Báo động chất lượng thực phẩm cho trẻ
Hầu hết tại các khu vực trường tiểu học, THCS, THPT và thậm chí là các lớp học hè, vui chơi giải trí trên địa bàn Hà Nội luôn có một “tổ hợp” các hàng rong, quán cóc vây quanh. Những quán “ẩm thực” vỉa hè này đều bày bán các loại ô mai, bánh kẹo, các loại kem gia công đóng túi nilon, nem chua rán, sữa chua, thịt nướng…
Qua khảo sát của chúng tôi, hiện nay có khoảng gần 30 loại thực phẩm mang nhãn mác Trung Quốc, không có nhãn phụ tiếng Việt kiểu như vậy được bày bán tại các hàng quán vỉa hè. Từ các loại dạng khô, dạng cô đặc đến dạng nước đóng chai, thế nhưng cả người bán cũng không biết thực chất đó là gì, được chế biến từ những thành phần nào. Khi được hỏi nguồn hàng lấy từ đâu, đa số người bán đều cho biết, họ có mối lấy hàng từ các khu tạp hóa tại chợ Đồng Xuân, chợ Nghĩa Tân, các quầy bán buôn bánh kẹo Hàng Buồm. Có “đại lý” mang đến tận nơi giao với giá bán buôn, không đi lấy trực tiếp nên bản thân người bán cũng chẳng biết nguồn gốc hàng xuất phát từ đâu. Ngoài hàng đóng gói, nhiều quán còn kinh doanh các loại mặt hàng chế biến như nem chua rán, bánh khoai, bánh chuối, hoa quả dầm, xôi… Rồi lại có những quầy bán nem chua rán theo kiểu “di động”, các khâu chế biến, rán nem, bốc nem đều ở trên một chiếc khay nhỏ, người bán không đeo găng tay. Khay đựng thực phẩm không có đồ che đậy, không có chỗ ngồi ăn, tương ớt nhoe nhoét vương vãi rất mất vệ sinh nhưng lại có nhiều khách hàng nhí ghé thăm vì mức giá siêu “bèo”, chỉ 2.000 đồng/cái.
Trước thực trạng trên, nhiều phụ huynh e ngại khi nói đến chất lượng các loại thực phẩm vỉa hè, hàng rong. Nhưng mặc dù đã cấm đoán, trẻ vẫn “lén lút” mua về để ăn do đó rất khó kiểm soát được hành vi của trẻ. Theo quan sát của phóng viên, rất nhiều em nhỏ không cần sự chỉ dẫn của bố mẹ mà tự ý mua quà vặt ăn. Trẻ không hề biết tác hại của những loại hàng trôi nổi này, trong khi người bán bất chấp tất cả vì lợi nhuận.
Các chuyên gia dinh dưỡng đã phân tích và cảnh báo: Hiện nay nhu cầu về sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm cho trẻ em đang phát triển mạnh mẽ với rất nhiều chủng loại đa dạng. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển này là không ít mối đe dọa về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với trẻ nhỏ. Trong đó, số lượng ngộ độc thực phẩm ở trẻ tại các thành phố lớn như TP HCM mỗi năm lên đến vài trăm ca. Và ngay tại nơi có điều kiện sống tốt hơn thì vấn đề VSATTP dành cho trẻ vẫn đáng báo động. Nhiều thực phẩm có lượng phẩm màu, chất bảo quản và các chất phụ gia khác… vượt mức cho phép.
TS Lê Thị Hồng Hảo, Phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia – Bộ Y tế cho biết, sự lạm dụng các loại hóa chất trong sản xuất thực phẩm ngày càng phổ biến. Từ năm 2008 đến nay liên tục xảy ra các vấn đề về an toàn thực phẩm, trong đó có cả thực phẩm dành cho trẻ nhỏ. Điển hình nhất trong năm 2008 là cơn bão melamin (protein giả) trong sữa, sang năm 2009 là việc sữa có hàm lượng protein thấp, năm 2010 là vấn đề Biphenol-A trong bình uống sữa có nguy cơ gây ung thư và kẹo phát sáng có PAH. Năm 2011 với sự việc cốm có chứa phẩm màu ngoài danh mục, thạch rau câu chứa chất tạo đục DEHP độc hại, lạp xưởng làm từ “mỡ thối”. Trong năm 2011, thống kê cho thấy có gần 200 vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước với 4.700 trường hợp mắc. Tỉ lệ trẻ em từ dưới 4 tuổi bị ngộ độc thực phẩm trong 10 năm qua chiếm 4,1% số mắc, chiếm 3,9% số đi viện và 4,7% số chết trong tổng số các vụ ngộ độc thực phẩm.
Theo TS Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục ATVSTP – Bộ Y tế, sự vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm dành cho trẻ nhỏ ngày càng tăng mạnh. Nếu như năm 2010 có 99 sản phẩm được công bố thì năm 2011 tăng lên 135 và riêng 4 tháng đầu năm 2012 đã có tới 31 sản phẩm. Trong khi đó, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, vi phạm ghi nhãn, vi phạm về hàm lượng thành phần so với công bố. Đại diện ngành y tế, TS Nguyễn Hùng Long cho biết, tới đây, các cơ sở sản xuất thức ăn cho trẻ nhỏ sẽ buộc phải áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo GMP hoặc HACCP.
Bộ Y tế cũng sẽ chỉ định các tổ chức có đầy đủ năng lực kiểm nghiệm đánh giá và chứng nhận hợp quy. Phương thức đánh giá phù hợp sẽ chặt chẽ hơn so với công bố tiêu chuẩn sản phẩm chỉ dựa vào kết quả thử nghiệm trên mẫu thử hay mẫu thử do doanh nghiệp tự gửi.
Trước thực tế những gì đã và đang diễn ra trên thị trường, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, trước hết mỗi bà mẹ hãy là một người tiêu dùng thông thái. Bởi chính sự thông thái sẽ giúp các bà mẹ biết cách lựa chọn cho con sản phẩm nào đảm bảo an toàn thực phẩm hơn.
Phan Phương
-
Xử lý nghiêm vi phạm về buôn lậu, hàng giả, mất an toàn vệ sinh thực phẩm
-
Ngăn chặn thực phẩm bẩn dịp Tết - câu chuyện không hề cũ
-
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới
-
Tôm Việt - Đang mất dần lợi thế
-
Hà Nội hạn chế tổ chức các chương trình đón Trung thu tập trung đông người
-
Việt Nam sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng với trách nhiệm cao nhất
-
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 16 luật, pháp lệnh mới được thông qua
-
Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump điện đàm
-
[VIDEO] Tổng Bí thư Tô Lâm: Chính quyền phải đổi mới tư duy, cách làm và tác phong phục vụ nhân dân
-
Tổng Bí thư Tô Lâm: "Quản lý, quản trị đều phải tốt"