Các tỉnh ven biển sẵn sàng ứng phó với bão Jebi

08:08 | 03/08/2013

519 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước tình hình bão số 5 đang mạnh lên và hướng vào vịnh Bắc Bộ, vào rạng sáng ngày 03/8 với sức gió lên đến cấp 9, cấp 10, gây mưa lớn trên diện rộng ở những khu vực bão đi qua và vùng ảnh hưởng. Các tỉnh ven biển khu vực Bắc Bộ đang chủ động đối phó với diễn biến của bão.

>> Bão Jebi áp sát bờ biển Quảng Ninh - Nam Định

Đường đi và thời gian dự kiến bão Jebi tiến vào đất liền

Dự báo, cơn bão số 5 sẽ đổ bộ vào các tỉnh Đông Bắc bộ vào sáng mai (3/8). Hiện, các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định chủ động các phương án phòng chống bão.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ, hồi 16 giờ ngày 02/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển Quảng Ninh – Nam Định khoảng 490km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25 km. Như vậy khoảng tối 02/8, bão số 5 sẽ vượt qua phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc) đi vào vịnh Bắc Bộ. Đến 04 giờ sáng ngày 03/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông cách bờ biển các tỉnh Quảng Ninh – Nam Định khoảng 170 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Từ ngày 3/8, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 – 5m.

Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Tại Quảng Ninh

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, công tác kêu gọi tàu thuyền về tránh trú bão và các phương án phòng chống bão, đang được khẩn trương triển khai. Hiện toàn bộ tàu thuyền đều đã nhận được thông tin về cơn bão và đang trên đường di chuyển về nơi tránh trú an toàn.

Lượng phòng chống lụt bão Quảng Ninh sãn sàng “đối đầu” với cơn bão số 5

Theo thông tin, cơn bão số 5 đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh đúng thời điểm triều cường cao nhất trong tháng nên cần phải quan tâm đặc biệt tới an toàn của các tuyến đê biển.

Tại cuộc họp sáng nay, ông Nguyễn Văn Đọc - Chủ tịch UBND tỉnh, đã chỉ đạo thị xã Quảng Yên cử ngay người túc trực 24h/ngày trên hệ thống tuyến đê biển Hà Nam, rà soát tất cả các vị trí xung yếu, sẵn sàng vật tư, lực lượng ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra và chuẩn bị các phương án di dời dân và thông báo cho các hộ dân sinh sống ở khu vực đảo Hà Nam chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm cần thiết để đề phòng các tình huống xấu có thể xảy ra do mưa bão.

Ông Đọc cũng yêu cầu dừng toàn bộ các chuyến tàu tham quan và nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long từ chiều 2/8 cho đến khi bão tan. Cảng tàu khách, Sở VH-TT-DL thông báo cho tất cả các chủ phương tiện, tua tuyến tạm dừng các hoạt động tham quan, du lịch trên Vịnh Hạ Long trong thời gian đang có bão. Các địa phương Vân Đồn, Cô Tô thông báo đến các khách du lịch thông tin về cơn bão, yêu cầu di chuyển về nơi an toàn.

Các phương tiện neo đậu tránh trú bão phải được neo cẩn thận, chỉ để lại những người có sức khỏe trông tàu; các địa phương lên danh sách cụ thể và thực hiện di dời những hộ dân đang sinh sống trên các ao đầm nuôi trồng thủy sản, ngư dân sinh sống trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long lên bờ xong trước 8h ngày 3/8.

Tại Hải Phòng

Trước diễn biến của cơn bão, các sở, ngành, địa phương, các lực lượng liên quan thông báo tình hình, kêu gọi, kiểm đếm các phương tiện khai thác thủy sản, chủ lồng bè di chuyển phương tiện về bến neo đậu tránh bão. Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đến 10h30 ngày 1/8, còn 687/3630 phương tiện hoạt động trên biển, trong đó có 56 phương tiện xa bờ; còn 493 bè nuôi thủy sản với 966 lao động.

Theo ra-đa Hải quân còn có 250 phương tiện với hơn 2000 lao động hoạt động chung quanh đảo Bạch Long Vỹ. Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát những vị trí đê xung yếu, ứng trực sẵn sàng xuất cấp vật tư dự trữ và xử lý sự cố phát sinh; huyện Tiên Lãng thông báo cho 370 phương tiền về cơn bão, các chủ đầm chuẩn bị dung cụ, phương tiện vật tư che chắn, bảo vệ ao,...

Bộ đội Biên phòng giúp ngư dân neo tàu vào bến trú bão

Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại, Trưởng Ban Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố phát biểu: Theo dự báo đây là cơn bão mạnh. Các địa phương, lực lượng quan tâm việc sơ tán, bảo đảm an toàn tính mạng của người dân ở khu vực xung yếu, đặc biệt quan tâm có phương án chống sạt lở ở khu vực vùng núi, khu vực khai thác khoáng sản. Các đơn vị, lực lượng công an, bộ đội chuẩn bị phương tiện, lực lượng ứng phó khi cần thiết.

Trước tình hình cơn bão số 5 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến TP Hải Phòng và huyện đảo Cát Hải, huyện Cát Hải đã chủ động đối phó với các tình huống của bão.

Phụ nữ, trẻ em trên đường xuống phà đi trú bão

UBND huyện Cát Hải và các cơ quan liên quan đang tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực xung yếu đến nơi tránh trú. Dự kiến số người phải sơ tán là hơn 3.000 người, trong đó di dân tại chỗ hơn 2.000 người, di dân ngoại vùng 1.000 người vào khu vực thành phố Hải Phòng và ra các xã khu vực đảo Cát Bà.

Trong buổi sáng nay, có 600 người dân của thị trấn Cát Hải và xã Hoàng Châu đã được di dời vào Hải Phòng. Cùng với di dân trên bờ, theo dự kiến sẽ có 250 người dân sinh sống trên các tàu thuyền và bè nuôi trồng thủy sản cũng được đưa đến nơi an toàn. Công tác di dời tại 2 đảo Cát Bà và Cát Hải đã hoàn thành trước 18h ngày 2/8.

Tại Nam Định

Ngay sau khi có thông tin về cơn bão số 5, từ ngày 29/7 đến 2/8, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND tỉnh đã có 2 Công điện khẩn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai toàn diện công tác phòng, chống cơn bão số 5.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Văn Lý gia cố đê biển, giúp nhân dân địa phương chủ động phòng chống bão số 5.

Trong đó, tập trung thực hiện các công việc: Cập nhật thông báo diễn biến của bão. Kiểm đếm, gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi trú ẩn, cấm tàu thuyền ra khơi. Chủ động phương án gọi các chủ đầm, người nuôi trồng thuỷ sản ở các cửa sông, chòi canh, người sinh sống ngoài đê vào nơi an toàn.

Chủ động phương án sơ tán dân ở nhà thuộc diện nguy hiểm và dân tại các vùng cửa sông, ven biển. Tiêu rút nước đệm, chủ động phòng, chống úng, ngập cho lúa và rau màu. Chỉ đạo Ban Quản lý dự án và nhà thầu đang thi công các công trình chủ động phương án bảo đảm an toàn người và vật tư, tài sản, thiết bị. Chủ động phương án hộ đê đối với những công trình đê xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ”. Kiểm tra các bến đò, điều kiện bảo đảm an toàn của các phương tiện.

Tại Thái Bình

Ngay sau khi có thông tin bão số 5 có thể đổ bộ trực tiếp vào Thái Bình, Ban chỉ huy PCLB tỉnh Thái Bình đã ban hành công điện khẩn của UBND tỉnh Thái Bình về việc chỉ đạo các ban ngành, chức năng tham gia đối phó với bão.

Gấp rút đưa tàu thuyền về nơi tránh bão

Thời điểm hiện tại, lũ trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đang lên. Từ chiều 1/8 các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình đã mở 1 cửa xả đáy.

Thái Bình cấm tàu thuyền ra khơi ngay từ sáng ngày 2/8, đồng thời khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ số tàu, thuyền trên địa bàn; kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển, trên sông di chuyển ngay vào nơi tránh, trú bão an toàn.

Tổ chức di chuyển toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy hải sản ngoài đê chính, ngư dân trên các tàu, thuyền vào khu neo đậu, người ở các khu vực nguy hiểm và ở trong các nhà yếu đến nơi an toàn, hoàn thành trước 9h ngày 3/8...

UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thái Bình tăng thời lượng phát sóng các bản tin dự báo, diễn biến của bão theo tin cập nhật của Trung tâm Khí tượng Thủy văn đến người dân.

N.Hoan (t/h)