Biên đề xuất, giá than cho điện cần được điều chỉnh, chính sách thuế ổn định ở mức hợp lý sẽ giúp ngành than từng bước ổn định và chuẩn bị nguồn than cho các nhu cầu tăng cao trong các năm tới. Giá than được điều chỉnh sẽ làm cho tình hình tài chính ngành than đỡ khó khăn hơn. Nếu được điều chỉnh tiếp theo lộ trình bằng giá năm 2013 và có lãi thì đời sống công nhân mỏ sẽ được cải thiện, điều kiện sản xuất, cơ sở hạ tầng mỏ sẽ có điều kiện làm tốt hơn, ngành than mới có nguồn lực để đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế…

 

Tùng Kiên