Đổi mới đào tạo của Đại học Sư phạm Hà Nội:

Bất cập ngay từ đề án

20:08 | 05/05/2014

524 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội vừa công bố đề án đổi mới mô hình và chương trình đào tạo để lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia. Theo đề án này, nếu sinh viên học đủ tín chỉ và đảm bảo chuẩn chất lượng đối với giáo viên trung học cơ sở thì có thể lựa chọn dừng việc học và chỉ lấy bằng cao đẳng. Tuy nhiên, đề xuất này hiện đang nhận được những phản hồi không tích cực.

Đổi mới hai giai đoạn

Trước tình trạng “báo động đỏ” về chất lượng nguồn nhân lực ngành giáo dục, PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm đặt vấn đề: Giáo dục phổ thông nước ta đã trải qua 3 cuộc cải cách giáo dục các năm 1950, 1956 và 1979; nhưng vẫn chưa có cuộc đổi mới cơ bản nào trong đào tạo ở các trường ĐH đào tạo ngành sư phạm. Vì vậy, trường ĐH Sư phạm Hà Nội có trọng trách đặc biệt trong việc chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo của nước nhà. Tuy nhiên, mô hình đào tạo, chương trình, giáo trình hiện hành của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội còn nhiều hạn chế và đã bộc lộ nhiều bật cập trước những đòi hỏi của ngành giáo dục.

Ông cũng cho rằng, tiến trình đào tạo giáo viên của Việt Nam đang chậm đổi mới so với thế giới. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, mô hình giáo viên phổ thông trực tiếp kèm cặp cho sinh viên ngành sư phạm về kỹ năng, phương pháp giảng dạy, sinh viên vừa học vừa thực hành liên tục (đan xen một buổi lên lớp với một buổi thực tập thực tế môi trường giảng dạy tại các trường phổ thông) cũng rất được quan tâm phát triển tại nhiều quốc gia.

Sinh viên có quyền dừng học để nhận bằng CĐ và giảng dạy tại trường THCS.

PGS.TS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh, quan điểm đổi mới chương trình đào tạo sư phạm hiện nay phải được xây dựng trên quan niệm mới về người giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đất nước. Mặt khác, chương trình mới được xây dựng tổng thể với tầm nhìn xuyên suốt cả quá trình và trong mỗi giai đoạn trước mắt, trung hạn và dài hạn, đảm bảo sự liên kết chặt chẽ có tính bền vững tương đối giữa nội dung chương trình trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT).

Đồng thời, chương trình đào tạo lại phải tinh giản, thiết thực và hiệu quả, hình thức thích hợp với từng đối tượng; ngành học phải có tính liên thông để sinh viên phát triển nghề nghiệp và chuyên môn trong tương lai.

Theo đề án đổi mới mô hình và chương trình đào tạo của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khung chương trình đào tạo vẫn giữ mức 4 năm, nhưng sẽ đào tạo để dạy tích hợp - phân hóa và được chia 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, nếu sinh viên đã học đủ tín chỉ, đảm bảo chuẩn chất lượng đối với giáo viên trung học cơ sở (90 tín chỉ) thì có thể lựa chọn dừng việc học, lấy bằng cao đẳng (CĐ). Giai đoạn 2 đào tạo để dạy phân hóa, đạt chuẩn của giáo viên trung học phổ thông, cấp bằng ĐH (150 tín chỉ, trong khi khung chương trình Bộ Giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) quy định chỉ khoảng 130 tín chỉ).

Không thể đào tạo kiểu “cắt khúc”

Khi vừa được đưa ra để lấy ý kiến, đề án đổi mới mô hình và chương trình đào tạo của trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã khiến các chuyên gia giáo dục và giáo viên băn khoăn, bởi hiện nay ngành GD-ĐT đang hướng đến mục tiêu tất cả giáo viên ở các bậc học phải có trình độ cử nhân; đặc biệt với bậc ĐH sẽ dần xóa bỏ tình trạng “cử nhân dạy cử nhân”. Đồng thời, chương trình đào tạo giáo viên THCS và giáo viên THPT không thể là phép cộng đơn giản khi đối tượng người học có tâm sinh lý rất khác nhau.

Nhiều ý kiến cho rằng, với khung chương trình mới này, ĐH Sư phạm Hà Nội đang coi đào tạo giáo viên bậc THCS là “trạm dừng” trong đào tạo giáo viên bậc THPT. Nghĩa là sinh viên được đào tạo trong giai đoạn một để dạy tích hợp và có thể lựa chọn dừng học khi chưa đạt chuẩn trình độ cử nhân.

TS Ngô Thị Thu Dung, trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, nếu chỉ đào tạo một giai đoạn rồi cấp bằng CĐ cho sinh viên thì cũng đồng nghĩa với việc các trường ĐH sư phạm cung cấp một “sản phẩm” dang dở cho xã hội.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển.

TS Dung băn khoăn: “Đặt mình vào vị trí người học, chúng ta cũng không làm như vậy. Chỉ trừ trường hợp như bị kỷ luật, bị đuổi học, chúng ta nói nếu em xuống CĐ thì chúng tôi cấp bằng cho em. Như vậy liệu bậc THCS người ta có nhận những giáo viên mà vì một lý do gì đấy không được phép tiếp tục học cử nhân, chỉ có bằng CĐ về dạy không? Chắc chắn với tư cách là người sử dụng, các trường họ sẽ không nhận”.

Mục tiêu của đề án đổi mới chương trình đào tạo giáo viên của trường ĐH Sư phạm Hà Nội là đào tạo ra các cử nhân sư phạm có thể giảng dạy được nhiều chương trình giáo dục. Tuy nhiên, phương án chia khung chương trình thành 2 giai đoạn và có thể cấp bằng cao đẳng cho sinh viên mới học hết giai đoạn một được coi như một cách đào tạo “nửa vời”.

GS Đỗ Đức Thái - Khoa Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng việc cố gắng giảm nhẹ số tín chỉ đào tạo giáo viên, nhất là với giáo viên giảng dạy các môn tích hợp tới đây là không tưởng. GS nhấn mạnh: “Nói đơn giản, một quyển sách giáo khoa toán quá mỏng là thảm họa, không thể tạo ra môi trường trải nghiệm đủ để kiến tạo kiến thức. Đó chỉ là cách đánh lừa dư luận. Tôi có đứa con học lớp 6, một tiết 45 phút cô giáo phải dạy nào mặt phẳng tọa độ, cách xác định điểm trên mặt phẳng tọa độ, cho một điểm tìm hai tọa độ, cho hai tọa độ tìm ra điểm, rồi đồ thị hàm số... Những khái niệm khó như thế, tôi là giáo sư toán và cũng là một “thợ dạy”, một thầy, một trò mà mất cả giờ”.

Trước băn khoăn của các chuyên gia giáo dục về đề án đổi mới chương trình và đào tạo của trường ĐH Sư phạm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh yêu cầu đặt ra cho xây dựng chương trình đào tạo trong các trường Sư phạm là phải đáp ứng tính linh hoạt và mang hướng mở; trong đó lại phải vừa mang tính tích hợp cao, vừa phân hóa và phải đáp ứng liên thông cả CĐ và ĐH. Đồng thời, Thứ trưởng nhấn mạnh theo chuẩn nghề nghiệp thì cử nhân sư phạm tốt nghiệp phải dạy được cả THCS và THPT. Sinh viên sư phạm cần được trải nghiệm thực tế nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu nhà giáo sau này. 

Thứ trưởng cho rằng, tới đây tiếp tục bàn kỹ hơn chương trình đào tạo nên xây dựng 135 hay 150 tín chỉ, nhưng phải khẳng định đạo tạo ở các trường sư phạm là 4 năm, không thể ít hơn và cũng không thể kéo dài. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đồng tình với tỷ trọng thời gian dành cho đào tạo nghiệp vụ sư phạm là 25% thời gian khung chương trình đào tạo. Đồng thời lưu ý, bổ sung và làm đậm nét nội dung phẩm chất đạo đức của người giáo viên, chú trọng hơn đến việc đưa giáo sinh vào trải nghiệm thực tế giáo dục ở các trường Phổ thông.

Khánh An