Luật hóa bảo vệ thông tin cá nhân:

Cần chế tài cụ thể

07:25 | 12/11/2015

1,162 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, người sử dụng mạng xã hội đang trở thành “con mồi” cho nhiều đối tượng xấu lợi dụng và trục lợi. Mấy năm trở lại đây, dư luận đã chứng kiến không ít những bi kịch đau lòng xuất phát từ thế giới mạng đầy thị phi. Mặc dù dư luận lên tiếng, cơ quan chức năng vào cuộc nhưng vẫn chưa có giải pháp tối ưu để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này. 

 Nữ sinh chết vì clip sex

Tại phiên họp Quốc hội (QH) vừa qua, nhiều đại biểu đã lên tiếng đề xuất phải bổ sung quy định bảo vệ thông tin riêng vào Dự thảo Luật An toàn thông tin mạng.

Một lần nữa, vụ án đau lòng của nữ sinh N.T.A.T (15 tuổi, ngụ xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) tự tử vì bị tung clip sex lên mạng đã được đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Phó chủ nhiệm Văn phòng QH nêu lại để phân tích.

can che tai cu the
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Bà Hải cho biết: “Điều đáng lo ngại và đau xót là trong thời điểm 3 ngày học sinh đó nằm viện trước khi qua đời, những hình ảnh này vẫn tiếp tục lan truyền trên mạng kèm theo những bình luận hết sức ác ý… Do vậy, tôi xin tha thiết đề nghị hãy cân nhắc, bổ sung thêm những nội dung liên quan đến thông tin riêng và bảo vệ thông tin riêng”.

Diễn biến mới nhất về vụ nữ sinh N.T.A.T tự tử ở Đồng Nai là đối tượng phát tán clip sex là Nguyễn Đình Lộc (22 tuổi, ngụ cùng xã và là người yêu của T) đã bị cơ quan công an bắt tạm giam để điều tra. Đến nay dư luận vẫn đang chờ một bản án mà Lộc phải nhận sau những gì mình đã làm.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng đồng tình với đề xuất dự thảo luật cần được bổ sung các biện pháp cảnh báo người dùng, các biện pháp kỹ thuật, các ứng cứu khẩn cấp, đặc biệt là các quyền yêu cầu hủy bỏ, sửa đổi, ngừng cung cấp thông tin của người dùng đối với cả các thông tin cá nhân hay tập thể khi có dấu hiệu bị xâm phạm.

can che tai cu the
Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch

Thực tế là trước và sau cái chết thương tâm của nữ sinh tỉnh Đồng Nai, nhiều vụ tương tự vẫn tiếp tục diễn ra. Đặc điểm chung dễ nhận thấy là những kẻ chủ mưu phát tán clip sex trên mạng không phải nhận sự trừng trị thích đáng của pháp luật.

Điển hình như vụ nữ sinh P.U.N (cựu học sinh Trường THPT TP Đà Nẵng) cũng bị một kẻ giấu mặt đăng bài trên mạng xã hội với nội dung nhục mạ, xúc phạm. Vì không thể chịu được áp lực sau khi bị trang facebook này đăng bài xuyên tạc, nữ sinh P.U.N đã mua thuốc an thần về để tự tử. Rất may gia đình nữ sinh này đã phát hiện kịp thời và đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau sự kiện này, kẻ chủ mưu phát tán những bài viết trên vẫn không ai biết là ai?

Kiểm soát mạng xã hội

Bàn về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Tố Quyên (Khoa Xã hội học, Học viện Báo chí Tuyên truyền) cho biết: “Từ những vụ việc đau lòng liên quan tới mạng xã hội thời gian qua, tôi thấy hầu hết các nạn nhân đều rất trẻ (khoảng 15-18 tuổi) lứa tuổi đang trong quá trình biến đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý. Các em luôn tìm đến cái mới lạ, thích khám phá cuộc sống, thích thể hiện mình, muốn được độc lập và muốn được mọi người tôn trọng, thừa nhận. Chính vì vậy các em đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng của mạng xã hội”.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH cho rằng: Ngoài những điểm tích cực, mặt trái của phát triển công nghệ thông tin cao cũng có nhiều. Đó là các hành vi việc xâm phạm các thông tin cá nhân, xâm phạm và phát tán thông tin không hợp pháp…Hiện nay, có rất nhiều trang mạng xã hội rất lộn xộn. Các thành viên có thể nói tục, chửi bậy, đăng ảnh phản cảm. Thậm chí, không ít người còn coi mạng xã hội là phương tiện để trả thù nhau. Đã đến lúc phải kiểm soát chặt chẽ mạng xã hội để những sự việc đau lòng không còn xảy ra.

can che tai cu the
Nhiều người trở thành nạn nhân của hành vi quay clip, phát tán hình ảnh nhạy cảm lên mạng Internet

Theo ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng (Công ty Bkav), sự phát triển của mạng xã hội có thể “nhấn chìm” một người nào đó. Vì thế, việc ngăn chặn thông tin xấu, hình ảnh nhạy cảm là việc nên làm. Tuy nhiên chúng ta đã tạo ra lỗ hổng quá lớn nên rất khó “diệt cỏ tận gốc”.

Theo ông Ngô Tuấn Anh, khi hình ảnh nhạy cảm của mình bị đưa trên mạng xã hội, có nhiều người đã báo cho cơ quan an ninh để xử lý, hạn chế sự phát tán thông tin.

“Nhưng chúng ta không biết rằng, có hàng nghìn “anh hùng bàn phím” hàng ngày chỉ  ăn và chờ mồi ngon xuất hiện. Tôi lấy ví dụ như vụ tự tử của nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai. Các công ty an ninh mạng có thể ngăn chặn nguồn phát tán nhưng không có nghĩa là “diệt cỏ tận gốc” được. Bởi lẽ rất nhiều người đã nhanh tay copy lại, lưu giữ thành hình ảnh của mình sau đó lại tiếp tục tải lên các trang mạng xã hội nhằm câu “view”, ăn theo với muôn vàn kiểu chỉ trích. Đó mới là nguyên nhân dẫn tới cái chết của nữ sinh này”, chuyên gia này cho biết.

Trước thực tế ngày càng nhiều người bị ăn cắp thông tin cá nhân (như clip nóng, hình ảnh nhạy cảm, tài khoản…) qua mạng Internet, chuyên gia này cho rằng, có nhiều nguyên nhân: “Thứ nhất, nhiều người sống quá dễ dãi, không phân biệt được đâu là ảo, đâu là thật nên hồn nhiên tung hình riêng tư lên mạng. Họ dễ dàng “tặc lưỡi” đồng ý chụp ảnh, quay phim những hình ảnh đó nên khi sự cố xảy ra, nó trở thành nguyên nhân của tất cả.

Thứ hai là bàn phím ngày nay cũng có thể giết người. Với sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội, mọi chuyện đều có hai mặt và các “anh hùng bàn phím” dễ dàng đẩy người ta vào bi kịch. Một nguyên nhân nữa là do người sử dụng mạng Internet bị virus xâm nhập, ăn cắp thông tin. Thủ thuật lấy cắp thông tin hiện nay của các đối tượng lừa đảo rất tinh vi và người dùng sẽ dễ dàng mắc lừa mà không biết”.

Chuyên gia này cũng cảnh báo, với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng viễn thông như hiện nay, người dùng phải có ý thức và trách nhiệm đối với các thông tin, hình ảnh mà mình đưa lên hay nhìn thấy. Luật An toàn thông tin do đó cũng chính là một biện pháp có thể bảo vệ được thanh thiếu niên trước các tác động tiêu cực của Internet, mặt trái của xã hội.

Cần những chế tài cụ thể

TS Hà Thị Hồng Lan, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) chia sẻ: “Việc bổ sung quy định về bảo vệ thông tin riêng trong Luật An toàn thông tin mạng, theo tôi là rất cần thiết. Trước thực trạng thông tin cá nhân người dùng mạng bị đe dọa bởi quá nhiều thứ như hiện nay thì những quy định đó sẽ giúp chúng ta có những chế tài, những quy định xử lý cụ thể hơn. Bởi lẽ, nếu chúng ta không có những chế tài mạnh hơn, cụ thể hơn so với hiện nay thì những hệ quả đau lòng sẽ còn tiếp tục diễn ra.

Dù những hành vi tung clip lên mạng đã được quy định trong Bộ luật Hình sự nhưng chúng ta chỉ có thể xử lý hình sự khi những đối tượng này đã gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc hậu quả đó đã được nhìn nhận bằng thực tế. Đối với những hậu quả khác như: Tác động tinh thần, các mối quan hệ… thì luật gặp khó. Bởi vì những hành vi mà các “anh hùng bàn phím” chỉ là gián tiếp gây ra hậu quả. Và nếu không có tố cáo của người bị hại thì rõ ràng chúng ta không thể biết và không thể xử lý bằng luật được. Đây là một trong những vấn đề mà chúng ta đang gặp phải.

Thảo Phượng

Năng lượng Mới 473