Bản tin Năng lượng xanh: Các Bộ trưởng G7 đặt mục tiêu mới cho năng lượng mặt trời và gió

19:07 | 18/04/2023

4,683 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hôm Chủ nhật (16/4), Nhóm 7 quốc gia giàu có (G7) đã đặt ra các mục tiêu chung mới cho năng lượng mặt trời và năng lượng gió ngoài khơi, nhất trí tăng tốc độ phát triển năng lượng tái tạo và tiến tới loại bỏ nhiên liệu hóa thạch nhanh hơn.

Các Bộ trưởng G7 đặt mục tiêu mới cho năng lượng mặt trời và gió

Ngày 16/4, các Bộ trưởng G7 đã kết thúc hai ngày họp về chính sách khí hậu, năng lượng và môi trường tại thành phố Sapporo, Nhật Bản. Các nguồn nhiên liệu tái tạo và an ninh năng lượng đã trở thành một vấn đề cấp bách mới.

Tuy nhiên, họ đã không tán thành thời hạn năm 2030 để loại bỏ dần than đá mà Canada và một số thành viên đã thúc đẩy, đồng thời để ngỏ khả năng tiếp tục đầu tư vào khí đốt, nói rằng lĩnh vực này có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng tiềm tàng.

Trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có, điều quan trọng là phải đồng thời đưa ra các biện pháp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và thúc đẩy an ninh năng lượng.

Mặc dù thừa nhận rằng có nhiều con đường khác nhau để đạt được mức trung hòa carbon, nhưng G7 đã nhất trí về tầm quan trọng của việc hướng tới một mục tiêu chung vào năm 2050. Trong thông cáo chung, các thành viên cam kết cùng nhau tăng công suất điện gió ngoài khơi lên 150 gigawatt vào năm 2030 và công suất năng lượng mặt trời lên hơn 1 terawatt.

Dave Jones, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dữ liệu tại tổ chức tư vấn năng lượng Ember cho biết: “Các cam kết về năng lượng mặt trời và gió là những tuyên bố có tầm quan trọng to lớn, cho thấy họ sẽ dựa vào nguồn siêu năng lượng của mặt trời và gió để loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch”. Hy vọng rằng cam kết này sẽ tạo ra một động lực đối với Nhật Bản, nơi năng lượng gió ngoài khơi là phần còn thiếu trong hệ thống năng lượng hỗn hợp, để đạt mục tiêu phi carbon nhanh chóng hơn.

Anh tìm cách mở rộng chương trình hỗ trợ năng lượng tái tạo

Hôm thứ Hai (17/4), Chính phủ Anh cho biết có kế hoạch mở rộng chương trình hỗ trợ năng lượng tái tạo hàng đầu của mình để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này.

Chương trình Hợp đồng cho sự khác biệt (CfD) là cơ chế của Chính phủ Anh để hỗ trợ các dự án sản xuất điện carbon thấp mới của Anh, như các dự án năng lượng mặt trời và gió ngoài khơi. Theo CfD, các nhà phát điện được đảm bảo một mức giá cố định, đã thỏa thuận trước cho lượng điện mà họ cung cấp trong thời hạn của hợp đồng và bán năng lượng ít carbon của họ ra thị trường.

Cho đến nay, chương trình này đã hỗ trợ 26,1 gigawatt (GW) cho các dự án carbon thấp, nhưng Chính phủ Anh cho biết cần có những thay đổi để "đối mặt với những thách thức mà ngành năng lượng tái tạo hiện đang phải đối mặt".

Tuyên bố của Chính phủ trích dẫn phát biểu của Adam Berman, Phó Giám đốc tại Hiệp hội thương mại ngành năng lượng Anh, cho biết các yếu tố như lạm phát, tăng giá hàng hóa và áp lực từ cạnh tranh quốc tế có nghĩa là Anh sẽ phải tiếp tục nỗ lực để thu hút đầu tư cần thiết để đạt được mục tiêu Net Zero và an ninh năng lượng.

Chính phủ Anh đã đặt mục tiêu tăng mạnh sản lượng điện gió khi họ tìm cách đạt được mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050 và trở nên độc lập hơn với năng lượng nhập khẩu.

Công ty Ma-rốc OCP vay 110 triệu USD để xây dựng 4 nhà máy năng lượng mặt trời

Nhà sản xuất phân bón và phốt phát thuộc sở hữu nhà nước của Ma-rốc OCP cho biết họ đã ký một thỏa thuận với Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), chi nhánh đầu tư của Ngân hàng Thế giới, về khoản vay trị giá 100 triệu euro (110 triệu USD) để xây dựng 4 nhà máy năng lượng mặt trời. Khoản vay này là một phần trong kế hoạch đầu tư của OCP trị giá 130 tỷ dirham (12,8 tỷ USD) để tăng sản lượng phân bón sử dụng năng lượng tái tạo vào năm 2027.

Trong một tuyên bố, OCP cho biết 4 nhà máy năng lượng mặt trời, với công suất cực đại ước tính là 202 MW, sẽ được xây dựng tại các khu vực Benguerir và Khouribga, nơi có trữ lượng phốt phát lớn nhất Ma-rốc.

Công ty đã báo cáo doanh thu kỷ lục vào năm ngoái là 11,2 tỷ đô la, tăng 36%, nhờ vào giá phân bón cao, chiếm 64% tổng doanh thu. Lợi nhuận tăng 72,6% lên 28 tỷ dirham (2,8 tỷ USD) trong cùng năm.

Theo dữ liệu chính thức, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong công suất lắp đặt của Ma-rốc hiện ở mức 41%. Nước này có kế hoạch tăng tỷ lệ này lên 52% vào năm 2030.

Thanh Bình

(Source: Reuters)