Bộ Xây dựng họp bàn triển khai loạt tuyến cao tốc chiến lược phía Bắc
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đang nỗ lực triển khai đồng bộ hệ thống đường bộ cao tốc. Tính đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác khoảng 2.268 km đường cao tốc, với hơn 1.833 km đang được thi công. Trong đó, gần 1.000 km sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025, hướng đến mục tiêu có 3.000 km cao tốc vào năm 2025 và 5.000 km vào năm 2030.
![]() |
Đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác khoảng 2.268km đường bộ cao tốc, đang thi công xây dựng khoảng 1.833km (Ảnh minh họa). |
Đối với tuyến Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới, các địa phương liên quan như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên đã thống nhất về sự cần thiết đầu tư và phương thức thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Bộ trưởng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương có văn bản thống nhất phương án giao UBND tỉnh Thái Nguyên làm cơ quan có thẩm quyền, đồng thời nghiên cứu đầu tư đồng bộ cả đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới để bảo đảm quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật toàn tuyến.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng lưu ý các địa phương cần rà soát kỹ phạm vi đầu tư, tránh chồng lấn với các dự án khác như tuyến kết nối sân bay Gia Bình với Thủ đô Hà Nội, đồng thời tận dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có.
Liên quan đến tuyến cao tốc Thái Nguyên (Bắc Kạn) - Cao Bằng, các địa phương đã thống nhất giao UBND tỉnh Cao Bằng làm cơ quan chủ quản. Bộ trưởng đề nghị Cao Bằng chủ trì phối hợp với Thái Nguyên triển khai thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng, bố trí vốn và lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Do tuyến đi qua khu vực đèo núi, đất rừng, các địa phương cũng được yêu cầu rà soát tiêu chí dự án quan trọng quốc gia để thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư công.
Riêng tuyến cao tốc Thái Nguyên - Lạng Sơn, dù chưa nằm trong các quy hoạch liên quan, nhưng được kỳ vọng là tuyến động lực quan trọng nối hai địa phương. Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên và Lạng Sơn cùng rà soát, bổ sung tuyến vào quy hoạch và huy động nguồn vốn hợp pháp để đầu tư. Bộ Xây dựng cam kết sẽ đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình triển khai.
Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Xây dựng), tuyến Hà Nội - Thái Nguyên dài 66 km, quy hoạch 6 làn xe, hiện đang khai thác 4 làn. Chi phí mở rộng dự kiến khoảng 6.800 tỷ đồng. Tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới dài 40 km, hiện đang khai thác 2 làn xe, cần khoảng 10.000 tỷ đồng để nâng cấp.
Đối với tuyến Thái Nguyên - Cao Bằng, dài 87 km, tổng mức đầu tư sơ bộ gần 29.900 tỷ đồng, hai tỉnh đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và kiến nghị đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án.
Tuyến Thái Nguyên - Lạng Sơn, với chiều dài dự kiến 120 km, tổng mức đầu tư khoảng 29.000 tỷ đồng, đang được Bộ Xây dựng xem xét bổ sung vào quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia theo chỉ đạo tại Thông báo số 43 ngày 13/2/2025 của Văn phòng Chính phủ. Đây là bước đi cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông liên kết vùng phía Bắc trong giai đoạn tới.
Đình Khương
-
Đề nghị đẩy mạnh thu phí không dừng tại các bến xe, bãi đỗ trong đô thị
-
Nhiều thủ tục hành chính về bất động sản thay đổi từ ngày 1/7/2025
-
Bộ Xây dựng yêu cầu đảm bảo thủ tục hành chính thông suốt, hiệu quả, không gián đoạn
-
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc xử lý tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng bất thường
-
Gỡ “nút thắt” nguồn cung, bình ổn thị trường vật liệu xây dựng
-
Bộ Xây dựng họp bàn triển khai loạt tuyến cao tốc chiến lược phía Bắc
-
Rà soát, đề xuất bổ sung nhu cầu sử dụng đất phục vụ điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia
-
Quảng Ngãi chấp thuận cho BSR thuê gần 37ha đất để thực hiện Dự án NCMR NMLD Dung Quất
-
Nhiều khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực xây dựng và hạ tầng được giảm 50%