“Bây giờ duy... lợi nhiều hơn!”

07:00 | 06/01/2014

2,061 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước sự gia tăng của những hiện tượng tiêu cực gây xôn xao dư luận thời gian qua, nhiều nhà giáo dục, nhà đạo đức lên tiếng ca thán rằng: Đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng! Song, vì sao đạo đức xuống cấp, căn nguyên của nó là gì? Giải pháp khắc phục ra sao? Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp, nguyên Trưởng khoa Nhân học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM xung quanh những vấn đề này.

Năng lượng Mới số 288

Phải đảm bảo công bằng xã hội

PV: Dưới góc nhìn nhân học, PGS sẽ nói gì khi nhìn vào những tiêu cực xã hội, những vụ án gây chấn động dư luận thời gian gần đây, thưa PGS?

PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp: Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã nói đến rất nhiều các hiện tượng tiêu cực xã hội. Những thông tin này cũng dự báo cho chúng ta một nguy cơ dẫn đến khủng hoảng về giá trị. Khủng hoảng giá trị dẫn đến những tác động về kinh tế, xã hội mà chúng ta không lường hết được. Vì vậy, đây là vấn đề từ quan chức lãnh đạo Nhà nước đến người dân ai cũng quan tâm. Tôi muốn nhấn mạnh một điểm là chúng ta phải lý giải hiện tượng này như thế nào, từ đó có định hướng cho việc giáo dục cho thế hệ trẻ và toàn dân để ngăn ngừa, khắc phục được nguy cơ xuống cấp đạo đức xã hội ngày nay. Mà để lý giải, nhìn nhận vấn đề này, chúng ta phải nhìn từ cấp độ vĩ mô đến cấp độ vi mô.

PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp

Đất nước chúng ta từ khi đổi mới đến giờ mới khoảng 3 thập kỷ. Chúng ta đã chuyển từ kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường. Đây là cơ hội cho đất nước phát triển. Nhưng sự chuyển đổi này cũng dẫn đến hàng loạt sự biến đổi không những về kinh tế mà còn cả về xã hội, văn hóa, đi sâu đến tận những vấn đề đạo đức, tâm lý của người dân, của quan chức. Khi đất nước chuyển sang kinh tế thị trường, chúng ta thấy GDP tăng lên, đời sống của người dân tăng lên đáng kể và bộ mặt kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi không ngờ. Đây là một thành tựu rất lớn. Nhưng kéo theo đó thì việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế cũng đã để lại những hậu quả xã hội, văn hóa. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, Việt Nam mới bước vào sân chơi này nên cũng gặp những khó khăn, phức tạp mà chính những người quản lý không lường trước được hết.

PV: Phải chăng PGS đang muốn nói đến sự phân hóa giàu nghèo ngày càng mạnh kéo theo đó là những mâu thuẫn xã hội phát sinh ngày càng nhiều và hệ quả của nó là những hiện tượng tiêu cực xã hội nảy sinh từ đó?

PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp: Hệ quả xã hội đầu tiên của kinh tế thị trường là sự phân hóa giàu nghèo. Sự phân hóa này dẫn đến có những người giàu lên nhanh chóng, là những người có chức, có quyền, những nhà kinh doanh lợi dụng khe hở luật pháp trong quá trình chuyển đổi kinh tế để làm giàu nhanh chóng, thậm chí làm giàu bất chính. Kinh tế thị trường dẫn đến cạnh tranh khốc liệt. Một bộ phận người dân không có cơ hội nên rơi vào đói nghèo. Mặc dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhưng chưa đáng kể, họ vẫn tiếp tục rơi vào thất nghiệp, nghèo đói. Chính sự phân tầng xã hội sâu sắc trong hơn 3 thập kỷ qua ở Việt Nam dẫn đến mâu thuẫn và xung đột xã hội xuất hiện, mà trước đây trong thời bao cấp không có.

Mâu thuẫn xã hội nảy sinh từ bản thân sự phát triển kinh tế xã hội, vì thế muốn giải quyết các vấn đề về kinh tế xã hội thì phải giải quyết được vấn đề mấu chốt này. Tức là kinh tế thị trường để phát triển đất nước, phát triển kinh tế nhưng đồng thời phải giải quyết vấn đề công bằng xã hội và chống bất công. Phải giải quyết được những bất công xã hội thì mới giảm thiểu được mâu thuẫn xã hội. Khi đó, những hệ lụy kéo theo, những vấn đề văn hóa, đạo đức sẽ được giải quyết. Đó là cái gốc của vấn đề.

Ngoài ra, khi chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, văn hóa, đạo đức cũng có những thay đổi. Một trong những sự thay đổi rất quan trọng là những giá trị tốt đẹp của truyền thống có nguy cơ bị mai một và những giá trị đó cũng phải biến đổi để thích ứng với điều kiện kinh tế, xã hội mới. Những giá trị đó không còn giữ nguyên như trước đây. Ví dụ, trước đây nghèo, nhưng người ta sống với tình nghĩa, thì bây giờ người ta sống với duy lợi nhiều hơn. Người ta đặt vấn đề lợi ích của  bản thân, của từng gia đình, của từng đơn vị lên trước tiên. Và vì cái duy lợi, một số người ta sẵn sàng bất chấp mọi giá trị tốt đẹp khác.

Chúng ta phải lưu ý, khi chuyển sang kinh tế thị trường, kinh tế đi trước, thay đổi và phát triển rất nhanh. Khi giá trị cũ, giá trị truyền thống bị mai một, bị thay đổi thì chỉ trong thời gian ngắn, chúng ta chưa xây dựng được giá trị mới để đáp ứng được những nhu cầu phát triển kinh tế xã hội ngày nay. Chính sự thiếu vắng của những giá trị mới mà chúng ta phải xây dựng nên trong đời sống tâm lý xã hội, đạo đức bị hụt hẫng. Chúng ta chưa định hướng cho toàn thể xã hội hướng theo những giá trị mới để xây dựng cuộc sống hài hòa hơn, vừa phát triển kinh tế, vừa phát triển xã hội, đảm bảo công bằng và xây dựng văn hóa mang tính nhân bản.

Một vấn đề nữa là chúng ta mới bước vào sân chơi kinh tế thị trường chưa lâu, vì vậy mà tâm lý bao cấp vẫn còn. Thêm nữa là chúng ta thiếu hẳn những định chế xã hội có tính hiệu quả để ngăn chặn, giám sát, giáo dục và thậm chí là phải loại trừ những tiêu cực phát sinh. Ngoài ra, còn là sự xuất hiện những nhóm lợi ích chi phối, khuynh đảo các vấn đề kinh tế, xã hội, tác động rất lớn đến đời sống của người dân.

PV: Nhiều người bi quan cho rằng xã hội ngày nay quá nhiều người vô cảm. Họ dửng dưng trước cái xấu, cái ác. Nhưng không hẳn như thế, thực tế xã hội chúng ta vẫn còn bao nhiêu người tốt, họ sẵn sàng đứng lên tố cáo, chống lại cái xấu, cái ác. Tuy nhiên, hệ quả từ việc đứng ra chống tiêu cực mà họ nhận được lại rất bẽ bàng, người thì bị trả thù đến mất mạng, người bị mất việc. Đó cũng chính là lý do các “anh hùng” ngày càng ít dần đi. PGS nghĩ sao?

PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp: Trước tiên, tôi khẳng định rằng, một trong những yếu tố tham gia chống tiêu cực quan trọng nhất là sự tham gia của người dân trong tiến trình dân chủ hóa xã hội. Việc chống tiêu cực nếu chỉ trong nội bộ thì rất khó vì tâm lý xã hội nói chung là không muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Vì thế Nhà nước cần phải có cơ chế và hệ thống luật pháp đảm bảo cho sự tham gia của người dân. Họ phải được bảo vệ về mặt pháp lý, không bị những phần tử xấu gây hại. Nhưng rất tiếc là hệ thống luật pháp của chúng ta hiện nay chưa tạo điều kiện cho sự tham gia của người dân. Nhiều khi người dân tham gia chống tiêu cực thì gặp phải nhiều khó khăn trong cuộc sống. Sự e ngại dần dần sẽ dẫn đến thái độ vô trách nhiệm của người dân đối với tiêu cực, sự thờ ơ, vô cảm trước những hiện tượng xã hội cũng từ đó dần sinh ra.

Như vậy, chúng ta không thể trách người dân vô cảm, thiếu trách nhiệm với đất nước mà đó là lỗi lớn của cơ quan công quyền. Khi cái ác lên ngôi, cái ác thành phổ biến thì cái tốt trở thành thiểu số và đứng thế yếu nên khó có thể chống cái ác. Vì thế xã hội phải biểu dương, tôn vinh và bảo vệ cái tốt thì khi đó những yếu tố xã hội lành mạnh mới có thể khôi phục trở lại.

Giáo dục chỉ dạy chữ mà chưa dạy làm người!

PV: Thưa PGS, có nhiều những hạn chế, bất ổn trong vấn đề giáo dục mà dư luận đặc biệt lên tiếng và cả những quan chức ngành giáo dục cũng thừa nhận thời gian qua. Những hạn chế đó có tác động như thế đến các hiện tượng tiêu cực xã hội, đạo dức xuống cấp và đặc biệt nhất là sự xấu ác ngày càng được “trẻ hóa” không?

PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp: Khi bước sang nền kinh tế thị trường, triết lý về giáo dục, mục tiêu và nội dung của giáo dục chưa có định hướng tốt. Đó là lâu nay giáo dục của chúng ta vẫn nặng về học chữ trong khi đó triết lý của giáo dục phổ thông phải là học để làm người, kết hợp với học chữ để mưu sinh, lập nghiệp. Hạt nhân quan trọng nhất của giáo dục làm người là tính nhân bản, tính nhân bản là một trong những cốt lõi của triết lý giáo dục, mục tiêu tối thượng của giáo dục. Nhưng trong giáo dục của chúng ta chưa thể hiện rõ. Từ cha mẹ đến nhà trường đều quan trọng nhất là thành tích, học để lấy điểm, học để vào được đại học, kiếm công ăn việc làm, nhưng không nghĩ là học để làm người. Đó là điều hỏng nhất của triết lý giáo dục hiện nay.

Những hiện tượng tiêu cực xã hội xảy ra trong thời gian gần đây

Những thành tựu của tâm lý học và nhân học hiện đại đã khẳng định rằng nhân cách của con người được định hình từ khi mới sinh ra cho đến khi 7-8 tuổi. Tính cách đó có thay đổi nhưng ít trong suốt quá trình trưởng thành của con người. Giai đoạn này cần giáo dục nhân bản, giáo dục để làm người nhất, phải giáo dục về kỹ năng sống, những hành vi, những giá trị tốt đẹp để làm người… nhưng chúng ta lại coi nhẹ từ gia đình cho đến nhà trường, ngoài xã hội. Gia đình thì nghĩ rằng chăm lo cho con đủ ăn, đủ mặc, được học hành là đủ. Giáo dục nhà trường thì chạy theo thành tích, vì điểm, vì những thứ khác mà coi nhẹ vấn đề giáo dục nhân bản. Và trong bối cảnh kinh tế, xã hội thay đổi rất nhanh dẫn đến khủng hoảng về mặt tâm lý, người ta không điều chỉnh được hành vi của cá nhân trước các hiện tượng xã hội. Khi tình trạng đó diễn ra, dẫn đến hệ quả là những tiêu cực xã hội xuất hiện.

Nói thêm về cái xấu, cái ác ngày càng “trẻ hóa” thì trước hết, chúng ta phải thấy rằng môi trường xã hội hiện nay chưa lành mạnh nên thế hệ trẻ là những người tiếp thu và bị tiêm nhiễm nhanh nhất. Thế hệ trẻ là thế hệ sinh ra trong thời kỳ kinh tế thị trường nên tiếp nhận những giá trị tích cực, cũng như tiêu cực mới rất nhanh. Giới trẻ sống trong môi trường đó nhưng triết lý, mục tiêu, nội dung giáo dục chúng lại sai lệch. Giáo dục đã không chuẩn bị đầy đủ hành trang cho thế hệ trẻ bước ra ngoài xã hội, bước vào cuộc sống từ tri thức, giá trị đạo đức, kỹ năng sống. Vì vậy, họ mặc dù có thể có kiến thức về khoa học kỹ thuật, nhưng thiếu rất nhiều kỹ năng. Bằng chứng là sinh viên, cán bộ của chúng ta khi làm việc ở các công ty nước ngoài đều phải được đào tạo lại không chỉ về kiến thức mà cả kỹ năng sống, cách làm việc nhóm, cách sống với cộng đồng, với tập thể để làm việc tốt.

Truyền thông phải định hướng cho bạn đọc

PV: Dư luận xã hội lên án các trang mạng khi phơi bày ra quá nhiều những hiện tượng tiêu cực xã hội với mục đích câu khách. Điều đó đúng, song ở một khía cạnh khác truyền thông cũng chỉ là tấm kính phản chiếu muôn mặt đời sống mà chúng ta tồn tại trong đó. Vậy có nên đổ lỗi cho truyền thông không, thưa PGS?!

PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp: Có một thực tế là các trang báo mạng chỉ đăng tải những hiện tượng tiêu cực của xã hội nhằm câu khách, mà không phê phán, không nêu gương người tốt nên không định hướng được cho người đọc, nhất là thế hệ trẻ cần sống như thế nào trong xã hội hiện nay. Việc quản lý truyền thông và phương tiện thông tin đại chúng của chúng ta hiện nay còn hạn chế. Những vấn đề về sex, bạo lực, game thì tràn lan, không ai quản lý. Thế hệ trẻ dễ dàng tiếp cận nên dễ bị tiêm nhiễm. Truyền thông không xây dựng được những giá trị mới để giúp cho thế hệ trẻ hoàn thiện nhân cách và định hướng cho họ trong cuộc sống.

Tôi đồng ý với anh là truyền thông là tấm gương phản chiếu xã hội, nhưng khi qua phương tiện truyền thông, các hiện tượng xã hội bị “khúc xạ” qua lăng kính của người viết, ý đồ của những người làm truyền thông, sự việc không còn nguyên sự thật trần trụi như nó vốn có. Đối với một người không được trang bị những kiến thức văn hóa đầy đủ thì sẽ tiếp nhận yếu tố tiêu cực nhiều hơn là tích cực.

PV: Lĩnh vực y tế và giáo dục đều được xã hội tôn vinh, hai ngành này đặt vấn đề đạo đức lên hàng đầu thì lại xảy ra nhiều scandal. Bác sĩ thì tắc trách làm chết bệnh nhân, làm giàu trên lưng người bệnh; thầy giáo “gạ tình lấy điểm”, thỉnh thoảng đưa học sinh vào nhà nghỉ… PGS nghĩ gì về những hiện tượng tiêu cực này?

PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp: Ở các nước khác, công chức Nhà nước được đảm bảo cuộc sống tối thiểu, có nhà, có phương tiện, đồng lương đủ cho tiêu dùng hằng ngày. Họ không giàu có, nhưng là thành phần trung lưu, sống đời sống ổn định, tốt đẹp. Vì vậy họ làm tốt những công việc Nhà nước giao cho họ. Ở Việt Nam thì chưa được, đồng lương Nhà nước lại không đảm bảo được đời sống nên một bộ phận vì mưu sinh họ phải tìm mọi cách kiếm sống từ đối tượng là người dân.

Giáo viên ép học trò học thêm, bác sĩ tìm cách gây khó để bệnh nhân đút lót, công viên chức tìm mọi cách gây khó khi người dân đến cơ quan công quyền để có phong bì, có tiền “bôi trơn”. Đó là một trong những nguyên nhân làm đảo lộn các giá trị. Có thể những người đó không muốn làm như vậy nhưng họ phải chấp nhận. Còn những người lương thiện, những người không biết đút lót, chạy chọt để giải quyết vấn đề thì rơi vào ngõ cụt và mất niềm tin vào cơ quan công quyền. Đó đã là sự thật mà cả xã hội ai cũng bức xúc!

Ngoài ra đó là chuyện giáo dục đạo đức nghề nghiệp, khi bạn đã tham gia vào nghề nhà giáo, y bác sĩ hay báo chí, những nghề có liên quan trực tiếp đến sinh mạng, cuộc sống con người thì phải có chương trình đào tạo hẳn hoi về đạo đức nghề nghiệp. Khi bạn tốt nghiệp ra trường thì bạn phải tuyên thề là trung thành và giữ gìn đạo đức nghề nghiệp của mình. Đến khi bạn hành nghề thì có những hội nghề nghiệp kiểm soát về hoạt động nghề nghiệp cũng như đạo đức nghề nghiệp của bạn bằng những định chế hẳn hoi. Nếu vi phạm bạn sẽ bị tước cơ hội làm nghề, mất phương tiện kiếm sống. Vì thế nhà giáo, bác sĩ… luôn ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ nhân cách đạo đức của mình. Nhưng nước ta chưa làm được điều đó nên cũng dẫn đến việc một bộ phận những y bác sĩ, nhà giáo… có biểu hiện suy thoái đạo đức.

PV: Đứng trước nguy cơ đạo đức xã hội xuống cấp đó thì chúng ta cần có những biện pháp gì để những giá trị tốt đẹp của con người được phát huy và những điều xấu xa bị đẩy lùi, thưa PGS?

PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp: Để làm được điều đó thì phải đặt ra những vấn đề rất lớn. Đó là không chỉ toàn dân và các cấp lãnh đạo Nhà nước phải làm sao tạo ra một môi trường về xã hội, văn hóa, giáo dục… tốt đẹp, lành mạnh. Chính môi trường tốt đẹp và lành mạnh đó sẽ tự nó sẽ ngăn chặn, giám sát, giáo dục và sẽ xử lý những việc làm không tốt, cũng như những hành vi vi phạm đạo đức. Môi trường xã hội là môi trường sống mà con người không thể thoát ra khỏi nó nên môi trường đó tốt thì đương nhiên xã hội tốt, con người tốt và ngược lại. Chúng ta phải nhớ là phát triển không phải chỉ có kinh tế, kinh tế chỉ là một yếu tố quan trọng để phát triên thôi, cái quan trọng nhất đó chính là hướng đến phát triển con người, vì con người. Con người có nhân cách, đạo đức, con người có đời sống lương thiện, tốt đẹp, con người quan tâm đến mình, đến đồng loại, sống không chỉ vì mình mà còn vì người khác… thì xã hội sẽ tốt đẹp thôi!

PV: Cảm ơn PGS về cuộc trao đổi này!

Lê Trúc (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc