Giá điện phải phản ánh đúng quan hệ cung-cầu

20:41 | 07/05/2019

373 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Giá điện còn tăng đến bao giờ? Tại sao đối với sản phẩm điện hiện nay, càng mua nhiều lại phải trả giá cao hơn? Đây là câu hỏi mà đa số khách hàng sử dụng điện đang đặt ra.
Giá điện phải phản ánh đúng quan hệ cung-cầu
Ảnh minh hoạ

Giá điện được định ra như thế nào?

Như chúng ta đã biết, trong cơ chế thị trường, mọi cá nhân, đơn vị đều được quyền quyết định về các mối tương tác mua bán của mình với các cá nhân, đơn vị khác. Thị trường chính là một phương tiện mà thông qua đó các cá nhân, đơn vị giao dịch với nhau. Trong các giao dịch đó, người mua và người bán bao giờ cũng đưa ra những quyết định sao cho có lợi nhất cho sự phát triển, tồn tại của bản thân. Do đó, người mua thì muốn mua với giá rẻ, còn người bán thì lại muốn bán với giá đắt. Việc mua rẻ, bán đắt được coi là một quy luật của thị trường. Nhưng trên thực tế, giá cả thực sự trên thị trường và số lượng mua bán được quy định bởi quan hệ cung cầu trên thị trường. Đối với thị trường tự do thì quan hệ cung cầu của thị trường sẽ điều chỉnh giá của thị trường tự do đến mức cân bằng một cách nhanh chóng. Nhưng đối với thị trường có kiểm soát giá cả thì Nhà nước ấn định giá tối đa, nhằm làm cho người bán không được bán với giá cao hơn quy định. Thị trường điện Việt Nam là một ví dụ điển hình về một thị trường không phải là thị trường tự do, mà phải có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Nhà nước quyết định giá bán bình quân và biểu giá bán điện cụ thể cho từng nhóm khách hàng cụ thể.

Giá cả đối với các hàng hóa và dịch vụ nói chung và giá điện nói riêng có rất nhiều chức năng, trong đó, chức năng trực tiếp nhất là tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trang trải các chi phí của họ và tạo cho họ một số lợi nhuận nhất định. Như vậy, giá cả đóng vai trò như là yếu tố khuyến khích đầu tư và sản xuất. Giá cả cũng có thể coi như là một nguồn thông tin giữa nhà sản xuất và người tiêu thụ, vì nó cung cấp tín hiệu về sự khan hiếm của một loại hàng hóa nhất định, về nhu cầu tiêu thụ.

Đối với bất kỳ quốc gia nào thì việc định giá điện thường được sử dụng để thực hiện các mục tiêu của Chính sách Năng lượng Quốc gia. Ví dụ như hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, khuyến khích nâng cao hiệu suất sử dụng các dạng năng lượng mới và tái tạo, bảo vệ môi trường sinh thái.

Trên thế giới, thông thường có 3 phương pháp cơ bản về định giá điện là: Phương pháp bù đắp chi phí quá khứ, phương pháp chi phí biên và phương pháp định giá theo thị trường.

Ở nước ta, từ trước tới nay vẫn sử dụng phương pháp bù đắp chi phí quá khứ. Phương pháp này nhấn mạnh chủ yếu vào chức năng thứ nhất của giá cả, đó là cho phép các nhà sản xuất trang trải được các chi phí với một tỷ lệ lợi nhuận nhất định, nhưng không có lợi nhuận siêu ngạch. Tuy nhiên, ở nhiều năm trước, giá điện chưa được tính đúng với những chi phí quá khứ trong quá trình sản xuất-truyền tải và tiêu thụ điện. Thậm chí, Nhà nước còn quy định một giá điện thấp hơn giá thành sản xuất. Điều này thấy rõ nhất trong kinh tế bao cấp trước đây. Với việc quy định và thực hiện giá bán điện thấp hơn giá thành sản xuất điện thì Nhà nước đã phải lấy nguồn kinh phí từ ngân sách ra để bù lỗ cho ngành điện. Việc bù lỗ kéo dài làm cho sai lệch thị trường điện, dẫn đến không khuyến khích được việc tiết kiệm trong tiêu dùng, tiết kiệm các nguồn tài nguyên của quốc gia và hơn nữa, làm cho ngành điện hoạt động không theo hướng hiệu quả.

Từ khi nền kinh tế nước ta chuyển sang kinh tế thị trường, tuy phương pháp định giá điện về cơ bản vẫn như cũ, nhưng Nhà nước đã cho tăng dần giá điện lên để phản ánh đúng với giá thành điện và đồng thời để giảm dần gánh nặng bù lỗ của Nhà nước. Có nhiều người cho rằng, Nhà nước muốn tăng giá điện lên cho bằng các nước trong khu vực, trong khi thu nhập của dân cư còn thấp là điều thiếu thực tế. Nhưng thực ra đó không phải là mục tiêu của Nhà nước khi quyết định tăng giá điện. Mục tiêu cơ bản xuyên suốt chính là phải tăng giá điện lên mức để nó phản ánh đúng quan hệ cung cầu của thị trường và chỉ có như vậy thì mới có thể đồng thời đáp ứng được các mục tiêu của Chính sách Năng lượng Quốc gia. Mặt khác, cũng chỉ bằng cách như vậy, mới có thể khuyến khích việc sử dụng điện và các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường sống của chúng ta.

Vào đầu những năm 2000, Việt Nam đang ở thời kỳ phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng 9%-10%/năm, với mức tăng trưởng nhanh như vậy của nền kinh tế, nhiệm vụ “phải đi trước một bước” của ngành điện là hết sức nặng nề. Thực tế trong những năm đổi mới cho thấy, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện hàng năm từ 15%-16%, có năm lên tới 19%. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân, ngành điện cần một lượng vốn đầu tư từ 1 đến 1,5 tỷ đô la/năm cho giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2010. Nhà nước không thể cấp số vốn này từ ngân sách được, mà ngành điện phải “tự vay, tự trả”. Như vậy, ngành điện phải vay vốn đầu tư từ các tổ chức tài chính quốc tế với điều kiện tiên quyết là ngành điện phải đảm bảo có một thể trạng tài chính mà các tổ chức tài chính quốc tế chấp nhận. Theo một số tổ chức như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), ngành điện phải đạt được tỷ lệ đầu tư là 30%, tỷ lệ trả lãi là 2 và mức sinh lợi thấp nhất là 7%. Đây cũng là tiêu chuẩn áp dụng cho các nước đang phát triển. Như vậy, để tồn tại và phát triển, ngành điện không phải chỉ phấn đấu “giảm lỗ” như nhiều năm trước đấy, mà phải có lãi ở mức để các ngân hàng chấp nhận cho vay. Muốn vậy, giá điện phải được áp dụng theo phương pháp chi phí biên dài hạn. Tức là các các chi phí sản xuất điện phải được trang trải bằng cách này hay cách khác. Phương pháp này đưa ra những tín hiệu kinh tế chính xác để hướng dẫn tiêu dùng và các quyết định đầu tư. Đây là phương pháp phổ biến trên thế giới.

Ở vào giai đoạn này, Chính phủ đã cho nghiên cứu một “cơ chế tự động điều chỉnh giá điện” nhằm tạo bù đắp được các chi phí tăng lên đối với những hạng mục nằm ngoài khả năng ngành điện có thể tự kiểm soát được là hết sức cần thiết.

Tại sao mua nhiều lại phải trả giá cao hơn?

Theo biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện nay thì khách hàng càng mua nhiều điện thì càng phải trả giá cao hơn. Hay nói cách khác là hiện nay khách hàng sử dụng điện sinh hoạt chưa được khuyến khích tiêu thụ nhiều điện năng.

Kinh nghiệm từ ngành điện các nước đang phát triển cho thấy, ở thời kỳ đầu, khu thu nhập quốc dân còn thấp, tỷ lệ người nghèo trong xã hội còn cao, nếu đưa giá điện phản ánh đúng quan hệ cung-cầu của thị trường thì các nhóm khách hàng nghèo không thể chịu được. Bởi vậy, các nước đang phát triển phải áp dụng biện pháp bù giá giữa các nhóm khách hàng khi xây dựng cơ cấu biểu giá điện. Nước ta cũng không phải là một ngoại lệ. Trong khi thu nhập của dân cư nói chung còn thấp thì việc xây dựng giá điện sao cho tất cả khách hàng đều có thể chấp nhận được là vấn đề chưa thể thực hiện được. Chính vì vậy, ngoài việc kiểm soát giá điện, Nhà nước còn có chính sách xây dựng một biểu giá điện theo hướng bù giá giữa các nhóm khách hàng. Đây là một biện pháp hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Nếu nghiên cứu biểu giá điện từ nhiều năm trước cho thấy, giá bán điện cho khách hàng sinh hoạt nông thôn được giữ không đổi hàng chục năm với giá 360đ/kWh, thấp hơn so với giá bán cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt là 500đ/kWh cho 100kWh đầu tiên. Năm 2017, giá điện bán cho khách hàng sinh hoạt ở bậc thang từ kWh 0-50 là 1.549 đồng/kWh, trong khi đó, giá thành sản xuất kinh doanh điện được công bố là 1.667 đồng. Thực tế, giá này đã được bù giá từ các nhóm khách hàng khác có thu nhập bình quân cao hơn. Điều này thể hiện sự ưu việt trong chính sách của Nhà nước ta, chứng tỏ có sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường theo định hướng XHCN.

Để đạt được các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, không phải chỉ đối với giá điện mà giá cả của các loại hàng hóa và dịch vụ khác cũng phải tiến tới phản ánh đúng quan hệ cung cầu và quy luật của thị trường, chỉ có như vậy giá cả mới làm đúng chức năng của mình trên một thị trường lành mạnh.

Thanh Mai

Giá điện của Việt Nam chưa phản ánh hết chi phí sản xuất
Nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng cao
Hóa đơn tiền điện tháng 4/2019 cao hơn tháng trước vì sao?
Chuyên gia: Tăng giá điện, xăng dầu không tạo nhiều áp lực lạm phát năm 2019
Không tăng giá điện, sẽ thế nào?