Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận:

“Cách học của chúng ta giống nước khác 30 - 40 năm trước”

11:00 | 07/01/2014

1,267 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại hội nghị quán triệt Nghị quyết TW8 và tổng kết năm học 2012-2013 khối Giáo dục đại học được tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận đã có những chia sẻ sâu sắc về những khó khăn, thách thức khi thực hiện đổi mới toàn diện, căn bản nền giáo dục đào tạo nước nhà.

PetroTimes xin trích nguyên văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận về những hạn chế, yếu kém của giáo dục nước nhà. Từ đó, ông đi sâu phân tích một số hạn chế cơ bản.

“Giáo dục như nhà tầng không lối liên thông”

Thứ nhất: Chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Chất lượng giáo dục có tiến bộ so với bản thân nó trước đây, nhưng so với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, so với mong muốn của thầy và trò, của phụ huynh, của Đảng, nhà nước và xã hội  thì chưa đáp ứng.

Giáo dục và đào tạo nước ta chưa đóng góp được vào việc đưa nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành thế mạnh thực sự của đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển.

Thứ hai: Hệ thống giáo dục còn cứng nhắc, thiếu tính liên thông giữa các trình độ đào tạo và các phương thức giáo dục.

Hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay được ví như một nhà cao tầng (từ mầm non đến thạc sĩ, tiến sĩ), đáng lẽ phải có lối đi liên thông trong tất cả các tầng, nhưng hiện tại chúng ta muốn đi từ tầng 2, tầng 3 lên tầng 4, tầng 5 phải đi xuống tầng 1. 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của nền giáo dục nước nhà.

Thứ ba: Chương trình giáo dục còn coi nhẹ thực hành, coi nhẹ vận dụng kiến thức; Thiếu gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động.

Giáo dục nặng về lý thuyết, hàn lâm, không gắn với thực tiễn, không gắn với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Điều này xảy ra ở cả giáo dục bậc phổ thông và cả ở đại học. 

Thứ tư: chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Phương pháp giáo dục, kiểm tra, thi và đánh giá lạc hậu, nhiều bất cập.

Chúng ta chưa chú ý đến việc giúp học sinh hình thành các kỹ năng mềm; dạy quá nặng về lý thuyết.

Thứ năm: Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Cho đến nay, chúng ta đã tiến hành 3 lần cải cách giáo dục. Lần cải cách nào nào cũng có những mục tiêu và giải pháp cụ thể, và đều đạt được những kết quả rất đáng trân trọng.

Tuy nhiên cả 3 lần cái cách đều chưa thay đổi được quan điểm chỉ đạo của việc thiết kế mục tiêu, nội dung, chương trình giáo dục và đặc biệt là chưa thay đổi được phương pháp dạy, phương pháp học và phương pháp kiểm tra, thi cử và đánh giá.

Qua tổng kết đánh giá thực trạng về giáo dục Việt Nam hiện nay, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về quá trình phát triển khoa học giáo dục và tổ chức dạy - học ở trường phổ thông, chúng tôi nhận thấy: Cách thiết kế chương trình và cách dạy, cách học của chúng ta hiện nay giống như của các nước khác cách đây 30-40 năm trở về trước.

Nói nôm na là các môn học trong trường phổ thông (và nhiều môn học trong trường đại học cũng vậy) được thiết kế theo các bộ môn và lĩnh vực khoa học.

Với thực tế khối lượng kiến thức của nhân loại phát triển rất nhanh hiện nay, cách thiết kế như vậy ngày càng dồn ép khối lượng lớn kiến thức vào nhà trường, dồn từ bậc đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ xuống đến trường tiểu học... và dẫn đến quá tải.

Cách thiết kế như vậy làm cho nội dung dạy và học mang tính hàn lâm, xa rời cuộc sống, và không được sử dụng đến trong thực tế đời sống thường ngày.

Với cách thiết kế các môn học ở các lớp thành các vòng tròn đồng tâm, nội dung giáo dục bị trùng lặp, trong đó có nhiều sự trùng lặp dù biết trước mà không thể tránh được.

Cách dạy và học trong nhà trường (cả phổ thông và đại học) về cơ bản là: Thầy truyền thụ và giảng giải kiến thức; Trò tiếp nhận và ghi nhớ kiến thức thầy trao cho.

Cách dạy học như vậy cộng hưởng với cách thi, cách đánh giá học sinh sinh viên (ai nhớ nhiều, học thuộc nhiều, đưa đúng đáp số thì điểm cao, cả ở bậc phổ thông và cả ở bậc cao đẳng, đại học cũng vậy) đã làm cho tình trạng quá tải, nhồi nhét, dạy thêm học thêm tràn lan có đất phát triển.

Thay đổi căn bản và toàn diện

Thứ nhất, cách thiết kế chương trình và tổ chức biên soạn sách giáo khoa mới sẽ có sự thay đổi lớn, với nguyên tắc: Tích hợp cao ở lớp và cấp học dưới; Tự chọn và phân hóa cao ở lớp và cấp học trên.

Cách thiết kế này cho phép lựa chọn có chủ đích trong khối kiến thức rất lớn, rất phong phú của các lĩnh vực khoa học những nội dung phù hợp với lứa tuổi (tâm lý, kỹ năng, nhận thức…) của học sinh phổ thông, gần với cuộc sống, thiết thực tham gia vào quá trình hình thành phẩm chất và năng lực của người lao động mới.

Bộ GD-ĐT sẽ triển khai dạy học tích hợp và phân hóa để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Thứ hai, chúng ta sẽ chuyển từ việc dạy và học chủ yếu là truyền thụ kiến thức một chiều từ thầy sang trò sang phương pháp giáo dục mới nhằm hình thành năng lực và phẩm chất của con người lao động mới.

Chúng ta vẫn dạy, vẫn truyền thụ kiến thức, nhưng nếu trước đây việc truyền thụ kiến thức là mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của giáo viên thì bây giờ việc truyền thụ kiến thức là phương tiện, là con đường, là cách thức để chúng ta giúp học sinh sinh viên từng bước hình thành phẩm chất, năng lực của con người mới.

Ở các lớp học dưới, việc truyền thụ kiến thức vẫn còn nhiều, nhưng càng lên các lớp trên thì việc này càng giảm dần. Ở những lớp trên, vai trò của người thầy không chỉ còn là người truyền thụ kiến thức, mà còn là người cố vấn, tổ chức, hướng dẫn học sinh tự học.

Trong thiết kế hoạt động giáo dục tới đây, các học sinh sẽ được học theo nhóm, được trình bày và bảo vệ ý kiến của mình, được lắng nghe và phản biện ý kiến của bạn, và có thể nhận được điểm số giống nhau cho những đáp án khác nhau.

Kiên quyết nói không với yếu kém

Trên tinh thần phân cấp, chúng tôi đã giao cho Hiệu trưởng tự quyết định mọi khâu trong quá trình đào tạo từ Trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học đến thạc sĩ, tiến sĩ. Bộ chỉ quản lý việc mở ngành, với lý do duy nhất là để kiểm soát, cân đối tổng “cung” lao động cho phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

Chúng ta đã và đang tăng cường công tác chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật nhằm giữ gìn môi trường sư phạm trong các nhà trường thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra của Bộ GD-ĐT, của các Bộ, các địa phương chủ quản các trường.

Chúng ta đã “đóng cửa” hàng loạt ngành đào tạo không đủ điều kiện, dùng tuyển sinh ở những trường để xảy ra vi phạm; đã siết chặt các điều kiện mở trường và mở ngành.

Hôm nay, tôi xin thông báo chính thức là từ năm 2014, Bộ GD-ĐT sẽ không tiếp nhận hồ sơ nâng cấp lên trường đại học, cao đẳng, để giữ ổn định của toàn hệ thống. Chúng ta không chấp nhận việc một trường trung cấp đang hoạt động tốt sẵn sàng nâng cấp để trở thành trường cao đẳng yếu, sau  một thời gian phục hồi, bắt đầu đào tạo có chất lượng lại tìm cách nâng lên trở thành trường đại học yếu.

Thực tế vừa qua cho thấy, chúng ta luôn có nhiều trường không mạnh, và cả hệ thống luôn ở trong trạng thái không ổn định, bất an. Việc nâng cấp các trường tới đây sẽ được chỉ định theo quy trình chúng tôi sẽ công bố công khai.

Các tiêu chuẩn bổ nhiệm Giáo sư, Phó Giáo sư cũng đã được nâng lên, đồng thời bổ sung nhiều ưu đãi về chế độ lương và thời gian công tác, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cho các nhà trường.

Khánh An