Bước qua lằn ranh vô hình

15:35 | 09/01/2015

1,130 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trưa 7/1/2015, một nhóm khủng bố mang mặt nạ đã xộc vào Tòa soạn Tuần báo châm biếm Charlie Hebdo tại trung tâm Paris và vảy đạn giết 12 người. Sự việc liên quan đến nhóm khủng bố khát máu ISIS nói riêng và Hồi giáo nói chung. Charlie Hebdo từng nhiều lần bị dọa (và bị tấn công bởi bom xăng năm 2011) bởi các tranh biếm Nhà tiên tri Muhammad.

>> Vụ thảm sát tòa báo tại Paris: Đã xác định được kẻ khủng bố

>> Thảm sát kinh hoàng tòa báo ở Pháp

Năng lượng Mới số 389

Giới hạn của lằn ranh

Sự việc xảy ra ngay trong ngày tuần báo Charlie Hebdo in trang bìa nhà văn Michel Houellebecq và ngay trong ngày mà Houellebecq phát hành quyển tiểu thuyết thứ sáu trong đó kể câu chuyện về một nước Pháp, vào năm 2022, chứng kiến ứng cử viên Hồi giáo chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống, khiến cả xã hội Pháp bị Hồi giáo hóa. Houellebecq là nhà văn nổi tiếng đả kích Hồi giáo. Năm 2002, các nhóm Hồi giáo Pháp đã lôi ông ra tòa khi Houellebecq miêu tả là Hồi giáo là “một tôn giáo ngu xuẩn”. Trên trang bìa số ra ngày 7/1/2015, Charlie Hebdo vẽ Houellebecq với chiếc mũ phù thủy cùng hàng chú thích “Những dự báo của nhà thông thái Houellebecq”, rằng: “Năm 2015, tôi sẽ rụng hết răng; năm 2022, tôi sẽ xem lễ Ramadan”.

Vụ thảm sát ngày 7/1/2015 làm thiệt mạng những cây cọ biếm nổi tiếng của Charlie Hebdo trong đó có Jean Cabut, Georges Wolinski, Bernard Velhac và Giám đốc Tạp chí Stéphane Charbonnier, người từng nói với tờ Le Monde năm 2012 rằng: “Tôi thà chết chứ không sống quỳ”, trước loạt đe dọa nhằm vào Charlie Hebdo. Đây không phải là lần đầu tiên báo chí phương Tây gặp trường hợp tương tự. Cách đây gần 10 năm, gần như cả thế giới Hồi giáo đã phát điên và thực hiện loạt bạo động nhiều nơi thế giới sau khi tờ báo Đan Mạch Jyllands-Posten vẽ 12 tranh biếm Đấng tiên tri Muhammad, trong đó có bức miêu tả Đấng tiên tri đội khăn trùm hình quả bom với ngòi nổ đang cháy (đăng trên số báo 30/9/2005). Trước đó, năm 2004, một kẻ Hồi giáo quá khích đã giết chết nhà làm phim Hà Lan Theo van Gogh khi ông thể hiện Hồi giáo dưới góc nhìn “phi Hồi giáo”.

Trang bìa Charlie Hebdo số ra ngày 7/1/2015 với hình nhà văn chống Hồi giáo Michel Houellebecq

Sự kiện Jyllands-Posten là vụ việc điển hình trong yếu tố nhạy cảm của vấn đề truyền thông và tôn giáo. Làn sóng bạo loạn kinh khủng bùng nổ khắp thế giới với những vụ tấn công sứ quán Đan Mạch. Không khí thù hằn cao độ đến mức thành phần Hồi giáo quá khích đã tấn công dữ dội và đốt cháy vào một cơ quan Đan Mạch cũng như đốt phá khu người Công giáo tại Beirut, khiến Chính phủ Copenhagen ra lệnh tất cả người Đan Mạch lập tức rời Lebanon (Bộ trưởng Nội vụ Lebanon, Hassan Sabei, đệ đơn từ chức trong sự bất lực ngăn chặn cơn sóng bạo lực)... Cơn sóng phản kháng bốc cháy, đầu tiên tại Pakistan rồi Indonesia (quốc gia đông dân Hồi giáo nhất thế giới), khi 150 thành viên Mặt trận những người bảo vệ Hồi giáo ùn ùn kéo đến Tòa đại sứ Đan Mạch tại Jakarta. “Hãy cắt cổ tên đại sứ Đan Mạch!” - tấm băng-rôn phản kháng ghi. “Chúng ta sẵn sàng cho thánh chiến!” - đoàn người biểu tình la ó. Bất chấp lời xin lỗi của Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen, cơn thịnh nộ tiếp tục lan rộng. Syria và Arập Xêút rút đại sứ khỏi Đan Mạch và Libya cũng đóng cửa sứ quán mình tại nước này.

Sự việc chuyển sang mức độ thể hiện rộng hơn khi hàng hóa Đan Mạch bị tẩy chay. Khắp Trung Đông, sản phẩm sữa Đan Mạch bị hủy bỏ tại ít nhất 50.000 cửa hàng. Cờ Đan Mạch bị đốt trong những cuộc biểu tình nghiêm trọng và thậm chí nhân viên Tổ chức Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch phải rút khỏi Yemen và Dải Gaza. Có thể thấy mức độ nhạy cảm sự kiện như thế nào khi tờ France Soir bất ngờ sa thải thư ký tòa soạn Jacques LeFranc bởi cho đăng lại tranh biếm từ Jyllands-Posten. Trong khi đó, vấn đề Hồi giáo đối với châu Âu ngày càng trở thành yếu tố mang tính chính trị đậm hơn so với ranh giới bản chất tôn giáo.

Những giới hạn phức tạp

Vấn đề gây tranh cãi là ranh giới của tự do thông tin và giới hạn của sự tự do thể hiện các vấn đề liên quan tôn giáo. Trong khi đó, phương Tây vốn quen với tự do thông tin, tự do ngôn luận và hẳn nhiên tự do nghệ thuật. Đặc biệt trong thể loại biếm, gần như không đối tượng nào bị loại trừ. Người ta chẳng lạ gì những tranh biếm bôi bác nhằm vào chính trị gia. Tuy nhiên, có những giới hạn bất thành văn. Lầu Năm góc từng gửi thư phản đối Washington Post khi họ đăng tranh biếm Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld (của tác giả Tom Toles - cây cọ biếm lừng danh) trong bộ dạng một bác sĩ và nói với một người lính mất tay - chân bị băng bó toàn thân: “Tôi sẽ liệt kê tình trạng anh vào loại “thương tổn chiến trường”. Năm 1999, cuộc triển lãm Sensation tại Viện Bảo tàng Brooklyn (do nhà sưu tập Anh Charles Saatchi tổ chức) đã gây phẫn nộ cộng đồng Công giáo Mỹ với bộ sưu tập tranh Mẹ Đồng trinh Mary được cắt ghép từ các tạp chí khiêu dâm.

Dân phương Tây quá quen với những thể hiện gây sốc tương tự. Không ai đốt viện bảo tàng và chẳng ai đòi chặt đầu “thủ phạm”. Tuy nhiên, Hồi giáo nằm ở một phạm trù và một “ngưỡng giới hạn” khác. Xin đừng quên những người dịch quyển “Những vần thơ của quỷ”  (tác giả Salman Rushdie) tại Nhật và Italia đã bị đâm (nạn nhân Nhật tử vong); và một nhà xuất bản Na Uy từng bị bắn… Vấn đề còn ở chỗ ranh giới chấp nhận được và không thể chấp nhận trong sự tự do thể hiện tư duy tại phương Tây cũng rất phức tạp. Tại Đức, người ta có thể ngồi tù 3 năm nếu quảng bá hình ảnh Hitler (hoặc mô phỏng Hitler) hay mang nội dung phủ nhận sự kiện Đức quốc xã thảm sát người Do Thái. Tại Pháp năm 2005, Giáo hội Thiên chúa giáo đã yêu cầu tòa cấm một ảnh quảng cáo cải biên dựa theo tác phẩm “Bữa ăn tối cuối cùng” của Leonardo Da Vinci (vẽ tất cả là đàn ông, trừ Judas là phụ nữ).

Pháp cũng cấm học sinh quyền thể hiện tôn giáo công khai (nữ sinh Hồi giáo không được đội khăn choàng) với mục đích hạn chế phân biệt đối xử tôn giáo. Tại Anh cách đây không lâu, người ta đã xử giáo sĩ Hồi giáo Abu Hamza al-Masri 7 năm tù tội tổ chức thuyết giảng kêu gọi giết tất cả những người không theo Hồi giáo. Tháng 12-2005, cầu thủ Italia Paolo Di Canio sau khi chào người hâm mộ theo kiểu phát xít đã bị truất quyền thi đấu và bị phạt 10.000 euro. Năm 2005, một công tố viên Italia cũng yêu cầu tòa ra lệnh đóng một website miêu tả Giáo hoàng Biển Đức (Benedict XVI) trong trang phục Nazi SS và viết rằng Benedict XVI từng phục vụ thời gian ngắn trong Hội Thanh niên của Hitler. Cũng tại Italia, người ta cũng xử vụ nhà văn nổi tiếng Oriana Fallaci khi bà tung ra quyển “Sức mạnh của lý lẽ” mang nội dung miệt thị Hồi giáo.

Sự tranh luận về quyền tự do thông tin liên quan yếu tố tôn giáo thật ra chưa minh bạch. Đan Mạch có luật cấm báng bổ tôn giáo nhưng vụ Jyllands-Posten không bị lôi ra tòa bởi nó liên can “ranh giới cho phép” của tự do thông tin. Tại Đức, luật chống báng bổ tôn giáo có từ năm 1871. Thập niên 20 của thế kỷ trước, họa sĩ Đức George Grosz bị lên án khi vẽ Jesus mang giày nhà binh, băng ngang đường với mặt nạ chống hơi cay. Vụ xử kéo dài 3 năm; Grosz kháng án hai lần và cuối cùng trắng án! Năm 1994, vấn đề luật báng bổ tại Đức từng được hâm nóng khi người ta cấm một hài kịch châm biếm Công giáo.

Luật chống báng bổ tôn giáo Hà Lan quy định 3 tháng tù và phạt tiền 70 euro. Dù vậy, luật là một chuyện và thực tế lại là chuyện khác. Năm 1968, một cây bút từng gây scandal khi làm thơ miêu tả cảnh làm tình với Chúa nhưng cuối cùng vụ án không được tòa xử! Luật chống báng bổ tại Áo nghiêm cấm mọi hành vi nhạo báng tôn giáo (bị tù 6 tháng) nhưng chẳng ai sờ gáy những người thực hiện quyển tranh biếm ấn hành năm 2005, trong đó có bức miêu tả Chúa Jesus như một kẻ hippie đang hút cần sa. Còn ở Ba Lan, nơi có đông cộng đồng Công giáo, Luật Chống báng bổ được thực thi khá mạnh tay (phạt tù 2 năm). Nghệ sĩ Ba Lan Dorota Nieznalska từng bị kiện khi thực hiện bức điêu khắc với bộ phận sinh dục nam “nằm nguyên con” ngay giữa cây thánh giá!

Dù thế nào, thái độ gay gắt trước quyển “The Da Vinci Code” của Dan Brown (một số ý kiến cho rằng quyển sách bôi nhọ và xúc phạm Công giáo), trong xã hội phương Tây, cũng ít có khả năng bùng nổ thành cuộc phản đối kinh khủng, như đối với các trường hợp chọc vào “ổ kiến lửa” Hồi giáo. Cần nhắc lại, có khoảng 15-20 triệu người Hồi giáo đang sống tại châu Âu, chiếm 4-5% dân số. Pháp là nước đông dân Hồi giáo nhất châu Âu, chiếm 7-10% dân số; theo sau là Hà Lan, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Anh và Italia. Theo tốc độ nhập cư và tỷ lệ sinh hiện tại, cộng đồng Hồi giáo châu Âu có thể tăng gấp đôi vào trước năm 2025. Vấn đề Hồi giáo nói riêng và chính sách nhập cư nói chung luôn là chủ đề thời sự. Năm 2002, chính trị gia Hà Lan Pim Fortuyn bị ám sát chết bởi ông chủ trương hạn chế nhập cư.

Cốt lõi của vấn đề: những mâu thuẫn lịch sử

Mâu thuẫn giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây dường như chưa bao giờ được khép lại mà khởi nguồn của nó một phần là sự va chạm của các nền văn minh - ở đây là Hồi giáo và văn minh phương Tây hiện đại. Giáo sư Đại học Harvard Samuel P. Huntington cách đây hai thập niên từng nói đến khả năng này, trong quyển “The clash of civilizations?”.

Huntington cho rằng nguồn gốc cơ bản cho các cuộc xung đột thế giới thời sau Chiến tranh lạnh không phải là ý thức hệ hay kinh tế mà chính là nền văn minh. Ranh giới khác biệt giữa các nền văn minh là ranh giới chiến tuyến trong các cuộc giao tranh. Xung đột không còn là cuộc chiến giữa các vị vua hay cuộc đối đầu trong thế giới lưỡng cực như thời Chiến tranh lạnh mà bước sang giai đoạn mới trong đó cọ xát bắt đầu từ mâu thuẫn giữa các nền văn minh phương Tây và không phương Tây (non-Western civilizations). Trong khi đó, đặc thù văn hóa dân tộc và văn minh ngày càng chiếm vị trí quan trọng. Thế giới trong ngôi làng toàn cầu sẽ được định dạng bằng sự tương tác giữa các nền văn minh chính trong đó có phương Tây, Khổng giáo, Hồi giáo, Hindu, Chính thống giáo Slavic, Mỹ Latinh…

Trong thực tế, mâu thuẫn dọc theo ranh giới phân định văn minh phương Tây và văn minh Hồi giáo đã tồn tại hàng ngàn năm qua và thể hiện không chỉ ở các cuộc thập tự chinh Công giáo tấn công Hồi giáo mà còn thể hiện ở sự hiện diện của Anh, Pháp, Italia tại Bắc Phi và Trung Đông sau khi đế quốc Ottoman sụp đổ vào đầu thế kỷ XX; còn là các cuộc chiến giữa Arập và Israel (lãnh thổ do phương Tây tạo nên); hàng loạt cuộc xâm chiếm của phương Tây (thực dân Pháp tại Algeria vào thập niên 50, Anh và Pháp xâm lăng Ai Cập năm 1956, Mỹ đổ bộ Lebanon năm 1958…), còn là cuộc chiến của phương Tây do Mỹ cầm chịch tại vùng Vịnh đầu thập niên 90; hay cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo ở Bosnia đầu thập niên 90…

Mạnh Kim

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc