“Bắt bài” phim Hàn

16:04 | 22/04/2013

1,698 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Có một số mô típ được lặp đi lặp lại trong lối tư duy cũng như cách thức giải quyết vấn đề của phim Hàn mà ai cũng có thể thấy. Vấn đề là đã biết nó sẽ đi con đường như vậy nhưng khán giả vẫn bị cuốn hút.

Bài viết này sẽ đề cập và diễn giải những đặc điểm thường thấy, cũng như một vài thuật ngữ dễ gặp trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc.

Tuổi tác: Ở Hàn Quốc, tuổi được tính từ khi thai nhi còn trong bụng mẹ. Do đó khi sinh ra thì xem như đứa bé đã được một tuổi. Vì thế trong các bộ phim Hàn khi nhân vật nói cô ấy 20 tuổi thì có lẽ chỉ vào khoảng 19 theo cách tính tuổi phổ biến trên thế giới hiện nay. Còn nếu có dịp đến Hàn Quốc và được hỏi về tuổi thì đơn giản bạn chỉ cần nói năm sinh của mình.

Jang Nara trong phim Baby Faced Beauty

Người trẻ nhất: Trong tiếng Hàn gọi là maknae với nghĩa rất rộng, dùng để gọi người con út trong gia đình, thành viên trẻ nhất trong ban nhạc hay “lính mới” vào công ty. Trong bộ phim  Baby Faced Beauty, Jang Nara thủ vai một cô gái đóng giả thân phận của cô em gái ruột nhỏ hơn mình 10 tuổi. Khi đến công ty, vì là một maknae nên nhân vật của Jang bị “đì” không thương tiếc không những trong công việc mà còn phải nhận trách nhiệm “hậu cần” cho mọi người trong văn phòng.

Quan niệm xã hội về tuổi tác: Những người trẻ tuổi phải nghe lời những người lớn hơn, ngược lại những tiền bối có trách nhiệm “cố vấn” cho hậu bối. Điều này được phân định rõ ràng ngay cả trong một cặp anh em hoặc chị em sinh đôi. Giữa các sinh viên và đồng nghiệp thì sự phân cách càng rõ dù chỉ hơn kém nhau một tuổi. 

Ví dụ trong bộ phim đình đám School 2013, Lee Jong Suk thủ vai nhân vật Go Nam Soon, là một trong số những vai chính của bộ phim, đẹp trai, có chút gì đó bí ẩn và rất cuốn hút. Điều này làm các bạn cùng lớp rất thoải mái đùa giỡn và xưng hô bằng tên với Nam Soon. Nhưng sau đó một học sinh mới xuất hiện, người này biết được thân phận thật của Nam Soon. Nên trong cuộc nói chuyện riêng trong một nhóm bạn, cậu học sinh mới đã công khai thách thức Nam Soon: “Cậu đã nói dối về tuổi đúng không? Họ nghĩ cậu là bạn của họ.” Nam Soon thực chất lớn hơn các bạn cùng lớp một tuổi. Trong quan niệm người Hàn, điều này có nghĩa anh không thể nào làm bạn “thật sự” với họ. Họ phải dùng kính ngữ khi nói chuyện với Nam Soo và dứt khoát không được dùng những cử chỉ đùa giỡn kiểu bạn bè.

Lee Jong Suk vai Go Nam Soon trong School 2013

Hoặc trong bộ phim The Woman Who Still Wants to Marry, một trong 3 nhân vật nữ chính Shin Young (Park Jin Hee) yêu Ha Min Jae (Kim Bum) một người nhỏ hơn 10 tuổi. Đây được xem là một điều “động trời” trong xã hội Hàn Quốc. Trong phim có vài cảnh Min Jea làm Shin Young “sốc” khi anh từ chối dùng các kính ngữ dành cho người lớn tuổi hơn để gọi cô. Cũng như có nhiều cảnh mọi người bàn luận về cách xưng hô của Min Jae đối với Shin Young. Vì đúng theo lẽ thường, Min Jae phải gọi Shin Young là noona (chị) hoặc cô Lee hay cô Lee Shin Young. Nhưng anh từ chối gọi bất cứ ai là noona và gọi Shin Young là Shin Young Shi hoặc Shin Young Ah. Cả hai cách gọi này đều cho thấy sự bình đẳng và gọi vậy làm Shin Young trẻ hơn tuổi thật.

Nhìn chung, tuổi tác luôn là một vấn đề hiện diện thường ngày trong xã hội Hàn Quốc. Hầu như không có một cuộc trò chuyện nào lại không đề cập một chút về tuổi tác vì nó quyết định cách họ nói chuyện và ứng xử với đối phương. Và đó là lý do tại sao ta hay thấy việc một ai đó (nhất là giới nghệ sĩ) bị phát hiện khai gian tuổi lại trở thành một scandal dù chỉ chênh lệch 1-2 năm.

Những cú cốc đầu của tiền bối: Đây là cảnh thường thấy trong các bộ phim tình cảm xứ kim chi. Bạn sẽ thấy học sinh lớp trên có quyền cốc đầu lớp dưới. Hoặc con trai cốc đầu con gái chứ không phải ngược lại, ngoại trừ giữa chị gái và em trai. Đó là biểu hiện của tình cảm yêu thương trìu mến nếu bạn được quyền cho phép làm vậy. Nhưng ngược lại đó sẽ là xúc phạm và tấn công người khác. Cũng có một vài trường hợp ngoại lệ nhưng dùng để biểu trưng cho một mối quan hệ tình cảm lãng mạn hay một tình bạn cực kỳ thân thiết. Ví dụ như trong một tập của What’s Up? nhân vật Jang Jae Hun (Im Joo Hwan) tình cờ làm Park Tae Hee (Kim Ji Won) khóc. Anh chàng hối lỗi bằng cách cúi đầu xuống và bảo Tae Hee cốc đầu mình với hy vọng sẽ làm cho cô thấy thoải mái hơn và không khóc nữa. Nhưng thay vào đó Tae Hee chỉ xoa đầu Jae Hun như một chú cún con.   

Còn có rất nhiều những thói quen, cách cư xử tưởng như chỉ trên phim ảnh nhưng thực ra nó phản chiếu một phần nào quan niệm sống cũng như một nét văn hóa nào đó trong xã hội Hàn Quốc, chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập trong bài viết sau…

Thành Lê