Nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng cao

16:03 | 03/05/2019

345 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Xoay quanh vấn đề hóa đơn điện tháng 4 của nhiều khách hàng tăng cao, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN đã làm rõ các nguyên nhân và đưa ra một số khuyến nghị để khách hàng có thể giảm được chi phí tiền điện hàng tháng.
Nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng cao

Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri

PV: Thưa ông, nhiều khách hàng phản ánh hóa đơn tiền điện tháng 4 của họ tăng lên nhiều so với tháng trước. Xin ông giải thích các nguyên nhân?

Ông Đinh Quang Tri: Trong tháng 4, nắng nóng xuất hiện ở cả miền Nam và miền Bắc, do vậy nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cho máy điều hòa và các thiết bị làm lạnh tăng cao. Đồng thời, số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày). Số ngày tăng thêm này làm cho lượng điện sử dụng của tháng 4 tăng thêm 10,71% so với tháng trước.

Đây là 2 nguyên nhân chủ chốt nhất khiến lượng điện tiêu thụ tăng, kéo theo chi phí tiền điện cũng tăng vọt.

Thống kê về hoá đơn tiền điện của các hộ gia đình tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, tính đến ngày 26/4/2019, có trên 57% trong tổng số khách hàng tại Hà Nội có mức sử dụng điện tháng 4 tăng trên 30% so với tháng 3. Tỷ lệ khách hàng này tại TP Hồ Chí Minh là trên 47%.

Bên cạnh đó là tác động của việc điều chỉnh giá bán điện được Bộ Công Thương công bố vào ngày 20/3/2019 theo Quyết định 648/QĐ-BCT. Mức độ tăng giá bình quân của tất cả các nhóm khách hàng là 8,36%, riêng với nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, mức tăng tiền điện từ 8,35% - 8,38% tuỳ theo mức độ sử dụng điện trong tháng của mỗi khách hàng.

PV: Nhiều khách hàng cho rằng giá bán điện bình quân tăng 8,36%, nhưng hóa đơn điện lại tăng tới 30 - 50% so với tháng trước. Ý kiến của ông như thế nào?

Ông Đinh Quang Tri: Số tiền điện phải trả sẽ tăng thêm bình quân hơn 8,3%, nếu lượng điện của khách hàng sử dụng đúng bằng với lượng tiêu thụ tháng trước đó.

Nhưng như tôi đã nói ở trên, trong tháng 4, nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng vọt. Trên 57% khách hàng ở Hà Nội và trên 47% khách hàng ở TP.Hồ Chí Minh có sản lượng điện tiêu thụ tăng 30% so với tháng 3. Do đó, khi nhân với biểu giá điện, tất yếu hóa đơn điện sẽ tăng cao tương ứng.

EVN rất mong muốn khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và hợp lý. Thực tế, nhiều người thường “quên” tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, bật điều hòa ở mức 18- 20 độ C khi nắng nóng thay vì chỉ bật điều hòa ở mức 28 độ và sử dụng thêm quạt,…

Chúng tôi khuyến nghị khách hàng kiểm tra lại lượng điện thực tế đã sử dụng. Đồng thời, nếu khách hàng có thắc mắc về tiền điện, có thể liên hệ trực tiếp tới các Trung tâm Chăm sóc khách hàng của EVN. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận 24/7 và sẽ giải quyết yêu cầu của khách hàng trong vòng 24 giờ.

Nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng cao

PV: Cũng có ý kiến cho rằng biểu giá điện bán lẻ gồm 6 bậc thang với cách tính càng dùng nhiều càng phải trả giá cao, chính là nguyên nhân khiến khách hàng phải chi trả nhiều tiền điện. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Đinh Quang Tri: Cách đây hơn 1 năm, Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo các phương án giá bán lẻ điện và lấy ý kiến của nhiều hộ tiêu thụ điện. Cuối cùng, biểu giá bán lẻ điện bậc tháng gồm 6 bậc như hiện hành được lựa chọn.

Việc càng sử dụng nhiều điện càng phải trả giá cao thể hiện chính sách kinh tế của Chính phủ, nhằm hướng người dân đến việc sử dụng điện hiệu quả, góp phần bảo vệ tài nguyên (than, khí,…) và phù hợp với bối cảnh đất nước đang đối diện tình trạng thiếu điện.

Đồng thời, việc duy trì biểu giá điện với bậc thang đầu tiên có mức giá thấp là nhằm bảo vệ, hỗ trợ những người có thu nhập thấp, giúp họ có thể tiếp cận điện năng và sử dụng điện.

PV: Điều khách hàng quan tâm hiện nay là làm thế nào để có thể giảm mức chi trả tiền hiện hàng tháng. EVN có khuyến nghị gì không, thưa ông?

Ông Đinh Quang Tri: Thực tế vừa qua, rất nhiều hộ dân, đặc biệt tại khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam bộ không hề phải chi trả nhiều tiền cho hóa đơn điện. Thậm chí, hóa đơn của nhiều hộ trong tháng 4 còn giảm. Lý do là bởi các hộ dân này đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái.

Tôi cho rằng, hiện nay là thời điểm rất thuận lợi để người dân tham gia lắp đặt điện mặt trời áp mái, nhất là ở khu vực nhiều nắng như tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung, miền Nam.

Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái hiện nay rất dễ dàng, bởi thị trường có nhiều nhà cung cấp công nghệ chuyên nghiệp. Còn từ phía EVN, chúng tôi cũng hỗ trợ khách hàng lắp đặt công tơ 2 chiều miễn phí.

Có rất nhiều lợi ích cho khách hàng khi lắp đặt điện mặt trời áp mái. Đầu tiên, điện sản xuất từ hệ thống này sẽ cung cấp ngay cho chính hộ đó sử dụng. Nhờ vậy, họ không cần phải mua điện của EVN ở những bậc thang giá cao (vì lượng điện cần mua từ EVN giảm xuống - PV), qua đó giúp hóa đơn tiền điện giảm rõ rệt.

Càng những hộ sử dụng nhiều điện năng thì việc sử dụng hệ thống điện mặt trời càng hiệu quả. Bên cạnh đó, việc lắp đặt điện mặt trời áp mái còn làm mát mái nhà, qua đó giúp điều hòa vận hành trong nhà bớt tiêu tốn điện.

EVN đang báo cáo Chính phủ chương trình khuyến khích người dân lắp đặt điện mặt trời áp mái. Đồng thời, chúng tôi cũng đang làm việc với các tổ chức như World Bank, ADB,... để tìm kiếm các cơ chế tài chính hỗ trợ người dân lắp đặt điện mặt trời. Đây là giải pháp quan trọng để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, tăng nguồn cung điện, góp phần giảm phát thải, đồng thời thiết thực giúp người dân giảm chi phí tiền điện hàng tháng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

M.Hạnh

Tăng giá điện 2019: Hãy là người tiêu dùng thông minh
Hóa đơn tiền điện tháng 4/2019 cao hơn tháng trước vì sao?
Chuyên gia: Tăng giá điện, xăng dầu không tạo nhiều áp lực lạm phát năm 2019
Không tăng giá điện, sẽ thế nào?
Giá của có điện
Công khai, minh bạch giá bán lẻ điện