Bí kíp vượt dịch ngoạn mục của Uniqlo, thương hiệu của tỷ phú Nhật Bản
Trong buổi phỏng vấn với Nikkei, ông Tadashi Yanai - Chủ tịch kiêm CEO Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo - xuất hiện với bộ sơ mi trắng, bên ngoài khoác chiếc áo mỏng tối màu. Ông sải bước vào phòng họp, nơi được trang trí bằng một bản đồ thế giới phức tạp và một bức thư pháp Nhật Bản được đóng khung ghi "Số một thế giới".
Là một trong những tỷ phú giàu nhất Nhật Bản, ông Yanai chắc chắn có thể mua được những bộ quần áo đắt tiền, sang trọng hơn nhiều so với bộ quần áo mà ông đang mặc. Tuy nhiên, ông đã làm giàu bằng cách trở thành người truyền bá cho trang phục đời thường.
Tỷ phú Nhật Bản Tadashi Yanai, Chủ tịch kiêm CEO Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo (Ảnh: Nikkei). |
Ngày nay, hầu như không thể tìm thấy bất kỳ ai ở Nhật Bản chưa từng sắm hay mặc đồ của Uniqlo. Nhiều chuyên gia nhận định, sự thành công của Uniqlo có thể bắt nguồn từ chính sự yêu thích của người Nhật đối với triết lý sống "đơn giản cho đời thanh thản - Danshari" lần đầu xuất hiện vào khoảng năm 2010-2011.
Ý nghĩa của Danshari nằm trong chính 3 từ viết tắt: Dan nghĩa là từ chối (mang về nhà những thứ không cần thiết), Sha nghĩa là vứt bỏ (những thứ vướng víu trong nhà) và Ri nghĩa là tránh xa (việc mua sắm vật chất lãng phí).
Các sản phẩm của Uniqlo thường lược bỏ tất cả những phần trang trí hay thiết kế cầu kỳ theo đúng triết lý sống "càng đơn giản càng tốt" của người Nhật. Chính nhờ sự tối giản này đã giúp cho Uniqlo trụ vững qua trong hai năm đại dịch trong khi nhiều hãng thời trang bán lẻ khác lao đao.
Doanh thu bùng nổ
Mới đây, công ty mẹ của Uniqlo, Fast Retailing đã công bố doanh thu Uniqlo tại Nhật Bản đạt 842,6 tỷ yên, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận hoạt động cao nhất trong lịch sử được ghi nhận cho Uniqlo Nhật Bản là 123,2 tỷ yên, tương đương tăng 17,7% trong năm tài chính 2021. Doanh số cửa hàng trong năm tài khóa 2020-2021 tăng 3,6%, lợi nhuận tăng 18% so với năm trước do nhu cầu trang phục mặc thường ngày tăng vọt khi người dân phải ở nhà nhiều hơn.
Tại thị trường quốc tế, Uniqlo ghi nhận mức tăng đáng kể về cả doanh thu và lợi nhuận trong năm tài chính 2021, với doanh thu đạt 930,1 tỷ yên, tăng 10,2% theo năm và lợi nhuận tăng lên mức 111,2 tỷ yên, tăng 121,4%.
Trên thực tế, thị trường Trung Quốc đại lục đã báo kết quả kỷ lục, với mức doanh thu tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận tăng 52,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Uniqlo Hàn Quốc báo cáo doanh thu cả năm giảm nhẹ và đang tìm cách xoay xở để vực dậy sau nhiều biến động.
Ngược lại, Uniqlo Nam Á, Đông Nam Á và châu Đại Dương báo cáo lợi nhuận hoạt động giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước trong năm tài chính 2021, do đây là những khu vực chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.
Cụ thể, các chi nhánh của Uniqlo ở Malaysia, Thái Lan và Philippines đã ghi nhận giảm cả về doanh thu và lợi nhuận, trong khi doanh thu và lợi nhuận tăng ở Singapore, Indonesia, Ấn Độ, Australia và Việt Nam báo cáo tăng mạnh.
Cửa hàng Uniqlo đầu tiên tại Việt Nam trong ngày khai trương (Ảnh: Getty). |
Doanh số bán hàng của Uniqlo phục hồi mạnh ở Bắc Mỹ sau khi các hạn chế Covid-19 được nới lỏng từ tháng 5 trở đi, giúp hoạt động của hãng tại Bắc Mỹ báo lãi trong nửa cuối năm và giảm một nửa khoản lỗ cả năm.
Uniqlo châu Âu cũng báo cáo doanh thu khu vực tăng mạnh và lợi nhuận hoạt động khả quan nhờ vào doanh số bán hàng online tăng mạnh và hoạt động hiệu quả tại Nga.
Nhìn chung, lệnh hạn chế đi lại nhằm kiểm soát dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu về quần áo hằng ngày tăng vọt và việc cắt giảm chi phí góp phần đem lại kết quả bội thu cho Uniqlo. Trong đó, sự phục hồi nhu cầu tại các thị trường nước ngoài trọng yếu như Trung Quốc, Bắc Mỹ và châu Âu đã bù đắp cho các thị trường bị ảnh hưởng.
Những khó khăn trong đại dịch
Cửa hàng Uniqlo tại thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: SCMP). |
Tuy doanh thu bùng nổ, Uniqlo vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong suốt hai năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thực tế, một số cửa hàng Uniqlo ở Nhật Bản đã phải giảm giờ hoạt động theo các quy định phòng dịch. Hoạt động tại thị trường Đông Nam Á như Indonesia, Việt Nam đã phải đóng băng kéo dài do biến thể Delta.
Nhà bán lẻ thời trang nhanh của Nhật cũng dự kiến những tác động tiêu cực từ sự chậm trễ trong sản xuất và vận chuyển trong thời gian này. Hồi tháng 9, Fast Retailing cho biết việc phát hành các bộ sưu tập quần áo mới bị trì hoãn do các nhà máy đối tác phải đóng cửa do đại dịch.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng nguyên liệu từ Myanmar và Trung Quốc cũng làm đảo lộn kế hoạch kinh doanh của Uniqlo.
Ông Yanai cũng từng bày tỏ lo ngại về giá nguyên liệu thô tăng và lạm phát. "Trong bối cảnh nguyên liệu thô trên toàn cầu tăng vọt, chúng tôi tin rằng lạm phát có khả năng xảy ra ở tất cả loại sản phẩm", ông Yanai nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm, Chủ tịch Fast Retailing cũng nhấn mạnh rằng xung đột chính trị đang khiến môi trường kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Theo ông, sự lây lan của Covid-19 đã khiến nền kinh tế của nhiều quốc gia ưu tiên hướng nội, dẫn đến xung đột chính trị giữa các nước và các động thái chia rẽ thế giới ngày càng gia tăng.
"Thời trang nhanh" nhưng chất lượng
Chất lượng không phải là thứ người ta nghĩ đến khi sử dụng thời trang nhanh. Tuy nhiên, Uniqlo đã tạo dựng được uy tín là hãng thời trang bán các sản phẩm bền lâu. Trong thời đại của thời trang nhanh và thời kỳ đại dịch bùng phát mạnh mẽ, những món đồ của Uniqlo vẫn được xem là khoản đầu tư hợp lý.
Đó là bởi đại dịch Covid-19 kéo dài khiến cho các quốc gia áp lệnh hạn chế đi lại, hầu hết mọi người phải làm việc tại nhà. Thương hiệu Nhật Bản hiểu rõ sự thuận lợi về việc thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng đến từ xu hướng ăn mặc giản dị khi phải làm việc trong thời điểm giãn cách xã hội. Do đó, những sản phẩm tưởng chừng như đơn giản, không cầu kỳ của Uniqlo lại càng có "đất diễn" hơn trong đại dịch.
Sự đơn giản của Uniqlo không được đánh giá cao trong những ngày đầu ra mắt (Ảnh: Daily Hive). |
Ngoài ra, Uniqlo còn sử dụng một số công nghệ đặc trưng. Áo khoác phồng của hãng được cách nhiệt bởi loại vải siêu nhẹ, giúp chúng bớt cồng kềnh và dễ đóng gói hơn. Quần áo giữ nhiệt của Uniqlo cùng nhiều mặt hàng khác của hãng cũng được đánh giá là thoải mái và bền hơn.
Những mặt hàng như quần dài và áo sơ mi của Uniqlo có giá ở mức trung, đắt hơn chút đỉnh so với sản phẩm của các đối thủ. Tuy nhiên, theo Nikkei, đây vẫn là một mức giá phải chăng với đa số người tiêu dùng.
Chiến lược kinh doanh của Uniqlo cũng có sự khác biệt so với những hàng thời trang ăn liền nổi tiếng khác như Zara, H&M… Hãng thời trang Nhật không gây sốt bằng cách hợp tác cùng các nhà thiết kế đình đám, điều mà H&M vẫn thường làm trong vài năm gần đây.
Ngoài ra, theo The Fashion Law, nếu như đối thủ Zara chỉ mất khoảng 2 tuần để tung ra lô hàng mới cùng với những kiểu mốt thịnh hành nhất, thì mỗi đợt sản xuất hay ra mắt sản phẩm mới của Uniqlo phải được lên kế hoạch trước đó một năm.
Uniqlo không chuyên những sản phẩm hợp thời mà hướng đến những thứ cơ bản đến mức tối giản. Không giống các đối thủ chạy theo xu hướng của mình, Uniqlo vẫn chỉ bán đồ basic: áo thun, quần jean, áo len, áo khoác.
Chính nhờ áp dụng lối sống tối giản, Uniqlo đã chiếm trọn được tình cảm của người tiêu dùng trên toàn cầu và đây cũng chính là động lực giúp cho Chủ tịch kiêm CEO Fast Retailing Tadashi Yanai cũng đang quyết tâm đẩy nhanh tốc độ phát triển của Uniqlo ở nước ngoài.
"Tiến độ tiêm chủng vaccine và việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh đã thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Chúng tôi sẽ mở các cửa hàng mới trên toàn cầu nhanh hơn bao giờ hết", ông nói.
Theo Dân trí
-
8 tháng, thu ngân sách ngành thuế đạt hơn 77% dự toán
-
Tin tức kinh tế ngày 13/9: Samsung rót thêm 1,8 tỷ USD vào Bắc Ninh
-
Cán bộ, người lao động Agribank ủng hộ 01 ngày lương khắc phục hậu quả bão số 3
-
Việt Nam - Chiết Giang (Trung Quốc) tăng cường trao đổi, hợp tác cùng tiến
-
5 lý do khiến thị trường dầu mỏ toàn cầu ảm đạm