Bóng ma ám ảnh người Trung Quốc

20:29 | 03/03/2020

318 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn một tháng qua, Liu Xiaoxian không thôi dằn vặt và lo lắng khi phải sống xa bố mẹ, những người đang mắc kẹt tại Vũ Hán vì Covid-19.

Liu, nhà sản xuất chương trình truyền hình tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, quyết định hủy chuyến bay hôm 22/1 về Vũ Hán đón Tết Nguyên đán cùng gia đình, sau khi xuất hiện những tin đồn về một loại virus đang lây lan tại quê hương cô. Ngay hôm sau, chính quyền đột ngột phong tỏa thành phố 11 triệu dân này.

"Hủy vé máy bay là lựa chọn đúng đắn, nhưng tôi không vui vẻ chút nào", người phụ nữ 25 tuổi cho hay. Bố mẹ Liu bị ho sau khi ra ngoài mua đồ tạp hóa mà không đeo khẩu trang tại một địa điểm ngay gần chợ hải sản Hoa Nam, nơi bị nghi ngờ là nguồn gốc dịch bệnh.

Liu thức trắng đêm vì lo lắng cho bố mẹ, không thể tập trung làm việc, mòn mỏi trong nỗi bất an. "Tôi cảm thấy như mình tách biệt khỏi tất cả", cô nói.

Bóng ma ám ảnh người Trung Quốc
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm nCoV tại một bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hôm 22/2. Ảnh: AFP.

Sau khi Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc hồi tháng 12/2019, chính phủ Trung Quốc áp dụng loạt biện pháp hạn chế đi lại, bắt buộc tự cách ly trong thời gian dài, phong tỏa hàng chục thành phố nhằm ngăn chặn nCoV lây lan, khiến hơn 780 triệu người, tương đương hơn một nửa dân số, bị đặt trong vòng kiềm tỏa.

Trung Quốc đại lục hiện ghi nhận hơn 80.000 ca nhiễm nCoV, hơn 2.900 trường hợp tử vong và hơn 47.000 người bình phục. Số ca nhiễm mới hôm nay là 125, thấp nhất kể từ khi cơ quan y tế công bố số liệu hồi tháng một. Nỗi lo sợ về lằn ranh sinh tử cũng giảm dần theo các con số.

Tuy nhiên, những tổn thương tinh thần đối với người dân trong cuộc chiến chống dịch bệnh quyết liệt của chính phủ chưa thể xóa nhòa. Hàng triệu người vẫn bị bó buộc bởi lệnh phong tỏa, nhưng ngay cả những người giờ đây được di chuyển tự do hơn cũng phải vật lộn với vấn đề tâm lý. Suốt nhiều tuần, họ bị giam lỏng trong phòng, ít tiếp xúc xã hội, rời xa người thân, chìm trong nỗi sợ dịch bệnh, ăn uống kém, ít tập thể dục và thu nhập bị ảnh hưởng.

Vấn đề càng nghiêm trọng hơn với những người có mối liên hệ với tỉnh Hồ Bắc như Liu. Cảm giác chung của họ là thấy tội lỗi và bất lực, trong khi những người sống giữa tâm dịch trở nên kiệt quệ với cuộc chiến dài hơi chưa rõ tương lai.

Một bác sĩ giấu tên làm việc trên tuyến đầu chống Covid-19 tại Vũ Hán cho biết anh luôn ngủ trong ký túc xá của bệnh viện và chưa được gặp gia đình hơn một tháng qua. Trong bài đăng trên WeChat tháng trước, người này vẫn nhờ bạn bè kể chuyện đùa để tiếp thêm sức mạnh tinh thần. Tuy nhiên, thời gian gần đây anh chỉ đăng cáo phó của những bác sĩ qua đời vì dịch bệnh.

Một nhân viên y tế khác tại Vũ Hán phải đối mặt với những cú điện thoại tới tấp từ bệnh nhân và gia đình họ. Nữ y tá 54 tuổi này không thể ngủ dù biết một giấc ngủ ngon rất cần thiết cho hệ miễn dịch. Bà đã thực hiện 4 bài kiểm tra tâm lý trực tuyến. Kết quả cho thấy mức độ lo lắng và nguy cơ trầm cảm ngày càng tăng lên. Bà phải uống thuốc ngủ trước khi chuyển sang thuốc được kê đơn.

"Tôi cảm thấy tồi tệ, nhưng không được phép nao núng và phải tiếp tục làm việc. Mỗi ngày tôi đều bị sốc trước những ca tử vong và lo sợ mình có thể lây bệnh cho gia đình", nữ y tá cho hay. Bà đang cố chỉ ở một phòng trong nhà và tránh tiếp xúc với gia đình, khiến nỗi phiền muộn trở nên nặng nề hơn.

Chính quyền đã điều đội ngũ bác sĩ tâm lý đến các bệnh viện ở Vũ Hán để xoa dịu căng thẳng cho những nhân viên y tế tuyến đầu. Thông qua những tổ chức phi lợi nhuận, hàng trăm nhà tâm lý học và bác sĩ tâm lý cũng tình nguyện hỗ trợ các nhân viên y tế bằng cuộc gọi qua WeChat.

Bác sĩ Zhao Ruoping, chuyên gia tại Đại học Bắc Kinh, đồng thời là thành viên một tổ chức phi lợi nhuận, cho biết các tư vấn viên nhận được ngày càng nhiều yêu cầu trợ giúp từ những bác sĩ và cư dân Vũ Hán. Khoa tâm lý Đại học Sư phạm Bắc Kinh cũng nhận được gần 3.800 yêu cầu tư vấn trong vòng ba tuần.

Hầu hết cuộc gọi tới từ những cư dân đang đối mặt với cơn hoảng loạn, nỗi sợ bị nhiễm bệnh hoặc áp lực tài chính. Nhiều người cũng bày tỏ nỗi đau trước cái chết đột ngột tháng trước của Lý Văn Lượng, bác sĩ nhãn khoa 34 tuổi của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, người cảnh báo sớm về Covid-19.

Xia Rui, đại diện Trung tâm Dịch vụ Công tác Xã hội Wuchang Xinyun ở Vũ Hán, một tổ chức phi lợi nhuận nhận tư vấn tâm lý miễn phí, cho biết phần lớn người gọi điện đến không có triệu chứng nhiễm nCoV, nhưng vẫn lo lắng và sợ hãi. "Đó là bản chất của con người. Cái chết là nỗi sợ hãi tột cùng", Xia nói.

Bóng ma ám ảnh người Trung Quốc

Sự cắn rứt cũng là tâm trạng phổ biến. Một nghệ sĩ 42 tuổi tại thành phố Trùng Khánh vô cùng đau khổ khi không thể dự đám tang của người dì sống tại ngôi làng cách đó gần 20 km. Việc đi lại giữa các địa phương gần như bất khả thi dưới loạt lệnh phong tỏa. Thêm vào đó, ông sẽ phải tự cách ly hai tuần sau khi trở về nếu di chuyển đến nơi khác, đồng nghĩa với việc không thể chăm sóc gia đình.

"Tôi chỉ có thể nuốt nỗi đau vào trong", người đàn ông 42 tuổi cho hay, đồng thời bày tỏ hy vọng dịch bệnh sớm qua đi để ông có thể tới viếng mộ dì, người luôn coi ông như con đẻ.

Mei Xin, một nhà phát triển phần mềm tại Vũ Hán, đã sống ở thành phố Trịnh Châu cả tháng qua sau khi tới đây thăm họ hàng nhà vợ. Lệnh phong tỏa khiến người đàn ông 38 tuổi này không thể trở về. Để "giết thời gian", anh dành hai giờ mỗi ngày tập thể dục, đồng thời nấu các món ăn truyền thống của Vũ Hán để khỏa lấp nỗi nhớ quê hương. Anh thường không ý thức được về ngày tháng.

Hàng ngày Mei đều gọi điện cho người bà 90 tuổi của mình. Cụ bà chuẩn bị phẫu thuật xương chậu, nhưng sau đó bị bệnh viện ở Vũ Hán trả về nhà để nhường chỗ cho bệnh nhân Covid-19. "Chúng tôi chỉ nói về mấy thứ tầm phào. Tôi sợ mình sẽ khóc nếu đề cập đến sức khỏe của bà", Mei nói.

Trong lúc mắc kẹt tại Bắc Kinh, Liu Xiaoxian cố gắng giữ sợi dây liên kết với quê hương bằng cách nghiền ngẫm những bài viết trên mạng xã hội của một nhà văn ở Vũ Hán, kể về cuộc sống hàng ngày tại tâm dịch. Liu cho biết bố mẹ cô đã bớt ho, nhưng giờ đây cô lại lo lắng về sức khỏe tâm lý của họ. Họ ở nhà gần như cả ngày và đếm số người tử vong vì nCoV.

Liu thường xuyên chat video với bố mẹ, cố gắng giúp họ giữ bình tĩnh. "Chúng tôi chủ yếu nói về cách mua rau qua mạng và chuyện ăn uống hàng ngày của họ", Liu cho hay.

Gần đây, nhà sản xuất truyền hình này đã tới Berlin, Đức để làm việc. Cô rất bất ngờ khi chứng kiến người dân tại đây dường như không phải chịu đựng nỗi sợ virus hay lo lắng về gia đình.

"Tôi ước mình được ở bên bố mẹ. Ít nhất tôi có thể giúp đỡ, bằng cách trở thành tình nguyện viên hay làm việc gì đó", Liu nói.

Theo VNE