Bảo vệ trẻ em trên… mạng Internet

22:53 | 25/05/2017

1,008 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ 1-7-2017, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng Internet; cá nhân đưa thông tin bí mật, đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng Internet phải được sự đồng ý của cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và của riêng trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, quy định này khó thực hiện triệt để...

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em ban hành ngày 9-5-2017.

Cấm đưa ảnh trẻ lên mạng

bao ve tre em tren mang internet
Bà Ninh Thị Hồng

Điều 33, Chương IV, Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng Internet, định nghĩa: Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân, thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em, tài sản cá nhân, số điện thoại, địa chỉ thư tín cá nhân, địa chỉ về nơi ở; thông tin về trường lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em cũng như thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

Trên cơ sở này, Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng Internet; cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng Internet phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng Internet phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.

Khi phát hiện thông tin cá nhân của trẻ bị phát tán trên các trang mạng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đưa thông tin lên mạng xóa bỏ các thông tin này để bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em. Khi trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, Cơ quan Công an có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ em khi tham gia môi trường mạng; trẻ em có bổn phận tìm hiểu, học kiến thức, rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng. Các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải hướng dẫn việc sử dụng dịch vụ, sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, tiếp cận thông tin để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải có biện pháp sử dụng dịch vụ bảo vệ người sử dụng là trẻ em.

Nghị định 56/2017/NĐ-CP cũng quy định, cơ quan quản lý Nhà nước về thông tin, truyền thông; về giáo dục, đào tạo; về giáo dục nghề nghiệp; về trẻ em; các tổ chức hoạt động vì trẻ em; tổ chức hoạt động trên môi trường mạng có trách nhiệm tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực, phổ biến kỹ năng cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên, trẻ em và cơ quan, tổ chức có liên quan về lợi ích, tác động tiêu cực của môi trường mạng Internet đối với trẻ em. Việc phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, an toàn thông tin và các lĩnh vực có liên quan. Cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ em khi tham gia môi trường mạng Internet; trẻ em có bổn phận tìm hiểu, học kiến thức, rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng. Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải hướng dẫn việc sử dụng dịch vụ, sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, tiếp cận thông tin để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Khó thực hiện triệt để

Liên quan đến vấn đề này, bà Ninh Thị Hồng - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhận định: “Việc bảo vệ thông tin của trẻ quy định trong Nghị định 56/2017/NĐ-CP là đúng đắn. Nghị định này sẽ bảo vệ, tránh rủi ro cho các em trên môi trường mạng Internet. Những quy định này đã đề cập đến những vấn đề nóng, cần được quan tâm trong xã hội hiện nay. Cha mẹ, người thân hoặc các cơ quan, cá nhân khác muốn đưa thông tin của trẻ em lên Internet cần phải cân nhắc hoặc khi trẻ đã đủ 7 tuổi nên hỏi ý kiến của trẻ trước khi đăng tải thông tin của trẻ lên mạng”.

bao ve tre em tren mang internet
Cha, mẹ vô tư đăng tải thông tin của trẻ lên các trang mạng xã hội mà không ý thức được những mối nguy hiểm xung quanh (ảnh minh họa)

Bà Hồng cũng cho rằng, quá trình thực hiện không tránh được khó khăn, nhưng nếu kiên trì, nghị định sẽ đem lại kết quả khả quan. “Ngay bây giờ, muốn thực hiện được phải tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn dư luận và tạo được thói quen cho phụ huynh, đặc biệt phải thông tin về quy định cho trẻ - đối tượng được bảo vệ ở đây” - bà Hồng nói.

Ở một góc độ khác, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền cho hay, Nghị định 56/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-7 tới, trong quá trình thực hiện có thể sẽ gặp một số rào cản.

Nữ chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về việc mất bảo mật thông tin trẻ em tại các đơn vị dịch vụ khi các bậc cha mẹ bắt buộc phải khai hồ sơ. “Việc thất thoát thông tin của trẻ thường phát sinh nhiều nhất ở bệnh viện, trường học, các trung tâm liên quan đến trẻ em... Ở những nơi này, việc quản lý thông tin của trẻ đơn giản vẫn là ghi chép bằng tay hoặc các phần mềm nội bộ tự phát. Nếu thông tin của trẻ bị rò rỉ ra ngoài thì việc truy cứu trách nhiệm không hề dễ dàng” - chuyên gia tâm lý Phạm Hiền nói.

Để ngăn chặn tình trạng lộ, lọt thông tin của trẻ, nữ chuyên gia cho rằng nên có trang thiết bị, phần mềm tối ưu tại đơn vị chủ quản cao nhất để bảo vệ trẻ em. Từ đó có thể quản lý tự động và nhanh chóng phát hiện việc truyền thông tin bất hợp phát. Bên cạnh đó, cũng cần phải có kế hoạch tuyên truyền các thông tin đến với người dân, giúp các bậc phụ huynh nhận biết mức độ quan trọng của hành vi đăng thông tin của trẻ lên mạng Internet. Bởi không phải ai cũng có thể vượt qua thói quen muốn “khoe” con hoặc “tự sự” trên mạng xã hội.

“Chỉ có thể kiểm soát một phần các đơn vị liên quan đến trẻ, nhưng số lượng cha mẹ tự đưa thông tin của con trên mạng thì nhiều vô kể. Quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi bậc cha, mẹ trong việc bảo vệ an toàn cho con và cái tâm trong nghề nghiệp của các đơn vị dịch vụ liên quan đến trẻ” - chuyên gia tâm lý Phạm Hiền nói.

Xuân Hinh - Đinh Hương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc