Bắt giữ hàng nghìn máy móc, linh kiện nhập lậu

17:14 | 13/06/2015

4,784 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hàng nghìn mô tơ, hàng trăm máy phát điện và vô số linh kiện cơ khí đã qua sử dụng trên hai chiếc xe đầu kéo đã bị Cục Cảnh sát Phòng, chống Tội phạm Buôn lậu (C74, Bộ Công an) phối hợp với Công an tỉnh Bắc Kạn phát hiện và bắt giữ trên đường nhập lậu vào nội địa tiêu thụ. Đây là chiến công đầu tay của C74 sau 3 ngày thành lập…

Nhập hàng đã qua sử dụng…

Theo Thiếu tá Dương Văn Tuân - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Kinh tế và Tham nhũng (PC46, Công an tỉnh Bắc Kạn), qua công tác nắm tình hình, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Bắc Kạn phối hợp với C74 phát hiện và bắt giữ hai xe đầu kéo của Công ty Trách nhiện hữu hạn Một thành viên Tiền Phương Bắc có hành vi chở máy móc, linh kiện cơ khí đã qua sử dụng. Bước đầu, cơ quan liên ngành xác định, những máy móc, thiết bị này đã qua sử dụng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, được nhập cảnh qua cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng).

Những chiếc máy phát điện đã qua sử dụng được nhập lậu vào Việt Nam.

Tại cơ quan điều tra, chủ hàng cũng như lái xe đều thừa nhận nhập hàng từ biên giới Việt  - Trung rồi đem về Bắc Giang tiêu thụ. Toàn bộ máy móc này là hàng đã qua sử dụng, sau khi về nước được tân trang lại như mới trước khi tung ra thị trường.

“Trên hai chiếc xe đầu kéo này chở hàng nghìn mô tơ phát điện ba pha, hàng trăm máy phát điện và linh kiện cơ khí… ước tính số hàng này có trọng lượng khoảng 150 tấn với giá trị trên chục tỉ đồng” - một lãnh đạo C74 cho biết.

Theo quan sát của chúng tôi, những chiếc máy phát điện, mô tơ, linh kiện cơ khí bị bắt giữ đều qua sử dụng. Nhiều máy móc bị biến dạng trong quá trình vận chuyển và không có khả năng hoạt động. Thế nhưng, những máy móc này sau khi được nhập về Việt Nam sẽ được “mông má” thành những chiếc máy mới trước khi tung ra thị trường.

Trên thùng chiếc xe đầu kéo mang biển kiểm soát 98C - 069.87 có hàng nghìn máy móc, mô tơ và linh kiện đè lên nhau. Rất nhiều chiếc mô tơ ba pha không còn nguyên hình dạng ban đầu của nhà sản xuất, nhưng vẫn được nhập về Việt Nam. Còn chiếc xe đầu kéo mang biển kiểm soát 98C – 06333 lại chủ yếu là linh kiện máy tời, máy xúc, cần cẩu…

Có mặt trong đoàn kiểm đếm hàng lậu, anh Nguyễn Bá Dũng - kỹ sư cơ khí nhận định, những chiếc mô tơ ba pha này có giá trị hàng chục triệu đồng khi còn mới. Khi đã qua sử dụng nó chỉ là phế liệu nhưng vẫn có giá từ 1 đến 2 triệu đồng. Nếu những chiếc mô tơ này còn hoạt động tốt, sau khi được nhập về nước sẽ được gia công lại, trông chẳng khác chiếc máy mới là bao và được bán như máy mới cóng.

Cũng theo vị kỹ sư này, rất nhiều linh kiện, máy móc rất lạ, chưa gặp bao giờ. Đây cũng là cái khó trong công tác kiểm kê và định giá tài sản.

Máy mô tơ ba pha đã qua sử dụng, chỉ là những phế liệu nhưng vẫn được nhập cảnh.

Đúng như lời Thiếu tá Dương Văn Tuân nói, nhiều nước có nền công nghiệp phát triển, đặc biệt là Trung Quốc đang coi Việt Nam như một bãi rác về công nghiệp. Những máy móc này đã qua sử dụng, tuổi thọ không còn nhiều và chủ nhân của nó không còn sử dụng. Tuy nhiên, khi về Việt Nam nó lại là mặt hàng hiếm. Nhiều người không am hiểu, chạy đua theo công nghệ, vô tình biến mình thành nơi tiêu thụ rác thải công nghiệp với giá cắt cổ.

“Để phát hiện và bắt giữ lô hàng này, lực lượng trinh sát C74 đã phải mất khá nhiều công sức và thời gian theo dõi các đối tượng buôn lậu. Thậm chí, chúng tôi phải cử lực lượng sang bên kia biên giới – nơi đầu nguồn của hàng lậu để nắm bắt thông tin. Mọi diễn biến của các đối tượng đều nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng trinh sát. Ngay khi chúng về tới địa phận thuộc tỉnh Bắc Kạn C74 đã phối hợp với Công an tỉnh Bắc Kạn tiến hành kiểm tra và bắt giữ” – lãnh đạo C74 nói.

Cũng theo vị lãnh đạo này, đây là mẻ lưới đầu tiên từ ngày thành lập Cục Cảnh sát phòng, chống Tội phạm buôn lậu. Chiến công của ngày hôm nay sẽ là động lực để Cục phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ buôn lậu. Đây cũng là chiến công chào mừng 70 năm truyền thống ngành Công an nhân dân.

Việt Nam là bãi rác công nghiệp…!

Theo cán bộ C74, vài năm trở lại đây, các mặt hàng như ôtô, điện thoại di động, đồ điện tử, linh kiện cơ khí luôn chiếm tỉ trọng nhập siêu cao nhất trong các mặt hàng nhập khẩu ở nước ta. Nhưng tuổi thọ của chúng rất ngắn và nhanh chóng lỗi thời. Vì lợi ích trước mắt, vô hình trung biến Việt Nam trở thành điểm dừng chân của rác thải công nghiệp.

Ngoài ra, nhiều cá nhân, doanh nghiệp còn bất chấp các quy định để nhập rác thải điện tử, công nghiệp. Chính vì vậy, lượng rác thải công nghiệp ở Việt Nam mỗi năm đều tăng lên nhanh chóng.

Hai chiếc xe đầu kéo của Công ty Trách nhiệm hữu hàng Một thành viên Tiền Phương Bắc.

Mặt khác, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 đều hướng tới việc đưa Việt Nam trở thành nước phát triển về công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, công nghiệp vẫn là những ngành sản xuất còn quá “non trẻ”. Tuy nhiên, thay vì ủng hộ nền công nghệ nội, không ít người tiêu dùng Việt Nam lại có xu hướng chạy theo tốc độ phát triển như vũ bão của các sản phẩm công nghệ trên thế giới. Bằng chứng là những sản phẩm công nghệ cao như máy tính bảng, điện thoại, linh kiện, máy móc công nghiệp đều được nhập cảnh vào nước bằng con đường tiểu ngạch, đã qua sử dụng. Nhiều người bỏ ra cả tỉ bạc để mua một chiếc máy phát điện, nhưng có ngờ đâu rằng cái máy mình đang sở hữu chỉ là hàng đã qua sử dụng được tân trang lại.

Ở các nước phát triển, việc xử lí rác thải công nghiệp bị cơ chế quản lý nghiêm ngặt và rất tốn kém. Khi tiêu hủy các loại rác thải điện tử, nếu đem chôn, các chất hóa học sẽ thấm vào nguồn nước ngầm, chì trong mạch điện, pin, ắc qui, thủy ngân trong màn hình LCD, cadmium trong mạch in, ống đèn hình… Nếu đem đốt sẽ tạo ra khí độc dioxin được tạo ra trong quá trình đốt nhựa halogen hay trong quá trình nung chảy mà khí thoát ra không được xử lý thích hợp. Thế nhưng, hầu như nhiều nơi tái chế vẫn chỉ có 2 cách này được dùng để xử lí rác điện tử.

Nói về cái khó trong công tác chống buôn lậu, Thiếu tá Dương Văn Tuân cho rằng, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu rất tinh vi và manh động. Trước những chiếc xe chở hàng lậu, chúng đều cử người đi tiền trạm và lợi dụng ban đêm khi lực lượng chức năng nghỉ mới hoạt động. Đặc biệt, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, chúng liều mạng chống trả hòng tẩu thoát.

Ngày 10/6,  Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định thành lập Cục Cảnh sát Phòng, chống Tội phạm buôn lậu (C74,  thuộc Tổng cục Cảnh sát).

Theo quyết định, Đại tá Ngô Kiên - Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an được bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng, chống Tội phạm buôn lậu.

Theo Đại tướng Trần Đại Quang, việc thành lập Cục Cảnh sát Phòng, chống Tội phạm buôn lậu là chủ trương đúng đắn, đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt của lực lượng Cảnh sát Phòng, chống Tội phạm buôn lậu, nhằm tập trung nhân lực, vật lực, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống loại tội phạm trọng điểm này, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước ta.

T. Minh – X. Hinh (Năng lượng Mới)