Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện: Giảm từ 6 bậc xuống 5, kéo dài bậc thang lên trên 700kWh

16:46 | 05/11/2019

650 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Dựa trên những đánh giá cơ cấu biểu giá điện hiện hành, theo tiêu chí tính đúng, tính đủ, rõ ràng, minh bạch... Nhóm nghiên cứu của Bộ môn Kinh tế Năng lượng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đề xuất cải tiến số bậc thang trong biểu giá bán lẻ điện xuống còn 5 bậc, bỏ bậc tháng 50kWh đầu tiên và kéo dài bậc thang lên trên 700kWh.

Sáng 5/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về “Đề án nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam”. Đề án do PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Bộ môn Kinh tế Năng lượng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội làm chủ nhiệm.

Tham dự hội thảo có TS Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương); ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính).

Cùng tham dự với tư cách phản biện còn có GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam; PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính); ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính); TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM)...

cai tien co cau bieu gia ban le dien giam tu 6 bac xuong 5 keo dai bac thang len tren 700kwh
Toàn cảnh buổi hội thảo

Tại hội thảo, thay mặt nhóm nghiên cứu, sau khi đi phân tích cơ cấu biểu giá bán lẻ diện hiện hành áp dụng với từng nhóm đối tượng khách hàng (có 4 nhóm đối tượng khách hàng là: Sản xuất; kinh doanh; hành chính sự nghiệp và hộ gia đình), chỉ ra những ưu điểm, tồn tại trong việc áp dụng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện hành, PGS.TS Bùi Xuân Hồi đã đưa ra 3 phương án cải tiến số bậc thang trong biểu giá bán lẻ điện, gồm 3 bậc thang, 4 bậc thang và 5 bậc thang.

Sau khi đi phân tích 3 phương án trên, Nhóm nghiên cứu đề xuất chọn phương án giá bán lẻ điện chia thành 5 bậc thang, trong đó bỏ bậc tháng 50kWh đầu tiên và kéo dài bậc thang lên tới trên 700kWh. Cụ thể: Bậc 1: Dưới 100kWh; Bậc 2: Từ 101 đến 200kWh; Bậc 3: Từ 201 đến 400kWh; Bậc 4: Từ 401 đến 700kWh: Bậc 5: Từ trên 700kWh.

Căn cứ điều chỉnh được Nhóm nghiên cứu xác định là: Cơ cấu tiêu dùng đã thay đổi; cơ cấu thu nhập đã thay đổi.

Theo Nhóm nghiên cứu, dựa trên các mô phỏng thực tế từ các dữ liệu thống kê tỷ lệ hộ gia đình sử dụng điện ở các bậc giá điện và bậc thang thu nhập của các hộ gia đình trong từng bậc giá điện, phương án chia 5 bậc là phù hợp hơn cả.

cai tien co cau bieu gia ban le dien giam tu 6 bac xuong 5 keo dai bac thang len tren 700kwh

Cũng tại Đề án này, Nhóm nghiên cứu đã đề xuất điều chỉnh các cấp điện áp áp giá với việc đưa vào cấp điện áp siêu cao cáp 220kV, đồng thời cơ cấu lại 3 cấp điện áp danh định gồm: Cao áp (110kV); Trung áp (từ 6 đến dưới 110kV) và hạ áp (dưới 6kV). Cơ cấu lại biểu giá cho hộ hành chính sự nghiệp chỉ còn 1 tính chất tiêu dùng và tính mức giá cho hộ này theo cấp điện áp. Cùng với đó là việc phải Luật hoá việc điều chỉnh giá điện và được ấn định với những thời gian cụ thể là 1/3 và 1/9 hàng năm.

Ngoài ra, Nhóm nghiên cứu cũng đưa kiến nghị xác định chỉ tiêu biểu giá bán lẻ bình quân. Chỉ tiêu này cần được xác định một cách rõ ràng hơn nhằm đảm bảo doanh thu ngành điện phải đảm bảo các mục tiêu sản xuất kinh doanh và đặc biệt là các nhiệm vụ phát triển hệ thống điện khi lượng cầu vẫn tăng trưởng rất lớn như hiện nay, từ 10 – 12%/năm.

cai tien co cau bieu gia ban le dien giam tu 6 bac xuong 5 keo dai bac thang len tren 700kwh
GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, đồng tình cần phải Luật hoá việc điều chỉnh giá điện

Góp ý với những các kết quả nghiên cứu, đánh giá và phương án đề xuất được đưa ra trong bản Đề án, GS.VS.TSKH Trần Đình Long nhấn mạnh, biểu giá điện sinh hoạt luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân Việt Nam, tác động trực tiếp tới nhiều mặt của nền kinh tế. Cơ cấu biểu giá điện cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động, phát triển bền vững của EVN. Với tính chất như vậy, việc tổ chức hội thảo, lấy ý kiến về việc cải tiến cơ cấu biểu giá điện có ý nghĩa rất quan trọng.

Đồng tình với đề xuất điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện từ 6 bậc như hiện nay xuống còn 5 bậc, GS.VS.TSKH Trần Đình Long khẳng định quan điểm “dùng nhiều trả nhiều, dùng ít trả ít”.

Tuy nhiên, trong phần góp ý của mình, GS.VS.TSKH cũng đề xuất nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá điện theo đầu người thay vì hộ gia đình như hiện nay. Theo ông Long thì hiện có thực tế, có hộ gia đình chỉ có 3 người nhưng lại tách làm 2 công tơ. Trong khi đó, có những hộ gia đình có đến 5, 6 người nhưng lại vẫn chung 1 công tơ và điều này là không công bằng.

Đưa ví dụ cụ thể, vị chuyên gia này dẫn chứng, với một người khi chưa xây dựng gia đình, ở một mình, lượng điện tiêu thụ hàng tháng sẽ là 200kWh, tương ứng với chi phí tiền điện là 316 ngàn đồng. Nhưng khi người đó xây dựng gia đình, lượng điện tiêu thụ của hộ gia đình đó là 400kWh, thì chi phí tiền điện bình quân/đầu người/tháng sẽ là 356 ngàn đồng. Và nếu họ gia đình đó tăng lên 4 người, tức lượng điện tiêu thụ là 800kWh, thì con số này sẽ là hơn 400 ngàn đồng/người/tháng.

GS.VS.TSKH Trần Đình Long cũng đồng tình với việc phải Luật hoá việc điều chỉnh giá điện mà Nhóm nghiên cứu đưa ra, tức điều chỉnh vào các thời điểm là 1/3 và 1/9 hàng năm. Ông Long ví dụ như ở Thái Lan, giá điện được thay đổi theo chu kỳ 3 lần mỗi năm, 4 tháng/lần.

“Cứ đến chu kỳ ấy, EVN báo cáo thay đổi giá, quản lý Nhà nước có thể xem xét thông qua hoặc không thông qua. Tuy nhiên vấn đề này cần được luật hoá rõ ràng”, ông Long nhận định.

Bày tỏ sự trăn trở với vấn đề giá điện bởi cứ mỗi lần giá điện tăng là xã hội lại phản ứng, PGS.TS Trần Văn Bình, Giảng viên cao cấp, Viện Kinh tế và Quản lý (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) thẳng thắn nêu quan điểm phải luật hoá việc điều chỉnh giá điện. Việc điều chỉnh này có thể tăng hoặc giảm nhưng phải đảm bảo sự minh bạch.

Ông Bình cho rằng, ngành Điện giá thành biến động rất nhiều, tuỳ thuộc vào năm đó có mưa hay không. Nếu mưa nhiều, hồ thuỷ điện nhiều nước, giá thành thấp thì có thể giảm. Ngược lại, nếu năm đó khô hạn, thuỷ điện thiếu nước, phát điện hạn chế, phải huy động các nguồn điện khác với giá thành cao thì có thể xem xét điều chỉnh tăng.

cai tien co cau bieu gia ban le dien giam tu 6 bac xuong 5 keo dai bac thang len tren 700kwh
Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng sử dụng càng nhiều càng phải trả giá cao hơn thực chất là logic kinh tế đi từ đặc trưng của hệ thống điện

Dưới góc độ khác, ông Nguyễn Tiến Thoả nhấn mạnh, điện không phải nguồn tài nguyên vô tại mà chúng ta có thể sử dụng lãng phí. Vì vậy, dùng điện càng nhiều phải trả phí cao là hoàn toàn đáp ứng nguyên tắc về giá. Việc xác định giá điện cũng phải theo nguyên tắc tổng hợp, từ nhiều yếu tố, chứ không chỉ đơn thuần là câu chuyện thu, chi của EVN. Điều này sẽ làm rõ cho dư luận vì sao không thể áp dụng phương án giá điện đồng giá mà phải có sự phân chia thành các bậc giá, đảm bảo nguyên tắc dùng nhiều trả nhiều, dùng lãng phí thì phải chịu chi phí cao.

"Việc xây dựng giá điện cần phải đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh điện hợp lý, công bằng hơn về chi phí cho người sử dụng điện, thuận lợi trong quản lý ngành, kiểm tra giám sát của hộ tiêu dùng điện, nâng cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện, khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện,… góp phần tạo ra sự đồng thuận trong xã hội đối với việc điều hành giá điện của Nhà nước", ông Thoả nói.

Nhấn mạnh trình độ khoa học, công nghệ của nền kinh tế đã có sự thay đổi, cơ cấu thu nhập thay đổi tác động đến nhu cầu sử dụng điện và cơ cấu phụ tải điện cũng có sự thay đổi, TS Trần Đình Thiên khẳng định ủng hộ việc tính toán, điều chỉnh lại cơ cấu biểu giá điện sao cho phù hợp, và phải hướng tới sự phát biển bền vững, đảm bảo môi trường... đồng thời cho rằng cần đưa chi phí môi trường vào giá điện và không nên khuyến khích các ngành sử dụng công nghệ cũ, tiêu hao nhiều năng lượng như sắt, thép, xi măng….

“Giá điện không phải do EVN quyết, nhưng EVN lại phải gánh dư luận mỗi lần điều chỉnh giá. Trong khi đó, hiện trong cơ cấu nguồn, EVN chỉ chiếm khoảng 60%, còn lại là của các nhà đầu tư bên ngoài”, ông Trần Đình Thiên cho biết thêm.

cai tien co cau bieu gia ban le dien giam tu 6 bac xuong 5 keo dai bac thang len tren 700kwh
TS. Lê Hồng Tịnh cho rằng cần cần mạnh dạn đề xuất thực hiện Luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện

Tới dự và phát biểu tại buổi hội thảo, TS Lê Hồng Tịnh cho rằng, trước đây chúng ta thu hút đầu tư bằng mọi giá, tuy nhiên đã đến lúc cần phải điều chỉnh. Giá điện dành cho sản xuất thấp là để khuyến khích đầu tư nhưng hậu quả là các công nghệ lạc hậu tràn vào Việt Nam. Đây là những hộ tiêu thụ điện rất lớn nhưng không chịu đổi mới công nghệ, do giá điện còn thấp. Đó là chưa kể, hiện việc đầu tư cho ngành Điện cũng rất “teo tóp”, bởi vì đầu tư vào ngành Điện lỗ, do không đảm bảo giá thành. Đó là lí do vì sao các dự án điện lớn đều buộc các đơn vị như EVN, PVN phải đầu tư. Nhưng đầu tư không có lãi.

“Giá điện tác động đến mọi tầng lớp trong xã hội nên rất nhạy cảm. Chúng ta sắp tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, do đó, giá điện cần phải đảm bảo được lợi ích của cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và lợi ích cho người ta đầu tư. Cần phải có chính sách tốt, để thu hút đầu tư vào ngành Điện”, ông Tịnh nhấn mạnh.

Về việc luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện, ông Tịnh bày tỏ quan điểm nên mạnh dạn đề xuất thực hiện bởi điều chỉnh giá có thể tăng, có thể giảm, tùy thuộc vào đầu vào…

cai tien co cau bieu gia ban le dien giam tu 6 bac xuong 5 keo dai bac thang len tren 700kwh

'Chính sách giá năng lượng thấp khiến nhà đầu tư dùng công nghệ cũ'
cai tien co cau bieu gia ban le dien giam tu 6 bac xuong 5 keo dai bac thang len tren 700kwh

Biểu giá điện bậc thang: Các nước tính thế nào?
cai tien co cau bieu gia ban le dien giam tu 6 bac xuong 5 keo dai bac thang len tren 700kwh

Phó thủ tướng: "Giá điện không gánh chi phí đầu tư ngoài ngành thua lỗ"
cai tien co cau bieu gia ban le dien giam tu 6 bac xuong 5 keo dai bac thang len tren 700kwh

Tại sao giá điện lại tăng?
cai tien co cau bieu gia ban le dien giam tu 6 bac xuong 5 keo dai bac thang len tren 700kwh

Nhận diện đúng việc giá điện tăng cao
cai tien co cau bieu gia ban le dien giam tu 6 bac xuong 5 keo dai bac thang len tren 700kwh

Giá điện phải phản ánh đúng quan hệ cung-cầu
cai tien co cau bieu gia ban le dien giam tu 6 bac xuong 5 keo dai bac thang len tren 700kwh

Giá điện của Việt Nam chưa phản ánh hết chi phí sản xuất
cai tien co cau bieu gia ban le dien giam tu 6 bac xuong 5 keo dai bac thang len tren 700kwh

Nhà đầu tư kêu "rủi ro lớn" nếu giá điện mặt trời giảm sâu

Thanh Ngọc

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps