“Cải cách” và “cứu khổn”

15:00 | 02/03/2013

|
(Petrotimes) - Tôi chưa hiểu rõ nghĩa của từ “cách” trong “cải cách”. Sao cùng một từ Hán Việt mà lại có những cách giải thích khác nhau? Xin ông giảng nghĩa thêm. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc ông luôn an mạnh.

“Cách” trong “cải cách” nghĩa là gì?

Bạn đọc: Kính thưa ông An Chi, Từ điển Công giáo 500 mục từ của Hội đồng Giám mục Việt Nam (NXB Tôn giáo, 2011) có giải thích từ “cải cách” như sau: “Cải: thay; cách: đổi. Cải cách: thay đổi cho tốt hơn”.

Nhưng TS H.T (Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường ĐH KHXH&NV) thì giảng “cải” là “thay đổi” còn “cách” là “thể cách, hình thức” và “cải cách” là “đổi mới, thay đổi về hình thức”.

TS N.N.Q (cũng Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường ĐH KHXH&NV) cũng giảng “cải” là “thay đổi, biến cải”, “cách” là “đường lối, cách thức” và “cải cách” là “thay đổi về hình thức, cách thức cho tốt hơn”.

Tôi chưa hiểu rõ nghĩa của từ “cách” trong “cải cách”. Sao cùng một từ Hán Việt mà lại có những cách giải thích khác nhau? Xin ông giảng nghĩa thêm. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc ông luôn an mạnh.

Quang Hải Trần ([email protected])

Học giả An Chi: TS H.T và TS N.N.Q giảng rằng, “cách” trong “cải cách” có nghĩa là “thể cách, hình thức” hoặc “đường lối, cách thức” có lẽ vì hai vị đã đoán rằng, đây là chữ “cách” mà Hán tự là [格]. Đây đích thị là chữ “cách” trong “cách thức” [格式] nhưng rất tiếc rằng, nó lại không phải là chữ “cách” trong “cải cách”. Tự nghìn xưa thì chữ “cách” trong “cải cách” ở bên Tàu vẫn là [革] và cái tiếng đôi đang xét vẫn luôn luôn được ghi bằng hai chữ [改革], như thực ra cũng đã được chú rõ trong Từ điển Công giáo 500 mục từ của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Cải [改]: thay; cách [革]: đổi. Cải cách: thay đổi cho tốt hơn”. Chữ “cách” [革] này có nghĩa là “thay đổi” và có mặt trong hai cấu trúc quen thuộc khác là “cách tân” [革新] và “cách mạng” [革命]. Hai chữ “cải cách” [改革] đã được dùng từ xửa từ xưa trong Hậu Hán thư (Hoàng Quỳnh truyện), Lương thư (Vũ Đế kỷ, hạ), Nguyên điển chương (Hộ bộ, tam - Phân tích), Nam Tề thư (Lưu Tường truyện), v.v...

Huống chi, TS H.T và TS N.N.Q còn sai ở chỗ, hai vị khẳng định rằng, “cải cách” chỉ là “thay đổi về hình thức”. Nếu chỉ là “thay đổi về hình thức” thì vẫn là chuyện “bình mới rượu cũ” mà thôi chứ làm gì có cải với cách!

“Khổn”, không phải “khổ”

Bạn đọc: Kính thưa ông! Nhờ ông giải đáp giùm tôi câu hỏi sau đây: Báo Tuổi trẻ ngày 8/10/2012 có bài viết nhan đề “Khát vọng cứu khổ phò nguy” của Hồng Hạnh. Sau đó, trên Tuổi trẻ ngày 15/10/2012, bạn đọc Vạn Lý cho rằng, cụm từ Hán Việt xưa nay đúng phải là “Cứu khổn phò nguy”. Nhưng một vị TS.PGS lại không đồng ý và cho rằng, nói “Cứu khổn phò nguy” thì “hầu hết độc giả không hiểu mà nếu muốn hiểu thì phải tra từ điển Hán Việt hay hỏi han những người hiểu biết” nên ông cho rằng, phải nói “Cứu khổ phò nguy” thì “đông đảo người Việt ngày nay mới cảm thấy dễ hiểu...” và đây mới là câu đúng nhất hiện nay.

Mong học giả An Chi cho ý kiến nhận xét.

Ba Bụt (Đồng Tháp)

Học giả An Chi: “Khổn” là một biến thể ngữ âm của chữ “khốn” [困] trong phương ngữ miền Nam. “Cứu khổn (< khốn) phò nguy” [救困扶危] là một câu thành ngữ tiếng Hán, đã được dùng từ xưa trong tiếng Việt, mà người sử dụng đương nhiên cũng bao gồm cả đông đảo những người thất học - đây thực ra mới là tuyệt đại đa số trong xã hội ta thời xưa. Những người thất học thời xưa đã nói được như thế thì nay ta cũng không nên chủ trương rằng, vì “hầu hết độc giả không hiểu” mà phải đổi “Cứu khổn phò nguy” thành “Cứu khổ phò nguy”. Cái chữ “khổ” ở đây chỉ là hậu quả của từ nguyên dân gian mà thôi. Cái “mánh” của thứ từ nguyên này là trám cái thứ từ, ngữ mình đã biết vào chỗ của những từ, ngữ mình không biết để hiểu nội dung của lời nói hữu quan. Cái thí dụ điển hình, cực đoan của thứ từ nguyên vô lối này trong phương ngữ Nam Bộ là nó đã thay câu “Giáo đa thành oán” bằng bốn tiếng “Gáo tra dài cán”. Bởi vậy mới có câu chuyện hài được truyền tụng trên mạng:

“Người hay chữ kia, rủi có con vợ hư lắm, cùng chẳng đã, phải đánh mà nói rằng:

- Sự bất đắc dĩ tao mới đánh mày, chớ tao cũng biết là giáo đa thành oán (dạy nhiều sinh oán hận).

Có anh dốt kia nghe đặng, cũng về bắt vợ cúi xuống đánh mà nói rằng:

- Sự mất bát dĩa tao mới đánh mày, chớ tao cũng biết gáo tra dài cán”.

Than ôi! Nếu các nhà chuyên môn cứ chiều theo sự không biết - nghĩa là sự dốt nát của những “độc giả không hiểu” kia - thì ngôn ngữ còn ra làm sao?

A.C