Bon, bòn, bỏn, bón...

07:00 | 24/02/2014

|
Bạn đọc: Xin ông An Chi cho hỏi: Hai chữ “bón” trong “bón phân”, “bón cơm” có phải là một không? Nếu không thì đâu là từ nguyên của mỗi chữ? Rồi lại còn chữ “bón” trong “táo bón”? Nhân tiện, xin ông cho hỏi luôn về chữ “bon” trong “bon chen”, chữ “bòn” trong “bòn mót” và chữ “bỏn” trong “bỏn xẻn”. Xin cảm ơn ông. Đặng Hữu Nhuận (TP Vũng Tàu)

Học giả An Chi: “Bón” trong “bón phân”, “bón cơm” là hai chữ khác nhau.

Trong “bón phân” thì “bón” là âm xưa của chữ “phấn” [糞], thường đọc thành “phẩn”, mà nghĩa thứ 3 đã được Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) giảng là “thi phì, sử phì ốc” [施肥, 使肥沃], nghĩa là “bón phân, làm cho màu mỡ”. Mối quan hệ giữa hai phụ âm đầu PH- ~ B- (giữa “phấn” và “bón”) đã được Vương Lực chỉ ra tại mục “Cổ trọng thần âm” trong thiên “Hán Việt ngữ nghiên cứu” (1948), in trong Hán ngữ sử luận văn tập (Khoa học xuất bản xã, 1958, tr.290-406). Vương Lực đã đưa ra một loạt dẫn chứng: phi - bay; phóng - buông; phủng [捧] - bưng; phủ - búa; phù - bùa; phàm - buồm; phọc - buộc; v.v... Chữ “phấn” (phẩn) này đã được Quảng vận (1008) giảng là “bẩn” (uế [穢]). Với nghĩa này và với mối quan hệ PH- ~ B-, ta có từ “bẩn” trong “bẩn thỉu” của tiếng Việt hiện đại. Nghĩa thứ 2 của “phấn” trong Hán ngữ đại tự điển là “phân” (cứt) và từ “phân” này chính là một điệp thức của “phấn”, do biến đổi thanh điệu từ khứ sang bình, trong tiếng Việt là từ thanh 5 sang thanh 1. Ở trên, chúng tôi có nói chữ “phấn” thường đọc thành “phẩn”. “Phẩn” chính là một từ dùng để chỉ phân người, thường là phân người bệnh, trong ngôn ngữ trau chuốt và ngôn ngữ ngành y tế miền Nam trước kia.

Chữ “bón” trong “bón cơm” thì chẳng có liên quan gì về nguồn gốc với chữ “bón” trong “bón phân”. Nó là âm xưa của chữ “phôn” [噴], có nghĩa là “phun”, là “nhả”, thường bị đọc thành “phún”. Ở đây ta có một sự “bất bình đẳng” do ngộ nhận: “phun”, gần với “phôn” hơn, lại mặc nhiên bị xem là âm không chính thống còn “phún” mới là âm Hán Việt chính tông! Trở lại với từ “bón”, tuy hiện nay người ta hiểu là “đút thức ăn” (bằng thìa, bằng đũa, v.v…) nhưng theo chúng tôi thì xưa kia, nó từng đồng nghĩa với “mớm”, nghĩa là “nhả” thức ăn từ miệng mình sang miệng người khác, thường là trẻ con và thường là con của người bón. Với chúng tôi thì đây là cái nghĩa gốc đã mất của “bón” trong “bón cơm”.

Chúng tôi chưa tìm được nguồn gốc của “bón” trong “táo bón” nhưng không thấy mối liên hệ ngữ nghĩa hợp lý nào giữa nó với hai từ ‘bón” ở trên.

“Bon’ trong “bon chen” là một điệp thức của “bôn” trong “bôn tẩu”. “Bôn” [奔] là chạy: “bôn ba” là trôi nổi vất vả; “bôn bắc” là thua chạy; “bôn cạnh” là đua chạy tranh giành; “bôn tẩu”, cũng là trôi nổi vất vả; v.v...

Trong “bòn mót” thì “bòn” là âm xưa của chữ “phận” [bên trái là chữ “hòa” 禾, bên phải là chữ “phân” 分], có nghĩa là thu hoạch, gặt hái. Trong tiếng Việt, nó đã trải qua một sự chuyển nghĩa thành “tìm kiếm, góp nhặt từng ít một”, rồi “tìm cách lấy dần từng ít một của người khác”.

“Bỏn xẻn” của miền Nam là một điệp thức của “bủn xỉn” ở miền Bắc (và trong ngôn ngữ toàn dân). “Bỏn/bủn” là điệp thức của “bổn” [笨], có nghĩa là thô xấu, ngu dốt. Sang đến tiếng Việt thì nó dần dần được thu hẹp nghĩa để chỉ tính keo kiệt, một nết xấu về tiền nong. Chúng tôi tin rằng có một thời nó từng được dùng độc lập (chứ không chỉ là một hình vị phụ thuộc). Nhưng dù cho điều này có đúng hay không thì nó cũng đã cùng với “xẻn/xỉn” - là một từ độc lập thật sự - tạo thành từ tổ đẳng lập “bỏn xẻn/bủn xỉn”, trong đó “xẻn” chẳng qua là một điệp thức “chính tà” của “sẻn” trong “dè sẻn”, “tiêu sẻn”, “sẻn sắt”, “sẻn so”, “ăn dè ăn sẻn”, v.v... mà thôi (Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức viết “bỏn sẻn”).

A.C