Bộ trưởng Bộ Công Thương: Hàng loạt chi phí định mức trong kinh doanh xăng dầu đã lạc hậu
Tại tổ TP HCM, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đặt vấn đề: “Không chỉ riêng về việc thiếu hụt xăng dầu mà rộng hơn nữa là an ninh năng lượng, tại sao cả nước chỉ có TP HCM tình hình xăng dầu như thế? Vấn đề dự trữ xăng dầu đặt ra với những cơ chế để đầu tư như hiện nay liệu có tương xứng với một khu vực trọng điểm như TP HCM hay không?”. Người đứng đầu UBND TP HCM nhấn mạnh, những vấn đề trên, TP rất cần Trung ương hỗ trợ, phân tích và có giải pháp để giải quyết.
Tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh cho biết, thời gian vừa qua, nguồn cung xăng dầu thiếu hụt dẫn đến đóng cửa nhiều cửa hàng, đặc biệt là trong TP HCM. Đây cũng là vấn đề ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người có thu nhập thấp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên |
Phát biểu tại phiên họp tổ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cả thế giới điêu đứng trong vấn đề năng lượng, giá tăng cao mà không có hàng để mua. Lãnh đạo Bộ Công Thương dẫn chứng, Nga đang khó khăn trong việc bán ra sản phẩm dầu lửa và khí đốt, giá bán lẻ của Nga là 58-60 Rup/lít, so với đồng USD là 1-1,2 USD (tương đương trên 30 nghìn/lít). Trong khi đó, ở Việt Nam duy trì ở ngưỡng 21-25 nghìn đồng/lít, cao nhất ở thời điểm này là 23 nghìn đồng/lít.
“Cho đến thời điểm này, khi dư luận cho rằng thiếu nguồn cung trong nước là hoàn toàn không chính xác. Chúng tôi có những cơ sở, số liệu, kiểm tra, đánh giá một cách rất chi tiết. Hàng ngày chúng tôi có lực lượng quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, kết hợp với Sở Công Thương kiểm soát từng địa bàn, nắm lượng hàng”, Bộ trưởng Công Thương nói.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Giá xăng dầu của chúng ta thấp nhất trong khu vực và có thể nói thấp nhất trên thế giới, trừ Malaysia trợ cấp trong nước thì không nói, còn người nước ngoài sống ở Malaysia vẫn phải mua giá của khu vực, cao hơn bình quân giá của chúng ta”.
Bộ trưởng Công Thương cũng cho biết, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, cho nên biên độ dao động của giá xăng dầu rất cao, trong 10 kỳ điều hành liên tiếp (300 ngày) liên tục giảm, nhưng đến thời điểm này bắt đầu lên. Những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhập với giá cao ở kỳ trước nhưng bán giá thấp đương nhiên bị thua lỗ, khủng hoảng.
Về việc phải bảo đảm cung ứng xăng dầu mà lại có nhiều cửa hàng đóng cửa, Bộ trưởng khẳng định, về nguồn cung, Việt Nam chưa bao giờ thiếu, cho đến thời điểm này, dư luận cho rằng thiếu nguồn cung trong nước là hoàn toàn không chính xác. Bộ có những cơ sở, số liệu, kiểm tra, đánh giá một cách rất chi tiết.
Tư lệnh Bộ Công Thương nêu rõ: Chúng tôi có lực lượng quản lý thị trường, Sở Công Thương kiểm soát trên từng địa bàn để nắm được lượng hàng. Đến thời điểm ngày 30/9/2022, chúng ta còn hàng dự trữ thương mại (hàng dự trữ quốc gia không động đến) là 2,5 triệu khối, năng lực sản xuất của hai nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn trong tháng 10 bảo đảm 80% nguồn cung trong nước với 1,3 triệu khối/tháng.
Theo kế hoạch phân giao, 34 doanh nghiệp đầu mối phải nhập trong kỳ tháng 10 là 500 nghìn khối, như vậy chúng ta đã có hơn 3 triệu khối ở thời điểm cuối tháng 9 và giữa tháng 10, hoàn toàn đáp ứng nguồn cung cho đến hết giữa tháng 11. Trong khi sang tháng 11 tiếp tục sản xuất gối đầu và nhập khẩu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhận định nguồn cung không thiếu nhưng bán ra thị trường lại có khó khăn. “Doanh nghiệp phải nhập với giá cao kỳ trước nhưng trong kỳ với giá thấp, đương nhiên là lỗ mà đã lỗ thì không dám làm. Bên cạnh đó, hàng loạt chi phí định mức của chúng ta đã lỗi thời, lạc hậu” - Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, từ lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy về kho bãi của doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối đều bất cập lạc hậu.
Về tình trạng không xảy ra việc đóng cửa cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên phạm vi cả nước mà chỉ tập trung ở TP HCM và các tỉnh phía Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết là do ở khu vực này có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả.
Thứ hai, vừa qua cơn lốc về chứng khoán, bất động sản cũng có những tác động nhất định. Bộ trưởng lý giải: “Thông thường, những doanh nghiệp làm xăng dầu đều tham gia ít nhiều bất động sản, chứng khoán, nên nguồn tiền bị vơi đi. Đến kỳ nhập hàng, bối cảnh nhập cao, bán thấp thì họ không có nguồn tiền nhập". Cùng với đó là room tín dụng cấp cho các đầu mối hoặc thương nhân phân phối không thay đổi trong khi giá xăng dầu trước đây chỉ 50-60USD/thùng nhưng bây giờ giá cao, thậm chí có thời điểm gấp hơn 2 lần.
Thứ ba, thông thường trước đây các doanh nghiệp trong hệ thống kinh doanh ở từng khu vực họ có nhiều nguồn để lấy, cùng một lúc ký với rất nhiều doanh nghiệp đầu mối, nhưng ký xong rồi không nhập, dẫn đến câu chuyện “lắm mối tối nằm không”, doanh nghiệp đầu mối có quyền từ chối.
Người đứng đầu ngành Công Thương cho biết, Nghị định 95 sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đang có hiệu lực, nhưng vừa qua đã bộc lộ nhiều khuyếm khuyết, Bộ Công Thương đã và đang được giao nhiệm vụ nghiên cứu cùng với các bộ ngành để xem xét, đề xuất sửa đổi.
Bộ trưởng Công Thương cũng nhận trách nhiệm trong quản lý mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên, Bộ trưởng chia sẻ thêm xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ngoài Bộ Công Thương, hiện có 6 bộ ngành cùng quản lý. Trong đó, Bộ Công Thương là cơ quan được giao nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung - tức là nguồn cung xăng dầu ra thị trường và quản lý hệ thống phân phối từ doanh nghiệp đầu mối cho tới thương nhân phân phối.
Thuế, chi phí định mức, chi phí kinh doanh xăng dầu... trong giá xăng dầu là Bộ Tài chính; Bộ Giao thông Vận tải đảm bảo lưu thông mặt hàng này; quản lý chất lượng xăng dầu là Bộ Khoa học và Công nghệ; quản lý môi trường là Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Quốc phòng và các địa phương cũng được giao trách nhiệm này.
Bên cạnh đó, hệ thống kinh doanh xăng dầu có có 4 tầng lớp: Doanh nghiệp nhập khẩu (tức doanh nghiệp đầu mối) - Thương nhân phân phối (doanh nghiệp nhận hàng từ đầu mối/ từ các nhà máy sản xuất trong nước) - Tổng đại lý/ Đại lý - Cửa hàng bán lẻ - Đây là hệ thống do chính quyền các tỉnh, thành phố cấp phép và quản lý trực tiếp. Cho nên, trong việc phân phối thì ngoài việc quản lý kiểm soát, điều tiết doanh nghiệp đầu mối thì rất cần các địa phương vào cuộc kiểm soát và quản lý, xử lý đối với hai cấp độ này. Có như vậy mới đồng bộ, hiệu quả.
Về nguyên tắc xử lý, Bộ trưởng khẳng định, doanh nghiệp nào sai thì kiên quyết xử lý theo luật. Bên cạnh đó, nghị định về kinh doanh xăng dầu cũng đã bộc lộ nhiều khuyến khuyết, sẽ nghiên cứu sửa đổi. Theo Bộ trưởng, nếu rút giấy phép thương nhân phân phối, đồng nghĩa chặt đứt nguồn cung cửa hàng bán lẻ, đại lý.
“Không thể có chuyện "quýt làm cam chịu". Sau này, chúng tôi sẽ làm theo hướng, anh vi phạm thì lần 1 phạt tiền; lần 2 phạt tiền cao hơn và lần 3 thu hồi giấy phép. Anh đi thì người khác sẽ đến, trăm người bán, vạn người mua”, Bộ trưởng khẳng định.
P.V
-
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tham gia sản xuất, tiêu thụ và tham gia vào thị trường điện
-
Giá dầu hôm nay (9/10): Tăng nhẹ trong phiên giao dịch
-
Giá dầu hôm nay (8/10): Dầu thô giảm trong phiên
-
Vừa làm, vừa hoàn thiện thị trường carbon trong nước
-
Giá dầu hôm nay (7/10): Dầu thô giảm trong phiên giao dịch đầu tuần