Các tỉnh miền Tây quá tải, đồng loạt kiến nghị tạm ngừng cho người dân về quê

15:11 | 03/10/2021

651 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Do phải tiếp nhận cách ly số lượng lớn người dân về quê, dẫn tới quá tải, các tỉnh ở miền Tây Nam Bộ đồng loạt kiến nghị tạm ngưng cho người dân tự phát về quê.

Sau khi các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách, mấy ngày qua và nhất là đêm qua, hàng chục nghìn người dân đã tổ chức về quê bằng phương tiện cá nhân, gây khó khăn cho việc tiếp nhận, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại nhiều địa phương.

Các tỉnh miền Tây quá tải, đồng loạt kiến nghị tạm ngừng cho người dân về quê
Sóc Trăng tiếp nhận khoảng 30.000 người dân tự phát về quê (ảnh: TNO)

Trưa 3/10, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, Sóc Trăng cùng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long kiến nghị đến Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tạm ngưng cho người dân tự phát về quê.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, những ngày qua, người dân từ các tỉnh, thành phố đổ về quê quá đông. Riêng đêm 2/10, có khoảng 20.000 người tự về quê, đông nghẹt một đoạn quốc lộ 1. Tính từ ngày 16/9 đến nay, Sóc Trăng tiếp nhận khoảng 30.000 người dân tự phát về quê. Cũng theo ông Trần Văn Lâu, năng lực tiếp nhận của Sóc Trăng chỉ khoảng chừng này, nếu bà con về thêm nữa, sẽ vỡ trận.

Những người tự về khi vào địa phận Sóc Trăng sẽ có lực lượng chức năng dẫn đường đưa vào Khu văn hoá Hồ Nước Ngọt (phường 6 -TP Sóc Trăng) để phân vùng theo địa phương. Sau đó, CSGT và các lực lượng hướng dẫn họ về khu cách ly tập trung tại các địa phương.

Tỉnh Sóc Trăng hiện đang tận dụng trường học làm cơ sở cách ly tập trung, khẩn trương xây dựng nhà vệ sinh, lo chỗ nghỉ ngơi cho người dân. Ngoài ngân sách, tỉnh vận động xã hội hóa, kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm cùng chung sức lo bữa ăn cho người dân.

Do vậy, tỉnh đề xuất tạm ngưng tiếp nhận 15 ngày. Trong thời gian này, các địa phương chuẩn bị mọi mặt và lo chu đáo cho số bà con đã về.

Các tỉnh miền Tây quá tải, đồng loạt kiến nghị tạm ngừng cho người dân về quê
Số người tự về quê An Giang tới nay đã lên hơn 20.000 người (ảnh: QĐND)

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh hiện có khả năng cách ly tập trung khoảng 8.000 người nhưng số người về quê tự phát tới nay đã lên hơn 20.000 người.

Hiện tỉnh tiếp nhận, đưa vào các trường học ở TP Long Xuyên xét nghiệm, phân loại để đưa đi cách ly tập trung tại các huyện. Sở GD&ĐT tỉnh An Giang đã đồng ý cho 700 điểm trường học ở tỉnh làm nơi cách ly tập trung hoặc tiếp nhận công dân về quê.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cũng cho hay, nếu số người tự phát về nữa thì khu cách ly và công tác phòng chống dịch của đại phương sẽ quá tải. Trong khi đó, tình hình

dịch bệnh nội tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp, các ca mắc trong cộng đồng tiếp tục tăng; nguồn lực y tế đang gần như quá tải, tỉ lệ bao phủ vắc xin/dân số trong tỉnh còn thấp.

Do đó, việc người dân ồ ạt về địa phương đang tạo áp lực rất lớn cho tỉnh trong công tác tổ chức cách ly tập trung, xét nghiệm, thu dung điều trị. Đặc biệt là nguy cơ xâm nhập dịch bệnh, gây bùng dịch trong tỉnh là rất lớn.

Tại tỉnh Bến Tre, trong ngày 2/10, tỉnh đã đón và đưa vào khu cách ly tập trung 697 người dân của tỉnh từ TP Hồ Chí Minh về tỉnh theo diện đồng hương. Bên cạnh đó, qua công tác kiểm soát tại các chốt cửa ngõ của tỉnh, lực lượng chức năng tỉnh đã tiếp nhận 395 trường hợp người Bến Tre ở các tỉnh, thành phố tự phát về tỉnh. Tỉnh cũng đã bố trí dẫn đoàn đưa 776 trường hợp tự phát về tỉnh Trà Vinh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam yêu cầu, ngành chức năng tỉnh kiểm soát chặt chẽ người dân về tỉnh, kể cả người dân được đưa đón theo kế hoạch hay tự phát; tiếp tục trưng dụng các trường học làm điểm cách ly; mỗi huyện đảm bảo ít nhất 500 chỗ cách ly.

Theo dự báo của ngành chức năng tỉnh, số người về quê sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Trước tình trạng người dân từ các tỉnh, thành phố khác về tỉnh khá nhiều, UBND tỉnh Bến Tre lo ngại nguy cơ lây lan dịch bệnh có thể xảy ra.

Các tỉnh miền Tây quá tải, đồng loạt kiến nghị tạm ngừng cho người dân về quê
Người dân xếp hàng trên tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp chờ lực lượng chức năng Cà Mau dẫn về khu cách ly tập trung (ảnh: BGT).

Tỉnh Cà Mau hiện cũng đang trong tình trạng tương tự. Tỉnh đã có báo cáo, kiến nghị Thủ tướng và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ xem xét, chỉ đạo các tỉnh, thành trong khu vực tăng cường hơn nữa việc kiểm soát người dân tự phát trở về các địa phương.

Báo cáo cho biết, 2 ngày qua có 1.281 người dân tự phát về đến Cà Mau, dự kiến con số này sẽ liên tục tăng trong những ngày tới. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu cách ly, điều trị của tỉnh rất khó khăn, hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu cách ly tập trung đối với người ngoài tỉnh tự phát trở về và khả năng điều trị nếu có ca nhiễm. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm vắc xin của tỉnh vẫn còn khá thấp (13,9% dân số). Vì vậy nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới rất cao.

Tỉnh cũng cho biết khi đảm bảo đủ điều kiện, các địa phương sẽ phối hợp với các tỉnh, thành trong khu vực thống nhất phương án, tổ chức đón người dân trở về địa phương đảm bảo an toàn, chu đáo.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho hay, tính từ ngày 1/10 đến nay, Đồng Tháp đã tiếp nhận trên 20.000 người về quê.

Hiện tỉnh đã đưa người dân vào các điểm trường học tạm thời. Sau đó người dân ở huyện nào đưa về huyện đó để sàng lọc, phân loại. Hiện tại tỉnh đang lo vận động cơm, nước, bánh mì và tiền xăng cho bà con về nhà.

Trước đó ngày 2/10, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố tổ chức trực 24/24 để tiếp nhận thông tin đón người dân từ TP HCM và các tỉnh về địa phương. Chủ động chuẩn bị các điều kiện (phương tiện, cơ sở cách ly, hậu cần) để đón người dân về thực hiện các biện pháp cách ly, phòng chống dịch.

Tuy nhiên trước tình trạng người dân về quá nhiều như hiện nay, tỉnh nhận định, nếu tình trạng này tiếp tục, tỉnh có thể sẽ không đủ lực lượng kiểm soát và phòng chống dịch.

H.T

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan