Bộ Công Thương tìm giải pháp hạn chế nhập siêu từ Thái Lan
Theo bà Lê Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ châu Á - châu Phi, trong 8 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan 3,5 tỷ USD. Trong 36 mặt hàng nhập khẩu nhiều từ Thái Lan có 22 mặt hàng trong nước sản xuất được.
![]() |
Trong 8 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu rau quả từ Thái Lan đã lên tới 618 triệu USD, vượt Trung Quốc dẫn đầu thị trường Việt. |
Năm nhóm mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Thái Lan trong 8 tháng đầu năm 2017, góp phần lớn vào giá trị nhập siêu lớn là hàng điện gia dụng và linh kiện; rau quả; ôtô nguyên chiếc; xăng dầu các loại; chất dẻo nguyên liệu và linh kiện phụ tùng ôtô.
Nhập siêu tăng mạnh do Thái Lan đã xây dựng được nền công nghiệp chế biến trong nước có năng lực cạnh tranh cao, giá cả tốt. Việc các tập đoàn bán lẻ hàng đầu như Central Group, TCC Group đã mua bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam thời gian qua và tiếp tục có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, cũng là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Thái đưa trực tiếp hàng Thái tới người tiêu dùng Việt Nam. Đồng thời, tâm lý chuộng hàng Thái và lộ trình giảm thuế theo cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (AGITA) đã thúc đẩy nhập khẩu gia tăng mạnh.
Bà Lê Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ châu Á - châu Phi nhấn mạnh, để hạn chế nhập khẩu, với nhóm hàng ôtô cần có biện pháp tính thuế nhóm linh kiện, kiểm soát nghiêm việc tiêu thụ hàng giả và xem xét biện pháp phòng vệ thương mại với thép nhập khẩu.
Số liệu từ các cơ quan chức năng cho thấy, bên cạnh việc nhập siêu, tại một số thị trường như Vĩnh Phúc, Hà Nội, thị phần của các doanh nghiệp Thái Lan tương đối lớn (trên 40%). Đây là vấn đề cần lưu ý, do ban đầu tại các thị trường này, các doanh nghiệp Thái Lan không hiện diện, nhưng sau khi mua lại các doanh nghiệp khác thì thị phần họ tăng lên nhanh chóng trong một thời gian ngắn.
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước Nguyễn Duy Đông, sau hơn 10 năm gia nhập WTO, rất nhiều đại gia bán lẻ ngoại đã vào Việt Nam và phát triển khá nhanh. Thời gian tới việc xem xét lại quy chế cấp phép cho hệ thống bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam cần tính toán cụ thể. Hơn thế nữa, tại một số chợ đầu mối thời gian qua đã có hình bóng người Thái đứng sau để điều hành và thu gom hàng hóa.
Về việc hàng Thái Lan xuất hiện ngày càng nhiều hơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng cần khắc phục và giảm dần tình trạng nhập siêu, hướng tới một cán cân thương mại giữa hai nước cân bằng hơn trong thời gian tới.
Ngoài ra, ở góc độ quản lý, không chỉ nhìn ở việc kiểm soát nhập khẩu bằng mọi giá mà cần nhìn một cách tổng thể, từ năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng cần nhìn 2 chiều và có thể chấp nhận nhập siêu ở mặt hàng này nhưng xuất siêu mặt hàng khác vì đây là quy luật của thị trường.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: “Năng lực cạnh tranh cần được cải thiện. Nhiều dòng thuế đã được giảm từ 2005 nhưng chúng ta chưa tận dụng được và không có giải pháp sẽ bỏ lỡ trong giai đoạn tới”.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc quản lý hàng hóa nhập khẩu từ các nước và Thái Lan, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm nhập khẩu và hiệu quả nhập khẩu, đồng thời thúc đẩy đàm phán để Thái Lan tiếp tục mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam.
Mặt khác, để có thể khẳng định chất lượng hàng Việt tại thị trường trong nước và xây dựng niềm tin của người tiêu dùng thì chính các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, đưa ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã với giá thành cạnh tranh để có thể "so găng" được với hàng Thái Lan.
Đối với nông sản, trái cây, cần tập trung xây dựng vùng quy hoạch, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm trái cây Việt Nam có chất lượng tốt và đồng đều, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời hỗ trợ công tác quảng bá, chỉ dẫn địa lý sản phẩm; từng bước hướng tới nền nông nghiệp sạch và hữu cơ.
Trong giai đoạn 2009-2016, nhập khẩu từ Thái Lan tăng trung bình 10,1%/năm, xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan tăng trung bình 16,5%/năm. Nhập siêu tăng từ 3,25 tỷ USD năm 2009 lên 5,16 tỷ USD năm 2016. |
Bùi Công
-
[Infographic] Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2024
-
Tin tức kinh tế ngày 13/9: Samsung rót thêm 1,8 tỷ USD vào Bắc Ninh
-
Tin tức kinh tế ngày 6/6: Nhập siêu bất ngờ quay trở lại
-
Tin tức kinh tế ngày 29/5: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,8%
-
Việt Nam nhập siêu từ Lào hơn 60 triệu USD trong tháng đầu năm
-
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang định hình lại thị trường LPG toàn cầu
-
Đồng USD rơi xuống đáy 3 năm
-
Giá vàng hôm nay (22/4): Tiếp đà tăng mạnh
-
Căng thẳng địa chính trị thắng thế tình trạng u ám trên thị trường dầu mỏ
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 22/4: EU chuẩn bị công bố chiến lược năng lượng mới